Mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Chúc Đại tướng khoẻ!

Thứ Năm, 26/08/2010, 14:45
Những ngày này, chúng ta vui mừng khi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 100 tuổi. Trong số các danh tướng của thế kỷ XX được thế giới ghi nhận cho đến nay, thì chỉ còn Đại tướng là còn sống.

"Chúc Đại tướng khỏe!”. Đã bao nhiêu lần, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hô căng lồng ngực câu này, khi được gặp Đại tướng.

Và hôm nay, mừng Đại tướng thượng thọ, thiết nghĩ chẳng còn biết nói lời nào hơn ngoài câu: "Chúc Đại tướng khỏe!".

Nhân dịp này, Chuyên đề ANTG xin trích đăng một đoạn trong tác phẩm "Đôi dòng suy ngẫm" (chương X) trong "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký" - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.

"Độc lập và tự chủ, thông minh và sáng tạo, đó là nét nổi bật của học thuyết quân sự Việt Nam.

Trong lịch sử ông cha ta đánh giặc, nhất là từ thời Lý, Trần về sau, các bậc tiền nhân đọc nhiều sách của các nhà chiến lược quân sự Trung Hoa cổ, nhưng không phải lúc nào cũng chủ trương "đánh mau giải quyết mau" hoặc phải có lực lượng gấp địch mười lần mới tiến công. Trong những năm kháng chiến vừa qua, các tướng lĩnh Việt Nam tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới, nhưng đánh thì theo cách đánh Việt Nam. Chính vì thế mà chúng ta đã thắng.

Năm 1971, tôi sang Liên Xô khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn và đề nghị bạn có sự giúp đỡ đặc biệt. Tại cuộc họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng chí Côxưghin hỏi: "Tôi xin hỏi đồng chí Giáp. Đồng chí nói Việt Nam đánh thắng Mỹ. Tôi muốn biết  các đồng chí có bao nhiêu sư đoàn bộ binh cơ giới và Mỹ có bao nhiêu? Xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu..., các đồng chí có bao nhiêu và Mỹ có bao nhiêu? Khả năng về phòng không, về tên lửa, về thông tin, rađa của các đồng chí như thế nào? Xin đồng chí nói qua cho tôi biết".

Tôi trả lời: "Tôi hiểu câu hỏi của đồng chí. Đồng chí muốn biết về vấn đề so sánh lực lượng giữa chúng tôi với Mỹ. Theo học thuyết quân sự Xôviết là như vậy. Học thuyết quân sự Xôviết là hết sức ưu việt, đã chiến thắng phát xít Đức. Điều đó rất rõ ràng. Nhưng tôi xin nói nếu chúng tôi đánh theo cách đánh của các đồng chí thì chúng tôi không đứng nổi được hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi đánh theo cách đánh khác, cách đánh của Việt Nam, và chúng tôi sẽ thắng". Sau ngày toàn thắng, có dịp trở lại Liên Xô, gặp lại đồng chí Côxưghin, tôi cảm ơn Liên Xô đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ. Đồng chí vui vẻ nói: "Việt Nam thắng to quá, như thế tốt quá! Xin chúc mừng các đồng chí!".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp sinh nhật lần thứ 93.

Một vấn đề có tính quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam là: Toàn dân đánh giặc. Cả nước đánh Pháp, đánh Mỹ, không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Ý chí thống nhất Tổ quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Chiến trường Việt Nam là một. Cả dân tộc kết thành một khối trong tình đồng bào cùng chung giống nòi Hồng Lạc, không thể cắt chia. Thù nhà nợ nước là chung của cả dân tộc. Cả nước vùng lên đập tan xích xiềng, làm nên Cách mạng Tháng Tám.

Giặc Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ, miền Bắc, miền Trung xung phong Nam tiến. Bắc Bộ là chiến trường chính, Trung Bộ và Nam Bộ phối hợp hết mình. Miền Nam là tiền tuyến lớn, nơi "trực tiếp quyết định" thắng lợi, miền Bắc là hậu phương lớn, có vai trò "quyết định nhất". Dưới mưa bom Mỹ, miền Bắc kiên cường đánh trả, chi viện sức người, sức của, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cả nước vì miền Nam, miền Nam vì cả nước. Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời. Kẻ thù đụng đến miền Bắc một, miền Nam đánh cho chúng gấp năm, gấp mười lần. Con số hơn một triệu cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", trong đó hàng chục vạn người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường là một biểu trưng chói lọi.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng đã có lúc, do không nắm vững đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, không đi sát thực tiễn và không làm theo quy luật, chủ quan, duy ý chí, nên đã hạn chế không ít thắng lợi và chịu nhiều tổn thất.

Đã có một thời gian, mối quan hệ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy là đề tài tranh luận kéo dài trong các cán bộ quân sự ở chiến trường. Một số đồng chí nhận thức không đúng, chỉ chú trọng đẩy mạnh đấu tranh chính trị, chiến tranh du kích, chỉ chăm lo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích, coi nhẹ xây dựng bộ đội chủ lực. Một số nhà chiến lược nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam cũng thường cho rằng chiến tranh nhân dân đồng nghĩa với chiến tranh du kích. Đó là những nhận thức hoàn toàn sai trái. Đảng ta không bao giờ có một chiến lược quân sự thuần túy, và cũng chưa bao giờ hạn chế chiến tranh ở mức độ chiến tranh du kích.

Chiến lược chiến tranh cách mạng của Đảng là một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Trong khi đẩy mạnh đấu tranh chính trị, phát triển chiến tranh du kích, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực thành những binh đoàn mạnh từ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đến quân đoàn, trở thành những "quả đấm thép" đủ sức giáng cho địch những đòn tiêu diệt lớn, quyết định chiến trường.

Lại như do không nắm vững quy luật của khởi nghĩa và chiến tranh nên đã có chủ trương kết hợp với tổng công kích, tiến hành tổng khởi nghĩa trong chiến tranh ngay khi trên chiến trường còn hơn nửa triệu quân Mỹ và hơn một triệu quân ngụy và quân các nước phụ thuộc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) để lại một bài học sâu sắc về khuyết điểm này. Trận tổng tiến công bất ngờ và đồng loạt đánh vào các đô thị và hầu hết các căn cứ hậu cần lớn của địch giành thắng lợi vang dội, đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Lẽ ra phải chuyển hướng hoạt động về nông thôn, nhưng chúng ta lại chủ trương tiếp tục tiến công vào các đô thị nhằm dấy lên tổng khởi nghĩa, cuối cùng tổng khởi nghĩa vẫn không diễn ra, cách mạng phải chịu nhiều tổn thất.

Một ví dụ khác do làm sai quy luật nên phải trả giá bằng xương máu. Cách mạng là tiến công. Tư tưởng chiến lược của chiến tranh cách mạng bao giờ cũng là tư tưởng tiến công. Còn hình thức tác chiến thì có tác chiến tiến công, tác chiến phòng ngự kể cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng nên trong một thời gian dài, một số cán bộ cho rằng, trong chiến tranh chỉ có đường lối tiến công, phủ nhận phòng ngự, thậm chí coi phòng ngự là điều cấm kỵ. Vì vậy mà trong một số trận đánh, bộ đội bị thương vong.

Trong những năm gần đây, Mỹ và một số cường quốc phát triển vũ khí và trang bị hiện đại. Cuộc chạy đua vũ trang vẫn đang tiếp tục. Đi đôi với sự xuất hiện của một chiến lược mới, đặt "nhân quyền" lên trên "chủ quyền", một số thế lực hiếu chiến tự cho phép xâm lược một quốc gia độc lập và có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế. Sau chiến tranh vùng Vịnh (1991) vừa qua lại diễn ra cuộc chiến tranh xâm lược Kosovo. Một điều mới đặt ra: Trong điều kiện chiến tranh xâm lược với vũ khí công nghệ cao, thì học thuyết quân sự Việt Nam còn có giá trị hay không?

Chúng ta không bao giờ chủ quan khinh địch, luôn coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quân sự, phát triển học thuyết quân sự lên những bước mới. Và chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: Học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược bất kể từ đâu tới.--PageBreak--

Nền văn hóa Việt Nam, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo, không ngừng phát triển là sức mạnh của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hiểu được điều cơ bản ấy, sẽ giải đáp được các câu hỏi đã đặt ra.

Sau ngày quân và dân ta đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B.52 của Mỹ, nhà sử học Pháp Pie Risa Phêray đã nói rất đúng rằng: "Những tên lửa SAM được sử dụng bởi tư tưởng lấy nhỏ thắng lớn, bởi nền văn hóa Việt Nam, bởi "tư chất Việt Nam" (la Vietnamité) theo chúng tôi chính là chìa khóa mở cửa thắng lợi của nước Việt Nam" (1).

Không hiểu được điều đó, kẻ thù chuốc lấy thất bại cũng là lẽ tất nhiên.

Kennơđi con (J.F.K Junior) khi còn sống đã sang thăm Việt Nam với thiện chí tìm hiểu sâu về sai lầm của cha mình đối với đất nước hòa bình và hữu nghị này. Sau khi thăm Pắc Bó về, anh ta băn khoăn không hiểu vì sao trong những ngày gian khổ ấy, sống nơi hang đá hoang sơ mà những người Việt Nam lại có thể tin sẽ có thắng lợi hôm nay? Hơn nữa lại thắng ngay khi Pháp và Mỹ có những cố gắng chiến tranh cao nhất. Khi nghe tôi nói qua về nền văn hóa và lịch sử Việt Nam, anh ta vui mừng thật sự như được vỡ lẽ ra, điều mà Kennơđi cha và con trước đây không hề hay biết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về lại Điện Biên trong dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịp Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phút thư giãn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tháng 11/1995, theo đề nghị của phía Mỹ, tôi đã tiếp ông Rôbớt Mắc Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời hai Tổng thống Kennơđi và Giônxơn, một trong những kiến trúc sư của chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong câu chuyện, tôi nhận xét:

- Trong cuốn hồi tưởng của ngài (2) có một điều mà tôi cho là đúng. Đó là Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục, tập quán về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi có một nền văn hóa vững bền, có một học thuyết quân sự độc đáo và được thử thách trong lịch sử. Vì vậy mà chúng tôi đã thắng.

Ông Mắc Namara đáp:

- Vâng, đúng như vậy.

Cuối cùng thì ông cũng đã nhận ra được một chân lý, rất tiếc là đã quá muộn màng".

-----------------------------------------------------------------------------

1. Pie Risa Phêray, Nước Việt Nam từ nguồn gốc xa xưa đến ngày nay, Nxb Báo chí Đại học Pháp, 1990, tr.87.

2. R.S Mắc Namara, Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
Võ Nguyên Giáp
.
.