Chuyện gia đình của nhà tình báo

Thứ Bảy, 17/01/2015, 11:05
Minh Vân (tên đầy đủ Đào Thị Minh Vân) là một tác giả đặc biệt với một thân phận đặc biệt. Mẹ đẻ mất trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, khi chị chỉ mới hơn một tuổi. Cha chị, nhà tình báo anh hùng Đào Phúc Lộc, tức Hoàng Minh Đạo, tức Năm Thu, Năm Đời… đã gửi cô con gái bé bỏng lại hậu phương chỉ sau đó vài ngày để rồi mãi mãi ra đi theo tiếng gọi của non sông. Gọi tác giả đặc biệt là bởi chị không phải là người viết chuyên nghiệp, nhưng lại viết sách về cuộc đời mình.

Đó là câu chuyện được ráp nối lại từ những mẩu ký ức, gợi cho người đọc ban đầu là sự tò mò, rồi thương cảm và đi đến khâm phục nghị lực vượt qua hoàn cảnh của một con người tuy thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ nhưng lại "Không thể mồ côi" giữa bao la tình đồng chí, đồng đội cũng là chuyện đầy cảm động đáng khâm phục của gia đình nhà tình báo Hoàng Minh Đạo.

Tôi là một người bình thường, nhưng lại sinh ra vào thời điểm loạn lạc. Lúc mẹ sinh ra tôi, cũng đúng vào thời khắc của lịch sử dân tộc. Cái thời khắc mà ai ai cũng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc mà tạm quên đi cuộc sống riêng tư. Tiếng khóc của tôi hòa vào tiếng súng nổ vang rền cả nước, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc, cuối năm 1946.

Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì lý do nào mà cha tôi, bác Hải, cô Oanh, chú Sơn và nhiều người khác trong họ nội của tôi đều tham gia vào một nghề vô cùng nguy hiểm, mà chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra thảm họa khôn lường. Đã dấn thân vào nghề này thì suốt đời phải "sống để dạ, chết đem theo" mọi bí mật: Nghề Tình báo!

Cha và mẹ tôi đều là người vùng biển, còn tôi được sinh ra tại Hà Nội. Mẹ tôi vốn là tiểu thư con nhà khá giả, nhưng lại đặt niềm tin và yêu một người hội kín, đó là cha tôi. Vì yêu mà chính mẹ tôi cũng đã trở thành người của hội kín. Khi tôi được hơn 14 tháng tuổi thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Nghe tin, cha tôi đi bộ từ Cao Bằng về Thái Nguyên, khóc không thành tiếng. Nhưng rồi vì yêu cầu nhiệm vụ, chỉ được 3 ngày, ông đã phải gửi tôi cho người chị nuôi, là người của cơ sở tên Nguyễn Thị Kíu, chủ hiệu bánh kẹo Tùng Hiên nổi tiếng tại Hàng Đường. Khi ấy ông trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào ngay Nam Trung Bộ và Nam Bộ để thống nhất toàn bộ ngành Tình báo cả nước với vai trò là đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu.

Tôi về sống với mẹ Kíu ở số nhà 41, sau này là 36 Lò Sũ từ đấy. Mẹ Kíu luôn căn dặn tôi rất kỹ: Nếu có ai hỏi bố đâu thì nói bố đi lái xe ở Nam Vang và buôn bán... Ngoài mẹ Kíu là chủ hiệu bánh mứt, trong nhà còn có hai cô, đó là cô Hợi và cô Thìn. Cô Hợi rất hay quát tháo. Mỗi lần tôi thấy cô bới tóc lên cao là sợ co rúm người lại. Có nghĩa là lúc đó cô đang chuẩn bị quát to. Sau này tôi mới biết tại sao cô Hợi dữ dằn như vậy. Cô đã phải chịu đựng quá lâu, vì chú Lâm chồng cô hoạt động bí mật bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Cô và con ở Hà Nội, còn chú thì không hề có tin tức gì.

Còn cô Thìn, bọn trẻ con trong nhà đều gọi cô là "bà điên". Vì cô điên thực sự! Sau năm 1954, cô được cứu từ nhà tù của Pháp ra. Không rõ bị tra tấn nhiều, hay ức chế thần kinh, mà cô cứ lên cơn liên tục. Mỗi khi lên cơn, cô đập phá bất cứ thứ gì. Có lần cô xõa tóc ra, vác dao chẻ củi đuổi theo tôi, Trang và Hùng, là con của cô đòi chém. Ba đứa trẻ con chạy trước, cô vác dao chạy sau, bọt mép sùi ra thật kinh hãi.

Bức ảnh quý giá Minh Vân được chụp với Bác Hồ tại Trường Thiếu nhi Quốc tế Tiệp Khắc.

Thật may lúc đó những người đi đường và các bác xích lô đuổi theo bắt cô trói lại, chúng tôi mới thoát. Cô thường đuổi chúng tôi từ Lò Sũ chạy đến tận Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Về sau này tôi mới được biết cô Thìn điên vì lúc ở trong tù bị địch tra tấn đánh vào đầu nhiều quá. Cô tham gia hoạt động, bị bắt vì có chỉ điểm. Sau này, khi hay tin chú Minh Vân (chồng cô, trùng tên vì được chính đồng chí Hoàng Minh Đạo đặt bí danh) vào Nam hoạt động cũng bị địch bắt, cô càng lên cơn liên tục. Đến nỗi mẹ Kíu phải thuê người canh gác cô luôn để nếu cần thì trói cô lại. Trói xong là cô ngủ ngất đi ngay. Những lúc tỉnh táo, cô Thìn hiền khô, còn hay vuốt tóc cho tôi…

Tháng 4/1956, tôi được mẹ Kíu và má Hường (là mẹ kế của Minh Vân, người vợ thứ 2 của đồng chí Hoàng Minh Đạo thời gian công tác ở Nam Bộ - PV) đưa đi bằng tàu điện, tập trung ở Trường Chu Văn An. Tôi được bố trí cho đi học Trường Thiếu nhi quốc tế tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Trong thời gian tập trung tại Trường Chu Văn An chờ lên tàu liên vận đi Tiệp Khắc, chúng tôi được gặp Bác Hồ. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác, tại Phủ Chủ tịch.

Giữa tháng 6 năm đó, chúng tôi được báo là chuẩn bị lên đường… Tôi đâu có ngờ, từ cuộc chia tay ấy, mãi đến 19 năm sau tôi mới được gặp lại má Hường, vì má đi B và bị địch bắt. Còn khi tôi gặp lại mẹ Kíu, thì bà đang trong một hoàn cảnh rất thương tâm: Bị quy là "thành phần bóc lột, là giai cấp tư sản cần đánh đổ". Mẹ Kíu đã bị tịch thu toàn bộ tài sản, nhà xưởng sung công. Bà phải đi bán bánh mì và nước chè để sống qua ngày. Do yêu cầu nghiệp vụ bí mật mà bà không thể công khai và tự minh oan cho mình được…

Ở trường thiếu nhi, tôi được học nhiều thứ. Điều mà tôi học được nhiều nhất là lòng nhân ái với cộng đồng và tinh thần đùm bọc lẫn nhau. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội.

Tôi và các bạn lớn lên rất nhanh. Thời gian học ở đây, Trường Thiếu nhi Quốc tế có rất nhiều đoàn đến thăm, như đoàn của Thủ tướng Tiệp Khắc lúc bấy giờ, đoàn của bác Tôn Đức Thắng sang… Nhưng có một đoàn rất đặc biệt, mà chúng tôi nhớ nhất. Đó là vào năm 1957, Bác Hồ đã đến thăm chúng tôi. Đây là một ký ức đặc biệt của tuổi thơ tôi.

Tôi còn nhớ, trong đoàn có một chú mặc quần áo đại cán sĩ quan hỏi anh Trưởng đoàn phụ trách của tôi: "Có cháu Minh Vân ở đây không?". Anh gọi tôi ra. Chú cẩn trọng hỏi tôi: "Cháu tên gì?". Tôi trả lời, rồi chú lại hỏi: "Bố cháu tên gì?". Tôi còn nhớ chú xoa đầu tôi rồi đưa cho tôi một gói quà bé tí bằng nửa bàn tay. Kèm trong gói quà là một bức thư của cha tôi, có nội dung rất ngắn: "Bố Lộc yêu con nhiều và nhớ con gái Minh Vân của bố lắm đấy! Bố hôn con thật nhiều". Chú nói rằng chú với cha tôi "làm ăn buôn bán chung" với nhau. Biết chú qua đây, nên cha tôi đã nhờ gửi quà cho tôi…

Trước lúc đoàn ra về, Bác Hồ đã cho tất cả chúng tôi được chụp ảnh với Bác. Thấy tôi thấp nhỏ, bẽn lẽn đứng xa, chú "bạn làm ăn" của bố tôi đã chạy lại bế tôi và nhấc bổng lên đưa ngay vào lòng Bác Hồ. Bức ảnh đó hơn 30 năm sau, tôi được nhận lại từ tay của bác Mười Cúc (cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). Đó là một câu chuyện cảm động mà tôi không bao giờ có thể quên được.

Minh Vân chụp với mẹ Kíu (tức Nguyễn Thị Kíu).

Tháng 10/1960, tôi được má Hai (cũng là đồng đội của đồng chí Hoàng Minh Đạo, một trong 5 "người mẹ" đã cưu mang Minh Vân - PV) đưa xuống Hải Phòng để vào học Trường Học sinh miền Nam tại số 18 Ngã Sáu.

Một cuộc sống trái ngược lại đến với tôi. Tôi được phát hai bộ quần áo, bát ăn cơm tráng men. Tới bữa ăn, mâm cơm có 6 bạn, tất cả được dọn trong cái thau nhôm kích cỡ khác nhau. Trong bát cơm có sự phân chia, ngày nào ai nhận cơm, ngày nào ai rửa bát, rửa thau. Quần áo vì đồng phục nên chỉ có một màu, một cỡ. Ai béo cũng vậy, ai gầy hơn cũng thế. Tất cả chúng tôi đều đi dép cao su có quai, nên lúc nào ở trong phòng cũng có sẵn vài cây que xỏ dép. Ở tập thể - một tập thể khác hẳn tập thể ở Trường Thiếu nhi Quốc tế. Ai có thư của gia đình là cả lớp xem chung. Bạn nào cũng có rất nhiều chí (chấy) ở đầu. Cảnh tượng người này chải chí, bắt chí cho người kia là cảnh thường thấy trong khu tập thể của trường.

Học sinh phải ngủ giường 2 tầng bằng gỗ. Rệp nhiều vô kể. Chúng tha hồ cắn, đốt khiến cho người nằm không ngủ được. Ngoài giờ học tập, rảnh lúc nào chúng tôi cũng phải tìm và giết rệp. Người ta đã hướng dẫn chúng tôi đun nước sôi, đổ vào các khe giường cho trứng rệp và rệp chết bớt đi. Khổ là thế, vậy mà chúng tôi vẫn lớn, vẫn cố gắng học tập và trưởng thành. Ở đây ai cũng coi nhau là người một nhà. Vì là con gái, nên cũng có cãi nhau, gây sự, nhưng lại dàn hòa rất nhanh. Chúng tôi đều thật thà, không có thủ đoạn, sống bằng bản năng chân thật. Có lẽ cách sống ấy chính là đặc điểm của hầu hết những người đã ở các trường học sinh miền Nam.

Sống ở xa, lâu lâu tôi cũng được các bạn chở về Hà Nội bằng xe đạp. Tôi thương mẹ Kíu và má Hai. Hai bà mẹ tính tình khác nhau, nhưng luôn thương yêu chăm sóc tôi như máu mủ, ruột thịt. Má Hai thì sôi nổi, quảng đại, rộng rãi, thông minh và đôi khi còn cẩu thả. Mẹ Kíu thì hiền lành, tính tình chậm rãi, kín đáo, ít nói và cũng ít bộc lộ thái độ do nghề nghiệp… Tôi bị ảnh hưởng tính cách của cả hai bà mẹ ấy. Nhưng sau này chính tôi cũng không xác định được rằng mình được giáo dục theo kiểu nào là tốt nhất?

Còn như bá Cung của tôi (chị ruột bà Hoàng Minh Phụng, mẹ đẻ của Minh Vân - PV) thì lại là một kiểu phụ nữ khác. Bà là người được hưởng thụ, nên bà cả đời không phải động tay, động chân lao động để kiếm sống. Vì vậy, ở bà luôn toát ra sự an nhàn và sang trọng.

Tôi là đứa trẻ bị ảnh hưởng và được giáo dục nhiều luồng tư tưởng khác nhau… Nếu theo má Hai hoàn toàn, tôi sẽ trở thành một nhà chính trị, có tầm hiểu biết vĩ mô, có đầu óc phân tích tình hình thời cuộc, và cũng đi một con đường thẳng tắp theo đoàn thể. Còn nếu theo mẹ Kíu hoàn toàn, tôi sẽ chỉ là một nhà kinh doanh giỏi nghề và có tâm. Như mẹ, tôi sẽ luôn dang rộng vòng tay đối với những mảnh đời cần giúp đỡ, giỏi tính toán và sắp xếp cho chính mình và gia đình một cuộc sống lương thiện, không làm hại ai. Còn nếu theo bá Cung thì tôi làm sao chọn được cuộc sống an nhàn, biết hưởng thụ và không phải động chân động tay?

Khi học tại Trường Thiếu nhi Quốc tế, tôi được giáo dục theo một cách sống hiện đại, sinh hoạt theo phương Tây, ăn ngủ, suy nghĩ theo cách cởi mở, tiên tiến của châu Âu… Nhưng khi về Trường Học sinh miền Nam, tôi được giáo dục theo một cách sống tiết kiệm, chia sẻ, thiếu thốn không kêu ca, chịu đựng, hòa đồng vì cùng hoàn cảnh…

Nói chung, thời đó trong tôi là cả một sự hỗn độn về tư tưởng được giáo dục trái chiều. Nhiều lúc tôi mất phương hướng, tôi muốn được tự do như phương Tây. Tôi cũng muốn được an nhàn như bá Cung, cả ngày chỉ lo cho sắc đẹp. Có lúc tôi lại muốn có tính chịu đựng và nhân từ như mẹ Kíu của tôi. Rồi có lúc tôi lại muốn có sự sẻ chia đồng cảm như các bạn học sinh miền Nam mà tôi đang chung sống. Tôi luôn tự hỏi sẽ đi theo con đường nào đây? Ước gì cha mẹ tôi có thể thủ thỉ với tôi những điều cần phải làm, những điều để định hướng đi, qua đó cuộc đời tôi phải hướng tới? Có những giai đoạn tôi cũng là một người có tư tưởng nổi loạn và mất phương hướng hoàn toàn.

Lúc tôi là một đứa trẻ, cần cha mẹ nhất, thì cả hai người đều bị cuốn vào trong cơn lốc của chiến tranh. Nhiều đêm nằm nghĩ lại, nhất là đứng trước những sự kiện lớn trong đời, tôi đã lặng lẽ khóc. Tôi phải tự an ủi rằng có lẽ mình được sinh ra vào giờ, mà số mạng luôn phải chịu cảnh cô đơn, thiếu tình cảm. Có ai ở vào hoàn cảnh của tôi mà không cảm thấy tủi thân không?

* Theo “Không thể mồ côi” của Minh Vân, NXB CAND-2014

(Còn nữa)

M.V.
.
.