Ông trùm một mắt Kiyoshi "Mekkachi" Takayama bị bắt:

"Con rắn" mafia Nhật Bản mất đầu

Thứ Hai, 15/04/2013, 16:50

Kiyoshi "Mekkachi" Takayama, nhân vật số 2 trong băng đảng xã hội đen lớn nhất Nhật Bản (yakuza), vừa bị cảnh sát bắt giữ và sẽ phải ra hầu tòa với tội danh tống tiền. Được biết, ông trùm này bị một nhà thầu ở Kyoto khởi kiện sau khi đòi chi 40 triệu yên thông qua sự giúp đỡ của một băng đảng địa phương và đàn em dùng "nắm đấm" uy hiếp các thành viên của nhà thầu. Theo lời đồn đại của thế giới ngầm, Takayama đã bị mất một mắt trong trận đấu kiếm lúc mới vào nghề và phải ngồi tù nhiều năm trong suốt sự nghiệp hành tẩu giang hồ, thế nên mới có biệt danh là "Mekkachi" (một mắt).

Là một ông trùm có tiếng trong các băng đảng yakuza, Takayama đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của mafia Nhật. Yakuza không chỉ nổi danh ở châu Á mà còn cả ở Mỹ và châu Âu bởi cách thức hoạt động tinh vi, thủ đoạn tàn ác và những tập tục quái đản.

Giống như các tổ chức mafia phương Tây, yakuza hiện diện ở hàng loạt các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và trở nên vô cùng khó đánh bật. Những tổ chức này đứng sau hàng loạt hoạt động tội phạm trên các lĩnh vực khác nhau từ tống tiền, bảo kê đánh bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn ma túy, mại dâm, buôn vũ khí tới kinh doanh bất động sản, thể thao hay giải trí.

Thiện hay ác?

Trên danh nghĩa, Kiyoshi Takayama là tay anh chị đứng thứ 2 trong băng Yamaguchi-gumi (tên đầy đủ của yakuza được cho là lớn mạnh nhất ở Nhật Bản), vốn điều khiển hơn 50.000 thành viên. Nhưng với việc ông trùm của băng là Kenichi Shinoda đang phải ngồi tù vì tội sở hữu vũ khí trái phép, Takayama thực sự đã trở thành nhân vật "cầm trịch".

Cảnh sát nghi ngờ Takayama đã tống tiền một người đàn ông 65 tuổi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và nhà thầu. Năm 2005 - 2006, cùng các thành viên khác của Yamaguchi-gumi, Takayama đã chiếm đoạt số tiền trị giá 40 triệu yên của nạn nhân. Phía cảnh sát khẳng định trong khi bản thân Takayama không yêu cầu nạn nhân nộp tiền, ông ta đã gặp nạn nhân tại một nhà hàng ở khu vực Kyoto vào năm 2005. Nhưng có bằng chứng cho thấy đàn em của Takayama chỉ lấy tiền của nạn nhân sau khi đã có được sự đồng ý từ cấp trên mà cụ thể là từ Takayama.

Trong phiên tòa được tổ chức hôm 22-3, thẩm phán Akihiro Ogura tuyên bố: "Lời khai của nhà thầu về việc họ là nạn nhân của vụ tống tiền do bị đơn thực hiện là rất đáng tin cậy", và cho biết Takayama phải nhận mức án tù ít nhất là 6 năm nếu không có thêm bằng chứng nào được công bố. Tuy nhiên, các công tố viên đang yêu cầu mức án cao nhất là 10 năm, dù Takayama vẫn khăng khăng chối tội trong suốt phiên tòa. Ông ta đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của lời khai và cho rằng những lời buộc tội hoàn toàn vô căn cứ, không xác thực. Lập luận này bị phản đối vì cho rằng việc tống tiền không thể thực hiện mà không có sự đồng ý của Takayama.

"Ông trùm bóng tối" Takayama từng ngụy biện bằng hàng loạt các giấy tờ chứng minh bệnh hiểm nghèo, và sử dụng trên 1,5 tỉ yên làm tiền bảo lãnh để ra nước ngoài chữa bệnh. Ngoài ra, một công ty truyền thông cho biết tình hình sức khỏe của Kiyoshi Takayama không khả quan nên đã cấp giấy bảo lãnh để ông ta nhập viện. Tuy nhiên, không một chi tiết chính xác nào về căn bệnh được làm rõ, thế nên Takayama bỗng dưng "lọt lưới" pháp luật. Nhiều người hoài nghi rằng tổ chức yakuza đã thu đủ tiền để trả tiền bảo lãnh mặc dù họ cũng không thể biết chính xác làm thế nào để kiếm số tiền đó nhanh đến vậy.

Các hình xăm quái dị và hình phạt chặt ngón tay là những dấu hiệu đặc trưng của băng đảng Yamaguchi-gumi.

Vụ bắt giữ Takayama diễn ra khi cảnh sát bắt đầu tăng cường các nỗ lực trấn áp thành viên thế giới ngầm, phần lớn thuộc về băng Yamaguchi-gumi, vốn kiểm soát hơn một nửa số các tay anh chị tại Nhật Bản. Từ tháng 9/2011, Cảnh sát Nhật Bản cũng đã chính thức tuyên chiến với nhánh Kodokai của Yamaguchi-gumi, vốn nằm dưới sự lãnh đạo của Kiyoshi Takayama. Giống với các tổ chức mafia khác ở Italia hay Trung Quốc, yakuza cũng nhúng tay vào ma túy, mại dâm, cờ  bạc, cho vay nặng lãi và kinh doanh qua các công ty hợp pháp.

Jake Adelstein, một chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản, cho rằng do Kodokai là lực lượng đóng vai trò thủ lĩnh Yamaguchi-gumi nên việc loại bỏ tên trùm Takayama sẽ gây tổn hại không nhỏ tới băng nhóm này. Ông tin rằng sau việc bắt giữ Takayama, cảnh sát sẽ khuyến khích sự chia rẽ nội bộ bên trong Yamaguchi-gumi để phân tán dần băng yakuza này. Chính phủ Nhật Bản thực hiện một chính sách khoan dung với chúng, chủ yếu để giữ cho tỉ lệ tội phạm đường phố ở mức thấp. Tuy nhiên, họ quyết định mạnh tay với ông trùm Kiyoshi Takayama để làm bài học răn đe, cảnh cáo hoạt động của thế giới ngầm vì đã gây hại tới lợi ích của nhiều thường dân vô tội.

Chuyện Kiyoshi Takayama bị bắt vì tống tiền không gây xôn xao dư luận, nhưng nếu biết rằng chính ông trùm này lại được coi là "mạnh thường quân" của các thảm họa ở Nhật Bản thì quả thực rất sốc. Với những người không quen với xã hội yakuza, tin các tổ chức tội phạm làm từ thiện chẳng thể nào chấp nhận được. Ấy nhưng, băng Yamaguchi-gumi theo lệnh của Takayama đã là một trong những lực lượng tích cực cứu trợ các nạn nhân động đất. Họ nhanh chóng đưa hàng tới khu vực bị ảnh hưởng của động đất và chuyển tới tay người dân đang gặp khó khăn. Phần lớn hàng cứu trợ này được trả bằng "tiền bẩn", hình thành từ các hoạt động làm ăn phi pháp. Nhưng khi đó không ai phủ nhận rằng hàng cứu trợ của Yamaguchi-gumi đã có tác dụng trợ giúp tốt khi người dân đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, yakuza này còn giúp ổn định trật tự xã hội trong thời bình. Chính phủ Mỹ thậm chí đã từng nhờ Kiyoshi Takayama phối hợp cùng Yoshio Kodama, một thành viên nổi tiếng của yakuza, giúp giữ gìn trật tự ở Nhật Bản. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm nước này hồi năm ngoái, cảnh sát cũng liên hệ với lãnh đạo Yamaguchi-gumi ở Nhật Bản, yêu cầu phải cư xử cho đúng phép tắc và đảm bảo không có sự cố xảy ra.

Trên thực tế tồn tại một thỏa thuận ngầm giữa Cảnh sát Nhật và Kiyoshi Takayama. Theo đó, nhân vật này ra lệnh cho đàn em tổ chức các hoạt động nhân đạo tự nguyện trong thời gian khủng hoảng, nhưng không được nhân cơ hội đó để đánh bóng tên tuổi. Trước khi thảm họa xảy ra, cảnh sát đã trấn áp mạnh yakuza và bất kỳ hoạt động nào khiến chúng trở thành những lực lượng anh hùng.

Nếu nói Kiyoshi Takayama không muốn đánh bóng tên tuổi thì đó lại là một sai lầm. Bằng chứng là nhân vật này vẫn bí mật kiểm soát và đưa băng đảng xuất hiện trên 6 tạp chí dành cho người hâm mộ, chuyên viết về các "hành động dũng cảm" của chúng. Takayama phân biệt rạch ròi khi nào cần quảng bá hình ảnh và khi nào cần phải thực hiện "trách nhiệm xã hội". Ông trùm này từng tuyên bố: "Trong thời khắc xảy ra khủng hoảng, không cần phân biệt ai là yakuza, ai là katagi (thường dân) hay gaijin (người ngoại quốc) ở Nhật Bản. Chúng ta đều là người Nhật. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau".

Phía sau thế giới ngầm

Vụ bắt giữ và kết án Kiyoshi Takayama một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về hoạt động bất chính trong thế giới ngầm Nhật Bản. Yakuza hiện diện ở hàng loạt các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và trở nên vô cùng khó đánh bật.

Các Yakuza không chỉ nổi danh ở châu Á mà còn cả ở Mỹ và châu Âu bởi cách thức hoạt động tinh vi, thủ đoạn tàn ác.

Chưa xuất hiện tài liệu nào chứng minh được nguồn gốc yakuza. Giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất cho rằng, yakuza là hậu duệ của những chiến binh samurai tàn ác, hình thành vào giữa thế kỷ XVII. Dễ dàng nhận biết những người này qua kiểu tóc kỳ quái cùng một thanh trường kiếm ngang lưng. Đánh mất tinh thần thượng võ, những người này hành động với mục đích duy nhất là kiếm tiền.

Không những vậy, sự tàn ác cùng với bản chất xấu biến họ trở thành ác quỷ thực sự dưới sự sai khiến của đồng tiền. Không ít trong số đó trở thành những "binh sĩ hắc ám" dưới tay quan phủ, chuyên giải quyết những kẻ cứng đầu hoặc bất đồng. Tuy nhiên, khi những "binh sĩ hắc ám" không còn được quan phủ sử dụng dưới thời Vua Tokugawa (1543-1616), họ trở thành đội quân cướp phá khổng lồ, sẵn sàng tàn phá, cướp bóc bất kể vùng đất nào mà họ đi qua. Đây chính là tiền thân cho mafia Nhật Bản sau này.

Hiện nay, Yamaguchi-gumi là băng yakuza lớn nhất và nổi tiếng nhất Nhật Bản. Không giống mafia Italia hay hội Tam hoàng Trung Quốc, yakuza này thậm chí còn có đại bản doanh hợp pháp, giống như nhiều công ty bình thường, với địa chỉ niêm yết trong danh bạ điện thoại. Yamaguchi-gumi cũng nằm trong nhóm các băng tội phạm giàu có nhất thế giới. Băng này thu về hàng tỉ yên mỗi năm từ các hoạt động tống tiền, cờ bạc, công nghiệp tình dục, buôn vũ khí, buôn bất động sản và thầu xây dựng. Chúng cũng thao túng thị trường chứng khoán và kinh doanh khiêu dâm trên Internet.

Tên của băng này được đặt theo người sáng lập Harukichi Yamaguchi. Tuy ngày nay lớn mạnh, song ban đầu nó chỉ là một tổ chức tội phạm quy mô gia đình với vài chục thành viên. Do hoạt động theo phương thức gia đình mà ông chủ chính là người cha, các thành viên của Yamaguchi-gumi phải tuyệt đối trung thành với người thủ lĩnh. Khi lễ kết nạp kết thúc, những thành viên có nghĩa vụ gắn bó cả cuộc đời với tổ chức và không được phép phản bội. Không những vậy, cả gia đình của Yamaguchi-gumi đều phải có nghĩa vụ phục vụ tổ chức, phục tùng ông trùm. Nếu một thành viên không may thiệt mạng, cả băng nhóm có trách nhiệm giúp đỡ, bao bọc gia đình của người đó.

Theo Kiyoshi Takayama, hình phạt ông trùm này đưa ra với thành viên băng Yamaguchi-gumi là cực kỳ tàn độc. Nếu phạm lỗi lần đầu, kẻ mắc tội sẽ bị chặt đốt cuối cùng của ngón tay út. Phạm lỗi lần 2, đốt thứ 2 của ngón tay đó sẽ bị chặt bỏ. Những lần phạm lỗi tiếp theo sẽ được đánh đổi bằng các đốt nằm trên các ngón tay còn lại.

Tội ác của tên trùm "một mắt" là đẩy mạnh các hoạt động cướp bóc, bảo kê và tống tiền, vốn là dấu hiệu đặc trưng của các yakuza ở Nhật Bản. Takayama tự hào thừa nhận cái tên yakuza - những kẻ thất bại, bị xã hội ruồng bỏ. Ông ta cũng không dễ dàng dung nạp đệ tử - những kẻ cặn bã của xã hội - vào hàng ngũ băng đảng. Không đơn thuần chỉ là sự tàn ác và manh động, những kẻ muốn gia nhập yakuza phải thực sự mang trong mình bản lĩnh hơn người. Thử thách đầu tiên đối với những kẻ được chọn vào hàng ngũ yakuza là việc xăm mình. Những hình xăm cầu kỳ chiếm phần lớn diện tích cơ thể khiến khổ chủ vô cùng đau đớn. Nếu không thể vượt qua thử thách này, kẻ đó không có tư cách gia nhập yakuza.

Nhờ vị trí địa lý, băng Yamaguchi-gumi nhanh chóng lan sang đất nước láng giềng Hàn Quốc thông qua những khoản đầu tư cho ngành công nghiệp giải trí của nước này. Ngay sau khi thâm nhập, yakuza này nhanh chóng bén rễ tại Hàn Quốc và trở thành một phần của giới xã hội đen. Ngoài ra, mafia Nhật Bản còn nhanh chóng lan sang các nước phương tây, gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng và tầm hoạt động, để vươn lên trở thành tổ chức mafia đông đảo nhất thế giới.

Giờ đây "con rắn" Yamaguchi-gumi đã mất đầu, và chẳng còn sở hữu bộ não chỉ huy tinh quái trước đây, thế nên nguy cơ rơi vào khủng hoảng và tan rã là hoàn toàn có thể, thậm chí vĩnh viễn biến mất khỏi thế giới ngầm Nhật Bản…

Lê Thúy - Trần Quân - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.