Chuyện về nhà văn tướng cướp Sơn Vương

Chủ Nhật, 30/08/2015, 20:20
Cuộc đời bi tráng của Sơn Vương đã tạo thành một huyền thoại đẹp. Người ta gọi ông bằng nhiều mỹ danh: "Tráng sĩ Gò Công", "Nhà văn tướng cướp", "Đề lao hiệp khách", "Cọp núi Gò Công", "Côn Lôn chúa đảo", "Người tù thế kỷ"...

Ông được xếp vào danh sách người thụ án lâu nhất Việt Nam thời Pháp thuộc. Tổng cộng các bản án do tòa "áo đỏ" của chính quyền Pháp tuyên dành cho ông gồm 79 năm tù. Trong đó có 32 năm tù "giam biệt xứ" và 34 năm "khổ sai biệt xứ" tại Côn Lôn (tức Côn Đảo).

Đã có hàng ngàn bài báo viết về ông nhưng vẫn chưa đúc kết trọn vẹn cuộc đời ông.

Vụ cướp chấn động Sở mật thám Đông Dương

Trong hồ sơ án tích của Pháp ghi năm 1933 Sơn Vương bị bắt lần đầu sau khi thực hiện vụ cướp nhắm vào chuyến áp tải tiền lương từ ngân hàng về sở do René Gaillard - vệ sĩ của viên chủ sở cao su ở Gò Vấp. Thật ra, ông cướp tổng cộng 5 vụ lớn nhưng 4 vụ kia nạn nhân không muốn báo cò Pháp. Chỉ riêng vụ dùng súng giả đánh cướp tiền của René Gaillard áp tải, Sở Mật thám Nam Kỳ mới truy cứu do René Gaillard quyết tâm gỡ nhục.

Chiếc Peugeot mà René Gaillard áp tải tiền bị Sơn Vương chặn cướp.

Có nguồn cho rằng, René Gaillard là chủ đồn điền sở cao su Mimot. Điều này khó chính xác vì vào thời đó, hiếm khi đích thân chủ đồn điền đi ngân hàng nhận tiền mà thường giao cho gạc-đờ-co (garde du corps: vệ sĩ riêng). Vả lại, nếu René Gaillard mở sở cao su ở Mimot thì đi ngân hàng Phnôm Pênh nhận tiền gần hơn Sài Gòn.

Thời điểm đó, vùng Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn là những vườn cao su bạt ngàn của các điền chủ người Pháp. Vì chủ trương thực dân cướp bóc thuộc địa nên lực lượng điền chủ cao su được chính quyền Pháp tại Việt Nam rất trọng vọng và có thế lực. Họ là đối tượng được lực lượng cảnh sát Pháp bảo vệ an ninh tối đa. Tận dụng ưu thế đó, hầu hết các điền chủ cao su đều bỏ tiền thuê riêng cho mình một lực lượng gạc-đờ-co. Điều đáng nói là hầu hết những tay gạc-đờ-co này đều đang ăn lương ở Sở Mật thám. Xem như những tay gạc-đờ-co này vừa làm nhiệm vụ cho Sở Mật thám vừa "làm thêm" cho điền chủ cao su.

Ngày thường, ngoài việc bảo vệ an ninh cho điền chủ, những tay gạc-đờ-co còn có nhiệm vụ trấn áp số công nhân cao su chây lười hoặc có biểu hiện chống đối chủ.

Khi đến kỳ lương cuối tuần, điền chủ cao su thường giao séc cho gạc-đờ-co đi cùng công táp (comptable: kế toán) và sốp-phơ (chauffeur: tài xế) thành bộ ba đến Ngân hàng Đông Dương nhận tiền mặt đem về sở phát cho phu. Giai đoạn đó, khu vực ngoại thành Sài Gòn đều là vùng ngoài tầm kiểm soát đối với chính quyền Pháp. Những đoạn nối từ Ngân hàng Đông Dương (nằm ở cuối đường Charner, nay là đường Nguyễn Huệ) đến các đồn điền cao su ngoại thành là đường đất đỏ nhỏ hẹp, đi xuyên qua những vườn cao su rộng mênh mông, vắng vẻ. Vì vậy, hiếm khi các điền chủ cao su dám đi trên những chuyến xe chở đầy ắp tiền.

Chân dung Sơn Vương năm 1970.

Trước khi thực hiện phi vụ đánh cướp táo tợn này, Sơn Vương đã bỏ ra mấy tháng trời ngồi lê vỉa hè gần Ngân hàng Đông Dương để bán tiểu thuyết do chính ông sáng tác. Vừa bán sách, Sơn Vương vừa chú ý quan sát và ghi nhớ đặc điểm từng người ra vào. Ông thuộc nằm lòng giờ giấc, quy luật chiếc xe Peugeot chở tiền do Ren Gaillard áp tải. Ông nhận thấy, trong số những chiếc xe hơi đến ngân hàng nhận tiền chỉ có chiếc Peugeot luôn lấm bụi đỏ, chứng tỏ chủ nhân của nó nằm ở ngoại thành vắng vẻ. Không dại gì chọn cướp những chiếc xe sạch sẽ chỉ chạy trong nội thành đầy rẫy cảnh sát.

Sau khi vạch kỹ kế hoạch hành động, Sơn Vương nhận thấy không thể đánh cướp chiếc xe Peugeot trong khu vực nội thành. Nếu phục kích chặn đường thì không thể đoán được chiếc Peugeot sẽ đi ngả nào ra ngoại thành. Cuối cùng, Sơn Vương chọn cách bám đuổi theo chiếc xe chở tiền. Muốn bám đuổi theo, Sơn Vương cần có chiếc xe mạnh hơn, nhanh hơn chiếc Peuguot.

Ông sực nhớ đến một người bạn tên Năm Đường là tài xế cho một viên công chức Pháp. Trước kia, mỗi lần chở ông chủ ra nhà băng, Năm Đường thường ngồi xuống chiếu bán sách của Sơn Vương đọc ké để giết thời gian. Năm Đường khoe với Sơn Vương chuyện ông chủ mới tậu chiếc xe hơi hạng sang đắt tiền Clément Bayard. Vì đắt tiền nên tại Sài Gòn chỉ có 5 chiếc. Năm Đường còn khoe ông chủ vừa cùng gia đình về Pháp nghỉ hè, giao hẳn xe cho anh ta chăm sóc. Sơn Vương rủ Năm Đường dùng chiếc xe đi "hát" (tiếng lóng: cướp). Nghĩ tới số tiền được chia phần quá lớn, Năm Đường đồng ý.

Một ngày cuối tuần đầu tháng 7-1933, Năm Đường ngồi sau vô lăng, Sơn Vương ngồi ghế phụ, Nguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình) ngồi ghế sau trên chiếc Clément Bayard đã thay biển số giả, đậu sẵn ven đường cách Ngân hàng Đông Dương vài trăm mét.

Khi chiếc xe Peugeot vừa rời ngân hàng, chiếc Clément Bayard bám theo. Khi còn cách chiếc cầu sắt nối Sài Gòn với Hóc Môn vài cây số, chiếc Clément Bayard tăng tốc vượt qua chiếc Peugeot rồi chạy rề rà. Khi chạy đến giữa chiếc cầu sắt, chiếc Clément Bayard vờ chết máy nằm choán giữa cầu.

Năm Đường, Nguyễn Phương Thảo và Sơn Vương cùng xuống xe mở nắp capo vờ sửa chữa. Nôn nóng chở tiền về sở, René Gillard xuống xe tiến đến cạnh chiếc Peugeot toan cự nự thì tá hỏa khi nhận ra một họng súng lục chĩa thẳng vào đầu. Trong khi Sơn Vương dùng súng khống chế René Gillard, Nguyễn Phương Thảo lục soát tước vũ khí rồi cùng Năm Đường chuyển tiền từ chiếc Peugeot sang chiếc Clément Bayard, đồng thời lấy luôn chìa khóa công tắc chiếc Peugeot.

Chuyển tiền xong, Năm Đường nổ máy sẵn, Nguyễn Phương Thảo đã vào xe ngồi yên vị, Sơn Vương vẫn nhắm súng vào René Gillard đi giật lùi rồi nhảy vào  xe. Chiếc xe Clément Bayard tung bụi phóng thẳng về hướng Hóc Môn. Dù vậy, Sơn Vương vẫn còn đủ thời gian ném khẩu súng giả của mình về phía René Gillard.

Chạy đến Bà Quẹo, Năm Đường rẽ ngoặt xe về hướng Gò Vấp rồi trở lại trung tâm Sài Gòn kiểm đếm số tiền cướp được 50.000 đồng Đông Dương. Số tiền được chia đều làm 3.

Nguyễn Phương Thảo dùng số tiền đó mua một căn nhà phố tương đối rộng rãi ở khu Đa Kao mở tiệm giặt ủi lấy biển hiệu là Thảo Sơn (tên ghép của Nguyễn Phương Thảo và Sơn Vương).

 Sơn Vương gởi một ít tiền về quê cho các em, phần còn lại ông cùng Nguyễn Phương Thảo mua nhu yếu phẩm, gạo mang đi miền Trung phân phát từ thiện rất nhiều chuyến cho đồng bào bị bão lũ. Thấy Sơn Vương mua nhiều gạo đi làm từ thiện, ông Nguyễn Thanh Liêm - chủ nhà máy xay xát gạo ở Khánh Hội (Sài Gòn), cổ đông lớn của một ngân hàng ở đường Pellerin (nay là đường Pasteur) - cũng tham gia 300 bao gạo, tương đương 15.000, đồng thời cho mượn xe, tàu tải hàng đến tận nơi.

Vụ cướp táo tợn này đã khiến hầu hết các tờ báo tiếng Pháp lẫn Việt ngữ có mặt tại Việt Nam đều thi nhau giật tít. Cay cú, gã gạc-đờ-co ăn lương Sở Mật thám Đông Dương René Gillard quyết truy xét vụ án đến cùng…

Sơn Vương là ai?

Lần theo quyển hồi ký "Côn Đảo ký sự - Máu hòa nước mắt" của chính ông viết, chúng tôi tìm về nguyên quán của ông ở "làng Bình Nghị, tỉnh Gò Công". Tuy vậy, việc tìm địa chỉ "làng Bình Nghị" không hề đơn giản. Bởi,  cái tên làng đó có từ đời Gia Long.

Đến thời kháng chiến chống Pháp, ta đổi làng Bình Nghị thành xã Bình Nghị, thuộc huyện Đông, tỉnh Gò Công. Pháp đổi làng Bình Nghị thành xã Hòa Nghị. Năm 1951, Gò Công trở thành huyện lị thuộc tỉnh Mỹ Tho. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nhập xã Hòa Nghị và Tân Duân Đông lại thành xã An Hòa thuộc huyện Gò Công.

Nhân chứng Sáu Xiêm và anh Châu - Công an xã Bình Nghị.

Thời kháng chiến chống Mỹ, ta đặt xã An Hòa thuộc huyện Đông, tỉnh Gò Công. Chính quyền VNCH đặt xã An Hòa thuộc quận Hòa Lạc, tỉnh Gò Công. Sau năm 1975, ta đổi tên xã An Hòa thành xã Bình Nghị, thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Như vậy, 2 làng xưa là Bình Nghị và Tân Duân Đông nhập lại thành xã Bình Nghị ngày nay.

Chúng tôi đã đi lòng vòng trong phạm vi 1.000ha diện tích của xã Bình Nghị, hỏi thăm các bô lão địa phương nhưng tất cả đều không biết "ông Sơn Vương là ông nào?".

Cuối cùng, chúng tôi ghé trụ sở Ủy ban nhân dân xã Bình Nghị để rồi suýt bỏ cuộc vì hầu hết, không ai biết "Nhà văn tướng cướp Sơn Vương là ai?".

Giữa lúc bối rối, bất ngờ anh công an viên tên Nguyễn Thái Châu thốt lên: "Nhà văn tướng cướp Sơn Vương là người xứ này nhưng tôi không nhớ cụ thể ở ấp nào. Khẳng định luôn! Tôi sẽ đi tìm".

Sau này chúng tôi mới biết, anh Châu là người rất mê đọc sách báo viết về lịch sử quê hương Gò Công. Anh Châu đã đưa chúng tôi đi tìm. Sau vài lần hỏi thăm, cuối cùng, chúng tôi được một nhà giáo về hưu chỉ đến nhà một người có tên gọi là Sáu Xiêm.

Sau vài câu chào hỏi xã giao, ông Sáu Xiêm xác nhận ngay mình hiện giữ ngôi thờ tự và chịu trách nhiệm cúng giỗ họ tộc, trong đó có nhà văn Sơn Vương.

Ông Sáu Xiêm có tên khai sinh là Trương Văn Thanh. Ông nội ông là chí sĩ Trương Văn Kỉnh tức ông Biện Thới.

Theo quyển sổ ghi chép của gia tộc thì ông Trương Văn Kỉnh là anh hai (người miền Nam gọi anh cả là anh hai) của 7 người em gồm 2 trai, 5 gái. Người em út mang thứ Tám. Ông Trương Văn Thoại tức nhà văn Sơn Vương là em thứ năm.

Ngôi nhà ngày xưa của ông Trương Văn Kỉnh đã được con cháu sửa sang. Đây là nơi sống cuối đời của Sơn Vương.

Trước khi tham gia kháng chiến, ông Trương Văn Kỉnh làm chức ký biện (thư ký) ở Tòa bố tỉnh Gò Công (Tòa bố là trụ sở hành chánh tỉnh lị). Là con trai đầu nên ông Kỉnh phải làm việc kiếm tiền nuôi dưỡng, dạy dỗ các em.

Ông Trương Văn Kỉnh sinh năm 1895. Còn nhà văn Sơn Vương sinh năm 1908 (không phải 1909 như nhiều tài liệu khác). Như vậy, vào năm 1926, Sơn Vương 17 tuổi thì ông Trương Văn Kỉnh đã 31 tuổi.

Cha của nhà văn Sơn Vương là Trương Đình Cung Anh (1873-1951) - Cháu họ nội của lãnh tụ nghĩa quân Trương Đăng Định, tức Trương Định.

Ông Trương Đình Cung Anh là thầy nho chuyên bốc thuốc nam trị bệnh chứ không phải là địa chủ như một số người nhầm tưởng. Thời đó, hưởng thừa kế trên dưới 20ha đất ruộng, chỉ là trung nông, chưa phải là phú hộ. Là người thức thời yêu nước, ông Trương Đình Cung Anh đều cho 3 người con trai ăn học đến hết bậc Supérieur (tiểu học). Nhờ tấm bằng Supérieur, ông Trương Văn Kỉnh được thu tuyển vào làm việc cho Tòa bố tỉnh Gò Công. Khi phong trào Hội kín yêu nước của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh lan tới Gò Công, ông Trương Văn Kỉnh đã tích cực tham gia.

Phần Sơn Vương - Trương Văn Thoại - dù học rất giỏi và có năng khiếu văn chương nhưng sau khi thi tốt nghiệp chương trình Cours Supérieur (Thi tốt nghiệp tiểu học để bắt đầu bước vào học sơ trung học) ông không chịu đi học nữa. Thời đó, muốn tốt nghiệp tiểu học, học trò phải nộp đơn dự thi vào hội đồng giáo dục cấp tỉnh. Chỉ có cấp tỉnh mới được tổ chưc thi tiểu học. Người học xong lớp "tam" là có thể đứng lớp dạy sơ học trường làng hoặc đi xin vào các sở Tây làm thầy ký, thầy biện (thư ký, kế toán) hoặc làm thông ngôn. Người tốt nghiệp tiểu học có thể về làng làm hiệu trưởng, mở trường học.

Thi xong tiểu học, Sơn Vương kiên quyết không đi học trường Tây nữa mà trở về nhà học tiếng Hán, tiếng Nôm và các bài thuốc đông y của cha.

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.