Chuyện ít biết về Đại sứ - Đại tá Hà Văn Lâu

Thứ Hai, 12/12/2016, 15:15
Lúc 18 giờ 45 phút ngày 6-12-2016, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, Đại tá Hà Văn Lâu đã qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, thọ 98 tuổi. Ông sinh ngày 9-12-1918 tại làng Sình, ngã ba sông Hương cách thành nội Huế không xa lắm.

Tôi biết ông và cũng từng đến thăm hai ông bà ở trong một khu dân cư khá yên tĩnh ở Quận Tân Phú, từ cô cháu nội của ông bà - Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh. Mấy lần đầu, khi trò chuyện phải cậy nhờ cụ bà Nguyễn Tăng Diệu Hương người bạn đời của ông cụ làm "phiên dịch" vì ông cụ hơi nặng tai và lại nói đậm chất giọng Huế. 

Cô cháu nội Hoa hậu Việt Nam cũng thừa nhận nghe bà nội nói dễ hơn nghe ông nội. Thoáng chốc mà ông đã quy tiên cận bách niên. Ông là  một nhà ngoại giao tài ba và có lẽ cũng là một sĩ quan cao cấp mang quân hàm đại tá lâu nhất Việt Nam.

Ra đi từ bến làng Sình

Hơn 500 năm trước, trong sách "Ô Châu cận lục", tiên sinh Dương Văn An đã phóng bút mô tả dòng Linh Giang rằng: "Sông do hai nguồn Kim Trà (sông Hương) và Đan Điền (sông Bồ) đổ đến, rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình. Phía tây nam thì có đền tứ vị Thánh Nương, có trạm Địa Linh; phía đông bắc có chùa Sùng Hóa, bia Hoằng Phúc".

Chính ngay chỗ "rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình" là ngã Ba Sình nổi tiếng gắn với câu ca xưa: "Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá/ Đò từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình/ Lờ đờ bóng ngả trăng chênh/ Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non...". Ngã ba Sình là nơi hợp lưu hai dòng sông Hương và sông Bồ đổ ra phá Tam Giang rồi xuôi ra biển.

Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có bút tích của người tặng ông Hà Văn Lâu tháng 5-1950.

Cụ ông Hà Văn Lâu sinh tại ngã ba Sình, là con thầy giáo Hà Văn Phu, thường gọi thầy Cửu Phu. Khi ông lên 7 tuổi thì cha qua đời vị bạo bệnh, ông được ngoại và mẹ nuôi dạy ăn học đến bậc Thành Chung. Do gia cảnh nghèo khó, ông không thể học tiếp nên đã xin công chức ngạch thư ký Tòa sứ để có nghề nghiệp ổn định và nuôi gia đình. Sáu Lâu không được làm việc ở Huế mà đưa lên Tòa sứ Kon Tum làm việc vào năm 1937.

 Rừng núi Tây Nguyên ngày đó còn heo hút bóng người, đi lại khó khăn, nhà thờ và bộ máy chính quyền cai trị của Pháp bắt đầu hình thành và tập trung ngay nội đô trung tâm thành phố Kon Tum bây giờ. Đi làm quan ngày đó mà lên Tây Nguyên không khác gì bị "đi đày" biên ải. Cuộc chiến tranh thế giới đang chuyển biến phức tạp, nước Pháp không nằm trong phe của phát xít Đức rất dễ bị tấn công bất cứ lúc nào.

Do đó, các nước thuộc địa Pháp như Việt Nam nhiều thanh niên bị điều động đăng lính cho Pháp, chuẩn bị chiến tranh. Những công chức thuộc địa như Sáu Lâu cũng không là ngoại lệ. Đang lưỡng lự, phân vân giữa ngã ba đường chọn lựa thì tại Pháp, Thống chế Pétain đầu hàng Đức, các lò luyện võ bị của Pháp rã đám, Sáu Lâu quay về lại Huế tiếp tục nghề "cạo giấy" ở Tòa Sứ. Năm 1941, người chú ruột Hà Văn Huy làm nghề thú y trong miền Nam có ý tài trợ cho Sáu Lâu sang Pháp du học nhưng gia đình lại sợ nặng gánh nợ nần.

Thời gian này ông quen và tổ chức hôn nhân với tiểu thư Nguyễn Tăng Diệu Hương, 19 tuổi, nữ sinh Đồng Khánh Huế, là con gái rượu ông Hường Lô Tự Khanh Nguyễn Tăng Lộc và bà Công Tôn nữ Tuyền Kinh là cháu ngoại nhà thơ Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh, Hoàng tử nhà Nguyễn.

Nhắc chuyện nợ duyên ông bà ngày xưa ở đất Huế, cụ bà Diệu Hương lục lọi cho xem mấy tấm ảnh trắng đen của bà thời nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng với nón bài thơ và nụ cười lộ chiếc răng khểnh cực đẹp. Bà chỉ cô cháu nội Hoa hậu Việt Nam 1992 mà nói: "Nó giống bà lắm đó, ngày xưa bà là hoa khôi nữ sinh Đồng Khánh, răng mà lâu dữ rứa…".

Cưới nhau xong, gia cảnh vẫn nghèo nàn thiếu trước hụt sau, thương gia đình nên Sáu Lâu tiếp tục học và thi đỗ vào ngạch Thương chánh. Sau đó ông chuyển vào Nha Trang làm việc tại Công ty Muối phủ Ninh Hòa. Chính từ thực tiễn cuộc sống và đấu tranh của người dân Khánh Hòa đã lôi cuốn, giác ngộ Hà Văn Lâu tham gia cách mạng. Từ cán bộ Việt Minh kháng chiến, ông trở thành cán bộ chủ chốt tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa cho ra đời "đôi dép râu" huyền thoại.

Sau này ra Việt Bắc, ông làm Cục trưởng Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND mang quân hàm Đại tá kỷ lục:  61 năm từ 1954 đến ngày hôm nay và ông còn là nhà ngoại giao tài ba lỗi lạc của Việt Nam tại Cuba, Pháp, Liên Hiệp Quốc (Mỹ), đàm phán Hiệp định Paris cho đến ngày về hưu.

Gặp Bác Hồ và mang tình cảm vào trận chiến ngoại giao

Trong câu chuyện, ông bà vẫn nhớ như in những năm tháng không thể nào quên của hai ông bà trên chiến khu Việt Bắc từ tháng 5-1950, lúc vừa ở Bình Trị Thiên khói lửa ra. Khi kể chuyện, ông còn khỏe, lên xuống thang nhà như thoi.  Cô cháu nội xinh đẹp thường nói: "Ông thích chạy lên chạy xuống thang để tập thể dục", dù ngày đó ông đã hơn 94 tuổi.

Để bà kể chuyện ở chiến khu, ông lên gác lục lọi một số hình ảnh, tư liệu và tấm ảnh chân dung Bác Hồ có bút tích đề tặng ông treo trang trọng trên tường cao trước bàn làm việc của mình.

Đại sứ Hà Văn Lâu với Chủ tịch Fidel Castro tại CuBa.

Ông kể: Trưa 19-5-1950, sau buổi làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Gíap và Tổng Tham mưu trưởng QĐND tướng Hoàng Văn Thái trở về nhà nằm, gác tay lên trán, Sáu Lâu trằn trọc mãi không ngủ được. Sắp đến sinh nhật Bác, mà từ khi ra đây đến giờ vẫn chưa gặp Người và không biết tặng gì mừng sinh nhật Người. Đang mơ màng, bỗng anh cán bộ Văn phòng Chủ tịch đến báo: "Đồng chí chuẩn bị chiều nay đi gặp Bác Hồ". Sáu Lâu sung sướng quá độ mà cứ ngỡ đang còn trong giấc mơ.

Hết di chuyển bằng ngựa, rồi đi bộ lội ngược dòng con suối người dẫn đường đưa Sáu Lâu đến khu vực nhà ở của Bác và Bộ Chính trị. Tại đây, các cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Luật sư Phan Anh… đang tổ chức chúc mừng thọ 60 tuổi, Bác giản dị trong bộ quần áo chàm như một Ông Ké miền núi Việt Bắc. Mọi người tặng hoa, chúc mừng xong, Bác đọc thơ mừng:

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khỏe, ngủ ngon làm việc khỏe

Trần mà như thế kém chi tiên

Sau đó, Bác thân mật mời cơm mọi người. Bác ân cần thăm hỏi Sáu Lâu từng chuyện nhỏ gia đình và tình hình quân dân Bình Trị Thiên chiến đấu, kháng chiến ra sao. Thấy Sáu Lâu xúc động báo cáo quên cả ăn, Bác gắp thức ăn vào chén cho Sáu Lâu rồi nhắc: "Thôi, chú Lâu ăn đi, Bác không hỏi nữa…". Sau bữa cơm "có một không hai" nhớ đời ấy, Sáu Lâu lấy bức ảnh chân dung Người mang theo xin chữ ký lưu niệm, Bác mỉm cười rất vui viết nắn nót mấy chữ: "Kháng chiến nhất định thắng lợi" ký tên Hồ Chí Minh bên dưới đề tặng cho Hà Văn Lâu. Tấm ảnh đã theo ông suốt cuộc đời.

 Sáu Lâu quay trở lại chiến trường Bình Trị Thiên tiếp tục cuộc chiến đấu. Cụ bà Diệu Hương ở lại chiến khu Việt Bắc. Bà kể lại: Một hôm Bác Hồ đi ngang qua nhà thấy bà đang bế con trai Hà Tăng Lâm (cha ruột hoa hậu Hà Kiều Anh), Bác hỏi: Con trai chú Lâu phải không? Rồi Bác bế Lâm, một chút và hỏi: “Cháu nuôi con có vất vả lắm không? Có gì cho nó bồi dưỡng không ?”... Hôm sau, Bác cho người mang gửi tặng bé Hà Tăng Lâm một hộp sữa. Bà mừng quá không dám khui, đành tìm một hộp sữa khác cho Lâm uống, còn hộp sữa Bác tặng cất giữ cẩn thận làm kỷ niệm.

Theo yêu cầu tình hình mới, Phó Thủ tướng - Kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng cử Hà Văn Lâu tham gia các phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ những năm 1953 cùng các đồng chí Tạ Quang Bửu, Trần Công Tường, Luật sư Phan Anh… Lúc 15 giờ 30 phút ngày 8-5-1954, tại thủ đô Genéve - Thụy Sỹ, Hà Văn Lâu thắt cà vạt trắng, tháp tùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu bước vào chiếc xe hơi bóng lộn, cắm cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong tư thế của người chiến thắng cùng đoàn xe hộ tống chạy bon bon trên đại lộ dưới nắng thu vàng rực rỡ để đến khai mạc Hội nghị lịch sử Genéve.

Vợ chồng Đại sứ Hà Văn Lâu.

Kể từ giờ phút thiêng liêng đó, Sáu Lâu cũng thật sự từ giã chiến trường lửa khói, với quân hàm Đại tá, ông bước vào cuộc chiến mới trên đấu trường Ngoại giao. Một sàn đấu rất cân não, đòi hỏi trí tuệ, thông minh, bản lĩnh chính trị vững vàng sắc bén và sự khéo léo, khôn ngoan để bảo vệ lợi ích dân tộc, quốc gia. Đỉnh cao sau này là Hội đàm Paris năm 1972, chấm dứt sự xâm lược của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Ông kể, trong đời làm Đại sứ có 2 lần rất đặc biệt: thay thế người tiền nhiệm qua đời. Lần đầu tiên tại Cuba, chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ Chính trị quyết định cử ông sang thay thế.  Lúc này Cuba và Việt Nam đang có vị thế đặc biệt trên trường ngoại giao quốc tế trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Tháng 5-1977, đang làm Đại sứ tại Cuba, thư bên nhà gởi sang báo tin mừng: Con dâu Vương Kiều Oanh, vợ kỹ sư điện tử, Thiếu úy Hà Tăng Lâm sinh con gái đầu lòng đặt tên là Hà Kiều Anh. Bà Diệu Hương mừng quýnh quáng suốt ngày ra vào không yên chỉ mong sớm ngày thấy mặt cháu nội.

Ông Hà Văn Lâu với cháu nội là Hoa hậu Hà Kiều Anh.

Từ Cuba, Đại sứ Hà Văn Lâu được điều động đến New York (Mỹ) làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc thay thế người tiền nhiệm đột ngột qua đời do tai nạn ôtô. Suốt thời gian 3 năm 6 tháng sau đó là thời kỳ có nhiều sự kiện cam go, thách thức và khó khăn nhất trong đời nhà ngoại giao Hà Văn Lâu vì đất nước đang trong thời kỳ Mỹ cấm vận, quan hệ của Đảng và Nhà nước ta thường xuyên bị các thế lực phản động, thù địch tìm đủ mọi cách phá hoại, gây hấn cùng với chiến tranh Tây Nam, Tây Bắc nhưng cùng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Hà Văn Lâu cùng tập thể ngoại giao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao tại Liên Hiệp Quốc.

Cho đến tháng 3-1982, Bộ Ngoại giao rút Đại sứ Hà Văn Lâu về Hà Nội một thời gian sau đó giao trọng trách lớn hơn: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Việt kiều Trung ương đến năm 1984, ông được cử sang kiêm nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa Pháp.

Một đời thanh bạch chẳng vàng son, ông đã để lại cho thế hệ đời sau không chỉ là sự kính trọng, ngưỡng mộ về tài năng, phẩm giá đạo đức mà còn là tài trí, mưu lược của một người con ngã ba Sình xứ Huế. Ông thuộc về thế hệ học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Xin nghiêng mình tiễn biệt ông đi vào cõi vĩnh hằng.

Hàm Yên
.
.