“Ba Cụt” Lê Quang Vinh - Giải mã những giai thoại (kỳ 2)

Thứ Năm, 10/03/2016, 19:45
Thời thế hỗn mang trong thời kỳ Nhật - Pháp tranh giành quyền lực ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho Ba Cụt (lê quang vinh) trở thành “sỹ quan” tự phong.

Vốn là người ít học, Ba Cụt đã biến đội quân của mình thành một nhóm thổ phỉ ẩn dưới danh nghĩa “quân đội Hòa Hảo”.

Rõ là thời thế tạo “anh hùng”

Rất gai mắt nhưng quân đội Pháp không dám đụng chạm đến những đội quân “Nghĩa sĩ”. Họ biết rõ những nhóm vũ trang này được người Nhật bảo hộ.

Ngày 9-3-1945, quân Nhật phát lệnh đảo chính Pháp. Ngày 10-3-1945, quân Nhật do Phó Tư lệnh Sa To chỉ huy kết hợp với Huỳnh Khai chiếm Cần Thơ. Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận: “Lúc đó, “Nghĩa sĩ đảng” do thông ngôn tiếng Nhật là Huỳnh Khai, con của một địa chủ hội đồng ở quận Châu Thành (Cần Thơ) cầm đầu tuyên truyền “Người da vàng của người da vàng”. Huỳnh Khai tự nhận là “chí sĩ chống Tây”. Huỳnh Khai cùng các thuộc hạ chiếm lĩnh các nhà buôn và văn phòng của Tây để lại”.

Nguyễn Giác Ngộ.

Đảo chính Pháp thành công, Nhật không đưa Cường Để làm vua như kỳ vọng của rất nhiều nhóm “nghĩa sĩ” mà lại thành lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Tại Cần Thơ, viên Chánh biện Pháp De Montaigut được thay thế bởi tỉnh trưởng Lưu Văn Tào - một đốc phủ sứ của Pháp nhưng ngầm ủng hộ Nhật. Lực lượng “nghĩa sĩ” ở Cần Thơ, Long Xuyên bị gạt ra ngoài.

Bất mãn, những nhóm “nghĩa sĩ” đã từng ủng hộ Nhật tự tách ra khỏi vòng kiềm tỏa của Hắc Long Đảng để thành lập một tổ chức quân sự ly khai mới có tên gọi là “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” gọi tắt là “Chi đội Nguyễn Trung Trực”. Mục đích của lực lượng quân sự ly khai này là thành lập một quốc gia riêng, lấy miền Tây Nam Bộ làm lãnh thổ.

Võ sư Kim chán ngán binh đao, trở về làm thầy giáo tiểu học.

Nguyễn Giác Ngộ tự phong là Chi đội trưởng kéo hết nhóm “nghĩa sĩ bị quân Nhật bỏ rơi” về núi Dài (An Giang) lập căn cứ tuyển mộ tân binh.

Ông Hồ Văn Ch. (81 tuổi, cư ngụ ở Thốt Nốt, Cần Thơ) đã từng là tân binh của “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” trong giai đoạn này. Ông kể: “Tôi thấy đội quân này không có chủ trương nhất quán. Khi kêu gọi gia nhập, họ bảo với chúng tôi là tập quân sự để đánh Pháp. Tôi cũng nô nức vào núi Dài tòng quân. Nhưng khi bắt đầu học quân sự thì tôi thấy sỹ quan Pháp hướng dẫn. Tôi hỏi thì họ bảo, thời thế đã thay đổi, bây giờ Pháp trang bị võ khí để nghĩa quân chuẩn bị giúp Pháp trở lại Việt Nam. Thế là tôi bỏ trốn về nhà làm ruộng”.

Binh lính của Ba Cụt.

Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng ly khai tuyển mộ được hơn 10.000 tân binh. Thế là hầu hết những người đã từng tham gia nhóm Huỳnh Khai đều được “đôn” lên thành sỹ quan chỉ huy đám lính mới.

Từ một chú lính hầu, Ba Cụt được giao chỉ huy một phân đội quân khoảng 200 người. Khi ấy, Ba Cụt chỉ mới 22 tuổi.

Sau khi nhận ra lực lượng “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” là đội quân thiếu tôn chỉ, mục đích, rất nhiều tân binh đào ngũ trở về quê cày cuốc. Từ con số 10.000 quân, chỉ sau 1 tuần lễ chỉ còn hơn 500 quân. Có những phân đội chỉ còn duy nhất phân đội trưởng. Chỉ mỗi phân đội của Ba Cụt còn gần như nguyên vẹn quân số. Để giữ được quân số đó, Ba Cụt đã phải dùng dao rựa khất nhượng thị uy vài người bỏ trốn.

Nhờ thiếu hụt quân số, Ba Cụt lại được “đôn” lên thành Phó chi đội. Ba Cụt được giao chỉ huy một đại đội gồm các thành phần đầu gấu trong xã hội. Vùng trách nhiệm của Ba Cụt trải dài từ Ô Môn (Cần Thơ) đến Long Xuyên, sang Tri Tôn (bây giờ là tỉnh An Giang). Khu vực Tà Đét, núi Bà Đội Om nằm trong vùng trách nhiệm của Ba Cụt.

Ngày 9-5-1945, Phát xít Đức đầu hàng quân đồng minh, quân Nhật ở Việt Nam bắt đầu co cụm lại. Ngày 15-8-1945, Nhật chính thức đầu hàng, Pháp tái chiếm Nam Bộ. Nguyễn Giác Ngộ lập tức bắt tay với quân Pháp để giải giáp quân Nhật ở khu vực Tây Nam Bộ.

Nhờ biết xuôi theo chiều gió, ngày 18-12-1946 lực lượng “Nghĩa quân cách mạng vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực” được quân Pháp sát nhập vào lực lượng quân phụ lực (Forces supplétives) của họ. Lực lượng này được giữ lại số vũ khí tước được từ tay quân Nhật và được quân Pháp cấp thêm 1 lượng vũ khí mới.

Đề phòng lực lượng này phản trắc, quân Pháp chia “liên đội” thành 4 chi đội, bố trí đóng quân ở 4 khu vực khác nhau. Chi đội 1 do Năm Lửa chỉ huy, hoạt động tại vùng Cần Thơ. Chi đội 2 do Lê Minh Điểu (tức xã Nhiễu) chỉ huy, hoạt động tại vùng Long Xuyên. Chi đội 3 do Lê Phát Khuynh chỉ huy, hoạt động vùng Châu Đốc. Phân đội 4 do Phan Hà chỉ huy, hoạt động ở vùng Rạch Giá. Nhiệm vụ của 4 chi đội này là giúp Pháp tiêu diệt Việt Minh và ủng hộ cái gọi là chính phủ Nam Kỳ tự trị thuộc Pháp.

Làm “vua” một cõi

Sau khi nhận được vũ khí của Pháp, Năm Lửa bắt đầu bất phục tùng Nguyễn Giác Ngộ. Để tỏ rõ sự bất phục tùng, Năm Lửa giao Ba Cụt dẫn quân đi phục kích những toán quân Pháp đi lẻ tẻ, thậm chí đánh luôn quân của Nguyễn Giác Ngộ.

Khi đó, nhằm tập trung trí lực đối phó với lực lượng cách mạng của ta, quân Pháp cần thâu tóm những toán quân không có tôn chỉ hoạt động như Năm Lửa. Đại tá Cluzet - Tư lệnh Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp phải nhờ Savani (lúc này đã mang hàm Trung tá tình báo) tìm gặp Năm Lửa để tìm nguyên nhân “phản bội”. Sau khi biết Năm Lửa không muốn thuộc quyền Nguyễn Giác Ngộ, ngày 18-5-1947, Đại tá Cluzet chấp nhận ký kết một hiệp định. Theo đó, quân của Năm Lửa là một chi đội trực thuộc lực lượng quân sự Phân khu Tây Nam Bộ của Pháp chứ không thuộc quyền Nguyễn Giác Ngộ. Dù chỉ là “rượu cũ trong bình mới” nhưng Năm Lửa lại đồng ý.

Năm Lửa.

Thấy Năm Lửa được Pháp ưu ái nhờ chiêu ly khai, Ba Cụt cũng thực hiện kế sách đó.

Mượn cớ Năm Lửa đầu hàng Pháp, Ba Cụt rút 2/3 quân số chạy về Bằng Tăng (Ô Môn, Cần Thơ) đóng doanh trại rồi tuyên bố ly khai. Ba Cụt đặt tên mới cho lực lượng quân sự của mình là “nghĩa quân Cách mạng” và tự phong hàm đại tá, chỉ huy trưởng. Không ai biết lực lượng “nghĩa quân” của Ba Cụt hoạt động với mục đích gì, phục vụ cho ai, bởi ông ta chống lại tất cả mọi lực lượng quân sự khác, từ quân đội của Nguyễn Giác Ngộ, Năm Lửa cho đến Pháp, kể cả Việt Minh…

Ba Cụt cứ thế cát cứ một cõi theo kiểu thổ phỉ và trở thành nỗi khiếp hãi của nhân dân địa phương.

Để có thêm quân số, Ba Cụt cho thuộc hạ đi lùng sục bắt thanh niên ghi tên gia nhập.

Nhớ lại giai đoạn đó, những bậc kỳ lão vẫn còn hãi hùng. Một nhân chứng cư ngụ gần ngôi mộ gió của Ba Cụt ở Thới Long, cho biết: “Nửa đêm lính Ba Cụt gõ cửa bảo, chúng tôi là Việt Minh, hãy cho chúng tôi cơm ăn. Chủ nhà mở cửa là chúng đè ra chặt đầu về tội giúp đỡ Việt Minh. Nếu chủ nhà không mở cửa, sáng hôm sau chúng quay trở lại khen ngợi là người ủng hộ Ba Cụt. Khen xong, chúng lôi về đồn, nhét súng vào tay bắt tập quân sự. Ai trì hoãn không đi, chúng trói giật cánh khuỷu. Khi gom được 5 - 6 người chống lệnh, chúng xỏ cây tre vào các khuỷu tay thành chùm người rồi thả xuống sông Hậu. Các nạn nhân không chìm ngay mà vùng vẫy đến đuối sức rồi chết”.

Ngoài ra, Ba Cụt còn buộc người dân trong vùng phải đóng “nguyệt liễm” hàng tháng, tương đương 20 giạ lúa.

Đặc biệt, Ba Cụt tỏ ra rất căm ghét lực lượng cách mạng của ta. Có lời truyền lại khi thuộc hạ bắt được một chiến sỹ cách mạng, Ba Cụt đã dùng dao bầu mổ bụng người ấy.

Hung hăng với dân lành nhưng mỗi khi nghe tin quân Pháp càn quét, trong tích tắc, bản doanh của Ba Cụt vắng hoe. Chính Ba Cụt đã làm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vạ lây tai tiếng về tính cuồng sát. Hầu hết những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thật tâm tu đạo đều xem Ba Cụt chỉ là người mượn danh giáo phái để mưu lợi cá nhân.

Sau nhiều động thái chuẩn bị, tháng 7-1949, Pháp đưa Bảo Đại (vị vua đã thoái vị trao ấn kiếm cho chính quyền Cách mạng) từ sòng bài Macau về nước đặt ngồi vào ghế “Quốc trưởng” để lập một ván cờ chính trị mới có tên gọi là “Quốc gia Việt Nam” hòng tiếp tục thống trị Việt Nam. Pháp lập luận rằng “Quốc gia Việt Nam” là chính thể độc lập nhưng người Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính, thương mại, chính sách đối ngoại, kể cả quân sự.

Từ chính sách đó, Pháp cần tuyển mộ nhiều binh lính người Việt để trấn áp người Việt. Trong nhiều thao tác mua chuộc, người Pháp đã lôi kéo được toàn bộ lực lượng vũ trang tự xưng là “quân đội Hòa Hảo”.

Lúc này, Nguyễn Giác Ngộ cát cứ ở Chợ Mới (nay thuộc An Giang), Năm Lửa cát cứ tại Cái Vồn (nay thuộc Vĩnh Long); Hai Ngoán tức Lâm Thành Nguyên cát cứ ở Cái Dầu (nay thuộc An Giang). Ba Cụt tách khỏi Năm Lửa, biến thành lực lượng phỉ cát cứ một cõi riêng tại quê nhà ở Bằng Tăng, Ô Môn.

Để mua chuộc lực lượng “quân đội Hòa Hảo”, Đại tá Cluzet - Tư lệnh miền Tây đã ký một loạt các “hiệp định liên quân Pháp - Hòa Hảo” vào ngày 18-5-1947. Theo đó, Pháp trao hàm Thiếu tướng cho Nguyễn Giác Ngộ và Trần Văn Soái (Năm Lửa), trao hàm Đại tá cho Lâm Thành Nguyên.

Mặc dù đã ly khai, thấy “ông tía” Năm Lửa đeo lon Thiếu tướng, Ba Cụt tự phong mình là Thiếu tá rồi sai lính đi lùng kiếm một bộ sắc phục sỹ quan Pháp có lon Thiếu tá mặc vào. Đám lính lùng sục hàng tuần vẫn không tìm đâu ra bộ sắc phục cho “ông Ba”.

Cuối cùng, một thuộc hạ của Ba Cụt nảy sáng kiến, thưa rằng: “Thiếu tá Ba không còn là lính của cụ Năm Lửa thì hà tất phải mặc sắc phục đúng y chang lính Pháp. Thiếu tá Ba là người của nhà trời thì phải có đồ trận riêng”. Vị “quân sư quạt mo” này trình cho Ba Cụt một bộ đồ mới may.  Đó là bộ áo bà ba màu dà (y phục của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo) nhưng trên vai lại có đính cầu vai hàm Thiếu tá Pháp. Ba Cụt mặc vào trông rất buồn cười.

Cho rằng vị “quân sư” chơi xỏ mình, Ba Cụt sai lính lôi ra đánh 20 gậy. Tuy giận vị “quân sư” nhưng Ba Cụt nảy ra ý mới: Không lùng tìm sắc phục sỹ quan Pháp mà đặt may nhái kiểu. Đó là một bộ lễ phục cấp tướng của quân đội Pháp nhưng mang hàm Thiếu tá. Khoác bên ngoài là chiếc áo pardessuers dài đến nửa ống quyển chân.

(Còn nữa)

Nông Huyền Sơn
.
.