Chuyện về Anh hùng LLVTND, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng

Thứ Tư, 29/04/2015, 14:30
Trong cuộc đời quân ngũ, ông là một vị tướng đặc biệt vì đã được số phận đặt vào tay những trận chiến khốc liệt nhất để rồi đạt được những thành tích đặc biệt nhất như là sự an bài của định mệnh. 18 tuổi, ông trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, 26 tuổi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).

Là Tư lệnh Tăng thiết giáp khi mới đeo quân hàm Thượng tá... Và điều đặc biệt hơn cả, tướng Hưởng đã may mắn hơn nhiều người lính khác, là ông đã góp phần không nhỏ vào những chiến tích đánh giặc để là một trong những người đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn vào đúng ngày trọng đại nhất lịch sử, ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đang lái chiếc xe tăng vào cửa ngõ Sài Gòn năm 1975.

Những chiến công đầu tiên và chiến dịch 30-4 lịch sử

Những ngày đầu vào quân ngũ, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là chiến sĩ của Sư đoàn 308 - sư đoàn quân Tiên phong và chiến dịch đầu tiên trong đời lính là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, trận chiến vẫn được mệnh danh là "Điện Biên Phủ thứ hai", ác liệt và đau thương, Khe Sanh với ông là "khe tử" nhưng cũng là một niềm vinh dự.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết: "Đây là lần đầu Sư đoàn 308 trực tiếp đánh Mỹ, thắng Mỹ, cũng là lần đầu tiên tôi ra trận cùng đồng đội được trực tiếp chiến đấu đánh quân chủ lực tinh nhuệ Mỹ, đội quân có trang bị vũ khí hiện đại nhất. Và chúng tôi đã thắng".

Cũng trong chiến dịch này ông đã lập nhiều chiến công và được phong là Dũng sĩ diệt Mỹ. Sau chiến dịch Khe Sanh, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch lớn khác. Trong đó có chiến dịch Đường 9-Nam Lào (Quảng Trị).

Rồi ông được cử đi học Trường Sỹ quan lục quân 1 tại Sơn Tây. Kết thúc khóa học, ông được điều động về công tác tại binh chủng tăng thiết giáp và trong cương vị Đại đội trưởng xe tăng, ông được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Ông đã chỉ huy Đại đội 9 cùng với bộ binh Sư đoàn 10 đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk-pét.

Sau đó, Đại đội 9 được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh vào Mai Hắc Đế và Sư bộ 23 ngụy của chiến dịch Tây Nguyên. Xe tăng 980 do ông chỉ huy đã dẫn đầu mũi đột kích, tung hoành ngang dọc tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

11 giờ 30 phút, xe tăng 980 và lực lượng bộ binh Sư đoàn 10 cắm cờ lên Sư bộ 23 ngụy, Đại đội 9 tiếp tục phát triển đánh thắng ngã 5 và ngã 6 Buôn Mê Thuột và cùng các cánh quân giải phóng toàn bộ thị xã Buôn Mê Thuột (xe tăng 980 bây giờ là biểu tượng chiến thắng ở ngã 6, thị xã Buôn Mê Thuột). Sau đó Đại đội 9 phối thuộc cho sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Cheo Reo-Phú Bổn.

Khi đã đánh chiếm được Cheo Reo-Phú Bổn, do yêu cầu nhiệm vụ Đại đội 9 giao xe tăng T54 mà đơn vị đang sử dụng cho đơn vị khác. Đại đội 9 đi lấy xe tăng của địch để đánh lại địch. Đại đội 9 do ông chỉ huy phối thuộc cho Sư đoàn 320 đánh đuổi địch trên đường 7. Đây là trận đánh đuổi địch lịch sử của quân đội ta trên Đường 7.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng với các chiến sĩ Sư đoàn xe tăng 206.

Ngày 1/4, trong lúc tiến công vào thị xã Tuy Hòa, xe do ông chỉ huy đã tiêu diệt trận địa pháo 4 khẩu 105 (trên đồi Nhạn Thác), ông cùng Sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Tuy Hòa, tại đây xe tăng của ông đã bắn cháy 2 tàu chiến của địch ở cửa biển Tuy Hòa.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ: "Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch then chốt, then chốt quyết định. Ta đã làm chủ hoàn toàn và giải phóng Tây Nguyên, địch không còn chỗ đứng, mất thế chiến lược, nên đã rút chạy theo Đường 7. Đấy là thời cơ có lợi cho ta để tiếp tục giải phóng miền Nam".

Đại đội 9 của ông tiếp tục hành quân theo đội hình, đi theo đường chiến lược vòng về phía tây Sài Gòn để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ông sử dụng xe tăng địch để đánh địch, trong biên chế của Đại đội 9, có nhiệm vụ là đi đầu mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào phía tây Sài Gòn. Nhiệm vụ là phải giữ bằng được cầu Bông (nay là cầu An Hạ), vì nếu để địch chiếm cầu này hoặc cầu bị gãy thì ảnh hưởng đến cơ động của Quân đoàn 3 và các đơn vị binh khí hỏa lực tiến về phía tây Sài Gòn.

Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ huy đơn vị tiến công theo hướng tây vào Sài Gòn vào sáng ngày 29/4. Ông đã vượt qua các mục tiêu trọng điểm của địch tiến thẳng lên cầu Bông. Quá trình hành quân cơ động, xe tăng Đại đội 9 chỉ còn lại 4 chiếc (do xe hỏng hóc dọc đường không khắc phục được).

Tại cầu Bông, địch đã cho một đoàn 24 chiếc xe tăng ra vượt cầu Bông để chặn đường tiến quân của Đại đội 9. Đoàn Sinh Hưởng đã dũng cảm mưu trí chỉ huy Đại đội bắn cháy 12 chiếc xe tăng địch và cùng lực lượng bộ binh bắt sống 12 chiếc. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ cầu Bông, lúc này thì Đại đội 9 tiếp tục thọc sâu vào bên trong đánh qua Củ Chi, Thành Quan 5, Trại huấn luyện Quang Trung.

11 giờ ngày 29/4, 4 xe của Đại đội 9 do ông chỉ huy đã vượt qua ngã 3 Bà Quẹo, cách ngã 4 Bảy Hiền khoảng 3 cây số, lúc này khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29/4. Ông đang củng cố đội hình và chuẩn bị để tiến vào Dinh Độc lập vào ngày 29/4. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 chờ lực lượng phía sau để đánh vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Sáng 30-4, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Lúc 11 giờ 30 phút, xe tăng Đại đội 9, lực lượng bộ binh Sư đoàn 10, xe tăng Đại đội 5, Lữ đoàn 273 và Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273, cùng các đơn vị bạn chiếm được toàn bộ trụ sở tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. Và lúc này các cánh quân cũng đã chiếm được Dinh Độc lập và các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khó có thể tả được niềm vui sướng, tự hào của người lính lúc bấy giờ. Tất cả các cánh quân hò reo và chào mừng ngày chiến thắng.

Kể từ giây phút lịch sử ngày 30-4-1975, dù lập được nhiều chiến tích song tướng Hưởng vẫn thầm nghĩ rằng, kết thúc chiến tranh, ông sẽ xin về làm công nhân một đơn vị nào đó, hoặc sẽ trở về quê nhà xây dựng tổ ấm với cô Liễm, mối tình đầu của ông, người là nguồn cảm hứng để ông viết lên những câu thơ tình nồng cháy và lời thề hẹn một ngày trở lại.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại: “Trong thời gian chờ đợi cấp trên xem xét nguyện vọng ra quân, tôi được Tổng cục Chính trị triệu tập tham gia đoàn cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích trong chiến đấu đến nói chuyện nhiều nơi ở Sài Gòn và địa bàn phụ cận…

Chuyện chiến đấu từ Đường 9 - Khe Sanh đến Đắk Pét, Buôn Mê Thuột, Tuy Hòa, Đồng Dù, đến cầu Bông, Tân Sơn Nhất… được tôi kể ở nhiều trường đại học, khu dân cư. Nhiều hôm nói chuyện xong, sinh viên còn quay lại hỏi thêm nhiều thứ, xin chữ ký… tưởng như không thoát ra được để về đơn vị. Nhịp sống những ngày sau giải phóng trôi đi với tôi khá ồn ào, đầy ấn tượng như vậy. Nhưng đằng sau sự ồn ào đó tôi vẫn đeo bám ý nghĩ ra quân. Gia đình, bố mẹ, anh chị em, người thương, bạn bè… cả quê hương đang ngóng đợi đứa con xa…

9 giờ rưỡi tối ngày 12/9/1975, tôi bật đài bán dẫn nghe chương trình thời sự, bất ngờ nghe tin Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho 59 đơn vị và 6 cá nhân, trong đó có tôi và anh Nguyễn Đình Kiệp (Sư đoàn 10 Quân đoàn 3).

Đầu tháng 12/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã tổ chức đón nhận danh hiệu AHLLVTND cho những tập thể, cá nhân đợt 1 tại Bình Dương. Đón nhận tấm huy hiệu Anh hùng lên ngực áo, tôi bồi hồi xúc động nhớ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường và nẻo đường chiến dịch và tâm niệm rằng, vậy là mình phải có trách nhiệm, phải làm gì đó cho xứng đáng hơn nữa.

Cộng với lời dạy của cha tôi mà tôi luôn khắc cốt ghi tâm: "Con phải nhớ, mình làm được điều gì đó đều nhờ anh em, đồng đội. Trong chiến đấu chuyện đó rất rõ. Trong thời bình cũng như vậy, có tựa được vào vai anh em thì mới đứng vững. Sau này, tôi được cử đi học ở Liên Xô, trở về làm Lữ đoàn trưởng khi 34 tuổi, rồi Sư đoàn trưởng khi ở tuổi 37. Năm 41 tuổi, tôi làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, rồi sau đó về làm Tư lệnh Quân khu 4 và "về vườn" cho đến nay".

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tặng quà cho cựu chiến binh.

Vị tướng và những triết lý nhân sinh

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ông kể lại rằng, từ nhỏ ông đã có một khát khao là được vào quân ngũ. Bởi vậy mà năm 17 tuổi, chưa đủ tuổi đi bộ đội, người chỉ nặng 41 kg, bị huyết áp cao, người thấp bé, cậu đã đến buổi xét tuyển nhập ngũ ở xã với tinh thần kiểu gì cũng phải đi bộ đội.

29 người được gọi nhập ngũ theo danh sách bị khuyết một người do không đủ điều kiện sức khỏe, Đoàn Sinh Hưởng đã xin thế chân. Vậy là mọi chỉ số về tiêu chuẩn nhập ngũ đã được cán bộ tuyển quân lén chỉnh sửa cho phù hợp để Đoàn Sinh Hưởng được đi đợt ấy. Ngày 28/9/1966, Đoàn Sinh Hưởng tạm biệt gia đình, quê hương, gửi lại một thời ấu thơ đầy ắp kỷ niệm háo hức vào chiến trường.

Ông kể: "Với tôi, ngày xa quê lên đường đánh Mỹ quả là một chuyến đi lắng đọng và bước sang một chặng đường mới, cuộc đời làm người chiến sĩ. Hôm chia tay bao người thân thương đưa tôi đến bến đò ngang, trong đó có cô Liễm, người em gái quê hương và là người vợ hiền của tôi sau này.

Tôi đã viết bài thơ "Quê tôi" để nhớ về ngày ấy: "Nhớ ngày trên bến đò ngang/ Em đưa anh xuống sang trang cuộc đời/ Chiến trường khắp chốn cùng nơi/ Vẫn đôi chân bước cuộc đời xông pha/ Tình non nước, nghĩa quê nhà/ Gian nan mà chẳng phôi pha lời thề/ Cả cuộc đời, mối tình quê/ Ngàn năm giữ lấy lời thề chẳng phai"…

Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có một ngày sinh. Đó là ngày mẹ cha trao cho ta sự sống, ngày chúng ta làm người. Nhưng thế hệ những người lính suốt một thời trận mạc chúng tôi thường bảo với nhau rằng, chúng ta có một ngày sinh nữa, đó là ngày nhập ngũ, ngày trở thành Bộ đội Cụ Hồ".

Hiện nay, ông đã nghỉ hưu, ông vẫn nói vui là mình "về vườn", vì ông dù được nghỉ ngơi, song chưa một ngày ngơi nghỉ. Ông là Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tiếp tục với công việc tri ân, thăm hỏi những đồng đội, đồng chí với công việc thời hậu chiến. Ngoài ra, ông dành nhiều tâm sức với việc chăm vườn cây cảnh, cây thế của mình. Ông sinh ra mạng Mộc, nên yêu cây và thích chơi cây.

Ông bảo rằng, chăm được cây cũng là cả một nghệ thuật, bởi vậy ông dành phần lớn thời gian để chăm chút gần 2.000m2 đất trồng cây cảnh tại Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Ngoài thời gian chăm cây, ông còn làm thơ, những bài thơ về đồng đội, về tình yêu, về người lính. Đặc biệt thơ của ông nói nhiều về những số phận người phụ nữ sau chiến tranh với sự hy sinh, chờ đợi, cả những mất mát vì người yêu thương ra đi không trở về.

Những câu thơ của ông đọc lên đầy sự đồng cảm, sẻ chia: "Đã bao lần em lặng ngồi nhớ anh/ Bím tóc ngày xưa xanh không còn nữa/ Cây bưởi sau nhà chẳng muốn ra hoa/ Mà em đợi anh nước mắt nhòa"…

Thơ của ông đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và tập hợp thành album "Hồn thơ người lính". Hạnh phúc của ông là cả một chặng hành trình từ binh nhì đến một vị tướng, dù biết bao chông gai, vất vả và hiển vinh nhưng tấm lòng sắt son với người vợ hiền, với đồng đội, đồng chí thì không bao giờ thay đổi.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng quan niệm: "Trong chiến trận và trong cuộc đời, tôi đã được vịn vào vai đồng chí, đồng đội, biết dựa vào niềm tin yêu của mọi người để vượt qua mọi khó khăn ác liệt của chiến tranh và thử thách trong cuộc sống để phấn đấu, trưởng thành. Giờ đây, hơn 60 tuổi đời và 40 tuổi quân với biết bao sự kiện chồng chồng lớp lớp nhưng những ngày làm lính cùng những đổi thay của đất nước, của lịch sử dân tộc  là ngày không thể nào quên…".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.