Công an Hà Nội và "12 ngày đêm lịch sử"

Thứ Năm, 28/12/2017, 15:29
Trong 12 ngày đêm, lực lượng Công an Hà Nội đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô góp phần dệt nên chiến công ngoạn mục với chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", đánh bại hoàn toàn mọi sự nỗ lực leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Tháng 12-1972, Mỹ mở chiến dịch "Linebacker II" huy động một lực lượng lớn không quân, hải quân, (đáng chú ý là sự góp mặt đông đảo của "pháo đài bay" B-52)  tấn công đánh phá quy mô lớn vào các mục tiêu trọng điểm miền Bắc trong đó có Hà Nội và nhiều thành phố lớn hòng khuất phục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong 12 ngày đêm ấy, lực lượng Công an Hà Nội đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô góp phần dệt nên chiến công ngoạn mục với chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", đánh bại hoàn toàn mọi sự nỗ lực leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

1. Nhắc đến "12 ngày đêm lịch sử" của Công an TP Hà Nội không thể không nhắc đến Đồn Công an số 42 (nay là Công an phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội). Ông Vũ Xuân Trường - cựu cảnh sát khu vực phụ trách khu phố 47 thuộc Đồn số 42 nhớ lại.

Khoảng 22 giờ 30 ngày 26-12-1972, không quân Mỹ ào ạt trút bom xuống Khâm Thiên, vệt bom kéo dài hơn 1.000m, rộng 50 đến 60m. Nhà cửa, trường học, trạm y tế, nhà máy xí nghiệp, kho gạo... đều bị "thổi" bay, thay vào đó là những hố bom khổng lồ.

Các cán bộ Công an Hà Nội và dân phòng bắt phi công Mỹ bị bắn rơi trong  chiến dịch "12 ngày đêm - điện biên phủ trên không”.

Xí nghiệp giày trên phố Khâm Thiên dính bom bùng cháy cộng với những đám cháy rải rác trong nội thành Hà Nội khiến bầu trời đêm đó nhuốm một màu vàng ệch. Không đợi còi báo yên, ngay khi tiếng bom vừa dứt, tất cả cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn số 42 đều lao đến từng khu vực mình được phân công phụ trách để khắc phục hậu quả, cứu người còn mắc kẹt dưới những đống đổ nát.

Phát hiện thấy một phụ nữ bị thương trên đầu, Vũ Xuân Trường cùng đồng đội đã nhào đến kéo chị ra khỏi hầm rồi cõng trên lưng chạy vòng vèo qua những đống đổ nát tìm điểm cứu thương. May mắn anh gặp một chiếc xe "slide car" chạy qua - chính là xe của Phó Giám đốc Sở Công an, Đại tá Cáp Xuân Diệm, đang trên đường đi thị sát tình hình. Đại tá Diệm chỉ đạo chuyển người bị thương lên xe ông đưa đi cấp cứu, anh tiếp tục đi tìm kiếm những nạn nhân khác.

Nhiều người dân ở phố Khâm Thiên vẫn còn nhớ rõ những CBCS công an Đồn số 42 chính là những người tiếp cận, cứu dân đầu tiên, trước khi lực lượng công binh, cứu hộ có mặt. Dù không có bất kỳ một công cụ nào hỗ trợ và chỉ bằng hai bàn tay, các anh đã khai thông những cửa hầm bị đất đá vùi lấp, bị sức ép của bom bóp méo. Trong khoảng vài giờ đồng hồ các anh đã cứu được tính mạng của biết bao nhiêu người dân Khâm Thiên.

Nhưng cũng trong cái đêm kinh hoàng đó, toàn bộ kíp trực chiến Đồn Công an 42 khu phố Đống Đa gồm 4 đồng chí: Tô Đình Tường - Phó Trưởng đồn; Phan Sỹ Hợp; Nguyễn Đình Mừng và Nguyễn Văn Liên đều đã hy sinh anh dũng.

Một liệt sỹ công an cũng luôn được nhân dân tại khu vực ngõ Mai Hương nhớ đến là anh Nguyễn Văn Uân. Theo hồ sơ của Trung sĩ Nguyễn Văn Uân còn lưu ở Công an Hà Nội thì năm 1968, anh Uân nhận công tác ở Đồn Công an số 23, Khu Công an Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thời điểm những ngày cuối tháng 12-1972, các chiến sĩ Công an Khu Hai Bà Trưng đã tập trung lực lượng phục vụ cuộc sơ tán khẩn cấp với quy mô lớn, rồi cùng tự vệ, dân phòng khơi lại hầm hố, giao thông hào, lên lại sơ đồ hầm trú ẩn để phục vụ công tác tìm kiếm, đào bới sau mỗi trận bom thù, cứu người, cứu hỏa. Lúc này, hầu hết các gia đình ở khu lao động Mai Hương đã đi sơ tán.

Cùng với đồng đội, Trung sĩ Nguyễn Văn Uân ngày đêm có mặt ở khu phố, tranh thủ những giây phút bình yên giữa 2 trận bom, anh khẩn trương thực hiện những công việc như trông nom nhà cửa, chăn lợn, gà cho những hộ đi sơ tán vắng, vì nhiều gia đình đã tin cậy gửi lại chìa khóa, nhờ anh.

Sáng ngày 28-12-1972, có mấy đứa trẻ nhớ nhà, trốn nơi sơ tán về khu phố 69. Hôm đó vào ngày giỗ chồng nên bà cụ Lục về, thắp hương cho chồng. Quá trưa, sau tiếng còi báo động rền vang, hàng chục chiếc máy bay quần đảo, xé nát bầu trời bằng những trận mưa bom. Anh Uân vội vã cùng dân phòng đưa các cháu bé xuống hầm. Nhưng rồi, thấy chiếc máy bay bị bắn cháy trên bầu trời, lũ trẻ lại nhảy lên hò reo, khiến anh Uân hốt hoảng lao khỏi nơi trú ẩn, cùng mọi người đưa chúng về lại hầm.

Trở về hầm cá nhân của mình, anh Uân đứng quan sát và phát hiện lúc này, bà cụ Lục mới đang lập cập xuống hầm, nhưng vì mắt kém nên cụ loay hoay mãi không xuống được. Anh lại lao đến, đưa cụ về hầm của mình, đậy cửa hầm bằng nắp rơm cẩn thận, rồi mới chạy đi tìm hầm trú ẩn khác. Đúng lúc đó, một quả bom bất ngờ rơi xuống… Anh Uân hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, gác lại bao ước mơ vẫn còn dang dở.

2. Cũng theo tài liệu từ Công an TP Hà Nội, là địa bàn then chốt, đóng vai trò cân não, quyết định đối với cục diện trận chiến ở hậu phương lớn miền Bắc, trong vòng 12 ngày đêm, chỉ riêng thủ đô Hà Nội đã trực tiếp đương đầu với 45 trận đánh bom (trong đó có 30 trận ban đêm) cấp tập với mức độ và quy mô hủy diệt diện rộng.

Công an Hà Nội và dân phòng cứu thương trên phố Nguyễn Thiệp, Ba Đình, Hà Nội.

Đã có 77 xã, 39 khối phố, 8 nhà ga, 4 bến phà, 4 cầu, 41 nhà máy xí nghiệp, 5 bệnh viện, 3 đài phát thanh, phát tín trên địa bàn Thành phố bị dội bom; Mỹ cũng đã rải 139 vệt B-52 mà vệt dài nhất từ 1.200-1.500m, chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư; hệ thống bệnh viện hầu hết bị đánh phá, nhiều nhà máy xí nghiệp, nhà ga bị bom tàn phá, có nơi bị thả bom chà đi sát lại nhiều lần. Đã có 2.289 người bị giết hại, hơn 1.500 người bị thương, hơn 13.000 ngôi nhà bị phá huỷ.

Bám sát chỉ đạo công tác của Bộ Công an, được sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, từ những ngày đầu tháng Chạp năm 1972, Sở Công an Hà Nội yêu cầu lực lượng toàn thành phố nắm chắc và làm chủ tình hình, sẵn sàng đánh địch khi có lệnh. Đơn vị cũng tham mưu với Thành ủy ra Thông báo số 50 về "sơ tán ngay người già, trẻ em và những người không thật cần thiết cho sản xuất và chiến đấu ra khỏi nội thành và các khu vực trọng điểm ở ngoại thành", sẵn sàng đương đầu với giặc trời, bão lửa.

Thời điểm địch tiến hành đánh phá, với sự tham mưu kịp thời của Sở Công an Hà Nội, Thành ủy, Hội đồng phòng không nhân dân thành phố nhanh chóng ban hành Lệnh số 09 L/PK về sơ tán cấp tốc, triệt để sơ tán tất cả các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên trong khu vực nội thành ra ngoại thành về các địa phương "áo giáp" Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã huy động toàn bộ các phương tiện vận chuyển, vận tải, trong đó có 182 xe ca, 54 xe tải tập trung phục vụ miễn phí các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên vận chuyển, sơ tán.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định phương án bảo vệ sơ tán, đồng thời để đảm bảo việc tổ chức sơ tán liên tục, thông suốt, an toàn, đúng kế hoạch theo lệnh của Thành phố, Sở Công an Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trung đoàn 254 Công an vũ trang, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chiến đấu thường trực không quản ngày đêm, bất chấp đạn bom, luôn sẵn sàng chỉ huy trật tự giao thông, giải tỏa tắc nghẽn, tập trung bám tuyến, bám chốt tại các cửa ô Yên Phụ, Đống Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa, phà Chèm, phà Khuyến Lương và các tuyến liên tỉnh lộ số 5, số 6, số 1 và đường liên tỉnh lộ 11 (nay là đường quốc lộ 32) hướng sang các địa bàn phía Đông, Tây và Tây Nam thành phố.

Toàn thành phố chuyển sang thực hiện nếp sống quân sự hoá, mọi sinh hoạt, công tác, học tập đều chuyển hướng theo tình hình thời chiến. Nằm trong đội hình ở lại trực tiếp bám trụ chiến đấu, quyết tâm bảo vệ Thủ đô Hà Nội bằng mọi giá, CBCS Công an các khu, huyện vừa chỉ huy chiến đấu, vừa tổ chức cắm chốt sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, tiến hành khơi lại hầm hố, giao thông hào tại trụ sở đơn vị, doanh trại và các khu vực trọng điểm; lên lại sơ đồ hầm hố phục vụ công tác tìm kiếm, đào bới sau mỗi trận bom.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự nỗ lực vượt bậc cùng sự tập trung cao độ của các lực lượng, nhất là đội ngũ CBCS các đơn vị giao thông, trật tự, quản lý trị an, hình sự… lực lượng Công an Hà Nội đã bảo vệ thành công cuộc sơ tán cấp tốc gồm 547.895 người trong tổng số 65 vạn dân ở các tiểu khu, khu phố nội thành, vùng trọng điểm (trong đó, có 285.975 người lớn, 257.920 trẻ em) cùng một khối lượng tài sản khổng lồ ra ngoại thành và về các địa phương lân cận một cách nhanh gọn, đảm bảo tuyệt đối an ninh, trật tự và an toàn.

Chiều ngày 26-12-1972, nhận được chỉ thị mật về việc địch có thể dùng B52 huỷ diệt một số đường phố nội thành, trong đó có Khâm Thiên, nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân và buộc ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, Sở Công an Hà Nội đã tăng cường lực lượng cho các đơn vị trọng điểm, trong đó có Đồn 42, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Cảnh sát trực ban trật tự và huy động CBCS Khu Công an Đống Đa đến từng hộ dân triệt để vận động, giải thích, đưa được trên 5.000 nhân khẩu đi sơ tán khẩn cấp, giảm nhiều thiệt hại khi địch rải thảm B52 đêm 26-12-1972.

Để chủ động xử lý tình hình nguy cấp khi địch đánh phá, ngoài việc thành lập các đội tải thương cơ động tổ chức cứu thương, sửa chữa điện, nước, thu dọn đường sá, hướng dẫn giao thông, chôn cất người hy sinh và cứu giúp người bị nạn ở các tuyến phố nội thành và các khu vực trọng điểm như: Khâm Thiên, Nguyễn Thiệp, Hai Bà Trưng, khu 7 Gia Lâm, Bệnh viện Bạch Mai… Sở Công an Hà Nội còn tập trung phương tiện, lực lượng tiến hành cứu hộ, cứu sập tại các cơ sở ngoại giao và địa điểm có nhân viên sứ quán, người nước ngoài ở, làm việc, trong đó có các tòa đại sứ quán của nước Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân dân Hungari, Cộng hòa nhân dân Bungari… bị bom Mỹ ném trúng gây thiệt hại về nhà cửa.

Trong chiến đấu xuất hiện nhiều tập thể và gương cá nhân không quản ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao.

Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng PK57C nêu cao tinh thần "sống bám cầu đường, chết kiên cường anh dũng" đêm ngày kiên cường bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông được phân công phụ trách; tổ cảnh sát cắm chốt khu vực Phà Đen tích cực phối hợp với các đơn vị vũ trang bắt sống phi công Mỹ bị bắn hạ tại khu vực cầu Khuyến Lương; các đơn vị cảnh sát bảo vệ dũng cảm chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của Trung ương và địa phương, như: Đài phát thanh Mễ Trì (Từ Liêm), kho xăng Đức Giang (Gia Lâm), Đài Điện Ly (Đông Anh), Cầu Long Biên, Nhà máy Điện Yên Phụ…

Trong những thời khắc căng thẳng nhất, Hà Nội vẫn không hề rối loạn. Mỗi khi dứt lệnh báo động, tuy gấp gáp hơn thường nhật, nhưng người Hà Nội vẫn lại đổ ra đường sinh hoạt, mua bán, tranh thủ sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa và tập trung tìm kiếm thân nhân và cứu giúp những trường hợp bị bom đạn. Sự bình tĩnh, hiên ngang này vừa thể hiện khí phách của Hà Nội, nhưng cũng minh chứng thêm về sự ổn định tình hình an ninh, trật tự trong mọi hoàn cảnh với sự đóng góp thầm lặng, quan trọng của những CBCS công an Thủ đô và lực lượng bảo vệ trật tự trị an cơ sở.

Thắng lợi giành được sau 12 ngày đêm đối đầu với lực lượng không quân và hải quân hùng hậu Hoa Kỳ, trong đó có những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an Thủ đô, đơn giản chỉ là "một thắng lợi trong chuỗi thắng lợi trong suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập" và cao đẹp hơn cả, các CBCS công an Thủ đô đã góp phần tô thắm thêm truyền thống của lực lượng Công an cách mạng, hết lòng, hết sức vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; góp sức đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ.

Kết thúc trận đối đầu, chúng ta có thể chủ động tái khởi động kênh ngoại giao thúc đẩy ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, mở đường cho tiến trình thúc đẩy lực lượng quân đội Hoa Kỳ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, tạo tiền đề cho các thắng lợi tiếp theo của cách mạng.

Minh Tiến
.
.