Biên giới Tây Nam, ký ức thời hoa lửa…

Thứ Tư, 02/01/2019, 14:55
Đã 40 năm trôi qua nhưng những địa danh, con người và vùng đất thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) trong khói lửa đạn bom của chiến tranh biên giới Tây Nam vẫn luôn in đậm trong ký ức người cựu chiến binh, Đại tá Đinh Quang Thìn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18D, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2...

Hà Tiên ngày về

Chuyến xe chở đoàn cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 18D đi thăm chiến trường xưa chầm chậm lăn bánh qua cầu Hà Tiên. Biên giới Tây Nam giờ đang là mùa khô với màu da trời xanh ngắt hòa thêm xanh mặt nước sông Giang Thành êm đềm. Tiết trời đã chớm sang xuân, những ghe xuồng rực rỡ sắc hoa đang cập bến chợ.

“Cảnh vật thay đổi nhiều quá sau mỗi lần tôi được đến đây! Kia là núi Tô Châu, nơi Trung đoàn 18D chúng tôi tập kết sau hành trình dài từ Bắc vào Nam. Ngày ấy, khu vực Tô Châu um tùm rậm rạp, muỗi vắt nhiều kinh khủng, buổi tối chỉ cần quờ tay ra là bắt được muỗi. Hiện nay, dưới chân núi là Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 Quân khu 9 đóng quân, còn ven biển đã thành khu du lịch”, CCB Đinh Quang Thìn tâm sự.

Thức dậy từ sáng sớm, dạt dào cảm xúc suốt dọc đường đi, đến đây tôi thỏa thích ngắm nhìn bức tranh thủy mặc ở một nơi được ví như Hạ Long phương Nam. Chung ghế với tôi suốt quãng đường dài hơn 200km là Đại tá, CCB Đinh Quang Thìn.

Đinh Quang Thìn là một người lý thú. Cái lý thú nhất ở ông có lẽ ông là một người được sinh ra ở Tân thế giới (châu Úc) vào năm 1953. Năm 1961, ông cùng gia đình theo tiếng gọi của Tổ quốc trở về cố hương và định cư ở Thái Nguyên. Tuy được miễn nghĩa vụ quân sự vì có các anh trai đang chiến đấu ngoài chiến trường nhưng làm trai chí tại bốn phương, ông gửi lại câu thơ cho người yêu Mai Loan (sau này là vợ): “Bảy mươi mốt đến nghiêm trang như người lính/ Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng...” và xung phong nhập ngũ khi 18 tuổi.

Ngày chia tay, bố ôm Thìn nén xúc động trong lòng và dặn: “Vào đơn vị đóng quân ở nhà dân hay bất cứ nơi nào, con cũng đều phải đầu tàu gương mẫu. Và cái quan trọng nhất là dẫu có gian khổ thế nào cũng không được chùng bước, không được để lại nỗi nhục cho dòng họ nhà mình!”.

Đại đội trưởng, Trung úy Đinh Quang Thìn (người chỉ tay) chỉ huy Đại đội 9, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18D phòng ngự tại chùa Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang (tháng 7-1978). Ảnh: Trọng Hội.

Đối với Đinh Quang Thìn, hành trang ấy là sức mạnh tinh thần để cho anh vượt qua mọi ranh giới giữa cái sống và cái chết; chiến thắng sự sợ hãi, thêm lòng quyết tâm trên chiến tuyến diệt thù dù 3 lần bị thương trên chiến tuyến.

Và cứ thế, từng trang hồi ức cứ như bày ra trước mắt người CCB ấy. Ngày 25-2-1972, đơn vị nhận lệnh cơ động đánh địch ở Sân Viên - Đông Dương, Thanh Hương - Đơn Quế, huyện Hải Lăng, xã Điền Hương - Thừa Thiên Huế. Gần sáng bị địch phát hiện và dùng phi pháo ở Nam sông Mỹ Chánh và pháo hạm biển bắn vào đội hình Đại đội 1. Đơn vị Tiểu đoàn 7 ngay trận đầu ra quân đã hi sinh 10 đồng chí.

Ngày 26-5, trong lúc hội ý cán bộ ở hầm trong khu nhà thờ Thanh Hương thì bị một quả pháo hạm 203mm nổ ngay cạnh hầm. Hầm chỉ có một cửa, bị sập bịt kín. Đinh Quang Thìn và 5 cán bộ chỉ huy khác bị sức ép làm chấn thương. 30 phút sau mọi người mới đào bới tìm thấy được; Sau đó, đến ngày 11-8-1972, trong trận đánh địch tấn công tái chiếm Quảng Trị, đang cầm khẩu B40 lắp đạn để bắn phát thứ tư thì một quả đạn M79 nổ ngay sát cạnh làm Thìn bị thương toàn thân và phải điều trị hơn 20 ngày ở bệnh xá; Lần cuối, vào ngày 18-12-1980, trong lần hành quân bằng phương tiện cơ giới từ thủ đô Phnôm-Pênh về khu đơn vị đóng quân ở tỉnh Cam-Pốt thì tổ công tác bị địch phục kích. Cuộc chiến không cân sức nổ ra, Đinh Quang Thìn lúc đó là Thượng úy, Trợ lý tác chiến của Sư đoàn 325 bị địch bắn bị thương vào phần mềm.

Thoáng trầm ngâm, ông Thìn nói tiếp: “Tôi đã tham gia chiến trường ở cả 3 nước Đông Dương nhưng khi hành quân đến Hà Tiên, chúng tôi cảm thấy rất đau xót và căm phẫn trước sự tàn ác của bọn Pol Pot đối với đồng bào và chiến sĩ ta. Ở chiến trường này, chúng tôi phải đối diện với nhiều khó khăn và sự xảo quyệt, gian trá và tàn độc của kẻ thù”.

Đầu năm 1978, Trung đoàn 18D được lệnh gấp rút hành quân và tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Cuối tháng 4 năm 1978, Trung đoàn hành quân đến thị xã Hà Tiên (nay là thành phố Hà Tiên) và nhận lệnh tổ chức tiến công phản kích, đánh bật bọn Pol Pot xâm lược ra khỏi địa bàn thị xã.

“Khung cảnh thị xã Hà Tiên thời gian đó thật quá hoang tàn. Toàn bộ nhà cửa, cầu cống, đền chùa đều bị bọn Pol Pot phá hoại. Xác người dân nằm la liệt: người thì bị giặc đập nát đầu bằng cuốc xẻng hay dã man hơn, chúng còn dùng lá cây thốt nốt cứa cổ và hành hạ cho đến chết. Những cái lá vẫn còn bám sâu vào cổ tử thi. Không gian nồng nặc mùi tử khí. Nhìn cảnh tượng này, chúng tôi không sao kìm được nước mắt và lòng căm hờn lũ giặc ngoại xâm”, CCB Đinh Quang Thìn nghẹn ngào.

Vừa hành quân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18D vừa chôn cất những nạn nhân xấu số bị giết hại. Nỗi đau về sự tang thương do quân thù trút trên đất nước và đồng bào đã trở thành sức mạnh lớn lao như tiếp sức cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 18D quần nhau trắng đêm với kẻ thù, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Phút giây gặp lại đồng đội.

Bản hùng ca trên biên cương

Tổ quốc vừa thống nhất, nhân dân thành phố Hà Tiên nói riêng và miền Tây Nam bộ vừa đón được cái tết thống nhất lần thứ 2 thì lại chìm trong tang thương binh lửa do bọn phản động Pol Pot - Ieng Sary gây ra. Tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên vào đêm 13, rạng sáng 14-3-1978, quân Pol Pot lùng sục khắp các ngõ ngách và sát hại dã man 134 dân thường.

Chúng chiếm đóng quân trong chùa Xà Xía, khu vực đồi Bà Lý (phường Mỹ Đức) và được yểm trợ hỏa lực bởi các sư đoàn quân binh chủng và chủ lực đóng bên kia biên giới để vừa quấy nhiễu, giết chóc và bắn tỉa bộ đội ta. Đã nhiều ngày phản công, bộ đội ta bị thương vong lớn mà chưa thể đánh bật bọn địch ra khỏi chùa Xà Xía.

Vừa đặt chân đến phường Mỹ Đức, Đại đội 9 nhận lệnh thay chân một tiểu đoàn của Lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã bị thiệt hại nặng sau nhiều ngày vây lấn, kìm hãm, tiến công tiêu diệt và đẩy lùi địch ra khỏi chùa Xà Xía. Nhận lệnh, Đinh Quang Thìn cùng 2 trinh sát tiếp cận địa hình. Chùa Xà Xía nằm án ngữ trên đường ra biên giới, ở thế trên cao nên rất thuận lợi để quan sát và khống chế, ngăn chặn đường tiến công của ta và cũng là bàn đạp để địch triển khai tiến công vào sâu nội địa.

Vậy là Đinh Quang Thìn đã hiểu lý do vì sao các đơn vị trước gặp thất bại trong việc vây hãm và tiến công địch. Đó là do địch ở vị trí trên cao, còn ta dưới thấp, đã vậy vùng này là vùng đồng bằng, bằng phẳng, không có vật che đỡ nên mỗi lần giao tranh, bộ đội ta phải phơi mình trước mũi súng của địch.

Nghiên cứu xong địa bàn, Đại đội trưởng Đinh Quang Thìn tổ chức cuộc họp khẩn cấp và động viên quán triệt toàn đại đội vượt khó để đào hầm hào và công sự chiến đấu. Vừa để ẩn nấp, vừa tạo thế liên hoàn cơ động chi viện giữa các bộ phận trong chiến đấu. Tuy mệt mỏi sau nhiều ngày hành quân nhưng cán bộ, chiến sĩ hạ quyết tâm bắt tay vào việc xây dựng trận địa. Ngày nối ngày, hệ thống giao thông hào càng dài thêm. Sau 10 ngày, khoảng 10km giao thông hào đã được hoàn thành như chiếc thòng lọng thít dần họng kẻ địch đang ẩn nấp trong chùa Xà Xía.  

Sau nhiều ngày nằm yên, 24h đêm ngày 15-5-1978, địch bất ngờ cho quân đánh vào chốt Trung đội 2 ở hồ nước phía Tây Nam Xà Xía để giải nguy cho bọn Pol Pot đang chiếm giữ Xà Xía, đồng thời chiếm trận địa của ta, tạo thế thuận lợi trên chiến trường.

“Nghe tiếng súng nổ, tôi bật dậy và được chiến sĩ liên lạc báo cáo tình hình chiến sự. Ngay lập tức, tôi lệnh cho Trung đội 1 và phân đội hỏa lực lập tức chi viện cho Trung đội 2 đánh địch. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng tăng cường quan sát trên toàn tuyến đề phòng địch dùng kế “điệu hổ ly sơn”, lấy hướng Trung đội 2 làm mồi nhử để bí mật tập kích vào trận địa. Bộ đội kiên cường nổ súng đánh trả các đợt tấn công của kẻ địch, các chốt khác lợi dụng công sự hào chiến đấu cơ động chi viện đánh địch. Đến gần sáng, địch rút chạy. Trận đánh đầu tiên, ta tiêu diệt được 5 tên nhưng hi sinh 3 và bị thương 5 đồng chí”. CCB Đinh Quang Thìn kể.

Đại tá Đinh Quang Thìn (thứ 2 từ phải sang) cùng các cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325, trong hành trình tri ân các liệt sĩ.

Gần cuối tháng 5-1978, tình hình chiến sự vẫn chưa có gì thay đổi, ta và địch vẫn kìm nhau ở vùng Mỹ Đức. Mùa mưa đã đến. Những cơn mưa đầu mùa như trút nước trắng xóa vùng biên cương. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9 phải đối mặt với 2 khó khăn: Một là các chiến hào ngập nước, hai là lũ muỗi háu đói. Đại đội trưởng Đinh Quang Thìn lệnh cho các phân đội tập trung các vỏ bao gạo xe lại để khi bộ đội gác thì quấn làm xà cạp che các chỗ hở trên cơ thể, chỉ để chừa tai, mắt để quan sát và lắng nghe địch, lỗ mũi để thở nhằm chống chọi với muỗi.

Đặc biệt, nhờ xây dựng được hệ thống chiến hào liên hoàn, nối tiếp nhau nên giữa lúc giao tranh khốc liệt và vào mùa mưa ngập nước, hằng ngày, anh nuôi Nguyễn Văn Đức tận dụng giao thông hào, đưa đồ ăn thức uống lên chiếc thuyền gỗ đẩy dọc theo các chiến hào, đến từng chốt tiếp phẩm dưới mưa gió và súng đạn của địch.

“Ngày ngày ngâm nước, người chúng tôi như bị bủng ra vậy. Cứ để lâu thế này thì sớm muộn bộ đội cũng mất sức chiến đấu. Vì vậy, tôi xác định phải chiếm bằng được chùa Xà Xía để giành thế chủ động và giải quyết khó khăn trên chiến trường. Sau khi họp thống nhất toàn đại đội, tôi xin cấp trên chi viện 1 tiểu đội trinh sát - đặc công đánh tập kích trong lòng địch, phối hợp với Trung đội 1, Đại đội 9 dưới sự chỉ huy của Đại đội phó Nguyễn Văn Hòa, “nội công ngoại kích” tiêu diệt địch giành lại chùa Xà Xía”, CCB Đinh Quang Thìn nhớ lại tình huống khi ấy.

Nhằm đánh lạc hướng địch, những ngày trước khi diễn ra trận đánh, toàn thể trận địa Đại đội 9 lặng im tiếng súng để địch hoang tưởng rằng bên ta đang bị suy yếu. Khuya 5-7, Đại đội phó Nguyễn Văn Hòa cùng Trung đội 1 theo chân lực lượng trinh sát tiểu đoàn bí mật tiền nhập vào chùa Xà Xía. 1h sáng, tiếng súng hiệu vang lên, Đại đội trưởng Đinh Quang Thìn lệnh cho toàn bộ xung phong tiếp ứng đánh địch.

Khoảng 4h cùng ngày, ta đã làm chủ hoàn toàn khu vực dốc Bà Lý và chùa Xà Xía, gây tiếng vang lớn trên tuyến biên giới Tây Nam. Từ khi chiếm được chùa Xà Xía, địch liên tiếp tổ chức nhiều cuộc tấn công có sự yểm trợ của pháo binh hòng chiếm chùa Xà Xía nhưng lần nào cũng bị cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9 đánh bật ra khỏi trận địa phòng ngự góp phần viết nên bản hùng ca của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18D.

Năm 1979, Trung đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Còn CCB Đinh Quang Thìn, sau khi cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ giúp nước bạn Campuchia đã về nhận công tác tại Quân khu 1 và nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

Việt Hà
.
.