Câu chuyện về đoàn tàu chở báu vật của Yamashita
Câu chuyện về xác những chiếc tàu bị chìm trong Thế chiến II trong hải phận Việt Nam giờ ít người nhắc đến. Vì rất có thể, nếu còn chúng cũng bị mục rữa dưới sức nặng của thời gian. Song, hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ Thế chiến II kết thúc, nhiều quốc gia ở Châu Á chưa cho thấy dấu hiệu dừng tìm kiếm đoàn tàu chở báu vật của tướng Yamashita bị quân Đồng Minh đánh chìm giai đoạn cuối của cuộc chiến.
Ở Nam Việt Nam, ngay sau Thế chiến II kết thúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó đã ký nhiều thoả ước với công ty nước ngoài nhằm chủ tâm tìm kiếm đoàn tàu chở báu vật nói trên. Từ 1949 - 1975, đã có hơn 50 ngàn tấn sắt, nhôm, cao su… được vớt lên từ các chiến hạm. Nhưng thông tin cùng với hiện vật về đoàn tàu biển chở báu vật trị giá hơn 100 tỷ đồng bạc (theo thời giá ước tính lúc bấy giờ) dưới thời chính quyền miền Nam Việt Nam cho đến nay vẫn là một ẩn số.
Hạm đội chở báu vật
Trung tuần tháng 1 - 1964, một người cũ của Ngô Đình Diệm là Tổng thư ký Phủ tổng thống Cao Đình Tiêu đã âm thầm chấp bút và trao tận tay cho trung tướng Chủ tịch hội đồng nội các chiến tranh Dương Văn Minh một bản phúc trình đặc biệt đóng dấu "tuyệt mật" dài 7 trang giấy A.4.
Để lấy lòng nhân vật đang ở đỉnh cao quyền lực như tướng "Big" Minh, người viết bản phúc trình cho thấy đã cố gắng đề cập chi tiết về kế hoạch khai thác 83 tàu chiến của phát xít Nhật bị quân Đồng Minh đánh chìm được cho là nằm trong hải phận Việt Nam. Bao gồm 64 chiếc chìm ở ngoài biển, 8 chiếc chìm ở sông và 11 chiếc chìm ở khu vực cảng Sài Gòn.
Hầu hết số tàu chiến nói trên bị đánh chìm cùng ngày 17 - 1 - 1945, được xác định từ đèo Hải Vân trở vào Sài Gòn. Trong tổng số 83 chiếc tàu nói trên, có 57 chiếc được bản phúc trình khẳng định là có đầy đủ bản đồ vị trí, tọa độ, kinh độ, vĩ tuyến, độ chìm sâu của mỗi tàu. Kể cả những chi tiết được xem là bí mật bị chôn vùi cùng với xác tàu dưới lòng đại dương sâu thẳm như tên chiến hạm, tải trọng, đồ kim khí, quân khí, hàng hóa trên tàu cùng nhiều chi tiết khác thuộc về "chìa khóa” để khai thác đoàn tàu cũng được bản phúc trình đề cập cẩn trọng.
Chiến hạm Lammothe Picquet của Pháp được cho là chìm ở xưởng hòa công, thành Tuy Hạ, được trục vớt khoảng thời gian 1949-1951. |
Theo bản phúc trình, tất cả những bí mật trên đang nằm trong tay "người chấp bút" và sẵn sàng trực tiếp một lần nữa, đệ trình lên trung tướng Chủ tịch nếu được trung tướng ban cho đặc ân.
Cũng trong số 57 chiếc tàu được xác định chi tiết, bản phúc trình đặc biệt còn lưu ý đến một đoàn tàu 8 chiếc khác mà phát xít Nhật cướp của quân Anh ở Hương Cảng. Chỉ ít ngày sau đó đoàn tàu này chạy vào hải phận Việt Nam đã bị oanh tạc cơ của Đồng Minh đánh chìm dọc theo bờ biển từ Bình Định đến Vũng Tàu. Trong số này có 4 chiếc mang tên TANASAGO (tải trọng 851 tấn), HOMAN (1.100 tấn), SHINSHU (4.180 tấn), và chiếc tàu có tên KENSHO (4.643 tấn) là quan trọng nhất, vì trên tàu chở đầy những chiến lợi phẩm quý giá như vàng, bạc và kim cương.
Tất cả được đóng thành những thùng gỗ, bên ngoài nẹp sắt, ước tính trị giá hơn 100 tỷ bạc (thời điểm đó). Vào thời điểm chấp bút bản phúc trình, người viết nói số tiền trên gần bằng 5 năm số thu ngân sách của chính quyền Sài Gòn hiện tại. Trong lúc chúng bị quân Đồng Minh dội bom trúng, chỉ huy đoàn tàu cho thả khói màu để phi công của Đồng Minh khó nhận ra vị trí chính xác tàu chìm mà chụp ảnh.
Đáng lưu ý là trong đoàn tàu 8 chiếc còn có một chiếc chở 5 kg nhiên liệu được cho là dùng để chế tạo bom nguyên tử, kèm theo họa đồ và chương trình, kế hoạch chế tạo hoả tiễn V.1 & V.2 do Đức Quốc xã bàn giao cho phát xít Nhật. Trong chiến dịch đòi xóa tên Luân Đôn trên bản đồ thế giới vào tháng 7 - 1944, Hitler đã sử dụng loại hoả tiễn này. Đây là vũ khí tấn công bí mật của Hitler, sự huỷ diệt của nó thập phần ghê gớm. Cuối bản phúc trình, người chấp bút đánh giá đây là "tài liệu quan trọng bậc nhất về an ninh quốc phòng" nếu quốc gia nào sở hữu nó và hoàn thành được chương trình đó thì được xem là "bá chủ" vùng Đông Nam Á(!?)
Có bao nhiêu con tàu bị chìm?
Ngoài các tàu chiến của Nhật Bản, bản phúc trình còn xác định thêm 16 tàu chiến của Pháp và 25 tàu chiến của quân Đồng Minh khác bị đánh chìm trong hải phận Nam Việt Nam, nâng tổng số lên 124 chiếc. Trong số này có 2 chiến hạm của Pháp là Amiral Charner và Lamothe Picquet chìm ở xưởng Hòa Công (Pyrotechnie) thành Tuy Hạ (Đồng Nai). Sau Thế chiến II đã được Pháp trục vớt trong khoảng thời gian từ 1949 - 1951, bằng ngân sách đặc biệt khổng lồ.
Bản thoả ước bồi thường chiến tranh 1959. |
Trước đó, năm 1946, ngay khi quay trở lại Đông Dương, người Pháp đã lập ra ngân sách vớt tàu và dùng chung cho toàn cõi Đông Dương, sau khi trục vớt xong hai chiến hạm thì ngân sách này đóng tài khoá vào 31 - 12 - 1951.
Hai năm sau đó, Pháp muốn nhập số tiền bán sắt, thép, đồng… vớt lên từ 16 tàu chiến vào ngân sách vớt tàu để tiếp tục trục vớt những chiến hạm khác, khai thông thuỷ lộ. Nhưng vì lúc đó "chế độ tay tư": Pháp, Việt Nam, Campuchia và Lào đã bãi bỏ. Quốc gia Việt Nam khi ấy không chấp nhận, cho rằng sắt, thép, đồng… vớt lên từ những chiến hạm chìm trong hải phận Việt Nam không thuộc quyền sở hữu của người Pháp nữa.
Bộ Tài chánh Quốc gia Việt Nam dẫn Điều 14, khoản 1, đoạn 2 của Hiệp ước San Francisco năm 1951: "Mỗi quốc gia Đồng Minh được quyền sai áp, thanh toán hay sử dụng các tài sản của phát xít Nhật hiện hữu trong khu vực thẩm quyền của quốc gia ấy". Vào lúc Hiệp ước phê chuẩn thì xác những con tàu này đã nằm trong lòng hải phận của Việt Nam. Chính vì vậy mà ngày 16 - 10 - 1953, chính phủ Quốc gia Việt Nam thông báo quan điểm trên cho Cao uỷ Pháp ở Đông Dương biết, đồng thời yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền bán sắt, thép, đồng… vớt lên từ xác những con tàu chiến vào Ngân khố Quốc gia Việt Nam.
Cùng thời gian này, Bộ Công chánh đã gửi công thư cho Cao uỷ Pháp biết đã ký kết với hãng tàu Kitagawa của Nhật một khế ước thương mại (gọi là khế ước thứ nhất - NV), giao cho hãng này trục vớt 17 xác tàu chiến chìm ở vùng biển Vũng Tàu và trên sông Sài Gòn. Khế ước một lần nữa gián tiếp xác nhận quyền sở hữu của Việt Nam đối với các xác tàu chìm.
Nghị định 187 của chính quyền vnch về việc tịch thu tiền ký quỹ của hãng Kitagawa. |
Tuy nhiên, hãng Kitagawa đã không thi hành đầy đủ các nghĩa vụ ghi trong khế ước nên đến tháng 5 - 1957, Tổng thống Đệ Nhất cộng hoà đã ra Nghị định 187 bãi bỏ khế ước I và tịch thu 360.000 đồng bạc tiền ký quỹ trục vớt, cùng với 10.000 USD tiền đảm bảo khởi công trục vớt vào ngày 11 - 6 - 1953 của hãng này. Đồng thời toà án Sài Gòn khi đó còn tuyên tịch thu các dụng cụ thi công trị giá 1.142.460 đồng bạc, bắt hãng này nộp phạt 1.895.375 đồng bạc cho Nha quan thuế Sài Gòn.
Kho báu dưới biển khơi
Mấy tháng sau, chính quyền Sài Gòn giao cho Bộ Công chánh xúc tiến gọi thầu quốc tế nhằm tiếp tục trục vớt xác những con tàu này. Hãng Kitagawa lại có đơn xin dự thầu nhưng không được chấp nhận, vì người có tiếng nói quyết định khi đó cho rằng hãng đã từng được giao và thực hiện không tới nơi tới chốn.
Trong biên bản đấu thầu do Bộ trưởng Công chánh làm chủ tịch, cho thấy có 8 nhà thầu bao gồm cả người sở tại và nước ngoài như: Archimède Salvage (Ý), Nguyễn Văn Trương và Nhân Tích Đức; Trung Nam Công ty; Overseas Salvage Company (Hong Kong); Kanaya; Vitico Enterprise; Nguyễn Minh Chí; Nihon Kaiji Kogyo Co., tham gia đấu thầu 7 lô xác tàu chìm ở hải phận và giang phận Việt Nam.
Theo nguyên tắc lúc đó, sau đấu thầu 50 ngày Hội đồng đấu thầu phải công bố kết quả trúng thầu trên công báo. Nhà thầu trúng thầu sẽ phải khởi công sau 45 ngày và hoàn thành trong 66 tháng. Tuy nhiên kết quả đấu thầu này sau đó không được tổng thống Ngô Đình Diệm chấp thuận, vì ông ta còn trông chờ Chính phủ Nhật giải quyết xong vấn đề bồi thường chiến tranh rồi hẵng tính.
Thật ra ngay trong những vòng đàm phán sơ bộ về bồi thường chiến tranh hai vấn đề chính yếu được đưa ra bàn thảo là "thoả thuận bồi thường chiến tranh và kế hoạch trục vớt những chiến hạm bị quân Đồng Minh đánh chìm". Phía chính quyền Sài Gòn vào thời điểm đó cũng đã cho thành lập Văn phòng đặc trách điều tra xác những con tàu này, đến thời Đệ Nhị Cộng hòa, Văn phòng đặc trách được nâng cấp lên thành Uỷ ban chuyên trách trực thuộc phủ tổng thống.
Vì sao cả Nhật và chính quyền Sài Gòn tỏ ra quan tâm quá mức đến công tác trục vớt những con tàu này?
Tướng Tomoyuki Yamashita đầu hàng quân đồng minh. |
Điều này không khó hiểu. Ngoại trừ những kho báu huyền thoại được chôn giấu đâu đó trên những vùng đồi núi ven biển Miền Trung như những đồn đoán lâu nay, rõ nhất là kho báu Núi Tàu ở Bình Thuận được cho là chôn giấu 4.000 tấn vàng, mà từng có người dám bỏ ra cả trăm cây vàng để đeo đuổi gần 20 năm nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Có người bảo đó là những "kho báu không có thật". Song, kể từ năm 1956, lần đầu tiên sau Thế chiến II có sự xuất hiện của cựu sĩ quan người Nhật đến Việt Nam, với danh nghĩa là đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh và lặn mò ngọc trai thì những lời đồn đoán về kho báu trên cạn hay dưới biển dần được giải mã.
Trong một dịp hiếm, "ông chủ" của kho báu Núi Tàu trước đây có lần nói với người viết, rằng ông đã từng gặp cựu sĩ quan người Nhật nói trên trong một bữa tiệc ở nhà một quan chức chính quyền dưới thời Ngô Đình Diệm, cũng từ đây ông mới biết được thông tin "kho báu" Núi Tàu để rồi sau giải phóng ông bắt đầu tìm kiếm. Vậy cựu sĩ quan Nhật là ai? Có liên quan gì đến những kho báu huyền thoại của tướng Yamashita ở Châu Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng?