Chuyện chưa biết về vị tướng tình báo hai vợ (tiếp theo và hết)

Chủ Nhật, 02/05/2010, 22:10
Sau khi nghe Đặng Trần Đức báo cáo, lãnh đạo đã cho ý kiến chỉ đạo luôn - "Để đảm bảo an toàn, dứt khoát đồng chí phải chuyển địa bàn hoạt động vào Sài Gòn. Hai người cùng đi. Nếu không, sẽ khó giải thích với chú cô ấy và dễ bị lộ".

Nỗi lòng người đi và kỷ vật để lại

Mạch chuyện được tiếp nối, đó là sự việc diễn ra sau khi Đặng Trần Đức ra viện, trở về báo cáo lại toàn bộ tình hình trên với lãnh đạo...

Theo anh Đức, rất có thể cấp trên (các nhà lãnh đạo tình báo lúc đó - K.M.D.) đã có những dự định quan trọng mang ý nghĩa chiến lược, nên sau khi nghe Đặng Trần Đức báo cáo, lãnh đạo đã cho ý kiến chỉ đạo luôn - "Để đảm bảo an toàn, dứt khoát đồng chí phải chuyển địa bàn hoạt động vào Sài Gòn. Hai người cùng đi. Nếu không, sẽ khó giải thích với chú cô ấy và dễ bị lộ".

Mới nghe vậy, anh đã vã mồ hôi, chưa biết định trả lời sao thì cấp trên đã tiếp: "Chúng tôi biết đồng chí định nói gì. Nhưng cứ yên tâm, việc này tổ chức sẽ có kế hoạch giải tỏa giúp đồng chí. Cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc còn đầy cam go thử thách, đòi hỏi mỗi chúng ta, kể cả quần chúng nhân dân tiếp tục phải chấp nhận hy sinh, kể cả tình riêng vì sự nghiệp lớn. Hai người cứ yên tâm ra đi, còn gia đình, chị và 2 cháu (Lúc đó Đặng Trần Đức đã có vợ, 2 con. Cháu gái đầu lòng 5 tuổi và cháu trai 2 tuổi) sẽ có tổ chức chăm lo".

Họ bí mật chuẩn bị, rồi xuống Hải Phòng, lên một tàu buôn thẳng hướng trời Nam. Tôi đang định hỏi trước khi đi 2 người phụ nữ có gặp nhau không, thì anh đã tiếp - Trước lúc lên đường, cô ấy có viết một bức thư ngắn với nội dung: "Do yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức, em xin phép được thay chị vào trong đó để chăm sóc anh, giúp anh hoàn thành nhiệm vụ. Hẹn ngày đất nước thanh bình, chị em ta sẽ gặp nhau...". Phần tái bút có ghi - "Em xin gửi chị một chút quà làm kỷ niệm với tất cả tấm lòng của người đi. Chúc chị khỏe, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững lòng tin vào ngày anh trở về". Cô ấy tháo đôi hoa tai cẩm thạch, bỏ chung vào phong thư, cẩn thận dán lại, nhờ người thân chuyển tới nhà tôi.

Hôm đó là đêm 11/4/1975. Đêm cuối cùng chúng tôi "bám trụ" Trạm T9 để sáng hôm sau có ôtô đưa ra Trạm  T8. Tôi trằn trọc cả đêm không sao ngủ được, bởi cảm động trước tình cảm của hai người thân yêu nhất của huynh trưởng tôi. Chuyện thật mà cứ như là trên phim ảnh.

Bình phong chức nghiệp

Đáp lại thịnh tình của "đại ca" sau bao đêm kể cho tôi nghe cuộc đời hoạt động của anh trong kháng chiến chống Pháp. Cả ngày và đêm 13/4 nghỉ tại Trạm T8, tôi kể với anh đôi nét về bản thân mình những ngày mới vào chiến trường. Thực ra những chuyện đó nói với anh có khác gì một sĩ quan tập sự đứng trước vị tư lệnh tài danh - Thời đó đơn vị cũng chuẩn bị tư thế cho tôi vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Tôi được mang họ tên khác, quê quán tại Gia Lộc, Hải Dương (chứ không phải Quảng Oai - Xứ Đoài quê tôi).

Về năm sinh, trong căn cước tăng lên 7 tuổi so với tuổi thực của tôi. Đi lính Sư đoàn 7. Năm 1954 tập kết vào Trà Vinh. Do bệnh yếu tim nên được giải ngũ, về cư ngụ tại Lai Khê, Bến Cát, tỉnh Bình Dương, làm giáo sư bậc trung học. Nghe tới đây, anh khẽ gật gật đầu - "À! Thế là đồng chí bình phong chức nghiệp nghề giáo dục. Chắc là phải tìm hiểu kỹ ngành này và binh chủng pháo binh?". "Dạ có. Em đã có thâm niên 4 năm lính pháo binh 105 ly và qua Trường Hạ sĩ quan Pháo binh Quân khu Tây Bắc, đồng thời làm giáo viên kiêm chức ở đơn vị...". "Thế thì bình phong chắc lắm. Nhưng sao không bố trí vô thành?".

"Thời đó tụi nó bắt lính như điên. Dù đã làm giấy tờ tăng hơn tới 7 tuổi nhưng trẻ quá, khỏe như vâm. Nó mà kiểm tra lại sức khỏe thì "xôi hỏng bỏng không". Vì vậy, đơn vị chưa dám đưa vào. Phải chờ thời...". Nhắc tới những chuyện này, tôi như đã đưa anh trở về với những tháng năm tung hoành ngay giữa sào huyệt của địch. Anh hồ hởi, phấn chấn xen vào mạch chuyện của tôi.

"Nghề của chúng ta, bình phong chức nghiệp là cực kỳ quan trọng. Bình phong tốt là đảm bảo bảy, tám mươi phần trăm thắng lợi. Ngoài ra, câu chuyện ngụy trang trong tiếp xúc cũng rất quan trọng. Đôi khi nhờ nó mà rất được việc, rút ngắn thời gian vòng vo tìm hiểu. Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi đi sâu tìm hiểu về đảng "Cần lao nhân vị" tìm cách tiếp cận một số tên tai to mặt lớn trong tổ chức này. Khi đã "vào cạ", có tên thân mật hỏi - "Nè!... anh Ba (gọi theo thứ bậc anh em trong gia đình. Còn tên thường gọi của anh ở Sài Gòn cho tới nay tôi vẫn chưa biết - K.M.D.) dân ngoải (ngoài ấy) vô, hiền khô, coi mòi chơi được, không như mấy cha nội kia, dựa hơi Tổng thống làm phách lắm. Vô khi nào vậy?...". "Thì... Tổng thống vô khi nào thì mình vô khi đó...".

Thế là từ đó đi công cán hoặc thị sát địa phương nào là họ đều mời đi cùng "về miệt vườn ít bữa cho khuây khỏa. Bám hoài đất đô thành chán thấy mồ". Có lần về An Giang, không hiểu họ giới thiệu về mình ra sao mà mấy tay chóp bu bản xứ lại lầm tưởng mình là phái viên Trung ương đảng "Cần lao nhân vị" về kiểm tra nên tất cả đều chạy rối giò, đón tiếp linh đình. Hơn 20 năm sống giữa Sài Gòn với bao điều trắc ẩn bủa vây, phải bình phong nhiều vai diễn, tiếp xúc với mọi giai tầng xã hội, phải chứng kiến bao nỗi xót xa của những phận đời đau khổ; phải tiếp xúc với những tên trùm tội phạm, tội ác tày trời, dẫu lửa căm thù ngùn ngụt trong lòng mà vẫn phải thản nhiên như không.

Sống trong khu cán bộ cao cấp của ngụy quyền Sài Gòn, sống giữa đô thành hoa lệ... mà quá cô đơn. Đôi khi tôi nghĩ, cái nghề của ta nó nghiệt ngã quá đồng chí Thái Dương ạ! Mấy chục năm hoạt động an toàn, các cơ sở bí mật đang phát huy tác dụng tốt phục vụ cho giai đoạn quyết liệt này thì tai họa ập tới, hoàn toàn do yếu tố khách quan, để bây giờ rơi vào cảnh này... không hiểu vợ con tôi trong ấy bây giờ ra sao? Kẻ thù của chúng ta thâm hiểm lắm...

Thông cảm với tâm trạng anh, tôi lựa lời động viên, rồi pha vui "Các cụ ta đã chẳng từng đúc kết - sinh nghề tử nghiệp là gì".

Hơn 2 tuần hành quân, vạ vật ở mấy binh trạm, mưa nắng thất thường, lại chưa thích nghi với thời tiết, sức khỏe của anh sút giảm, kém ăn, ít ngủ, rồi cảm sốt. Tôi bỗng trở thành y tá, hộ lý chăm sóc anh, bắt uống thuốc, ép ăn cơm. Cơm ở binh trạm chẳng có gì ngoài bí ngô và cá khô. Nhờ có kinh nghiệm của những ngày vượt Trường Sơn, tôi mò vào rừng hái lá chua về nấu canh cho anh. Một mớ lá bứa non bỏ vào ăng-gô nấu sôi lên, bỏ vào vài thìa ruốc thịt (thịt chà bông), thêm tý mì chính là có một món canh chua tuyệt vời. Ngày có xe rời trạm T8, dẫu vừa dứt sốt nhưng thấy anh khỏe ngay.

Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung đã giải phóng, xe chạy ra Buôn Ma Thuột, rồi từ đó theo Quốc lộ 19 về Bình Định, theo Quốc lộ 1 ngược lên phía bắc, về Trạm Z7. Nghe lái xe nói vậy chứ cũng không biết Z7 đặt ở tỉnh nào. Thời đó Quốc lộ 1 xấu lắm, nhiều cầu, nhiều phà, phải dừng nghỉ thêm 2 chặng đường Quảng Ngãi và Đông Hà. Ngày 24/4 tới Z7, mới biết đó là thị xã Quảng Bình rồi xe quay trở vào phía Nam. Chúng tôi phải nằm lại Quảng Bình chờ chuyến xe ra. Ngày nào cũng ngóng xe mà không có. Với tính chất của đoàn ưu tiên đặc biệt, tôi khẩn khoản trình bày với trạm trưởng, nên tới ngày 29 ông phải xuất chiếc xe dự phòng của trạm đưa đoàn ra Hà Nội.--PageBreak--

"Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt"

Tôi xin mượn một câu trong bài "Đất nước" - bài thơ nổi tiếng của Đại tá, nhà văn Nam Hà để đặt cái tít phụ cho phần cuối của bài viết này, nó liên quan tới anh, phụ thân và các em của anh.

Xe về tới Hà Nội đúng 15h ngày 30/4. Vì lái xe không biết đường nên lạc tới Nhà hát Lớn. Đường phố tắc nghẽn vì nhân dân thủ đô tràn xuống đường reo mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Luẩn quẩn tới 4 giờ chúng tôi mới về được Trạm 66 của Bộ Quốc phòng trên đường Hoàng Diệu. Nơi mà 10 năm trước tôi xuất phát từ đó vô Nam. May còn nhớ số máy trực của Cục II, tôi điện vào thành, chỉ 15 phút sau đã có 2 sĩ quan một cấp úy và một cấp tá ra đón.

Sau khi sắp xếp cho lái xe ăn nghỉ ở trạm, các anh lại yêu cầu chúng tôi lên xe, tất nhiên bây giờ là xe của Cục. Tôi đoán mò và nói với anh Ba Quốc: "Đây là trạm của Bộ, chắc là các anh ấy đưa về "nhà nghỉ của Cục". Xe chạy ra đường Cột Cờ "nay là Điện Biên Phủ) rồi rẽ vào đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) chạy về phía nam, qua Công viên Thống Nhất rồi rẽ phải vào khu tập thể Kim Liên, dừng lại trước dãy nhà 5 tầng, đánh số B13. Đồng chí Trung tá đỡ anh Ba Quốc xuống xe rồi chỉ vào những người đang đứng trước cửa vào cầu thang nhà B13: "Anh Ba nhìn xem trong số bà con đứng kia có ai là người thân của anh không".

Ba Quốc đứng lặng như trời trồng, bỗng dưng anh lao tới, ôm chầm lấy ông già râu tóc bạc phơ - "Bố! Bố ơi!...". Hai cha con nghẹn ngào, nức nở, khiến chúng tôi đều rơi nước mắt. Một thanh niên chừng gần 30 tuổi, đứng kế bên, nắm chặt tay anh, nghẹn ngào - "Em là Đặng Dung - em ruột của anh đây. Ngày anh đi em chưa đầy 10 tuổi. Còn đây, (chỉ sang cô gái đứng bên hai mắt đỏ hoe) là Bình - vợ em, em dâu của anh...". Ba Quốc đi bắt tay tất cả bà con có mặt. Rồi tất cả chúng tôi kéo lên tầng tư, phòng số 43 căn hộ của gia đình được Nhà nước phân phối.

Sau giây phút hàn huyên, tôi được biết Đặng Dung công tác ở Bộ Văn hóa, lĩnh vực xuất bản. Làm việc ở số 10 phố Đường Thành. Anh thông báo với anh trai mình và cũng là để cho mọi người đều biết: "Vì đột xuất nên chưa thông báo kịp cho chị và các cháu. Chị công tác trên Vĩnh Phúc. Cháu gái lớn, ngày anh đi nó mới 5 tuổi, giờ đã lấy chồng và anh đã trở thành ông ngoại rồi. Còn cháu trai đã học xong và đi công tác...".

Thế là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo Đoàn J22 giao phó. Chia tay anh và gia đình theo xe của đơn vị về Trạm 66, cả đêm đó không sao ngủ được, lòng rạo rực bởi cái không khí tưng bừng reo vui của cả nước. Song, hình ảnh khắc ghi mãi trong tôi buổi chiều hôm ấy chính là giây phút huynh trưởng của tôi, nhà tình báo huyền thoại Đặng Trần Đức gặp gỡ gia đình sau hơn 20 năm xa cách. Cảm xúc hóa thành thơ, tôi xin trích mấy câu trong một bài thơ dài sáng tác đêm hôm đó để nói nên tâm trạng của mình: "...Ta ngợp trong rừng cờ, rừng hoa/ Lạc giữa phố phường Hà Nội chiều Ba mươi tháng Tư/ Ta như đi trong mơ/ Giấc mơ của bao năm chinh chiến/ Nước mắt  rơi rơi sau bao nhiêu hò hẹn/ Để chiều nay khóc nghẹn buổi tao phùng...".

Vĩ thanh

Kết thúc chiến tranh, tôi chuyển ngành, công tác trong Lực lượng An ninh thuộc Bộ Công an. Người lính hậu chiến với bao vất vả, lo toan, bươn chải vì cuộc sống, lầm lũi tối ngày vì miếng cơm manh áo, vì chỗ đứng, chỗ ngồi... làm gì có thời gian nghỉ ngơi, xả hơi, chơi bời, thăm thú. Nhưng chẳng có ai nỡ trách cứ nhau là bạc tình, bạc nghĩa; chẳng mấy ai than nghèo, than khổ... cho rằng thực tế đã cực khổ, cực nghèo... quá khứ hào hùng đã khỏa lấp tất cả.

Phải nhiều năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi mới có dịp tới thăm thủ trưởng cũ của mình ở khu nhà công vụ của Tổng cục Tình báo trong thành Hoàng Diệu. Thời chiến tranh chống Mỹ ông giữ cương vị Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu (nay là Tổng cục II) phụ trách tình báo miền Nam. Không ngờ hôm đó lại có cả anh Đặng Trần Đức. Thật là duyên kỳ ngộ. Chính ông Nguyễn Như Văn (Thủ trưởng cũ của tôi), hồi ở căn cứ Lộc Ninh cuối năm 1974 đã giới thiệu với ông Tư Bốn, Đoàn trưởng J22 cử tôi đưa anh Ba Quốc ra Hà Nội. Bấy lâu gặp lại, xiết bao vui mừng. Thủ trưởng cũ của tôi trở thành người đứng đầu Lực lượng Tình báo quân sự với quân hàm Trung tướng, Tổng cục trưởng; huynh trưởng của tôi - nhà Tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc) đã được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng, giữ cương vị Cục trưởng một Cục nghiệp vụ.

Cuộc hội ngộ ấy đã làm sống dậy trong tôi bao kỷ niệm xưa, bao điều day dứt cũ. Có những thực tế đến đắng lòng. Đó là cái hôm ở Trạm giao liên T9 (ngày 12/4/1975). Hôm ấy, sau khi nghe bản tin chiến sự trên radio xong, anh Ba Quốc dè dặt hỏi tôi - "Ngày còn ở Sài Gòn... tôi nghe đài Gươm Thiên... nó bôi nhọ cán bộ Hợp tác xã của mình tệ quá. Tỷ như... "Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho Chủ nhiệm mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân". Bậy! Bậy bạ quá!... Nghe tức lộn ruột mà không dám phản ứng! Đã làm tới chủ nhiệm, hẳn phải là đảng viên! Mà đảng viên nào lại ăn cắp mồ hôi nước mắt của quần chúng?...".

Ôi! Trước niềm tin thánh thiện ấy, tôi không thể nói gì khác hơn bằng việc lên án những luận điệu trên (đành rằng trong thủ đoạn tuyên truyền kẻ địch có thể dựa vào hiện tượng có thật; cũng có thể xuyên tạc bịa đặt hoàn toàn để chống phá ta) - "Nó nói bậy đó anh Ba ạ! Đây là đài "Gươm Thiên Ái quốc", đài chiến tranh tâm lý do ngụy quyền Sài Gòn dựng lên để tuyên truyền tác động tư tưởng người nghe...".

Bây giờ ngẫm lại, đất nước sau đổi mới, có biết bao điều người ta đã nói, đã công khai phê phán cái bệnh chủ quan, duy ý chí thiếu dân chủ; cái bệnh tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... đã trở thành vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội. Tôi càng thêm cảm phục huynh trưởng của tôi. Nếu không có niềm tin tuyệt đối về bản chất tốt đẹp của chế độ Cộng sản chủ nghĩa thì nhà Tình báo Đặng Trần Đức không thể có bản lĩnh để vượt qua mọi gian nguy thử thách, góp phần vào chiến thắng lịch sử huy hoàng của toàn dân tộc.

Hà Nội, tháng 4/2010

K.M.D.
.
.