Cái chết gây tranh cãi của nhà báo Mohammad Munadi
- Thượng viện Mỹ kết luận Thái tử Arab Saudi ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi
- Giám đốc CIA điều trần vụ nhà báo Jamal Khashoggi
Trong cuộc tập kích ấy, nhà báo Munadi bị biệt kích Anh bắn chết vì tưởng nhầm ông là Taliban. Thi thể của Munadi bị bỏ lại ở hiện trường và cha mẹ ông phải tự tìm kiếm đưa ông về. Vụ việc đã từng làm dấy lên một làn sóng chỉ trích về sự phân biệt giữa các phóng viên phương Tây với các nhà báo Afghanistan…
Bị bắt khi tác nghiệp
Sáng ngày 2-9-2009, trên chiếc xe bán tải, Stephen Farrell và Munadi đến một ngôi làng ở phía bắc tỉnh Kunduz, Afghanistan để viết bài điều tra về việc máy bay thuộc khối NATO ném bom 2 chiếc xe chở xăng dầu của Taliban nhưng đã khiến hơn 70 thường dân thiệt mạng. Cả hai không hề biết rằng nơi họ sắp đến nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban. Nhà báo Farrell kể lại: "Trên đường đi, chúng tôi chẳng nhìn thấy bóng dáng quân đội NATO cũng như cảnh sát Afghanistan, và cũng chẳng thấy một trạm kiểm soát an ninh nào cả".
Gần 10 giờ, Farrell và Munadi có mặt tại nơi xảy ra vụ không kích. Và trong khi họ đang phỏng vấn mấy người dân thì bất ngờ một nhóm Taliban xuất hiện trên những chiếc mô tô phân khối lớn. Nhà báo Stephen Farrell kể tiếp: "Nhìn thấy những tay súng Taliban, dân làng bỏ chạy tán loạn. Tài xế chở chúng tôi cũng chạy, mang theo cả chìa khóa xe. Giây lát, bọn Taliban vây quanh hai chúng tôi. Một tên có vẻ là chỉ huy nhảy xuống, hỏi bằng thổ ngữ Pastun và khi biết chúng tôi là nhà báo qua lời phiên dịch của Munadi, hắn ra lệnh cho chúng tôi leo lên hai chiếc mô tô do hai tên Taliban cầm lái…".
Nhà báo Mohammad Munadi. |
Những chiếc mô tô lao hết tốc lực trên những con đường đất gồ ghề. Đến một khúc quanh, do mất thăng bằng nên Stephen Farrell ngã xuống, cánh tay bên phải của ông bị trầy một đường dài, rỉ máu. Không quan tâm đến chuyện ấy, tay chỉ huy Taliban thúc ông lên xe, tiếp tục cuộc hành trình. Farrell kể: "Ở một chỗ nghỉ, khi thấy tôi đi tiểu đứng, một tên Taliban đã lao tới thúc mạnh báng súng vào lưng tôi. Về sau Munadi cho tôi biết theo phong tục địa phương, việc tiểu đứng là hành vi xúc phạm đạo Hồi vì ở vùng này, đàn ông phải ngồi xổm khi tiểu…".
Trong 3 ngày tiếp theo, mỗi ngày nhóm Taliban di chuyển suốt 10 tiếng qua những vùng đất mênh mông không làng mạc, không bóng người và chỉ dừng lại 15 phút để ăn trưa, gồm bánh bột ngô nướng với pho mai làm từ sữa lạc đà. Đêm đến, Farrell và Munadi nằm co quắp dưới đất, xung quanh là những tay súng Taliban. Farrell kể: "Chiều ngày thứ 4, nhóm Taliban dừng lại ở một nơi mà theo lời Munadi thì đó là một khu vực thuộc quận Char Dara, tỉnh Kunduz. Xung quanh chúng tôi có khá nhiều xe bán tải hiệu Toyota và những chiếc mô tô phân khối lớn. Hầu hết bọn Taliban ở nơi này đều quấn khăn kín mặt, chỉ để hở đôi mắt, vai khoác tiểu liên AK hoặc súng chống tăng RPG. Một gã Taliban mở cho chúng tôi nghe một đoạn băng từ chiếc máy cassette. Theo lời dịch của Munadi, nội dung ca ngợi Osama bin Laden, ca ngợi những mujahideen (chiến binh Hồi giáo) Chechnya, Somalia và những mujahideen ở các tỉnh Helmand, Kandahar, Afghanistan…, đang anh dũng chiến đấu chống lại người Mỹ.
Vài nét về nhà báo Munadi
Sinh ngày 22-11-1976 tại làng Astana, quận Bazarak, tỉnh Panjshir, Afghanistan, Munadi là người dân tộc Tajik. Sau khi tốt nghiệp tiểu học tại trường Amir Sharali Khan, Munadi tiếp tục theo học trung học tại trường Nadiria. Năm 1995, ông thi vào khoa Báo chí, Đại học Kabul, Afghanistan. Khi Taliban lên nắm quyền năm 1996, Munadi phải tạm thời từ bỏ việc học để trở thành liên lạc viên cho Hội Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ ở thành phố Gulbahar, tỉnh Parwan.
Nhà báo Stephen Farrell ở Kabul. |
Năm 2002, khi Taliban bị lật đổ, Chính phủ lâm thời Afghanistan ra đời, Munadi trở thành phóng viên của tờ New York Times tại Afghanistan đồng thời ông còn là dịch giả tiếng Dari và tiếng Pastun cho tờ báo. Đến năm 2006, ông trở thành giám đốc sản xuất của chương trình phát thanh "Chào buổi sáng Afghanistan - Good Morning Afghanistan (GMA)".
Đầu năm 2009, Munadi đưa vợ và 2 con đến Đức, nơi ông ghi danh theo học chương trình sau đại học tại Đại học Erfurt School of Public Policy, Berlin. Giữa tháng 8, khi Munadi quay lại Afghanistan, tờ New York Times đã nhờ ông giúp đỡ một số phóng viên của báo đang tác nghiệp tại đất nước này. Nhà báo Stephen Farrell hồi tưởng về Munadi như sau: "Đó là một người đáng mến, sôi nổi và nhiệt tình. Anh ấy có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ để giảng giải cho bạn về một số phong tục của người Pastun, cốt chỉ để giúp bạn không mắc phải những sai lầm khi giao tiếp".
Ed Craig, lúc ấy là trưởng văn phòng Hãng tin AP ở Kabul cho biết: "Mỗi khi có một sự kiện xảy ra ở Afghanistan, người đầu tiên mà tôi nghĩ đến là Munadi. Khác với nhiều nhà báo khác, anh ấy không giấu tin để New York Times nắm vị trí độc quyền. Quan điểm của Munadi là làm thế nào cho thế giới hiểu càng nhiều càng tốt về cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan".
Chính vì vậy, khi nghe tin máy bay NATO ném bom hai chiếc xe chở xăng dầu của Taliban ở tỉnh Kunduz nhưng đã gây ra cái chết cho hơn 70 thường dân Afghanistan vô tội, Stephen Farrell liền rủ Munadi đi cùng. Lẽ ra Munadi hoàn toàn có thể từ chối vì thời điểm ấy, ông chỉ còn là cộng tác viên của tờ New York Times nhưng theo Farrell: "Trách nhiệm của một công dân Afghanistan đã khiến Munadi không thể ngồi yên trước những gì đang xảy ra trên đất nước mình".
Hai phóng viên truyền hình khác bị thương khi đang đưa tin về một cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Afghanistan và Taliban. |
Và đó cũng là chuyến đi cuối cùng của Mohammad Munadi, người được giới báo chí phương Tây ở Afghanistan gọi thân mật là "Sultan Mohammad - tiếng Arab nghĩa là Quốc vương Mohammad".
Loạt đạn oan nghiệt
Chỉ hơn nửa ngày sau khi Munadi và Farrell bị phiến quân Taliban bắt giữ, Bộ Chỉ huy NATO ở Kabul đã nhận được thông tin. Sau một cuộc họp kéo dài hơn 3 tiếng, việc giải cứu được giao cho biệt kích Anh vì tình báo Anh quốc có một mạng lưới cơ sở rất đáng tin cậy ở tỉnh Kunduz.
Lúc này, Stephen Farrell được nhóm bắt cóc đối xử khá tử tế nhưng Munadi - vì là người Afghanistan nên ông bị ngược đãi. Farrell kể: "Anh ấy giam chung với tôi nhưng thường xuyên bị Taliban tra khảo vì nghi là gián điệp. Một gã Taliban biết tiếng Anh nói với tôi rằng năm 2007, khi Taliban bắt cóc phóng viên Daniele Mastrogiacomo, người Italy và một phiên dịch người Afghanistan thì sau vài ngày, Daniele Mastrogiacomo được phóng thích còn người phiên dịch bị chặt đầu. Vì vậy, tôi rất lo sợ cho tính mạng của anh ấy".
Tuy nhiên, đến 10 giờ 30 phút tối 5-9-2009, Taliban cho phép Munadi được liên lạc với cha mẹ ông ở Kabul bằng điện thoại vệ tinh. Trong cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 7 phút, Munadi đã báo với cha mẹ ông rằng ông và Farrell vẫn an toàn nhưng ông không nói mình đang bị giam ở đâu. Khi cha mẹ Munadi hỏi về khả năng nộp tiền chuộc để ông và Farrell được phóng thích, Munadi trả lời là ông không hề nghe nhóm bắt cóc đả động gì đến chuyện ấy. Theo Farrell, có thể Taliban bắt ông và Munadi để trao đổi với những mujahideen đang nằm trong tay lực lượng NATO.
Sau cuộc nói chuyện với Munadi, sáng ngày 6-9, cha mẹ ông từ thủ đô Kabul đến tỉnh Kunduz, tìm cách bắt liên lạc với nhóm phiến quân Taliban, hy vọng sẽ có một giải pháp nhằm giải thoát cho ông và nhà báo Farrell. Trước lúc đi, cha mẹ Munadi đã thông báo cho Văn phòng đại diện của tờ New York Times ở Kabul nhưng nơi đây chỉ tỏ ra quan tâm đến số phận của nhà báo người Anh Farrell.
Trong lúc ấy, thông qua vệ tinh trinh sát, tình báo Anh quốc đã xác định được vị trí nơi Munadi gọi điện thoại. Lo sợ hai nhà báo có thể sẽ bị giải đi giam giữ ở một nơi khác, tình báo Anh quốc quyết định tấn công giải cứu Farrell và Munadi trong ngày 6-9. Để giữ bí mật, họ không hề thông báo cho cha mẹ Munadi và gia đình Farrell.
Tang lễ nhà báo Mohammad Munadi. |
Nửa khuya ngày 5 rạng ngày 6-9, một nhóm biệt kích Anh Quốc xuất phát từ một căn cứ bí mật ở quận Char Dara, tỉnh Kunduz, cách nơi phát ra cuộc điện thoại vệ tinh của Munadi khoảng 60km về phía tây. Trên 2 chiếc trực thăng Black Hawk, họ hạ cánh xuống một thung lũng hoang vu rồi đi bộ đến mục tiêu.
2 giờ 30 sáng ngày 6-9, nhóm biệt kích Anh quốc áp sát ngôi làng, nơi nghi ngờ giam giữ Farrell và Munadi. Nó chỉ gồm 4 căn nhà dài nên nhóm biệt kích quyết định tấn công đồng loạt vào cả 4 nhà để nắm thế chủ động. Nhà báo Farrell kể: "Đang lơ mơ ngủ, đột nhiên tôi nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn rồi tiếp theo là hàng loạt tiếng súng tiểu liên. Bọn Taliban canh giữ chúng tôi chạy tán loạn, một số tên bắt đầu bắn trả lại…".
Farrell và Munadi, cả hai bò dưới nền nhà, hướng ra cánh cửa chính. Đến gần cửa, Munadi kéo Farrell nhổm dậy định bỏ chạy nhưng vì trượt chân, Farrell ngã sấp xuống. Lập tức Munadi đỡ ông lên rồi hỏi: "Anh đã đeo kính áp tròng vào chưa?". Farrell gật đầu: "Rồi". Nhớ lại chuyện này, nhà báo Farrell không giấu được sự xúc động: "Munadi vẫn cố giúp tôi cho đến nhưng giây phút cuối cùng của cuộc đời".
Bên ngoài sân, tiếng súng vẫn vang lên dữ dội. Kéo Farrell ra cửa, Munadi vừa chạy vừa hét lớn bằng tiếng Anh: "Nhà báo, nhà báo" trong lúc Farrell chạy sau lưng ông cũng la lên: "Con tin người Anh, con tin người Anh". Nhưng trong cái ánh sáng chớp lóe từ đầu nòng của các khẩu súng, một biệt kích Anh quốc nhầm lẫn Munadi là Taliban nên đã bắn một loạt về phía ông khiến ông chết ngay lập tức.
Cuộc tấn công chỉ kéo dài khoảng 10 phút. Không rõ Taliban mất bao nhiêu tay súng nhưng về phía nhóm biệt kích, ngoài Munadi thì chỉ có 1 người tử thương, nhà báo Farrell được cứu sống. Nhóm biệt kích đem xác đồng đội rút lui trên 2 chiếc trực thăng còn xác của Munadi bị bỏ lại ở hiện trường.
Hôm sau, các tờ báo Anh quốc đều đưa tin về cuộc tấn công giải cứu nhưng tất cả chỉ nói đến sự hy sinh của một biệt kích người Anh và sự tự do của Farrell, còn cái chết của Munadi chìm trong im lặng. Chỉ đến khi cha mẹ Munadi phải thuê mướn một số người dân để họ dẫn đi tìm xác Munadi rồi sau đó, đem xác ông về Kabul chôn cất thì báo chí Afghanistan mới tràn đầy những bài viết phẫn nộ, rằng cái chết của Munadi đã tiết lộ một "tiêu chuẩn kép" của NATO về việc đối xử với các nhà báo phương Tây và các nhà báo địa phương.
Về phần mình, Farrell viết trên tờ New York Times: "Tôi cảm ơn anh, Sultan Mohammad Munadi dù rằng không - và mãi mãi sẽ không bao giờ là đủ…".