Anh hùng ở Ngũ Hành Sơn 28 lần được phong dũng sĩ

Thứ Hai, 26/04/2021, 17:54
22 tuổi, Phan Hành Sơn vinh dự được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Dũng sĩ Phan Hành Sơn đã đi vào trang thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tố Hữu… và vang dội khắp chiến trường miền Nam. Ngày nay, tên ông được khắc ghi trang trọng vào bia đá gắn trên vách núi Ngũ Hành Sơn…

Đến bây giờ, cái cổng gạch hơn 200 năm tuổi đắp 3 chữ nôm “Thiên Phước Địa” được xây dựng từ thời vua Minh Mạng án ngữ lối vào động Huyền Không, thuộc Danh thắng văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, vẫn còn chi chít dấu tích những vết đạn năm xưa. Đó là dấu tích của những trận đánh khốc liệt giữa bộ đội ta và quân đội Mỹ ngụy, trong đó có trận đánh của Anh hùng Phan Hành Sơn.

Phan Hành Sơn tên thật là Phan Hiệp, SN 1947 tại thôn Bá Tùng (Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Khi còn tuổi niên thiếu, ông đã theo cha, theo chú học nghề thợ mộc, đi dựng nhà cửa ở nhiều nơi trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng và âm thầm tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc. 

Chứng kiến tội ác của giặc trên quê hương, trong lòng ông và bao lớp thanh niên trai trẻ lúc bấy giờ nung nấu căm thù, mong một ngày được cầm súng đánh giặc. Tháng 2/1965, Tiểu đoàn 1 bộ binh Quảng Đà (còn gọi là R20) được thành lập và tuyển thêm quân. Khi đang cùng cha sửa nhà cho một gia đình tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, nghe tin cán bộ về tuyển quân lên chiến khu, chàng trai Phan Hiệp lúc đó 18 tuổi xin cha vào quân đội, bắt đầu cuộc đời lính.

Anh hùng Phan Hành Sơn (đứng giữa) thăm Cuba năm 1982.

Tháng 1/1967, Tiểu đoàn 1 phục kích một tiểu đoàn lính Mỹ tại Duy Xuyên. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 8h sáng đến 13h chiều thì đại đội hỏa lực báo cáo chỉ huy tiểu đoàn là đạn cối 82 ly đã hết, 3 khẩu trung liên của tiểu đoàn 3 do Phan Hiệp làm Đại đội phó cũng sắp hết đạn. Trong lúc đó, Mỹ lại cho quân chi viện từ An Hòa đến và dùng trực thăng đổ bộ xuống Xuyên Khương. Trước tình huống nguy cấp, Phan Hiệp đã bò ra dưới làn đạn, thu được hơn 400 viên đạn 7,62 ly của Mỹ để bổ sung cho 3 khẩu trung liên. Với việc dùng đạn của Mỹ để đánh Mỹ, Phan Hiệp đã giúp xoay chuyển thế trận, cùng đồng đội tạo nên chiến thắng giòn giã, tiêu diệt hàng trăm tên địch. 

Tháng 8/1967, Tiểu đoàn 1 được lệnh đánh vào chi khu quân sự Điện Bàn, nằm ở thị trấn Vĩnh Điện. Đóng vai là một người nông dân, Phan Hiệp đã quan sát cách bố phòng của địch, nhất là vị trí 2 khẩu pháo 105 ly, sau đó cùng đồng đội tiếp cận, tiêu diệt bọn pháo thủ và phá hủy 2 khẩu pháo, góp phần cùng đồng đội diệt gọn địch tại chi khu này.

Trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, Anh hùng LLVTND, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 bộ binh Quảng Đà, Phan Hiệp là một chiến sĩ trẻ nhưng thông minh, gan dạ, dũng cảm, trách nhiệm. Sau mùa xuân năm 1968, Tiểu đoàn 1 được lệnh tổ chức huấn luyện chiến đấu để tiêu diệt căn cứ biệt kích Non Nước của địch (đóng tại Ngũ Hành Sơn). Đây là địa điểm trọng yếu được địch bố trí lực lượng mạnh bảo vệ nhiều vòng. Đại đội 3 do Phan Hiệp làm Đại đội trưởng nhận nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu chủ yếu của trận đánh là sở chỉ huy địch. Khi Đại đội 3 tiếp cận hàng rào thép gai bùng nhùng cuối cùng thì địch phát hiện. 

Lúc này, Phan Hiệp đã bật người lao lên nằm trên hàng rào thép gai, ra lệnh cho đồng đội lao qua người anh để tiến nhanh về phía mục tiêu, dùng pháo thủ, lựu đạn, B40 cùng tất cả các hỏa lực được trang bị đánh phủ đầu, khiến địch không kịp đối phó. Ngay sau đó, Phan Hiệp tung mình khỏi đám thép gai bùng nhùng, cùng anh em lao vào sở chỉ huy tiêu diệt địch. Các mũi tiến công khác của Tiểu đoàn 1 đã dùng hỏa lực bắn vào sân bay Nước Mặn gần đó khiến máy bay địch không thể cất cánh. 

Thấy căn cứ biệt kích bị tấn công, sân bay Nước Mặn bị khống chế, địch cho máy bay trực thăng từ sân bay Đà Nẵng bắn thẳng vào trận địa và triển khai lực lượng bao vây khu vực Ngũ Hành Sơn. Lợi dụng địa hình của Thủy Sơn và động Huyền Không, Phan Hiệp cùng đồng đội tiếp tục vừa đánh trả, vừa rút lui, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Bản thân Phan Hiệp đã dùng súng bộ binh bắn rơi một trực thăng của địch. 

Kết quả trận đánh, Tiểu đoàn 1 đã tiêu diệt hơn 400/500 tên thuộc tiểu đoàn biệt kích của địch tại Non Nước; phá 38 máy bay, 100 xe quân sự tại sân bay Nước Mặn. Với thành tích chiến đấu trong trận đánh này và nhiều trận đánh trước đó, chỉ huy Tiểu đoàn 1 đã thống nhất đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVTND đối với Đại đội trưởng Phan Hiệp. Lúc đó, một nhà văn đi cùng đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị đã đề nghị đổi tên Phan Hiệp thành Phan Hành Sơn để gắn với những chiến công trên. Theo hồ sơ đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVTND, cái tên Phan Hành Sơn chính thức bắt đầu từ đó.

Một góc Đà Nẵng nhìn từ danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Chỉ tính từ ngày vào quân ngũ tháng 2/1965 đến đầu năm 1969, thời điểm được tuyên dương Anh hùng LLVTND, Phan Hành Sơn đã 28 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ (1 lần Dũng sĩ diệt máy bay, 7 lần Dũng sĩ diệt Mỹ, 20 lần Dũng sĩ Quyết thắng); được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba cùng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tháng 12/1969, Phan Hành Sơn được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND… Những chiến công của ông được nhà thơ Xuân Diệu ghi lại trong bài thơ Phan Hành Sơn: “Hăm mốt tuổi căm hờn/ Diệt địch gấp hai mươi lần số tuổi/ Đánh trăm trận ba năm vào bộ đội/ Núi Ngũ Hành vang dội Phan Hành Sơn...”. Anh hùng Phan Hành Sơn đã trở thành một biểu tượng của tinh thần chiến đấu và chiến thắng, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ta tiến công/ Với sức mạnh thánh thần/ Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành, diệt Mỹ”…

Năm 1972, Phan Hành Sơn được cử ra Bắc học tập, sau đó về công tác tại Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, người chiến sĩ ấy lại ra trận, góp sức bảo vệ đất nước, đánh đuổi quân xâm lược và bị thương do trúng phải mìn trên đất Campuchia, phải trải qua gần 20 cuộc phẫu thuật đau đớn. Đến khi khỏe lại, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, được nhân dân yêu mến và tin tưởng cho đến lúc về với cõi vĩnh hằng…

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin viết đôi dòng tưởng nhớ đến Anh hùng Phan Hành Sơn cùng biết bao anh hùng, liệt sĩ, bao chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì quê hương, đất nước trường tồn…

Thân Lai
.
.