Chiến dịch nghe lén dưới biển sâu thời Chiến tranh lạnh
- Từ Hội nghị Yalta đến cuộc khủng hoảng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh: 15 tháng không vận kết thúc
- Căng thẳng Nga – Mỹ có leo thang… đến Chiến tranh lạnh?
Nằm yên dưới đáy biển Okhotsk (phía bắc Thái Bình Dương, nằm giữa bán đảo Kamchatka của Liên Xô với đất liền), tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Halibut âm thầm nghe lén những cuộc điện đàm bí mật của Liên Xô, trong khi Okhotsk là vùng biển đặt căn cứ tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. USS Halibut thực hiện sứ mệnh trong chiến dịch nghe lén tham vọng nhất của Mỹ mang tên "Ivy Bells" kéo dài suốt một thập niên mà ngày nay mới chỉ được giải mật một phần.
Triển khai "con cá" trong chiến dịch "Ivy Bells"
Vào ngày 27-5-1972, Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức đặt bút ký kết Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược giai đoạn 1 (gọi tắt là SALT-1). Thỏa thuận SALT-1 giữa Mỹ và Liên Xô cam kết giảm bớt số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM). Mặc dù tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Moskva và Washington lúc ấy có vẻ đã dịu bớt nhưng một chiếc tàu ngầm Mỹ vẫn còn hiện diện dưới đáy biển sâu không xa vùng bờ biển nước Nga.
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev ký hiệp ước SALT-II, ngày 18-6-1979. |
USS Halibut là tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường đầu tiên của thế giới được giao sứ mạng thu thập thông tin tình báo trong thời Chiến tranh Lạnh. USS Halibut được đặt tên theo loài cá bơn có thân mình dẹt và có tập tính nằm yên sát dưới đáy biển để rình mồi. Tương tự như cá bơn, USS Halibut dành nhiều thời gian nằm dưới đáy đại dương để hoàn thành sứ mạng gián điệp nghe lén Liên Xô. Tàu ngầm mang theo 4 tên lửa hành trình SSM-N-9 Regulus II được phóng qua bệ nghiêng.
Theo cuốn sách "Blind Man's Bluff: The Untold Story of American Submarine Espionage" (tạm dịch: Chiêu trò Người mù - Câu chuyện chưa kể về tàu ngầm gián điệp Mỹ, xuất bản năm 1988) của các tác giả Sherry Sontag, Christopher Drew và Annette Lawrence Drew, đại tá James Bradley, người có nhiều kinh nghiệm chỉ huy tàu chiến trong Thế chiến thứ II cũng như chiến tranh Việt Nam được đánh giá có khả năng phụ trách sứ mệnh nghe lén dưới biển sâu của hải quân Mỹ.
Năm 1966, Bradley nắm giữ vị trí chỉ huy chiến tranh dưới nước của Cục Tình báo Hải quân Mỹ (ONI). Năm 1968, Bradley chỉ huy sứ mệnh phái tàu ngầm Halibut đến Thái Bình Dương tìm kiếm tàu ngầm tên lửa đạn đạo K-129 lớp Golf II của Liên Xô được cho là bị mất tích vào tháng 3-1968 do vụ nổ bên trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong khu vực biển này.
Trong khi Liên Xô bất lực thì Mỹ phát hiện K-129 nằm ở độ sâu hơn 5.000 mét dưới vùng biển cách đảo Hawaii hơn 2.400km về phía bắc. Lúc đó, Washington quyết định chiếm con tàu để thu thập bí mật đầu đạn hạt nhân cũng như số tài liệu mật của Liên Xô. Halibut mang theo một chiếc tàu ngầm nhỏ trang bị bên trong thiết bị camera được gọi là "the fish" ("con cá") nặng đến 2 tấn "lởn vởn" dưới đáy biển để truy tìm và chụp ảnh chiếc K-129.
Tàu ngầm USS Halibut năm 1976. |
Trong khi sứ mệnh bí mật trục vớt tàu ngầm K-129 (gọi là Dự án Azorian) chỉ thành công một phần, "con cá" đã chứng minh khả năng chụp ảnh hiệu quả trong điều kiện tối đen dưới đáy biển. James Bradley tin vào sự tồn tại của một đường cáp điện thoại không được mã hóa đặt ngầm dưới biển Okhotsk để kết nối liên lạc giữa căn cứ tàu ngầm Petropavlovsk (gần đỉnh bán đảo Kamchatka) với đất liền Liên Xô.
Các chuyên gia mật mã Xôviết thường không hành động nhanh trong khi giới chức quân sự cần kết nối liên lạc nhanh giữa điện Kremlin và căn cứ Petropavlovsk. Do đó, theo suy đoán của Bradley, giải pháp lựa chọn của Liên Xô là lắp đặt đường cáp ngầm nằm sâu dưới đáy biển và gần bờ để tránh trường hợp có người tiếp cận. Tuy nhiên, James Bradley nhìn thấy 3 trở ngại lớn cần phải giải quyết trong thời gian ngắn nhất có thể để bắt đầu triển khai "Ivy Bells".
Sứ mệnh Halibut và bí mật tiếp tục kéo dài 40 năm
Trở ngại thứ nhất, đó là làm thế nào tìm thấy đường cáp liên lạc ngầm dưới đáy biển bao la Okhotsk (với diện tích bề mặt 1.583.000 km2 và độ sâu trung bình 859 mét)? Bradley nhớ lại hồi còn nhỏ thường hay chơi đùa bên bờ sông Mississippi và nhìn thấy những biển báo đặt gần bờ cảnh báo tàu thuyền không được neo đậu do dưới lòng sông có đường cáp ngầm. Bradley nhận định chắc chắn ở Nga cũng có những biển báo tương tự như ở Mỹ và Bradley đã phán đoán chính xác.
Sau khi lặng lẽ tiến vào vùng biển Okhotsk, tàu ngầm Halibut bắt đầu rà soát thật kỹ bờ biển và chỉ trong vài ngày, nó phát hiện ngay những biển báo nằm ở vùng cực bắc yêu cầu tàu thuyền ngư dân tránh xa một số khu vực đặc biệt.
Sherry Sontag kể lại trong cuốn sách của mình: "Người Liên Xô đã không nghĩ đến chuyện giấu kín những biển cảnh báo như thế bởi vì họ không nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp cận đường cáp ngầm. Họ cũng không nghĩ rằng chúng ta có thể phái thợ lặn làm việc dưới đáy biển trong thời gian kéo dài, hay chúng ta có được công nghệ can thiệp vào đường cáp ngầm".
Trở ngại tiếp theo là làm thế nào để người nhái hải quân Mỹ có thể lặn sâu hơn 100 mét cùng với ngăn kín nước (được mô tả là "Bat Cave" - Hang Dơi), sau đó đi lại và hoạt động dưới đáy biển trong vòng vài giờ liền để cài đặt hệ thống thiết bị ghi âm. Câu trả lời là khí helium.
Thiết bị nghe lén cài dưới đáy biển Okhotsk trong Chiến dịch “Ivy Bells”. |
Từ cuối thập niên 1950, đại tá hải quân Mỹ George F. Bond nỗ lực phát triển Dự án Sealab - đó là những phương pháp, kỹ thuật và khí nén mới cho phép thợ lặn sâu và ở lại nhiều giờ liền dưới đáy biển. Mặc dù dự án nổi tiếng bị ngừng lại sau cái chết của một thợ lặn, nhưng Bond đã chứng minh được hiệu quả của hỗn hợp khí nén.
Dưới áp lực nước vùng biển sâu, nitrogen sẽ hình thành trong máu dẫn đến nguy hiểm chết người cho thợ lặn nếu không được giảm áp đúng cách lúc trồi lên mặt nước. Do đó, nitrogen được quyết định thay thế bằng helium cho kỹ thuật gọi là lặn bão hòa và được đưa vào sử dụng trong chiến dịch "Ivy Bells".
Sau khi giải quyết được cả 2 trở ngại nói trên, vấn đề cuối cùng là sử dụng công nghệ can thiệp đường cáp để nghe lén như thế nào. Để tránh bị phía Liên Xô phát hiện, nhóm thợ lặn hải quân Mỹ không thể cắt ngang đường cáp liên lạc để mắc nối công cụ nghe lén mà thay vào đó phải sử dụng công nghệ cảm ứng thông qua thiết bị quấn quanh cáp và từ đó mắc nối đến hệ thống thu nhận tín hiệu cổ điển dài khoảng gần 1 mét. Mặc dù trở ngại công nghệ đã giải quyết xong nhưng việc tách biệt các kênh liên lạc để nghiên cứu âm thanh là thách thức khác.
Trong một sợi cáp có thể có đến một chục đường truyền tín hiệu khác nhau dẫn đến việc những tiếng nói của người Xôviết trộn lẫn vào nhau tạo thành thứ âm thanh hỗn độn và không thể thu thập thông tin tình báo.
Do đó, sứ mệnh đầu tiên của Halibut đã thất bại. Không chịu bó tay dừng lại, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật thông tin liên lạc của Hải quân Mỹ quyết định tiếp tục với một thiết bị cải tiến có khả năng phân tích tín hiệu âm thanh và từ đó nhận dạng được giọng nói. Do “Ivy Bells” là chiến dịch nghe lén dưới nước tuyệt mật của tình báo Mỹ cho nên chi tiết về những kỹ thuật cũng như công nghệ được sử dụng vẫn không được giải mật cho dù Chiến tranh Lạnh đã trôi qua từ lâu.
Cuối cùng, toàn bộ bí mật về những cuộc điện đàm trong giới chức quân sự Liên Xô, thậm chí cả những cuộc trò chuyện với tình nhân của họ, đều bị người Mỹ nghe được. Sứ mệnh Halibut cũng có lúc gặp nguy hiểm khi biển cả nổi giận. Trước cơn bão dữ dội, Halibut sẽ bị Liên Xô phát hiện nếu nổi lên mặt nước. Lúc đó, chỉ huy tàu ngầm John McNish quyết định cho tàu chìm xuống đáy biển đồng thời đưa cả nhóm thợ lặn vào buồng giảm áp.
Theo tiết lộ từ cựu thợ lặn David LeJeune, kỹ thuật và công nghệ sử dụng trong chiến dịch "Ivy Bells" là cực kỳ hiện đại đến mức mọi người không hề nghĩ rằng chúng thực sự tồn tại. Thông tin mật được ông và đồng nghiệp phát hiện đã giúp dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev ký kết thỏa thuận cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược lịch sử SALT-II vào ngày 18-6-1979 tại thủ đô Vienna nước Áo.
Chiến dịch “Ivy Bells” lặng lẽ kéo dài suốt một thập niên và Halibut cũng như vài chiếc tàu ngầm khác mạo hiểm tiến vào vùng biển Okhotsk vào khoảng 2 lần/năm để thay thế thiết bị nghe lén mới tiên tiến hơn mang về cho người Mỹ nhiều thông tin có giá trị. Vào năm 1980, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Ronald Pelton bị phát hiện bước vào Đại sứ quán Liên Xô ở Washington DC chào bán thông tin về “Ivy Bells” với giá 35.000 USD. Hậu quả là người Mỹ phải tức tốc dừng ngay chiến dịch nghe lén này.