Chuyện gia đình của nhà tình báo: Con đi tìm cha

Thứ Tư, 21/01/2015, 16:00
Ngày 31/12/1998 là ngày giỗ đầu của cha tôi sau khi hài cốt của ông được đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Bây giờ thì cha tôi đã được nằm chung bên đồng đội của ông. Năm giỗ đầu cha tôi, có rất nhiều các chú, các bác, các cô đến dự: Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Võ Trần Chí, Huỳnh Việt Thắng, chú Nguyễn Võ Danh, bác Phan Văn Đáng… Có được ngày giỗ này, tôi lại nhớ đến xuất phát điểm của sự việc đi tìm hài cốt cha…

Vào khoảng tháng 8/1977, má Hường (vợ sau của đồng chí Hoàng Minh Đạo - PV) cùng tôi đến gặp Ban Tổ chức Thành ủy và đại diện của Ban Tổ chức Trung ương Cục còn lại sau chiến tranh, đề nghị họ giúp đỡ tìm lại hài cốt của cha tôi.

Chúng tôi đã đi về phía Tây Ninh. Chuyến đi đó không thành công, vì đi sai hướng và sai cả địa bàn, lại đi lên gần biên giới… Cha tôi hy sinh ở Tây Ninh, nhưng ở hướng khác. Thời gian này, Ngọc đã quay lại Liên Xô để hoàn thành công trình tiến sĩ. Còn Thu thì ở trong trường. Em Hồng cũng vậy. Do đó chỉ tôi và má Hường đi. Nhưng hình như vấn đề tâm linh không thuận. Trong lòng tôi nghĩ vậy. Và đến tuổi này, sau bao thăng trầm của cuộc sống tôi luôn tin vào tâm linh và luật nhân quả. Lúc nào tôi cũng nhớ lời dặn của mẹ Kíu: "Hãy cứ sống cho tốt, mọi người sẽ không phụ con. Nếu con sống không tốt với bản thân và mọi người xung quanh thì trời sẽ phạt lại!".

Khi gia đình tôi còn ở nhà 75/7 Mai Thị Lựu, quận 1, một buổi tối, có vợ chồng chú Tám Tiến, cựu tù Côn Đảo, đang làm ở quận 1 đến thăm nhà. Cùng đi có chú Chín Hòa, là bác sĩ bảo vệ sức khỏe cho lãnh đạo Trung ương Cục thời chống Mỹ. Các chú nói tôi đi theo các chú để gặp một người có khả năng ngoại cảm (gọi tắt là "nhà ngoại cảm") để tìm hài cốt cha tôi. Lúc đó tôi chưa tin và cũng còn chần chừ về hiện tượng lạ lùng của ngoại cảm. Tôi cứ lần chần mãi không chịu đi.

Khi tôi ở Singapore về, chú Tám lại đến nhà. Lần này chú đi cùng anh Trương Song Đức, lúc đó là Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM, cùng anh Năm Khoa làm bên Thành ủy… Ai cũng khuyên tôi đi tìm bố về. Chú Tám la lên: “Nếu bay không đi tìm anh Năm Đời, thủ trưởng của tao, thì tao nghỉ chơi với bay! Tao sẽ tự đi tìm ba bay, thủ trưởng của tao… Nhưng về mặt tâm linh thì bay phải đi vì bay là máu mủ của ông!”. Chú quát rất to vì tính chú rất nóng, ngay thật và thẳng thắn…

Tôi bỏ hết công việc kinh doanh, mặc dù lúc đó ở nhà máy của tôi có gần 1.500 công nhân. Tôi ra miền Bắc, về thôn Mỹ Xá, xã Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương để tìm đến nhà ngoại cảm theo lời đã mách bảo với tâm trạng đầy nghi hoặc.

Đến nhà của người được cho là có khả năng đặc biệt ấy, tôi đã thấy cả hơn trăm người chầu chực, nằm lăn lóc. Tất cả các nhà dân trong thôn, trong xã đều có người ở trọ. Ngủ một đêm 3.000 đồng. Ăn cơm 3.000 đồng. Nhà vệ sinh theo kiểu nông thôn, đổ tro… Hằng ngày tôi ngồi xem nhà ngoại cảm vẽ bản đồ cho các gia đình liệt sĩ. Đến ngày thứ 7 thì tôi nóng ruột vô cùng. Tôi không thể bỏ hết công việc để ngồi chờ đợi như thế này được.

Lúc đó, tôi mới hỏi bà bán nước chè xanh, làm sao tiếp xúc riêng được với ông ấy? Bà nói tôi thấy cô chờ nhiều ngày rồi, không chen lấn được đâu. Tuy nhiên, bà chỉ cho tôi rằng cứ khoảng gần lúc mặt trời lặn, tôi ra bờ ruộng sau nhà sẽ thấy ông đi bộ hứng gió ở đấy…

Mọi người đều gọi là "cậu", xưng "con". Còn tôi gọi "cậu" xưng "tôi". Tôi vừa giới thiệu, ổng chặn ngay: Cái chị này có tin đâu mà đi tìm…

Kế đó ông bảo tôi: Tôi nói ba câu, nếu đúng thì chị ở lại chờ tôi vẽ bản đồ cho. Nếu không đúng thì chị đi về cho khỏi mất thời gian: Chị là con duy nhất của cha mẹ chị. Chị có em trai cùng cha khác mẹ, nhưng cậu này không có thờ cúng ông bà tổ tiên bên nội… Cha chị trên đường đi công tác bị giặc phục kích. Họ báo là hy sinh mất xác… nhưng tôi khẳng định có người vớt xác ông chôn tại Vàm Cỏ Đông. Ông cụ làm gì tôi không biết, bộ đội không phải mà công an cũng không phải, nhưng đi đâu cũng trùng trùng điệp điệp lính có súng ống đi theo bảo vệ… Nếu tôi nói đúng, tối nay chị lên tôi uống nước chè, tôi nói chuyện tiếp cho nghe.

Tối tôi đến, "cậu" bảo: Chị là con gái đã đi lấy chồng. Nếu chưa lấy chồng thì tìm bố sẽ dễ hơn. Tôi thắc mắc hỏi: Tại sao "cậu" lại biết được những điều người chết nói? "Cậu" giải thích: Tôi chỉ là người ghi lại những điều người về nói thôi. Nếu chị không quyết tâm cao, bố chị sẽ vẫn về, nhưng nói không rõ lời, hình ảnh mờ giống như màn hình tivi bị sóng phủ ngang nhiễu sọc, thì tôi chịu thua… Rồi không hiểu dựa vào cái gì, "cậu" còn nói với tôi rằng: Chị tìm bố về đi, ông này hay lắm. Ông này mà tìm được thì lễ cải táng sẽ rất to…

Trong lần giỗ đầu tiên của cha tôi sau Lễ cải táng (1998), có rất nhiều các chú, các bác đến dự tại nhà riêng của tôi: Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Võ Trần Chí, Huỳnh Việt Thắng, Nguyễn Võ Danh, Phan Văn Đáng… Trong ảnh: Người ngoài cùng (bìa phải) là má Hường của tôi - Một cựu tù Côn Đảo.

Tôi và tài xế Bằng, hai chị em lập tức lên đường trong đêm lên nhà chú tôi (Đào Phúc Sơn - em trai đồng chí Hoàng Minh Đạo) ở Thái Nguyên ngay trong đêm. Quay về Tứ Kỳ, Hải Dương đúng 6 giờ sáng. Vừa nhìn thấy chú Sơn, "cậu" nói: Sao ông giống anh ông thế? Nhưng có vẻ ông thấp bé hơn, đen hơn. Mà ông anh ông có cái sẹo ở môi dưới bên trái, làm môi hơi méo một tý… đúng không?

Tôi quay lại, ngầm hỏi chú có đúng vậy không? Thấy chú Sơn đang chảy nước mắt, đáp: “Đúng! Có sẹo vì đánh nhau với trẻ con Pháp lúc đá bóng ở Trường Bonsai ở Hải Phòng, bị nó đâm cho một nhát. Đúng là hai anh em tôi giống nhau khuôn mặt lắm. Tôi thấp nhỏ hơn ông anh, vì mẹ chết lúc tôi mới ra đời chỉ có hai mốt ngày”.

Sau đó "cậu" nói: Người lượm được xác ông Lộc có tên là vần "Tê". Phần cốt nằm ở nhà bà Năm có con trai đứng đầu làng. Nếu xác định đúng vị trí, thì sẽ tìm được trong vòng một tiếng. Nếu sai, sẽ trên mười ngày mới tìm được. Vì chị là con gái, nên ông Lộc sẽ thử tính kiên trì của chị đi tìm cha…

Trở lại thành phố, tôi sắp xếp công việc ngay để đi tìm hài cốt của cha.

Ngày thứ mười hai, tôi mệt quá đang nằm ở gốc cây dừa. Thời gian đó tôi vừa trải qua một cuộc đại phẫu mới được ba tháng, nên người tôi xanh xao và yếu… Nhưng khi đi tìm cha, thì tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức khỏe.

Mọi diễn biến tiếp theo xảy ra gần như trùng khớp với những gì được báo trước. Người chỉ chỗ đào mộ cha tôi tên là Hai Tờ. Bà Năm, người chủ khu vườn nơi cha tôi đang nằm, thì con trai bà là người duy nhất trong vùng học xong đại học, đã tốt nghiệp Đại học Hàng Hải… Ông Hai còn kể rành rẽ, chi tiết: "Trận đụng độ trên sông Vàm Cỏ năm đó lớn hết biết. Sau đó, bọn nó đi lùng sục suốt cả tháng hòng tìm được xác đằng mình. Đêm đó, tui và hai du kích xã đi đóng đáy kiếm cái ăn, thấy có cái xác dập dềnh ở kinh rạch. Chúng tôi cùng vớt lên, thấy bị thương, nát cả vùng bụng rồi mà sao ổng còn lội được hơn cả ba cây số đến đây, mới tắp vào kinh nhỏ mà chết.

Nghe đồn rằng dân cán bộ bự thì không có mang ba lô, mùng mền trên mình. Chỉ có một võng tăng và trong võng tăng có khẩu K59 mà năm đó (1969) ai có K59 là chức bự lắm. Khẩu K59 đó tôi nạp lại cho bộ đội chính quy tập kết về đây. Còn tăng võng tôi dùng để chôn ông đó.

Khi chèo xuồng đi lấy hai thanh sắt, tôi rút đại hai then cài cửa của nhà dân, nên mới có một thanh tròn, còn một thanh dẹt. Mà lúc đó nhà ở vùng này bỏ không, ít có ai ở lắm vì tụi nó lùng sục cả ngày đêm tìm Việt Cộng. Bám trụ chỉ có du kích hoạt động về đêm. Trận đụng độ cuối năm 1969 đó rất lớn, có cả tàu thủy, pháo bay, trực thăng. Bọn tôi du kích địa phương cho là tụi Mỹ đụng phải quân chính quy miền Bắc rồi, ai dè là ông bự đằng mình…".

Đoàn người lại di chuyển tốc hành về Nghĩa trang Thành phố. Chú Sơn không nói gì cả, chỉ ngồi ôm bịch cốt của anh, trầm lặng. Nhìn chú rất thương. Một ông già hơn 70 tuổi đi ròng rã hơn mười ba ngày theo cháu và đoàn tìm kiếm hài cốt anh mình ở Vàm Cỏ Đông. Trên đường về, không hiểu sức lực ở đâu ra mà các chú trong đoàn cứ hát vang mãi những bài ca cách mạng: Từ “Tiến quân ca”, đến “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”… Tôi cứ cảm giác như các chú lại đang hành quân…

Không chỉ tìm hài cốt cha tôi ở trong nước, mà tôi còn quyết tâm sang tận Mỹ, để tìm thêm những thông tin trung thực về sự hy sinh của cha tôi dưới cái nhìn của đối phương. Ví dụ như, tôi muốn biết phiên đội nào, đơn vị số bao nhiêu, trực thuộc quân đoàn nào đã có mặt tại Vàm Cỏ Đông đêm 24/12/1969? Không biết những người con các liệt sĩ khác ra sao, chứ với tôi thì tôi phải tìm ra được lời đáp thì tôi mới không ân hận, vì mình có điều kiện mà không chịu làm.

Ngày 18/4/2010, tôi có mặt ở thành phố Lubbock thuộc tiểu bang Texas. Ông Stephen là Giám đốc trung tâm lưu trữ mọi dữ liệu của cuộc chiến tranh trước đây. Vì cách đặt vấn đề của tôi cũng nhẹ nhàng, tôi chỉ là người con đi tìm thông tin tư liệu về cha mình, cho nên đối với họ cũng dễ chấp nhận. Vì đây là một cuộc thăm viếng với tư cách cá nhân. Ông Stephen rất nhiệt tình cung cấp cho tôi toàn bộ các cuộc hành quân của lính Mỹ trong tháng 12/1969 tại vùng sông Vàm Cỏ Đông.

Ba ơi! May cho con quá! Theo lịch có cuộc hành quân của lực lượng tuần tra Sư đoàn 552 và cùng phối hợp là lực lượng không quân trực thăng có tên là "Sói Biển" yểm trợ, theo tài liệu đúng vào đêm cha tôi hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông.

Tư liệu có viết lại đúng là có 4 xuồng qua sông, một xuồng qua trước. Chính xuồng qua trước này nổ súng trước. Bọn họ đã định bắn theo xuồng đó nhưng xuồng đó thoát được lên bờ. Họ mở tất cả các đèn pha lên và bắt gặp còn 3 xuồng nữa phía sau. Như vậy, 3 xuồng ra sau chiến đấu với 3 tàu chiến của Mỹ mang phiên hiệu số đơn vị 552 đã đón sẵn ở đó. Rồi sau đó là máy bay trực thăng của tụi nó đến chi viện 3 chiếc, và tụi nó còn gọi cho các căn cứ quân sự trong vùng nã pháo vào đoạn sông ở ngã ba Vam Trang sông Vàm Cỏ Đông.

Cuộc hành quân đó của thủy quân lục chiến Mỹ đã được chuẩn bị trước, vì chúng biết sẽ có xuồng của Việt Cộng cấp lớn qua lại. Cả 3 chiếc xuồng đêm hôm đó đều bị nổ tung, theo tài liệu ghi lại thì khó ai có thể sống sót. Sau đó, bản thân chúng cũng đi tìm xác và đã thu được 2 súng B40 và 8 súng AK, nhưng không tìm được xác người.

Mọi sự kiện đều trùng lắp, địa điểm cũng trùng lắp, số lượng 4 xuồng, trong đó có một xuồng thoát được đều trùng lắp với thông tin mà tôi đã có. Xuồng thoát nạn chính là xuồng của Trung tướng Tám Lê Thanh. Tài liệu của họ có ghi phía ta có bắn trả và có một quả đạn B40 đã trúng ngay tàu chỉ huy của họ. Tàu cháy và chìm, viên chỉ huy chết tại chỗ.

Cũng theo tài liệu của họ, trên 3 xuồng của Việt Cộng chưa bị lật có tất cả 9 người, dưới nước có 7 người. Trận hỏa lực đó theo họ không một ai có thể sống sót. Súng từ máy bay trực thăng bắn xuống, súng tự động M6 tốc độ nhả đạn tự động từ 2.000 đến 3.000 viên trong một phút, thời gian xảy ra là 19 giờ 52 phút ngày 24/12/1969.

Tôi báo kết quả cho chú Sơn. Từng là người lính, chú kết luận ngay: Vậy là anh em bảo vệ đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ thủ trưởng. Mặc dù hỏa lực không cân sức nhưng cũng làm chìm tàu của tụi nó. Chứ cứ như thông tin trước đây thì thấy ta bị động hoàn toàn. Nay theo tài liệu của địch, thì tuy lực lượng mỏng hơn nhưng phía ta lại chủ động tấn công trước… Chú Sơn tỏ vẻ phấn khởi.

Tôi đã điện thoại cho các con, báo tin là mẹ đã có được một trả lời về sự hy sinh của ông ngoại các cháu như thế nào. Các con tôi đã rất phấn khởi vì chuyến đi của mẹ phần nào có kết quả. Chỉ còn một câu hỏi nữa vẫn luẩn quẩn trong đầu tôi. Đó là tại sao địch lại biết tin để bao vây cả đoàn hôm ấy, cùng cha tôi? Ai là người đưa tin? Câu hỏi này tôi chưa tìm ra được!

Theo "Không thể mồ côi" của Minh Vân, NXB CAND - 2014.

(Còn nữa)

M.V.
.
.