Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc tháng 1-1946
- Kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
- Bùi Bằng Đoàn – Người trí thức đồng hành cùng dân tộc
Ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về việc lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội gồm 7 thành viên và lập ra Ủy ban tổ chức Tổng tuyển cử gồm 9 thành viên để dự thảo các thể lệ về tổng tuyển cử, từ số lượng đại biểu toàn quốc, từng tỉnh theo tỷ lệ dân số cho đến cách thức bầu. Chính phủ chọn ngày 23-12-1945 là ngày tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam DCCH và danh sách ứng cử sẽ khóa sổ ngày 8-12-1945.
Tuy nhiên, vì biết không thể giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử nên bọn phản động thân Pháp, tay chân Quốc dân đảng như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt ra sức chống phá tiến trình chuẩn bị. Bọn chúng vừa ỷ vào hậu thuẫn của lực lượng quân đội Quốc dân đảng hùng hậu đang có mặt ở miền Bắc và Hà Nội đưa ra nhiều đòi hỏi ngang ngược, khiêu khích, gây áp lực với Chính phủ ta, vừa dùng các phương tiện truyền thông, báo chí như các tờ Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm, Tự Do, Phục Quốc… rêu rao rằng không thể tổng tuyển cử vì 90% dân số mù chữ, dân trí thấp kém không đủ năng lực thực hiện quyền công dân và nên tập trung vào chống xâm lược, không nên mất thời gian vào bầu cử. Chúng còn nhờ cậy đại diện quân đội Quốc dân đảng gây sức ép và gửi yêu sách cho Chính phủ ta đòi 80 ghế cho các đảng Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội sắp được bầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu tại địa Điểm số 10 Hàng Vôi, ngày 6-1-1946. |
Trước tình hình căng thẳng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh, sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo trong cách ứng xử nhưng cương quyết giữ vững chủ quyền và mục tiêu tổng tuyển cử mà Chính phủ đã đặt ra. Đối với các lãnh đạo quân đội Quốc dân đảng, Người chủ động, linh hoạt, trực tiếp gặp xã giao để thuyết phục họ bằng uy tín, trí tuệ và kinh nghiệm chính trị. Tiêu Văn là phó tướng Quốc dân đảng, phụ trách các tổ chức chính trị thân Quốc dân ở Việt Nam khi đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tận Lãnh sự quán thăm hỏi và tổ chức chiêu đãi ông ta tại một biệt thự gần hồ Thiền Quang. Sau thấy Tiêu Văn thích địa điểm này, Người đã nhờ hỏi mượn cho ông ta ở luôn đấy cho tới khi về nước.
Tổng tư lệnh quân đội Quốc dân đảng Lư Hán vốn là một người bộ tộc Lô Lô, bản tính kiêu ngạo, ngang ngược, chỉ xưng hô với Chủ tịch nước Việt Nam DCCH là Tiên sinh chứ không gọi chức danh Chủ tịch! Trong một buổi chiêu đãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói về những phong tục tốt đẹp của người Lô Lô và kể về những kỷ niệm trong thời gian Người ở cùng bộ tộc này. Lư Hán đứng bật dậy: "Thưa Chủ tịch, tôi là người Lô Lô", rồi nâng ly rượu nói: "Thưa Chủ tịch Hồ Chí Minh, thật là hạnh ngộ"(2). Từ đó, Lư Hán tỏ ra tôn kính Người và có một số động thái đối với quân Pháp có lợi cho ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đến thẳng trụ sở Quốc dân đảng để gặp nói chuyện thời sự với Bí thư trưởng Mặt trận Quốc dân Vũ Hồng Khanh khiến y cuống quít, hớn hở, sung sướng vì bất ngờ. Đối với hai đảng phái chính trị thân Quốc dân đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng sách lược nhường nhịn, nhưng trong khuôn khổ nguyên tắc. Người thỏa thuận cho các đảng Việt Quốc, Việt Cách giữ 70 ghế trong Quốc hội, trong đó thủ lĩnh Việt Cách là Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch nước và thủ lĩnh Việt Quốc là Nguyễn Tường Tam giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Nhưng do bản chất ngoan cố và tham vọng đê hèn, các thế lực phản động vẫn chống phá ta, thậm chí chúng cố gắng bằng mọi cách dò tìm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để quấy nhiễu, khiêu khích. Sau ngày 2-9-1945, Người chuyển vào ở trong Bắc Bộ Phủ nhưng Trung ương vẫn bố trí cho Người một chỗ ở bí mật tại số 8 phố Vua Lê (sau nhà Thủy Tạ). Khi biết Người ở đây, bọn phản động đã theo dõi, bám riết mọi hoạt động hàng ngày của Người. Xe đưa Người đi đến đâu, bọn chúng lẵng nhẵng theo đến đấy. Đồng chí lái xe phải chạy vòng vo các phố, đến địa điểm khác xa hơn để đánh lạc hướng, cắt đuôi chúng, còn đồng chí bảo vệ thì luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí đề phòng chúng làm càn.
Trước tình hình đó, từ giữa tháng 12-1945, anh em bảo vệ đã đưa Người về một ngôi nhà ở Quần Ngựa - đường Bưởi trong khi đặc vụ Quốc dân đảng và mật thám Pháp chỉ chú ý theo dõi, bám sát ngôi nhà số 8 phố Vua Lê là nơi ở trên danh nghĩa công khai của Người và mục tiêu chính là chiếc xe màu đen hàng ngày đưa Người đến Bắc Bộ Phủ rồi lại đón về. Trong chiếc xe này luôn thấy bóng "Người" ngồi ghế sau, có chiếc rèm che còn đồng chí bảo vệ thì ngồi ghế trước nhìn rất rõ.
Bọn mật thám đinh ninh hễ cứ nhìn thấy chiếc xe bố trí như thế thì chắc chắn là Chủ tịch đang có mặt trên xe. Nhưng thực ra đấy là bóng của một đồng chí cảnh vệ ngồi ghế sau nghi binh, đánh lạc hướng kẻ địch, còn Trung ương đã tìm thêm chiếc xe khác để đưa Người đi về bí mật, an toàn hơn. Nhà Bắc Bộ Phủ có hai cổng. Cổng chính là số 12 phố Ngô Quyền, cổng sau là số 2 phố Lê Lai. Cứ đầu giờ làm việc buổi sáng, chiếc xe kéo rèm lại chở đồng chí cảnh vệ ngồi sau từ số 8 phố Vua Lê vào cổng 12 Ngô Quyền, vòng lên bậc tam cấp đỗ ở sảnh để "Chủ tịch" vào làm việc.
Báo Quốc Hội số ra ngày 6-1-1946. |
Bám theo chiếc xe này là một đám mật vụ đủ loại, chúng ngồi rải quanh cổng và theo dõi từ vườn hoa bên kia đường. Nhưng hàng ngày, từ 5 giờ sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dậy tập thể dục, ăn sáng rồi cùng đồng chí thư ký, bảo vệ đi chiếc xe khác theo các tuyến đường khác nhau vào cổng số 2 phố Lê Lai từ lúc 6 giờ.
Ngày 8-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lùi cuộc tổng tuyển cử tới ngày Chủ nhật 6-1-1946, danh sách ứng cử sẽ chốt ngày 27-12-1945 thì bọn phản động càng hung hăng, liên tiếp gây rối. Chúng tăng cường phân phát báo lá cải, tổ chức biểu tình ở Bờ Hồ nói xấu Chính phủ nhưng bị đồng bào phẫn nộ phản đối nên phải bỏ cả cờ băng, biểu ngữ, loa tháo chạy. Một số nhóm quá khích còn gây ra những vụ bắt cóc, ám sát các đại diện của Việt Minh.
Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khu Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Bách khoa) dự cuộc mít tinh ủng hộ cuộc tổng tuyển cử của hơn 2 vạn đồng bào Hà Nội. Một số tên trùm các tổ chức chính trị phản động cũng lợi dụng dịp này kéo quân đến lôi kéo quần chúng, nói xấu Chính phủ. Lực lượng trinh sát của Sở Liêm phóng Hà Nội (Sở Công an) đã phát hiện một số tên khủng bố trà trộn vào đám đông nên lập tức bám sát kiềm chế khiến chúng không thể manh động gì được. Đến khi hết buổi mít tinh, chúng còn hậm hực cho xe bám theo xe Người để khiêu khích đến tận Bắc Bộ Phủ mới chịu thôi.
Để phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử, nhiều tờ báo của ta cũng tuyên truyền, giải thích, vạch trần bộ mặt phá hoại của bọn phản động và kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân. Đặc biệt tờ báo Quốc hội chỉ ra có 15 số phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử, bắt đầu từ ngày 17-12-1945 và kết thúc ngày 6-1-1946.
Số đặc biệt cuối cùng này đã đăng bút tích lời kêu gọi và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trang đầu: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, đi bầu những người xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Không khí bầu cử trong cả nước rất sôi nổi, đồng bào nhiều địa phương và nhân dân ngoại thành Hà Nội kiến nghị Cụ Hồ Chí Minh được miễn ứng cử vì nhân dân đã suy tôn cụ làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam DCCH, nhưng Người đã cảm ơn đồng bào và từ chối vì: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam DCCH nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định"(3).
Mặc dù Chính phủ lâm thời đã chủ động thỏa hiệp với các đảng phái chính trị khác về cuộc tổng tuyển cử nhưng bọn phản động vẫn âm mưu lên kế hoạch phá hoại nhằm đúng vào ngày bầu cử. Để đảm bảo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu công khai và an toàn tại hòm phiếu số 10 phố Hàng Vôi, các đơn vị trinh sát công an bí mật làm công tác an ninh tại địa điểm này từ sáng sớm và điều thêm một đơn vị Giải phóng quân đến chốt ở những vị trí quan trọng.
Các đồng chí cảnh vệ còn bố trí lực lượng công an làm công tác trật tự "nghi binh" tại các điểm bỏ phiếu ở Bạch Mai, Nguyễn Thái Học và Khâm Thiên. Quả nhiên tại các địa điểm này, một số tên phản động đã chầu chực sẵn và còn kéo theo cả vợ con lính Quốc dân đến hòng gây sự, phá rối nhưng chúng đều bị chưng hửng.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 6-1-1946, khắp Hà Nội rộn vang tiếng trống, tiếng chuông, tiếng pháo nổ vang lừng báo hiệu cuộc tổng tuyển cử bắt đầu. Mỗi khu vực bỏ phiếu được trang hoàng một kiểu khác nhau nhưng tổ chức nghiêm trang, quy củ từ lối đi vào, nơi soát thẻ cử tri, chỗ viết phiếu bầu, bàn viết hộ… Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô nghỉ việc để tham gia thực hiện quyền bỏ phiếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến làm nghĩa vụ công dân tại phố Hàng Vôi, sau đó Người đi thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, Ô Đông Mác, làng Hồ Khẩu và làng Bưởi rồi trở về Bắc Bộ Phủ làm việc. Nhiều nơi cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bom đạn và phá hoại của kẻ thù như ngay tại Hà Nội bọn phản động mang tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn không cho ta đặt hòm phiếu và đồng bào đã phải đi bầu cử tại địa điểm khác.
Điểm bỏ phiếu tại bốt Hàng Trống đầu giờ sáng ngày 6-1-1946. |
Tại Hải Phòng, bọn lính Quốc dân đã cướp hòm phiếu ở Nhà hát Lớn thành phố, bắt đi 16 công an và 40 tự vệ. Tại Nha Trang, bọn Pháp đã cho máy bay ném bom để ngăn chặn bầu cử làm chết 4 người, bị thương 12 người. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, để bảo vệ hòm phiếu, 42 thanh niên xung phong đã hy sinh…
Nhưng mọi thủ đoạn của kẻ thù đều thất bại vì cuộc tổng tuyển cử đã thành công trên khắp 71 tỉnh, thành cả nước với 80% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội (Bắc Bộ: 152, Trung Bộ: 108, Nam Bộ: 73). Tại Hà Nội, có 172.765 trên tổng số 187.880 cử tri đi bỏ phiếu chiếm tỷ lệ 91,95% trong đó 169.222 phiếu bầu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tức 98,4%. Hà Nội còn có 5 đại biểu khác trúng cử là: bác sĩ Trần Duy Hưng (126.846 phiếu); luật gia Vũ Đình Hòe (124.898 phiếu); bác sĩ Nguyễn Văn Luyện (106.577 phiếu); nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên (95.375 phiếu).
Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước, từ những nhà cách mạng lão thành đã từng bôn ba nơi hải ngoại, thử thách trong nhà tù đế quốc như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Hiến... cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết mà trẻ nhất là Nguyễn Đình Thi, 22 tuổi. Quốc hội đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai tầng xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô..., những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Thái Văn Long, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai..., các thành phần tôn giáo trên đất nước ta như Thiên Chúa giáo (linh mục Phạm Bá Trực), Phật giáo (Thượng tọa Thích Mật Thể), Cao Đài (Chưởng quản Cao Triều Phát)..., các dân tộc, từ đa số đến thiểu số như Mường, Tày, Nùng, Thái, Mèo (Mông), Hán, Ba Na, Kơtu, Êđê, Khơ me..., các đảng phái chính trị như đảng Dân chủ, đảng Xã hội (Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng...) và cả sự có mặt của Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại, người trước đó 4 tháng tuyên bố thoái vị để làm công dân của nước Việt Nam tự do và những quan lại cao cấp của triều đình nhà Nguyễn như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn...
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một cuộc tổng tuyển cử của thể chế dân chủ nhân dân thành công rực rỡ, minh chứng cho sự biến đổi thân phận của người Việt Nam từ nô lệ trở thành người tự do, tự quyết định vận mệnh của mình, tự mình lựa chọn các đại biểu đại diện cho ý chí nguyện vọng và chế độ xã hội mà trong đó mỗi người dân đều được hưởng quyền tự do bình đẳng.
Khi được hỏi cảm nghĩ về cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam, một phóng viên Pháp đã trả lời rằng: "Tuyệt vời! Ở các nước châu Âu, tranh cử bao giờ cũng quyết liệt, lại còn tiến hành bằng tiền bạc. Ở đây, tôi chỉ thấy cảnh đẹp, sự vui tươi, trẻ trung. Nhân dân Việt Nam nắm trong tay tương lai của mình bởi vì cuộc tổng tuyển cử đã thắng lợi"(4).
Ngày 2-3-1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam DCCH họp phiên thứ nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên mới của Chính phủ, đoàn cố vấn, Ủy ban Kháng chiến đọc lời tuyên thệ: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc"(5).
------------------------------------------------------------------------------------------------
* 1, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Tập III. NXB Chính trị Quốc gia 2006, tr 3.
* 2, Ngoại giao Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia 2006, tr 29.
* 3+5, Hồ Chí Minh toàn tập. Tập IV. NXB Chính trị Quốc gia 2006, tr 116 và 195.
* 4, Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952. NXB Seuil, Paris.