Bác Hồ trong ký ức của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

Thứ Ba, 06/09/2016, 09:40
Chuyện về chiến công của ông với 13 lần xuất kích, 7 lần bóp cò, 7 chiếc máy bay Mỹ rơi, 7 huy hiệu được Bác Hồ tặng đến nay rất nhiều người biết. Trong ánh nắng chiều bàng bạc soi nghiêng qua thềm nhà Đại tá anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, chòm râu trắng như cước của ông rung lên khi ông nhớ lại thời tuổi trẻ “oanh liệt” tung cánh bay Mig-17 trên bầu trời, gan dạ, chiến đấu với những “Thần sấm, Con ma, Thập tự quân” của không lực Hoa Kỳ.

Với ông, những chiến công thuộc về lịch sử lưu dấu đã không còn nhớ nhiều chi tiết, nhưng chuyến bay “đặc biệt” trong ngày tang lễ Bác trên quảng trường Ba Đình lịch sử và những lần được gặp Bác mãi mãi khắc ghi trong tim, không bao giờ quên.

Lần đầu tiên ông gặp Bác Hồ là lúc huấn luyện cơ bản xong, chuẩn bị sang Trung Quốc học lái máy bay của tốp phi công Việt Nam đầu tiên vào năm 1958. Bác đến, ân cần thăm hỏi từng cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị lên đường học phi công với lời huấn thị: “Các cháu là những học sinh, chiến sỹ, phải học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành những phi công giỏi, để chiến đấu giải phóng đất nước và còn chở Bác vào thăm đồng bào miền Nam nữa...”. Lời dặn thiêng liêng của Bác khi đó, ông Bảy thẩm thấu và thấm đẫm trong tim gan.

Bác Hồ thăm đơn vị không quân.

Là người con của quê hương Đồng Tháp, hơn ai hết, ông hiểu Bác còn canh cánh trong lòng lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để thăm đồng bào, chiến sỹ miền Nam và thăm mộ phần của thân phụ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp... Ông Bảy kể lại, hôm đó là lần đầu tiên ông được bắt tay, đứng sát bên Bác, nghe Bác dặn dò và ông đã xúc động, khóc rất nhiều. Sau lời dạy của Bác, ông Bảy từ một thanh niên chỉ học lớp 3 trường làng đã tự học tập, không ngừng trau dồi, phấn đấu, rèn luyện trở thành một trong những phi công giỏi của Không quân nhân dân với quyết tâm ghi tạc trong lòng, chiến đấu thắng giặc Mỹ và chở Bác Hồ vào thăm miền Nam.

Năm 1961, tốp phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam trở về nước và nhanh chóng thành lập các phi đội Mig-17, sẵn sàng cất cánh, chiến đấu với giặc để bảo vệ vùng trời Tổ quốc thân yêu. Từ năm 1965 đến 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy đã tiêu diệt 7 máy bay hiện đại nhất của Không lực Hoa Kỳ, trở thành một trong ba phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam được Bác Hồ ký tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Cứ mỗi lần phi công bắn hạ một máy bay Mỹ, Bác Hồ gửi tặng một huy hiệu mang tên Người. Những chiếc huy hiệu đó, không chỉ được trao thưởng kịp thời mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng nhất về tình cảm, sự động viên khích lệ và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với cán bộ chiến sỹ Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông Bảy nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác, nhiều lần gặp Bác nhưng lần nào ông cũng khóc vì vui sướng, xúc động và thiêng liêng.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy thăm Bảo tàng Không quân.

Trong tất cả những chuyến bay, giờ bay trong đời các phi công anh hùng của Không quân Việt Nam, có lẽ chuyến bay “đặc biệt” ngày 9-9-1969 là một chuyến bay không chỉ vinh dự, tự hào mà còn lưu đọng trong ký ức mỗi phi công những tình cảm dâng trào và thiêng liêng nhất. Đó là chuyến bay thấp trên quảng trường Ba Đình trong ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Bảy bồi hồi nhớ lại: Khoảng 2 giờ đêm Quốc khánh 2-9-1969, các phi công được đánh thức báo động tụ tập lên phòng họp. Thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ đặc biệt: phi công Mig-21 chia thành hai đội hình lớn 12 chiếc, phi công Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy phi đội 1 và phi công Nguyễn Văn Bảy chỉ huy phi đội 2.

Ngày 3-9, tin Bác mất được Phó Tư lệnh Quân chủng, Thiếu tướng Đào Đình Luyện phổ biến cho toàn đơn vị. Quân chủng lập phương án bay tiễn biệt Bác. Trong số 50 phi công lái Mig-21 lúc bấy giờ, đơn vị tuyển chọn 12 phi công ưu tú nhất được vinh dự bay nhiệm vụ đặc biệt, chia thành 3 biên đội, gồm các phi công: Nguyễn Hồng Nhị, Lê Toàn Thắng, Phạm Đình Tuân, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Lý, Phạm Phú Thái, Lê Thanh Đạo, Mai Văn Cương, Phan Thành Nam, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Bảy và 2 phi công dự bị là Bùi Đức Nhu, Đặng Ngọc Ngự.

Phi công Bảy bắn rơi máy bay Mỹ chiến thắng trở về trong vòng tay đồng đội.

Phương án bay sau khi cất cánh liền nhau, tập hợp đội hình trên độ cao khoảng 1.000m, chia thành 3 tốp, 4 chiếc mỗi tốp theo hàng dọc, bay theo hình bay tay xòe, cách nhau cự ly 600m, dãn cách giữa hai máy bay 20-30m. Lúc bay vào quảng trường ở độ cao 300m, chếch hướng trái lễ đài. Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc xong điếu văn, đội hình bay xuất hiện trên quảng trường để chào tiễn biệt Bác và nhân dân cũng sẽ nhìn thấy...

Và thời khắc thiêng liêng đã đến, 9h sáng ngày 9-9-1969, phi đội cất cánh, Trung đoàn 921 (Sao Đỏ) mang cả niềm vinh dự, tự hào và cảm xúc thiêng liêng theo mỗi phi công trong buồng lái, chuyến bay lịch sử vĩnh biệt Bác Hồ kính yêu. Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy kìm cơn xúc động kể, ông chỉ huy đội bay, nhưng khi hạ độ cao xuống quảng trường Ba Đình, nước mắt bỗng tràn ra hai má ướt nhẹp... Cho đến khi hạ cánh rồi mà người còn bần thần như trong mơ vì Bác đã đi xa...

Anh hùng phi công gặp lại “đối thủ” phi công Mỹ.

Gác việc “binh đao”, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy trở về với ruộng vườn, tại mảnh đất, bờ sông ông sinh ra năm 1936 và lớn lên đến năm 17 tuổi ông đi đánh giặc cứu nước. Ông sống giản dị giữa đời thường, trồng lúa, làm ao nuôi cá, chăm sóc cây vườn. Các trường học, các cơ quan trong tỉnh mời nói chuyện về lịch sử, tiền thù lao ông bỏ heo đất rồi đập ống trao học bổng cho học sinh nghèo. Ngành giáo dục Đồng Tháp phát động toàn học sinh phong trào nuôi heo đất ông Bảy. Ông vận động “Mạnh Thường Quân”, doanh nghiệp tài trợ làm đường nông thôn, kéo điện về thắp sáng những nơi tăm tối...

Người anh hùng phi công học tập và sống noi theo tấm gương Bác Hồ: giản dị, chân thành, liêm khiết, vui lao động, vui với ruộng vườn...

Hoàng Châu
.
.