Chuyện chưa kể về đường dây nóng trao đổi tình báo Washington-Moscow
Đường dây nóng Washington-Moscow (viết tắt W-M H) đã trở thành một trong những hệ thống thông tin liên lạc cấp cao nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử hiện đại., W-M H là một dạng kết nối teletype (kiểu máy điện báo ghi chữ) mà đến năm 1988 đã bị thay thế bằng máy fax. Kể từ năm 2008, W-M H là một đường dẫn máy tính bảo mật cao mà các thông điệp được trao đổi bằng thư điện tử.
Nguồn gốc ra đời hệ thống liên lạc
Trước mối đe dọa ngày càng tăng của một cuộc chiến tranh hạt nhân, nên các nhà lãnh đạo ở Washington và Moscow ngay từ năm 1954 đã nhận ra rằng cần phải có một liên kết liên lạc trực tiếp giữa 2 nước nhằm phòng ngừa xảy ra thảm họa. Liên Xô là bên nảy ra ý tưởng này trước tiên trong năm đó, và đến năm 1958, Mỹ đề xuất cả 2 nước nên tham gia Hội nghị các chuyên gia về tấn công bất ngờ (CESA) được tổ chức ở Geneva (Thụy Sỹ). Cũng trong năm 1958, Giáo sư Thomas Schelling đã đề xuất ý tưởng về đường dây nóng nối 2 siêu cường với nhau. Hình tượng đường dây nóng trực tiếp cũng có trong cuốn tiểu thuyết Cảnh báo đỏ của tác giả Peter Bryant trong cùng năm. Năm 1960, Jess Gorkin, biên tập tạp chí Parade, đã xuất bản một lá thư mở trên tạp chí của mình cho Tổng thống Dwight D. Eisenhower và lãnh tụ Liên Xô- Nikita Khrushchev có đại ý: Nên chăng lắp đặt một cái điện thoại để cả thế giới khỏi bị tổn thất?
Các kỹ thuật viên Nga đang chuẩn bị cho đường dây nóng mới ở Cục điện báo trung ương tại Moscow, tháng 7 năm 1963. Trong ảnh là máy in teletype T-63 của Đông Đức. Ảnh nguồn: TASS via AP. |
Nhưng giới chức quân sự và ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ không thích ý tưởng Tổng thống của họ bàn chuyện lén lút với người Nga nên chống lại đề xuất. Trong suốt cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10-1962, cách thức liên lạc hiện có giữa Washington và Moscow là quá chậm so với những sự kiện đang diễn ra. Washington mất gần 12 tiếng để nhận và giải mật thông điệp thỏa thuận ban đầu dài 3.000 chữ của Khrushchev. Vào thời điểm Nhà Trắng tất bật gửi thư phúc đáp đã được biên tập, Moscow trong trạng thái nóng nảy đã gửi một thông điệp khác đanh thép hơn. Dưới áp lực thời gian căng thẳng, cuối cùng cả 2 nhà lãnh đạo đã quyết định nhờ truyền thông giúp đỡ. Sau một số lần đàm phán, Mỹ và Liên Xô đã ký một thỏa thuận về việc thành lập Liên kết truyền thông trực tiếp (DCL) vào ngày 20-6-1963 tại Geneva. Tên chính thức mà người Mỹ gọi cho đường dây nóng là DCL, nhưng các kỹ thuật viên Mỹ thường gọi nó là MOLINK (liên kết -Moscow).
Kỳ công cơ chế lắp đặt W-M H
Ngày 13-7-1963, Mỹ đã gửi 4 máy in chữ Latin cho Moscow để chuẩn bị các thiết bị đầu cuối. Công việc này được hoàn thành chóng vánh thông qua máy bay của Đại sứ Mỹ-Averell Harriman. Ngày 20-8, một thiết bị của Liên Xô, 4 bộ máy in và bảng chữ cái Kirin đã đưa tới Washington. Những máy giải mật mã cho những thông điệp đường dây nóng từ Na Uy gửi sang. Đường dây nóng mới bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 30-8-1963 bằng cách truyền các thông điệp thử nghiệm đầu tiên. Washington đã gửi cho Moscow thông điệp "Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy vọt qua con chó lười 1234567890" với tất cả chữ cái và con số trong bảng chữ cái Latin.
Khi đường dây nóng được thiết lập vào năm 1963, đó là một kênh viễn thông song công với bộ định tuyến bằng cáp điện thoại mạng bắt đầu từ Washington rồi chạy dưới biển thông qua Cáp xuyên Đại Tây Dương số 1 để truyền tới London, và từ London sẽ truyền đi Copenhagen, Stockholm và Helsinki để đến đích cuối cùng là Moscow. Ngoài tuyến liên lạc này còn có một mạch vô tuyến teletype song công khác với định tuyến từ Washington thông qua Tangier (Marốc) đến Moscow, hệ thống này dùng cho liên lạc dịch vụ và cũng cho công tác dự phòng.
Trong khi trạm cuối của người Nga do dân sự điều khiển, thì phía người Mỹ lại do quân đội. Trong đó, Liên kết liên lạc trực tiếp (DCL) là một nỗ lực chung đặt dưới sự kiểm soát của Ban Giám đốc hoạt động tình báo thuộc Tổng tham mưu trưởng liên quân.
Nội thất của máy in teletype T-63 SU12 của Đông Đức đang lưu giữ tại Bảo tàng mật mã quốc gia của NSA. Ảnh nguồn: Wikipedia. |
Phức tạp dữ liệu thông tin liên lạc
Đường dây nóng Washington-Moscow (W-M H) luôn tạo ra những lưu lượng liên lạc kỷ lục. Ngay từ buổi đầu, tính bảo mật của các tin nhắn thông qua W-M H đã được đảm bảo bằng phương pháp mã hóa 1 lần. Việc mã hóa các thông điệp truyền teletype đã được thực hiện bởi Máy trộn điện tử tái tạo mật mã điện tử II (ETCRRM II). Là một trong những loại máy mã hóa dùng 1 lần được bán bởi các hãng thương mại vào thời kỳ đó.
Theo các thỏa thuận, mỗi quốc gia sẽ chuẩn bị những cuộn băng dùng để giải mã các thông điệp của họ và giao đi thông qua một hãng chuyển phát nhanh đặt ngay tại đại sứ quán của mình ở nước khác, từ nơi mà chúng được mang tới trạm cuối của đối tác. Vì vậy những phím dùng để giải mật các thông điệp sẽ được gửi từ Washington và mang đến Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, ở đó chúng sẽ được giao cho trạm cuối đường dây nóng của Nga. Tại Mỹ, các cuộn phím được cung cấp bởi Văn phòng an ninh thông tấn (ngày nay đổi tên là Cục đảm bảo thông tin, IAD) của NSA. Ngày 30-9-1971, Mỹ và Liên Xô đã ký một thỏa thuận tại Washington nhằm hiện đại hóa Đường dây nóng.
Khoảng tháng 5-1983, Tổng thống Reagan đề xuất nâng cấp đường dây nóng bằng cách bổ sung fax tốc độ cao. Tiếp đó là những cuộc đàm phán song phương dẫn đến một thỏa thuận được ký kết bởi Mỹ và Liên Xô vào ngày 17-7-1984. Thỏa thuận này đã được cập nhật bằng một trao đổi công hàm ở Washington vào ngày 24-6-1988. Theo thỏa thuận thì tại mỗi đầu cuối của các trạm cuối fax đường dây nóng sẽ có cùng kiểu thiết kế và mẫu khi lắp đặt.
Trong quá trình nâng cấp fax, Liên Xô đã chuyển việc phát thông điệp đường dây nóng sang một vệ tinh địa tĩnh mới mẻ hơn thuộc lớp Gorizont, vốn là một phần của hệ thống Statsionar của họ. Việc này đã loại bỏ trạm mặt đất của Mỹ tại Fort Detrick. Năm 1996, vệ tinh mới Molniya-3 đã tiếp quản liên kết vệ tinh Nga cho đường dây nóng…
Phòng trạm cuối tại NMCC của Lầu Năm Góc trong bức ảnh năm 1976. Nơi có 2 cỗ máy teletype bảng chữ cái Latin và 2 máy bảng chữ cái Kirin, cùng 4 máy mật mã Etcrrm II. Ảnh nguồn: UPI. |
Cách thức hoạt động của đường dây nóng
Hệ thống W-M H dùng 3 loại thông điệp khác nhau: 1) Thông điệp thử nghiệm: bao gồm các văn bản phi chính trị, không mang tính tuyên truyền thường là những bài thơ, truyện ngắn hoặc văn bản viết khác liên quan đến thiên nhiên, nhạc cổ điển, nghệ thuật hoặc văn chương. Các thông điệp này được truyền đi hàng ngày: mỗi giờ chẵn từ Washington và mỗi giờ lẻ từ Moscow. 2) Thông điệp dịch vụ: điều phối hoạt động của đường dây nóng, về những vấn đề phần mềm và phần cứng và cũng chứa một bản tóm tắt về việc sử dụng hàng ngày của hệ thống. Những thông điệp này hình thành nên cái gọi là Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOPs); 3) Thông điệp chính phủ: những thông điệp được gửi thay mặt cho Tổng thống Nga và Mỹ. Từ Washington, tất cả thông điệp được gửi đi bằng tiếng Anh bằng cách sử dụng bảng chữ cái Latin, tương tự là tiếng Nga gửi đi từ Moscow bằng bảng chữ cái Kirin. Việc dịch thuật được thực hiện ở bên nhận thông điệp để đảm bảo sắc thái của từng ngôn ngữ.
Các trạm cuối của Mỹ được điều hành bởi một nhóm quân nhân, đứng đầu là một sĩ quan đảm nhiệm chức danh Phiên dịch viên Tổng thống. Công việc chính của ông là chuyển ngữ sang tiếng Anh mọi ngôn ngữ mà ông nhận được qua đường dây nóng. Khi một thông điệp gửi tới, ông sẽ dịch sơ để dự cảm xem nó có khẩn cấp hay không để có thể gọi cho tổng thống, và nếu cần thiết thì ông sẽ dịch miệng cho tổng thống theo dõi. Nếu thông điệp tiếng Nga không quá khẩn cấp, Phiên dịch viên tổng thống sẽ dịch sơ nó và gửi cho Nhà Trắng thông qua máy fax an toàn, sau đó là thông qua kênh an toàn. Bản dịch hoàn chỉnh sẽ được thực hiện bởi đội ngũ các dịch giả của Bộ Ngoại giao.
Phòng thiết bị trạm cuối ở NMCC của Lầu Năm Góc trong bức ảnh năm 1985. Ở đó có máy mật mã Siemens M-190. Ảnh nguồn: AP . |
Đường dây nóng được sử dụng lần đầu tiên vào ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát (22-11-1963) chỉ vài tháng sau khi liên kết được thành lập. Lần đầu tiên điện Kremlin sử dụng đường dây nóng là vào ngày 5-6-1967, khi sự kiện Chiến tranh 6 ngày nổ ra giữa Israel và các nước Ảrập.
Sau đó đường dây nóng này cũng được sử dụng trong những cuộc xung đột quốc tế như năm 1971: chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan; năm 1973: chiến tranh Yom Kippur; năm 1974: cuộc xâm lược Síp của Thổ Nhĩ Kỳ; năm 1979: Nga tiến vào Afghanistan; năm 1981: mối đe dọa Nga xâm chiếm Ba Lan; năm 1982: Israel xâm lược Li Băng. Tổng thống Johnson từng gửi một thông điệp cho Liên Xô để thông báo về sứ mạng tàu vũ trụ Apollo, hay Tổng thống Jimmy Carter từng dùng đường dây nóng gửi thông điệp cho lãnh tụ Leonid Brezhnev, nhưng người Nga không đánh giá cao việc này mà cho rằng đó là Liên kết truyền thông trực tiếp (DCL) sai cách. Hoặc như năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan đã sử dụng đường dây nóng để đe dọa phía Liên Xô về việc đã bắt giữ nhà báo Nicholas Daniloff về tội làm gián điệp. Sau khi kết thúc "Chiến tranh Lạnh" và sự sụp đổ của Liên Xô (năm 1991) thì đường dây nóng ở cả 2 siêu cường dần mất đi ý nghĩa của nó.
Tuy vậy, W-M H đã được Tổng thống George Bush và lãnh tụ Gorbachev dùng để liên lạc trong suốt cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991; hay ông George W. Bush và ông Vladimir Putin cũng dùng nó để thảo luận các kế hoạch về tái thiết Iraq sau chiến tranh Iraq năm 2003. Ngày hôm nay, những cú điện thoại trực tiếp của 2 lãnh đạo siêu cường được thực hiện thông qua Liên kết thoại trực tiếp (DVL). DVL được cho là thiết lập theo một thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1990, và được gia hạn ở Liên bang Nga trong năm 1999. DVL không thuộc về W-M H.