“Ba Cụt” Lê Quang Vinh - Giải mã những giai thoại (kỳ 3)

Chủ Nhật, 13/03/2016, 07:25
Sau khi đeo hàm Thiếu tá vài ngày, Ba Cụt (tức Lê Quang Vinh) nhận thấy đã tự phong thì đeo thế nào chẳng được? Thế là Ba Cụt tự phong luôn hàm Đại tá. Lại thấy Việt Minh sử dụng cờ sao vàng nền đỏ, Ba Cụt cho lính may lá cờ một ngôi sao đỏ trên nền vàng, hàm ý đối nghịch với Việt Minh.

May xong, lại nghĩ “cờ của Ba Cụt phải có nhiều sao hơn cờ Việt Minh”, Ba Cụt cho may lại lá cờ có ba ngôi sao màu đỏ trên nền vàng.

Lá mặt lá trái

Trong buổi lễ “thượng cờ”, Ba Cụt đi trước hàng quân dùng cây ba toong chỉ thẳng vào mặt từng người: “Mày là trung tá. Mày là thiếu tá. Mày, mày, mày và mày theo tao đã lâu, đáng lẽ được mang hàm thiếu tá nhưng bộ dạng, hình dong xấu quá, mang hàm đại úy thôi. Còn thằng này mới gia nhập nghĩa sĩ mấy ngày nhưng dáng cao ráo, đẹp trai, ăn nói dõng dạc, tao cho mang hàm thiếu tá”.

Binh lính của Ba Cụt.

Ba Cụt phong hàm cho thuộc cấp kiểu đó nên xảy ra tình trạng bi hài trong đội ngũ. Có người mang hàm thiếu tá nhưng lại là chiến sỹ thuộc quyền chỉ huy của một trung úy. Lính và sỹ quan cứ cãi nhau ỏm tỏi về quyền chỉ huy. Thuộc cấp báo cáo cho Ba Cụt tình hình rối ren.

Ba Cụt phán lệnh: “Thằng nào lon lớn thì chỉ huy. Thằng nào lon nhỏ thì làm lính”. Hôm sau, một “thiếu tá” lại chạy vào “Tổng hành dinh” báo cáo: “Vẫn bất ổn! Thằng thiếu tá mới tòng quân chưa từng bắn phát súng nào, giờ chỉ huy Tiểu đội toàn trung úy có kinh nghiệm xông pha trận suốt mấy năm. Vừa nghe súng Tây nổ, thằng thiếu tá bất tỉnh, tè dầm trong quần. Cả Tiểu đội không còn người chỉ huy”.

Ba Cụt lập ngay 1 “phiên tòa quân sự” xét xử tội trạng “viên thiếu tá tè dầm”. Ba Cụt ngồi ghế “chánh án”. Người “đại diện công tố” vừa đọc xong tội trạng, Ba Cụt phán luôn: “Cách chức, lột lon, đánh 50 hèo, tống giam 3 tháng rồi đưa xuống làm binh nhì”.

Xử phạt roi thì thuộc hạ thi hành dễ dàng nhưng không thể phạt giam bởi không có nhà giam. Nhận được báo cáo, Ba Cụt trả lời gọn: “Không có buồng giam thì... bắn”.

“Đội thi hành án” không nỡ bắn chết người lãng xẹt như vậy nên đem “phạm nhân” ra cánh đồng vắng, tháo dây trói rồi bảo: “Anh phải chạy thật nhanh. Sau khi tôi đếm từ 1 đến 10 sẽ bắt đầu bắn. Chạy chậm, anh sẽ chết”.

“Viên sỹ quan tè dầm” thoát chết. Có lẽ những người thi hành án chỉ bắn hù dọa để đuổi “phạm nhân”. Sau trận hụt chết, viên “thiếu tá” về nhà sống an phận với ruộng vườn. Hiện nay con cháu ông vẫn còn sinh sống ở Thốt Nốt.

Nhận xét về Ba Cụt, trong một bài nghiên cứu lịch sử Đông Dương, nhà báo Pháp đăng trên tờ Điện Tín Paris năm 1960, viết: “Ba Cụt là người tàn ác lạ thường và không có ý thức nhiệm vụ cộng đồng”.

Đến tháng 8 - 1950, Thống tướng De Lattre de Tassigny chấp chưởng quyền hành quân sự và dân sự tại Đông Dương với chức vụ Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đã đề chỉ thị Thiếu tướng Chanson Tổng Tư lệnh Pháp ở miền Nam phải nhanh chóng xúc tiến việc lập quân đội cho chính quyền Bảo Đại để “dùng người Việt đánh người Việt”. Chanson lập tức yêu cầu Đại tá Cluzet Tư lệnh miền Tây chuyển giao những lực lượng tự xưng “quân đội Hòa Hảo” cho chính quyền Bảo Đại. Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Trần Văn Soái lần lượt làm lễ tuyên thệ quy thuận chính quyền Bảo Đại.

Đại tá Cluzet lại nhờ Trung tá mật thám Savani tiếp xúc với Ba Cụt để “chiêu dụ”. Qua Savani, Chanson hứa sẽ cho Ba Cụt chính thức đeo lon Thiếu tá.

Đang là đại tá thổ phỉ vô tổ chức bỗng chốc được “hóa thân” thành thiếu tá chính thức thuộc “Quân đội Quốc gia Việt Nam - Nam Kỳ tự trị”, Ba Cụt hồ hởi chấp nhận ngay.

Năm Lửa (ngồi giữa).

Ngày 20-8-1950, Ba Cụt được Đại tá Cluzet thực hiện nghi lễ đeo lon “thiếu tá phụ lực quân của quân đội viễn chinh Pháp”. Các thuộc hạ của Ba Cụt cũng được nhận cấp bậc và lương theo biên chế Phụ lực Quân. Cũng trong buổi lễ này, Đại tá Cluzet đã trang bị vũ khí đầy đủ cho đội quân của Ba Cụt. Đồng thời giao khoán nhiệm vụ cho Ba Cụt chịu trách nhiệm đánh phá lực lượng quân sự của Việt Minh trong phạm vi từ Ô Môn dọc theo sông Hậu đến Long Xuyên.

Kết thúc lễ trao hàm, Ba Cụt cho thuộc hạ đi “càn” để bắt heo của dân về ăn mừng. Trong tiệc rượu mừng, đám “quân sư” của Ba Cụt lao nhao phản đối: “Pháp xem thường nên chỉ cho ông Ba đeo hàm thiếu tá. Ông Ba chỉ huy 3.000 quân. Trong khi đó, ông Năm (tức Năm Lửa) chỉ huy có 2.000 quân mà được đeo hàm thiếu tướng”.

Hôm sau, vừa tỉnh rượu, Ba Cụt lệnh cho thuộc hạ phục kích 1 cái đồn của quân Pháp đóng ở Cả Mít (Đồng Tháp) ven bờ Bắc sông Hậu. Để đánh cái đồn chỉ có nửa tiểu đội lính Pháp này, Ba Cụt lùa hơn 1.000 quân bao vây suốt nửa ngày. Nghe tin viện quân của Pháp kéo tới, lính Ba Cụt nhày ào xuống sông bơi về bờ nam sông Hậu.

Dù vậy, Ba Cụt vẫn mở tiệc “khao mừng chiến thắng”. Tại bữa tiệc này, Ba Cụt tuyên bố: “Từ nay, quân ta không còn trực thuộc lực lượng quân sự Nghĩa quân Cách mạng nữa. Chúng ta là đội quân duy nhất của Đảng Dân chủ Xã hội”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, lúc đầu, Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ thành lập Đảng Dân chủ Xã hội để liên kết với Việt Minh đánh Pháp. Đánh hơi được điều đó, mật thám Pháp đã cài cắm người chui vào nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội. Vì vậy, ngay sau khi thành lập, viên mật thám này (tạm gọi tên là L - Tác giả) đã chuyển mục tiêu “liên kết với Việt Minh đánh Pháp” thành “liên kết với Pháp, đánh Việt Minh”.

Chính viên mật thám này đã cố vấn cho Ba Cụt đưa đội quân này vào Đảng Dân chủ Xã hội để được gọi là “đội quân chính danh”. Sau này khi Ngô Đình Diệm được Mỹ bế ẵm đặt vào ghế Thủ tướng của Bảo Đại, ông L này đã tác động Ba Cụt chống Diệm dẫn đến việc Ba Cụt bị Diệm xử chém. Khi Ba Cụt chết, nhận thấy thế lực của Mỹ có ảnh hưởng mạnh với chính trường miền Nam, viên mật thám Pháp này đã trở giáo với Pháp, cộng tác với CIA chống phá chính quyền cách mạng cho đến ngày mãn kiếp người.

“Thằng con hoang của Hòa Hảo”

Trở lại với chuyện Ba Cụt (Lê Quang Vinh). Sau khi đánh đồn Cả Mít, Ba Cụt rút quân về Thới Long ăn nhậu. Nghe tin Ba Cụt phản phé, Đại tá Cluzet tức giận điều 1 tiểu đoàn khinh binh từ Cần Thơ đánh thốc vào bản doanh của Ba Cụt.

Nơi Ba Cụt chiếm đóng làm trụ sở Ban Chỉ huy.

Đang ăn nhậu, Ba Cụt trở tay không kịp, đã cùng vài lính cận vệ bơi ào qua cù lao Tân Lộc lẩn trốn. Binh sỹ của Ba Cụt như rắn không đầu, xách súng chạy tản mát.

Trong những ngày ở cù lao Tân Lộc, Ba Cụt lấy ngôi đình Tân Lộc Đông làm nơi tá túc. Ban ngày, Ba Cụt cùng thuộc hạ chui rúc trong đình, ban đêm chui rúc trong vườn cây của dân.

Dù chui rúc như vậy nhưng Ba Cụt vẫn không bỏ được thói hống hách với dân. Nghe tin nhà ông Ba B. làm heo cúng giỗ cha, Ba Cụt xách súng đến đòi truy thu thuế “nguyệt liễm” nguyên năm, tương đương giá trị con heo đã mổ thịt đang treo trên vách nhà. Gia đình ông Ba B. quỳ sụp xuống van xin Ba Cụt chừa nửa con heo để cúng cha. Ba Cụt đồng ý.

Ba Cụt còn đang dùng rựa xả nửa con heo thì nghe ngoài đầu xóm có người la lớn: “Lính Tây đi càn, bà con ơi!”. Ông Ba B. ngoảnh lại thì Ba Cụt và nguyên con heo đã biến mất.

Lính Pháp kéo đến. Người dân căm ghét Ba Cụt đã kể lại sự việc vừa xảy ra. Lính Pháp chạy vào vườn lùng sục thì thấy con heo còn nằm dưới mương nước còn Ba Cụt đã mất tăm.

Sau này, Ba Cụt chữa thẹn với thuộc hạ rằng, hôm đó nhờ có phép “độn thổ” nên không rơi vào tay quân Pháp.

Sau khi trốn chui trốn lủi hàng tháng trời, Ba Cụt nhờ “quân sư” L liên lạc với Đại tá Cluzet xin “quy thuận”. Ông ta đưa ra yêu sách là phải thăng hàm Trung tá. Lúc này, trên khắp chiến trường Việt Nam, quân và dân cách mạng đã liên tục áp chế quân Pháp. Nhằm giảm áp lực chiến sự, Pháp đành nhượng bộ Ba Cụt.

Thế nhưng, cứ sau khi đạt được yêu sách, Ba Cụt lại giở quẻ.

Tính đến thời điểm năm 1953, Ba Cụt đã 5 lần “quy thuận” quân Pháp. Sau mỗi lần “quy thuận”, Ba Cụt lại đòi hỏi thăng cấp.

Lần cuối cùng, ngày 1-12-1953, Pháp chấp nhận trao hàm Đại tá cho Ba Cụt.

Vẫn chưa thỏa mãn, 6 tuần sau Ba Cụt lại tuyên bố “đánh Pháp”, kéo quân về Châu Đốc (vùng giáp giới Campuchia) lập căn cứ cho đến ngày Pháp bại trận Điện Biên Phủ.

Với kiểu tráo trở ấy, Đại tá Cluzet đã tặng cho Ba Cụt biệt danh “L’enfant terrible des Hoa Hao”, tức “thằng con hoang của Hòa Hảo”.

Lại nói, ngày 1-12-1953, Pháp chấp nhận trao hàm Đại tá cho Ba Cụt. Thì tháng 6-1954, Ba Cụt lại đòi Pháp trao hàm Thiếu tướng. Trước sự đòi hỏi quá đáng của Ba Cụt, Đại tá Cluzet không thương thuyết nữa mà xua quân triệt tiêu. Lần này, Cluzet sử dụng cả xe thiết giáp, tàu chiến, máy bay trợ chiến cho 1 trung đoàn bộ binh tấn công.

Được trinh sát báo tin, Ba Cụt hoảng vía kéo hết binh sỹ chạy thục mạng về khu vực biên giới ở Châu Đốc đóng quân cho đến khi Pháp bại trận Điện Biên Phủ.

Bại trận Điện Biên Phủ, Pháp rút quân khỏi Đông Dương. Lợi dụng cơ hội này, Ba Cụt làm lễ tự phong hàm Thiếu tướng cho chính mình.

Ngày 7-7-1954, Mỹ bế Ngô Đình Diệm đặt vào ghế Thủ tướng của chính quyền ngụy tạo Bảo Đại nhằm gạt bỏ quyền lực chính trị của Pháp. Trong thời điểm nhá nhem đó, Ba Cụt thỏa sức tác oai tác quái ở vùng biên giới Châu Đốc. Gã cho thuộc hạ thu thuế hải quan cả trên bộ lẫn dưới sông ở vùng giáp ranh biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Bị quân sư L xúi giục, Ba Cụt tuyên bố ly khai với Ngô Đình Diệm. Pháp không còn tồn tại để thờ, một lần nữa, Ba Cụt tự biến mình và thuộc hạ thành đội quân thổ phỉ vô tổ chức.

Để loại hẳn ảnh hưởng của Pháp đối với Bảo Đại, Mỹ đã cố vấn cho Ngô Đình Diệm cải danh toàn bộ lực lượng Quân đội Quốc gia (thuộc Pháp) thành Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Để thực hiện tiến trình đó, Diệm ra tuyên cáo tất cả các lực lượng quân sự giáo phái ở miền Nam như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa Giáo phải quy thuận Diệm.

Sau khi lôi kéo được Trình Minh Thế (quân đội Cao Đài Ly khai), Ngô Đình Diệm giải giáp lực lượng quân sự Cao Đài và truy bắt Giáo chủ Phạm Công Tắc.

Tháng 5-1955, Ngô Đình Diệm giao cho Đại tá Dương Văn Đức, có hỗn danh là Đức “khùng” thành lập “Khu Chiến miền Tây” để thực hiện tiến trình giải giáp các lực lượng quân sự tự xưng thuộc Hòa Hảo. Sau khi hoàn tất việc thành lập bộ tham mưu “Khu Chiến miền Tây”, ngày 23-5-1955, Dương Văn Đức bắt đầu khởi động chiến dịch quân sự mang mã danh “Đinh Tiên Hoàng”, đánh thốc vào bản doanh của Nguyễn Giác Ngộ, Năm Lửa và Lâm Thành Nguyên.

Nghe tin, Nguyễn Giác Ngộ vội gửi thư cho Diệm xin được “đồng hóa” vào quân đội dưới trướng Diệm. Ngày 1-6-1955, Nguyễn Giác Ngộ chính thức ăn lương của chính phủ Diệm.

Dương Văn Đức xua quân càn vào Cái Dầu, lực lượng của Lâm Thành Nguyên chạy dài. Ngay sau đó, Lâm Thành Nguyên cũng xin được đầu quân dưới trướng Diệm.

Chỉ còn mỗi Năm Lửa và Ba Cụt vẫn còn tồn tại.

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.