Chiếc khung ảnh để trống 86 năm và lai lịch của một nhân vật tham dự

Thứ Ba, 15/07/2008, 08:00
Đã có rất nhiều các tài liệu, hiện vật được sưu tầm một cách hết sức tỉ mỉ và công phu, đặc biệt là những tài liệu nói về những đại biểu đã tham dự hội nghị thành lập Đảng. Trên bức tường, nơi trang trọng nhất của Viện bảo tàng, người ta cho treo trên đó những bức ảnh chân dung cỡ lớn của các đại biểu đã dự hội nghị nói trên.

Các tấm ảnh được lồng trong những khung rất đẹp và trang trọng. Nhưng khách đến tham quan Viện bảo tàng trong suốt hơn 50 năm qua đều rất ngạc nhiên vì  ở  vị trí thứ 15 người ta chỉ thấy có khung mà không có ảnh.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mark đã được truyền bá vào Trung Quốc (TQ) do công lao của các nhà trí thức nổi tiếng như Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu. Đến  năm 1920 thì TQ bắt đầu xuất hiện các tổ chức cộng sản (CS) đầu tiên. Cũng trong khoảng thời gian đó những người TQ ở hải ngoại cũng thành lập ra các tổ chức CS của mình như tại  Nhật hoặc Pháp. Trước tình hình đó, những người CS TQ  quyết định phải tiến hành đại hội  nhằm thống nhất các tổ chức CS  riêng rẽ, tiến tới việc thành lập một Đảng Cộng sản   (ĐCS) duy nhất ở TQ.

Vào buổi tối ngày 23/7/1921, Đại hội đã được diễn ra một cách hết sức bí mật dưới hình thức một cuộc đánh mạt chược tại  phòng ăn vừa là bếp của anh em  Lý Thư Thành, Lý Hán Tuấn. Căn phòng ăn-bếp này nằm trong số nhà 106 đường Vọng Chí thuộc tô giới của Pháp (ngày nay là số nhà 76 đường  Hưng Nghiệp) TP Thượng Hải. Có tất cả 15 đại biểu tham gia, gồm 13 đại biểu, trong đó có  Mao Trạch Đông, Đổng Tất Võ, là người TQ, đại diện cho hơn 50 đảng viên trong nước và hải ngoại. 2 đại biểu do Quốc tế CS  phái tới là Malin và Nikovski.  

Cũng cần nói thêm trong số 13 đại biểu người TQ thì có 12 đại biểu chính thức, còn 1 đại biểu (Trương Huệ Tăng)  thay mặt cho cá nhân Trần Độc Tú khi đó đang bận việc ở Quảng Châu nên không tới dự họp được.

Tới năm 1938, khi cuộc kháng chiến chống Nhật ở vào giai đoạn ác liệt nhất, TW ĐCS TQ khi đó đóng đại bản doanh tại Diên An đã quyết định tổ chức kỷ niệm ngày ĐCS TQ ra đời để nâng cao khí thế. Do những khó khăn khách quan, người ta không xác định được chính xác ngày Hội nghị được diễn ra, mà chỉ nhớ đại khái Hội nghị được tiến hành vào tháng 7/1921. Cuối cùng Mao Trạch Đông lúc bấy giờ là Chủ tịch Đảng, đã quyết định lấy ngày 1/7 là ngày kỷ niệm ĐCS  TQ ra đời. Về sau, người ta đã đồng nhất “ngày kỷ niệm” với “ngày ra đời”, vì vậy cho tới tận bây giờ ngày 1/7 vẫn được coi là  ngày ra đời ĐCS TQ.

Tuy nhiên, sự rắc rối không chỉ có vậy. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, BCH TW ĐCS  TQ đã quyết định thành lập một  Viện bảo tàng ở Thượng Hải, được đặt tên là “Viện nhất đại” (tức Viện bảo tàng về Đại hội lần thứ nhất ĐCS  TQ) để ghi nhớ sự thành lập  ĐCS  TQ, một sự kiện trọng đại bậc nhất  của Cách Mạng TQ, đồng thời Viện  cũng là nơi tôn vinh  công lao của những người đã tạo ra sự kiện trọng đại đó.

Đã có rất nhiều các tài liệu, hiện vật được sưu tầm một cách hết sức tỉ mỉ và công phu, đặc biệt là những tài liệu nói về những đại biểu đã tham dự hội nghị thành lập Đảng. Trên bức tường, nơi trang trọng nhất của Viện bảo tàng, người ta cho treo trên đó những bức ảnh chân dung cỡ lớn của các đại biểu đã dự hội nghị nói trên.

Các tấm ảnh được lồng trong những khung rất đẹp và trang trọng. Nhưng khách đến tham quan Viện bảo tàng trong suốt hơn 50 năm qua đều rất ngạc nhiên vì  ở  vị trí thứ 15 người ta chỉ thấy có khung mà không có ảnh. Thay vào đó chỉ có dòng chữ đề “Nikovski, đại biểu Quốc tế Cộng sản”. Cũng không hề có bất cứ tài liệu nào cho biết về thân thế, sự nghiệp, thậm chí ngay cả năm sinh, năm mất của Nikovski. Còn ảnh thì hoàn toàn không có, cứ như thể sau khi dự xong đại hội thành lập ĐCS TQ thì Nikovski đã “tan biến” đi một cách hết sức thần kỳ.

Sự trống vắng của “người thứ 15” không những khiến cho khách tới tham quan không hài lòng, mà nó  luôn là điều nhức nhối đối với tất cả các nhân viên của Viện  bảo tàng.

Thật ra, ngay từ khi “Viện nhất đại”  được thành lập,  TW ĐCS TQ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện  có được những tài liệu cần thiết. Các chuyên gia của bảo tàng được phép tiếp cận tất cả những tài liệu “mật” để tìm kiếm “người thứ 15”, song đều không thu được kết quả.

Ngoài ra cũng từ khi Viện được thành lập cho tới đầu những năm 60, lãnh đạo ĐCS TQ  nhiều lần đề nghị ĐCS Liên Xô (LX) giúp đỡ trong vấn đề này. Cũng đã có  nhiều các cán bộ của bảo tàng sang tận Moskva lục tìm trong các kho lưu trữ các tài liệu của Quốc tế  CS, nhưng cũng không có kết quả. Việc tìm kiếm hầu như rơi vào bế tắc.

Cho tới những năm 80 khi LX thực hiện prestroika (cải tổ), lãnh đạo Viện  đã gửi một bức thư tới Gorbachev, khi đó là Tổng bí thư ĐCS LX, yêu cầu được giúp đỡ. Bức thư đã thu hút được sự chú ý của các cơ quan hữu quan và các đồng nghiệp phía LX.

Theo Karturina, chuyên gia về TQ học, Giáo sư Viện trưởng Viện Nghiên cứu Viễn Đông trực thuộc TW ĐCS  LX  cho biết: Vào năm 1987, một vị trong Ban bí thư  ĐCS  LX  sang thăm TQ đã có buổi làm việc với “Viện nhất đại” về nội dung bức thư mà Viện đã gửi cho Gorbachev. Khi trở về, vị bí thư này đã giao cho Viện nghiên cứu Mark-Lenin trực thuộc BCH TW ĐCS LX nhiệm vụ: tìm kiếm ảnh và các tài liệu có liên quan tới Nikovski, người đã tham gia thành lập ĐCS TQ vào năm 1921 tại Thượng Hải. Và Karturina đã được chỉ định trực tiếp thực thi công việc này.

Tuy nhiên theo như Karturina cho biết, mặc dù bà và các cộng sự  đã bỏ ra rất nhiều công sức, cũng đã tìm được một số manh mối, nhưng kết quả vẫn chưa có bước đột biến nào.

Cho mãi tới cuối tháng 3/2006, được sự trợ giúp của các quan chức Cục An ninh Liên bang Nga, Karturina cuối cùng đã tìm ra “truyện truyền kỳ” về Nikovski.

Theo đó người ta được biết Nikovski xuất thân là một quân nhân có tên thật là P.N Ablamovic, sinh năm 1889, sau khi gia nhập ĐCS  Nga, trở thành cán bộ Cục Viễn đông của Quốc tế CS. Nhưng rất không may, năm 1938 Nikovski bị bắt vì  tội “làm gián điệp cho nước ngoài”, sau đó bị đi đày và bị  hành quyết tại Siberi. Đây chính là lý do vì sao những tài liệu về Nikovski, không những đã ít ỏi mà lại được lưu giữ ở những nơi “tuyệt mật”. Tới năm 1956, Nikovski đã được tòa án tối cao LX xóa án  và được phục hồi danh dự.

Tới ngày 29/6/2006, Giám đốc Nghê Hưng Tường, Phó giám đốc Trương Tiểu Hồng cùng Ban lãnh đạo “Viện nhất đại”  tiếp một vị khách đặc biệt bay từ Siberi tới. Vị khách đó là A. Buakop,  Giáo sư Khoa Lịch sử Trường đại học Viễn Đông (Nga). Giáo sư tới đây để được tận tay trao cho Viện bảo tàng bức ảnh của Nikovski.

Nguyên do là vào đầu năm 2006, Giáo sư Buakop có tới Thượng Hải và tham  quan “Viện nhất đại”. Khi thấy “khung không ảnh của người thứ 15”, Giáo sư  vô cùng áy náy: “Không thể để một người có công lao  to lớn như vậy lại chỉ có khung không”. Sau đó Giáo sư lại được biết  lời đề nghị của Karturina về vấn đề này qua các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều đó khiến  Giáo sư đã hạ quyết tâm phải tìm bằng được  ảnh của Nikovski vì ông tin rằng một cán bộ Quốc tế CS  như Nikovski thì không thể không có ảnh được.

Thế là cũng giống như Giáo sư Karturina, Giáo sư  Buakop đã lao tâm khổ tứ đi tìm ở khắp nơi. Ông đã đi tới tất cả những nơi mà Nikovski đã từng sống và làm việc, ông cũng đến tận Siberi, nơi Nikovski bị giam giữ và bị hành quyết. Tới đâu Buakop cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Cuối cùng sau mấy tháng tìm kiếm không biết mệt mỏi,  ông đã nhận được từ Phòng lưu trữ hồ sơ  mật của Cơ quan an ninh vùng Siberi 2 tấm ảnh của Nikovski: một tấm chụp Nikovski khi bị bắt, còn tấm kia là ảnh được dán trên  trang đầu của cuốn lý lịch cá nhân.

Ngòai ra, Phòng lưu trữ cũng còn giữ được mười mấy trang tài liệu viết tay, trong đó đáng lưu ý nhất  là bản tự thuật của  Nikovski trong lần tới công tác tại TQ vào năm 1921 theo sự phân công của Cục Quốc tế CS  vùng Viễn Đông. Tài liệu cũng  ghi rất rõ tên thật và tên hiệu của Nikovski. Sau khi được sự chuẩn y của Cơ quan an ninh, cả 2 tấm ảnh và toàn bộ số tài liệu nói trên đã được Giáo sư lưu vào một chiếc đĩa CD và ngày 29/6/2006 ông đích thân mang nó tới Thượng Hải.

Nhận được 2 tấm ảnh và những tài liệu về “người thứ 15”, đồng thời được Giáo sư  kể về nguồn gốc xuất xứ của chúng, Ban giám đốc Viện  như bắt được vàng. Ngắm bức ảnh mà Giáo sư Buakop mang tới, người ta thấy đó là  ảnh một người đàn ông tuổi trung niên tinh thần sáng láng, nghiêm cẩn.

Tuy nhiên, về góc độ những người làm công tác chuyên môn,  cả Nghê và Trương  vẫn không khỏi có chút cấn cá: “Có thật đúng đây là ảnh của Nikovski, “người thứ 15” không và phải chăng Nikovski chỉ có 2  tấm ảnh  này? Vậy thì làm sao để kiểm chứng được mức độ tin cậy trước khi chính thức đưa nó vào khung số 15 đây? Vì vậy lãnh đạo Viện quyết định giữ bí mật về 2 tấm ảnh do Giáo sư Buakop cung cấp để có thể tiến hành việc thẩm tra. Mặt khác, Viện tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ từ tất cả các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Rồi “trời cũng không phụ lòng người”. Khỏang 4 tháng sau đó, tức là vào tháng 10/2006 một tin khiến Nghê, Trương vui mừng khôn xiết: đã tìm thấy bức ảnh khác (bức ảnh thứ 3)  của Nikovski do các đồng nghiệp tại nước CHND Mông Cổ phát hiện ra.

Nguyên do của việc này là vào năm 2001, có một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ khi tới Thượng Hải đã ghé thăm “Viện nhất đại” và ông cũng rất không vui khi “người thứ 15” chỉ có khung mà không có ảnh. Sau khi về nước vị cán bộ này đã gọi điện cho Dasidawa, một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Phong trào Cộng sản và công nhân Quốc tế trực thuộc Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, rằng liệu có thể tìm được tấm ảnh nào đó của Nikovski hay không.

Sau khi biết được điều này, trong quá trình nghiên cứu các vấn đề có liên quan  Dasidawa cũng rất lưu ý, nhưng không thấy một tài liệu nào nói về Nikovski. Cho tới năm 2005, trong lần sang vùng Nội Mông của TQ tham gia cuộc hội thảo học thuật có chủ đề  “Quốc tế CS và phong trào Cách mạng của châu Á”, thì Dasidawa lại được nghe các đồng nghiệp TQ nêu vấn đề như ông đã được nghe từ năm 2001.

Nhận thấy đây là vấn đề rất quan trọng đối với lịch sử  Quốc tế CS, cũng như đối với Cách mạng TQ,  khi về Mông Cổ, Dasidawa đã quyết tâm phải tìm các tư liệu, và nhất là phải tìm bằng được ảnh của Nikovski.

Liền trong các tháng 4, 9, 10/2006,  Dasidawa đã tới Nga, và ông đã đi khắp các nơi, từ các địa chỉ nhà riêng tới các cơ quan công quyền, các viện lưu trữ, các nhà bảo tàng... để truy tìm tài liệu nói về “người thứ 15” Nikovski. Cuối cùng, công lao của Dasidawa đã được đền đáp.

Tại một kho lưu trữ các tài liệu hầu như đã bị quên lãng ở thành phố Volostoc, Dasidawa bất ngờ tìm được một số tài liệu  có liên quan tới Cục Viễn đông của Quốc tế CS. Và trong số tài liệu ít ỏi đó ông đã tìm thấy bức ảnh của Nikovski chụp dùng  để làm giấy tờ phục vụ cho  chuyến công tác sang Thượng Hải vào năm 1921 với đầy đủ các xác nhận cần thiết.

Rất may, tấm ảnh vẫn rất rõ ràng. Ngay lập tức Dasidawa gọi điện báo cho “Viện nhất đại”, và ngày 12/10/2006 ông đã trực tiếp mang tấm ảnh và những tài liệu liên quan bay  tới Thượng Hải trao cho lãnh đạo Viện. Vừa nhìn thoáng qua bức ảnh, cả Nghê, Trương và các cán bộ Viện đã như vỡ òa vì hạnh phúc: tấm ảnh mà Dasidawa mang tới với 2 tấm ảnh mà Giáo sư Buakop cung cấp trước đó đúng là một người: đó chính là Nikovski, “người thứ 15”, sau gần 86 năm “bặt vô âm tín” cuối cùng đã được tìm thấy. Và  chỉ ít ngày, sau khi được kiểm nghiệm bằng những phương pháp hiện đại, ảnh của Nikovski đã được xác định. Kể từ đó  toàn bộ 15 người có công đầu thành lập nên ĐCS TQ đã hiện diện đầy đủ tại “Viện nhất đại” Thuợng Hải sau sau hơn nửa thế kỷ bị khiếm khuyết.

Ngày nay, khách tham quan tới “Viện nhất đại” Thượng Hải đều rất vui mừng vì trong “khung số 15” không còn là chiếc khung trống không nữa, mà ở đó  là bức ảnh chân dung của Nikovski, tức P.N. Ablamovic, một  cán bộ của Quốc tế CS, người có công sáng lập ra ĐCS TQ

Nguyễn Tiến Cử (Theo tài liệu nước ngoài)
.
.