Hành trình của một bác sĩ Quân Giải phóng: Chiến đấu đến phút cuối

Thứ Tư, 01/07/2015, 15:35
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh vì chứng viêm tụy, Giáo sư Lê Cao Đài vẫn không rời chiếc máy tính. Ông nói: "Tôi làm việc đến khi chết thì thôi, không nằm sẵn trong quan tài chờ đợi cái chết".
Ngày 15/4/2002, Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài trút hơi thở cuối cùng...

Những vũ khí sát thương cả thế hệ

Trong suốt 8 năm ở chiến trường Tây Nguyên, cũng như hầu hết các chiến sĩ Quân Giải phóng khác, bác sĩ Lê Cao Đài đã từng trải qua những trận ném bom hủy diệt của "pháo đài bay" B-52. Ông nói: "Những năm 1967, 1968 và 1969, các đợt oanh kích bằng B-52 diễn ra liên tục, cả ngày lẫn đêm và khoảng thời gian "nghỉ ngơi" giữa hai đợt gần như bằng nhau. Vì vậy, đợt bom thứ nhất vừa dứt, chúng tôi đếm thời gian để biết lúc nào sẽ có đợt thứ hai - thường là 30 phút hoặc 45 phút nhưng cũng có khi là 1 tiếng đồng hồ.

B-52 bay rất cao. Nhiều lúc chúng tôi không nghe thấy tiếng động cơ của nó. Chỉ biết là nó khi những quả bom bắt đầu nổ thành từng chuỗi liên tục. Khi ấy, tư thế để giảm bớt thương vong do sóng xung kích là ngồi xổm, không dựa người vào vách hầm vì những quả bom tuy có thể nổ cách xa hầm hàng chục mét nhưng sóng xung kích vẫn làm vách hầm rung lên, cơ thể sẽ hấp thu sóng ấy và gây ra những chấn thương cho gan, phổi, thận…".

Có hai việc luôn phải chuẩn bị để đối phó với bom B-52. Một là phải làm hầm chữ A, có ống thông hơi và hai là trong hầm phải có xẻng xúc đất. Đợt ném bom vừa dứt, người ở hầm này lập tức liên lạc với hầm kia để xem có ai thương tích gì không. Thường thì ít khi bom rơi trúng ngay hầm mà phần lớn sóng xung kích của những quả bom 500 hoặc 750 pounds làm sập hầm. Nếu liên lạc mà không ai đáp lại, những người ở hầm này sẽ dùng xẻng đào bới, vừa đào vừa nhìn đồng hồ để kịp thời quay lại hầm của mình trước khi đợt ném bom kế tiếp diễn ra.

Để tiêu diệt Quân Giải phóng, rất nhiều những vũ khí được người Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và nhiều loại gây ra những vết thương rất kinh hoàng. Bom bi chẳng hạn, khi quả bom mẹ nổ, nó tung ra vài trăm quả bom con rải rác trong bán kính hàng trăm mét. Nếu vô tình đá phải hoặc dẫm phải quả bom con, nó tiếp tục nổ, bắn ra hàng chục mũi tên bằng thép, nhỏ như ruột bút bi. Có loại bom lân tinh (phosphorus) nếu văng trúng người, nó cháy âm ỉ, cháy vào đến tận xương, có dìm cả vết cháy xuống nước thì nó vẫn cháy, cùng vô số các loại mìn khác nhau.

Bác sĩ Đài nói: "Có loại mìn - bộ đội quen gọi là mìn cóc - khi đạp phải, nó nhảy lên cao ngang tầm đầu gối rồi mới nổ". Tuy không gây chết ngay lập tức nhưng nó xé nát các cơ bắp ở chân y như người ta róc cây mía. Khi đó, sẽ phải có 2 người khiêng thương binh về trạm phẫu thuật và như vậy, vô hình trung kẻ địch đã tạm thời loại ra khỏi vòng chiến đấu 3 người, chưa kể sau này, gia đình, xã hội phải gánh thêm một gánh nặng từ những người cụt chân.

Ngoài mìn cóc, còn có mìn lá, hình dáng và kích thước y như chiếc lá cây nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó là mìn dây. Được thả từ máy bay mỗi lần vài trăm quả, khuếch tán trong phạm vi từ 1 đến 1,5km, lúc chạm đất nó bắn ra các hướng 6 hoặc 8 sợi dây bẫy rất mảnh, trùng với màu lá cây, chỗ xanh chỗ úa. Thường khi nhìn thấy mìn và nếu không có thời gian để vô hiệu hóa, bộ đội bẻ một cành cây cắm xuống làm dấu báo hiệu cho những người đi sau rồi đi tiếp. Nhưng những bước đi tiếp ấy hoàn toàn có thể vướng vào một trong số những dây bẫy khiến mìn phát nổ.

Công lao không kể hết của những y tá, hộ lý

Trong quá trình phẫu thuật để cứu sống thương binh, nhiễm khuẩn sau mổ là một thách thức rất lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ của Viện Quân y 211. Vì vậy, Viện đã thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu về vấn đề này. Theo bác sĩ Đài, nếu như trước kia, sau khi xử lý vết thương xong, phẫu thuật viên sẽ khâu đóng nó lại nhưng trong điều kiện của bệnh viện chiến trường, vết thương dễ bị nhiễm trùng. Còn nếu xử lý rồi mà để hở thì tỉ lệ nhiễm trùng thấp hơn.

Trong nhật ký của mình, bác sĩ Đài viết: "Hôm qua mổ một thương binh bị vết thương xuyên qua ngực từ sau ra trước. Cả lỗ vết thương sau lưng cũng như phía trước phì phò như cái bễ. Mỗi khi ho mủ phụt ra tung tóe. Tình trạng chung rất yếu. Không dám mổ lớn, chỉ khâu bịt, đặt ống dẫn lưu và hút liên tục.

Mấy ca mổ vừa qua tiến triển tốt. Chăm sóc sau mổ khá vất vả. Thương binh nằm dưới hầm bằng, bốn bề đều là đất, che ni lông. Máy để hút liên tục không có. Chỉ có máy hút đạp chân. Phải giao nhiệm vụ cho một hộ lý thỉnh thoảng đi qua đạp vài nhát để tạo sức hút.

Gay go nhất là việc bảo đảm vô trùng. Nằm trong hầm bốn vách tường đều là đất. Trần hầm cũng đất. Trời mưa, nước mưa thấm qua nóc, rỉ qua các rễ cây, rỏ ròng ròng vào trong hầm đọng lại thành từng vũng nước trên nền nhưng anh chị em y tá đã có nhiều cố gắng dùng đủ mọi cách có thể làm được trong hoàn cảnh dã ngoại để bảo đảm sạch sẽ, vô trùng. Căng che ni lông bốn phía và trên nóc hầm. Hấp toàn bộ quần áo, chăn màn, vải bạt, lau rửa vệ sinh giường nằm. Trước khi mổ, tắm rửa, làm vệ sinh toàn thân và cọ rửa xà phòng quanh chỗ mổ, thay quần áo hấp. Nhờ vậy số trường hợp mổ nặng đều bảo đảm vô trùng. Những vết mổ ngực, bụng, mổ mạch máu đã không bị nhiễm mủ và liền sẹo kỳ đầu.

Chỉ được gây tê, nhưng người chiến sĩ Quân Giải phóng này vẫn can đảm chịu đựng cuộc phẫu thuật.

Anh chị em y tá, hộ lý có rất nhiều cố gắng. Cô Đức, nữ y tá, một mình phụ trách 7 hầm thương binh nặng. Suốt ngày cô đi lại như con thoi, giặt quần áo, thay băng, cho ăn uống, giúp họ vệ sinh. Có thương binh như anh Toàn, bị vết thương bụng, phân chảy dầm dề suốt ngày. Một ngày thay 3- 4 bộ quần áo, ba lần thay băng mà vẫn ướt. Hội chẩn có ý kiến đề nghị mổ. Nhưng rõ ràng là yếu quá không thể mổ được. Phải nuôi dưỡng, nâng đỡ sức khỏe cho khá lên. Tôi kết luận cuộc hội chẩn: "Cứu được đồng chí Toàn bây giờ không phải là tôi hay bác sĩ Thuyên, mà là cô Đức, cô Sa. Phải nuôi dưỡng hộ lý cho tốt".

Những ngày đầu Toàn rất bi quan, thỉnh thoảng lại hét vang rừng: "Đồng chí y tá ơi, đồng chí y tá ơi!...". Nhưng có lúc lại tươi tỉnh hát, đọc truyện "Hồi tưởng và suy nghĩ". Đồng chí quê Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, quê hương của các "cụ già bắn rơi máy bay". Chúng tôi cứ nêu chuyện các cụ già bắn rơi máy bay để động viên anh Toàn. Mấy hôm nay anh đã khá, đã đi ra khỏi hầm, lúc tạnh mưa, tự động lên buồng băng. Ăn uống cũng khá hơn.

Các bác sĩ cũng làm đủ mọi việc: khi xây dựng thì cũng hì hục đào hầm, vác tre nứa hoặc vắt vẻo trên nóc nhà để lợp mái. Khi có thương binh thì mổ xẻ, mổ xong, nếu không có cáng thương, thì ghé vai cáng thương binh về hầm. Nếu bệnh nhân cần soi X-quang mà không tự đi được, thì bác sĩ tìm một cây đòn, cùng với anh y sĩ khiêng thương binh lên hầm X-quang để soi. Soi xong lại khiêng về".

Nhiều thứ trong số những dụng cụ phẫu thuật được làm từ mảnh kim loại máy bay.

Giữ được tỉ lệ sống khá cao đối với thương bệnh binh nhưng số tử vong ở Viện Quân y 211 cũng xấp xỉ 10 người/tháng. Vì lý do an ninh cũng như không để kẻ địch biết về sự tổn thất của Quân Giải phóng, sau khi ghi vào hồ sơ lưu trữ, người chết được chôn cất sơ sài bằng cách bọc nylon vào thi thể, trong miệng đặt một cái lọ thủy tinh vốn dùng đựng thuốc kháng sinh penicilline, có một mảnh giấy ghi họ tên, quê quán, năm sinh, ngày mất.

Miếng giấy được bôi mỡ - loại mỡ chùi súng để bảo đảm cho nó không bị ướt, mục rồi đặt vào quan tài làm bằng tre. Không một tấm bia hoặc dấu vết nào trên những ngôi mộ ngoại trừ vài nhát khắc vào một thân cây mọc gần đó. Tuy nhiên, theo thời gian, cây lớn lên, hình dạng địa thế ban đầu thay đổi, hoặc do bom đạn, thiên tai, cây ngã đổ, cháy, còn những người trực tiếp tham gia việc chôn cất thì hoặc chết, hoặc do tuổi tác, chẳng còn nhớ chính xác vị trí nên việc quy tập về sau rất khó khăn.

Nhiễm dioxin, vẫn nóng bầu nhiệt huyết

Ngày 22/5/1973, bác sĩ Lê Cao Đài được lệnh quay ra Bắc và ngày 27/6, ông đặt chân lên phố phường Hà Nội. Khi ấy, vợ ông là bà Vũ Giáng Hương đã ngoài 40 tuổi nên ông bà biết rằng khó mà có thể có con được. Hơn nữa, qua kiểm tra sức khỏe, bác sĩ Đài biết mình đã nhiễm chất dioxin với nồng độ 215 PPT, cao gấp 100 lần người bình thường, hệ quả của 8 năm ở chiến trường trong đó nhiều năm Viện Quân y 211 nằm trong vùng trọng điểm của chiến dịch rải thuốc khai quang của quân đội Mỹ. Trong nhật ký, ông viết: "Đêm nào cũng có năm đến sáu đồng đội của tôi ra đi... Ngày ấy do không hiểu chất độc da cam gây ra suy giảm miễn dịch nên tôi cứ nghĩ các đồng chí ấy ra đi vì ăn uống kham khổ nên suy kiệt. Tôi đã lầm".

Dù vậy, bác sĩ Lê Cao Đài vẫn lạc quan và tích cực làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến chiến tranh, chẳng hạn như tình trạng ô nhiễm chất dioxin ở Biên Hòa, Đà Nẵng, Quảng Trị, Pleiku, Kon Tum. Năm 1980, ông được phong hàm Phó giáo sư và năm 1984, là Giáo sư. Ông cũng là người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hợp tác quốc tế trong vấn đề nghiên cứu chất dioxin.

Mỗi khi di chuyển đến địa điểm mới, hầm mổ, hầm cho thương binh và các khoa, phòng đều phải làm lại từ đầu.

Trong cuốn sách của mình, James G. Zumwalt cho biết, Giáo sư Lê Cao Đài đã nhiều lần đến Mỹ để thuyết trình về chất độc da cam và nỗi đau mà hàng triệu người Việt Nam đang phải gánh chịu. Là Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nạn nhân da cam, giáo sư Lê Cao Đài cũng là người đầu tiên nêu vấn đề khởi kiện các công ty sản xuất chất dioxin đã rải xuống miền Nam Việt Nam.

Để thu thập chứng cứ, ông có mặt ở A Shau, A Lưới, các tỉnh Tây Nguyên, lặn lội quan sát, phát hiện, thu thập mẫu vật từ đất, nước và hàng nghìn nạn nhân nhiễm độc rồi đưa về phòng thí nghiệm để phân tích. Qua những chuyến đi nghiên cứu ấy, ông đã "điểm đích danh" chất dioxin là tác nhân chính gây ra ung thư, dị dạng thai nhi, suy giảm miễn dịch, một số bệnh về thần kinh, vận động. Những chứng cứ ấy đã khiến cả thế giới kinh hoàng về những gì mà người Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.

Ông cũng là người đã dịch cuốn  "My father, my son" ra tiếng Việt với tựa đề "Cha con tôi" mà tác giả là cựu Đô đốc Elmo Zumwalt, Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ, người đã từng trực tiếp chỉ huy rải chất độc dioxin xuống Việt Nam trong chiến tranh để rồi sau đó phải đau đớn hứng chịu quả báo nhãn tiền: Một người con trai là lính viễn chinh Mỹ, chết vì ung thư do đóng quân trong vùng mình đã ra lệnh rải chất độc, cháu nội bị dị tật bẩm sinh. Bị dằn vặt bởi tội lỗi do mình gây ra, cựu Đô đốc Elmo Zumwalt, Jr. đã cùng con trai là cựu trung tá lính thủy đánh bộ James G. Zumwalt, cộng tác với Giáo sư Lê Cao Đài, đấu tranh đòi lại sự công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam.

Những ngày cuối cùng trên giường bệnh vì chứng viêm tụy, Giáo sư Lê Cao Đài vẫn không rời chiếc máy tính. Ông nói: "Tôi làm việc đến khi chết thì thôi, không nằm sẵn trong quan tài chờ đợi cái chết".

Ngày 15/4/2002, Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài trút hơi thở cuối cùng. Trên Tạp chí Times nhà báo Elaine viết: "Một nhà khoa học lớn của Việt Nam đã ra đi, một nhà khoa học lớn nhất cho đến nay về chất độc da cam và những di hại của nó"…

Cao Trí (lược dịch từ “Bare Feet, Iron Will” và các tài liệu liên quan)
.
.