Tục “lì xì” đầu năm: Nét đẹp truyền thống đang bị mai một, biến tướng

Thứ Bảy, 09/02/2019, 06:59
Mỗi mùa Xuân mới, ai cũng háo hức mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến, mọi vận hạn, rủi ro sẽ ở lại cùng năm cũ. Bởi thế, từ nhiều đời nay, Tết Nguyên đán mang trong mình nhiều phong tục hướng tới ý nghĩa đó. Tục mừng tuổi hay còn gọi là “lì xì” đầu năm mới cũng không nằm ngoài ước vọng đó.


Ước vọng tốt đẹp

Hồi còn thơ bé, tôi cũng như bất cứ đứa trẻ nào đều mong ngóng Tết đến thật nhanh. Tết được mua áo mới, Tết được ăn ngon, được nghỉ học vui chơi thỏa thích, và Tết được mừng tuổi… Nhưng cái háo hức được mừng tuổi cách đây mấy chục năm khác với cái háo hức được mừng tuổi bây giờ. Ngày đó, chỉ những người thân thiết như cô dì chú bác hay bố mẹ mới mừng tuổi.

Thời buổi khó khăn, người ngoài, họ hàng xa mừng tuổi rất ít. Điều đặc biệt, thứ mà bọn trẻ chúng tôi được mừng tuổi không phải là tiền mà là sách, truyện và bóng bay. Người lớn mừng tuổi dành lời chúc trang trọng, thân tình cho trẻ con, còn con trẻ thì đón nhận một cách trân trọng và háo hức.

Tôi còn nhớ, cậu tôi đã chuẩn bị những cuốn truyện tranh để mừng tuổi đúng  ngày đầu tiên của năm mới. Những đứa cháu như tôi được đón nhận nó trong sự hào hứng vô cùng. Cầm cuốn truyện trên tay, chị em chúng tôi chọn một góc tĩnh lặng, ngồi ngấu nghiến từng chữ.

Cậu bé này đã loay hoay với tiền mừng tuổi ngay tại thời khắc đón Giao thừa.

Ký ức tuổi thơ về tục mừng tuổi của những đứa trẻ giờ đã hơn 30, 40 tuổi hầu như là vậy. Và, lứa tuổi chúng tôi cũng đều hiểu rằng, nhận quà mừng tuổi là để ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi, vâng lời thầy cô, bố mẹ. Đó chính là ý nghĩa tốt đẹp được lưu truyền trong dân gian.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cũng phân tích rất rõ ý nghĩa của tục mừng tuổi trong ngày Tết. Ông phân tích, lì xì khác với mừng tuổi. Lì xì mang nghĩa tương tự như mở hàng, tức là cả năm buôn bán, dành tiền lãi làm từ thiện, trước là làm từ thiện cho con cháu trong nhà để sang năm mới được mua may bán đắt.

Còn mừng tuổi lại khác, theo quan niệm dân gian, tục mừng tuổi mang ý nghĩa rất tốt đẹp, mừng tuổi để chúc các cụ già được thêm tuổi, trẻ nhỏ được lớn lên.

Sự biến tướng của văn hóa truyền thống

Thế nhưng, cùng với thời gian, ý nghĩa tích cực của tục mừng tuổi dù vẫn còn đó nhưng đã bị mai một, biến đổi, thậm chí là biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Có lẽ trong mỗi gia đình, sự biến đổi đó đều thể hiện khá rõ. Đó là tâm thế nhận quà mừng tuổi của trẻ con. Giờ hầu hết mọi người không gọi là quà mừng tuổi mà gọi hẳn là tiền mừng tuổi.

Ngay từ trước Tết, hầu như ai cũng tìm mua phong bao “lì xì” để đựng tiền mừng tuổi hoặc đổi những tập tiền mới để đưa trực tiếp cho trẻ em, mừng tuổi người già. Tâm thế mừng tuổi của người lớn giờ khác xưa nhiều lắm. Bởi, với nhiều người, không mừng tuổi thì không được, mà mừng tuổi thì phải dành một khoản tiền không nhỏ. Với người khá giả thì không hề hấn gì nhưng với người nghèo, nó trở thành gánh nặng.

Mừng tuổi giờ còn bị biến tướng đáng lo ngại. Nhiều trẻ có ý nghĩ đó là tiền đương nhiên chúng được hưởng. Chúng mang ra so bì với bạn bè và tự hào về món tiền mừng tuổi nhiều hơn bạn khác. Chúng mang tâm lý chờ đợi người lớn rút hầu bao… Bởi thế nên có đứa trẻ nhận được hàng chục triệu đồng mừng tuổi trong dịp Tết không còn là hiếm. Mừng tuổi kiểu đó sẽ làm hỏng những đứa trẻ.

Tôi cũng biết, nhiều ông bố bà mẹ xót ruột lo rằng tục mừng tuổi kiểu phong trào như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến con nên dạy con không nhận tiền mừng tuổi. Nhưng bọn trẻ không nhận cũng không xong, vì người lớn cứ ép: “Nhận lấy may”, “không được chê”… nên không thể từ chối. Thế nên, có bố mẹ đã phải lên tiếng “xin” đừng mừng tuổi để còn dạy con.

Làm mất dần ý nghĩa trong sáng, không còn mang tính tượng trưng, tục lệ mừng tuổi mang ý nghĩa tích cực đang bị mai một, biến tướng, quá đà và đã đến lúc cần phải điều chỉnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ khẳng định: “Văn hoá có khả năng biến tướng, nhưng cái gì quá thì phải điều chỉnh. Tục mừng tuổi Tết mang tính tượng trưng dần bị biến tướng thì cần điều chỉnh”.

Cách đây 2, 3 năm, trào lưu mừng tuổi bằng sách đã được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, cách làm trên chưa phổ biến và không dễ gì áp dụng được. Nó phải được bắt đầu từ sự mong muốn của người mừng tuổi về ý nghĩa và giá trị của món quà mừng tuổi. 

Đỗ Lê Thanh Nga - cô bạn tôi là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội đã tuyên bố trên facebook từ trước Tết Kỷ Hợi rằng năm nay cô sẽ mua sách để mừng tuổi. Lời tuyên bố của Nga được nhiều người hưởng ứng. Tôi phỏng vấn Nga sau Tết, cô kể: “Các con và bố mẹ đều thích lắm chị à. Tết này em “cháy” sách đấy. Các cháu cứ xin thêm sách…”.

Nga cũng đánh giá: “Em thấy việc mừng tuổi bằng tiền không còn ý nghĩa nữa, mà đúng là làm hỏng trẻ”. Mừng tuổi bằng sách - đó là một ý tưởng hay và cần được duy trì, lan tỏa để tục mừng tuổi trở lại là nét đẹp văn hóa mỗi khi đón mừng một mùa xuân mới.

Việt Hà
.
.