Cuộc đời phiêu bạt của vị Thành hoàng sống

Thứ Tư, 08/04/2020, 10:01
Được phong làm Thành hoàng để thờ cúng ngay từ khi còn sống; tham dự những âm mưu động trời chống lại sự cai trị của người Pháp; bị đày đi tận Algieri chịu cảnh tù đày cùng với vua Hàm Nghi; người Pháp phải lập một châu mới cho ông làm Tri châu đến khi ông tạ thế..., cuộc đời của ông Hà Công Nguyệt (Hà Triều Nguyệt) là một pho sử hào hùng và bi tráng của người thổ ty yêu nước trong nửa đầu thế kỷ trước.

Kỳ 1: Khí trai mạnh như hùm hổ

Đất Mường Khô địa linh nhân kiệt

Người Mường Khô xưa nay vẫn còn giữ nguyên thói quen kiêng kỵ, không gọi nhau bằng tên cha mẹ đặt, mà thường gọi theo tên con đầu lòng. Nên dù rất nhiệt tình giúp đỡ, người thiếu phụ làng Ngán Sen vẫn không thể giúp khách tìm đến nhà ông Hà Công Tuấn.

Mãi đến khi nghe cặn kẽ, rằng ông Tuấn là hậu duệ của vị Quận công đang được thờ ở ngôi chùa Mèo đầu làng, chừng 56, 57 tuổi, có con gái đầu lòng tên là Lưu, cô gái ấy mới khẽ reo lên: "Ông Chẻm Lưu". Lệ mường, có con gái đầu thì cha mẹ được gọi là Chẻm, có con trai đầu thì gọi là ông Cò, bà Cò.

Ngôi đền thờ Thành hoàng ở làng Chàng Lang.

Nhà ông Chẻm Lưu ở cuối làng, phải đi qua một khu nghĩa địa lớn, mấy lần rẽ lối, nằm trên sườn một con dốc nhỏ. Làng có tên cũ là Ngán Sen, thuộc xã Điền Lư, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, nay mới sáp nhập thêm làng Cọc nên gọi chung là làng Cọc Ngán. Đang mùa gặt, ông Chẻm Lưu đi cắt hái đổi công cho một gia đình người quen ở cánh đồng xa. Biết có khách tìm gặp, nhưng cũng phải gần một tiếng đồng hồ sau, ông mới rà rà chiếc xe gắn máy cũ ào vào khoảng sân nhỏ phơi đầy lúa, áo quần bết bùn đất, đầu tóc đẫm mồ hôi.

Cạn một tuần trà, nghe khách hỏi đến chuyện gia thế, người đàn ông có vóc dáng vạm vỡ ấy rạng ngời ánh mắt, cười nói oang oang: "Dòng họ Hà Công của tôi gắn bó với đất này đã mấy chục đời, có rất nhiều vị làm quan lớn, tạo mường, tri châu, được dân mường thờ cúng. Không chỉ người dân còn nhớ, mà sử sách đều có ghi chép lại".

Uy tín nhất có lẽ là Quận công Hà Công Thái, công thần thời Nguyễn, được các Vua Gia Long, Minh Mệnh rất trọng vọng. Ngay từ khi chúa Nguyễn Ánh còn đang long đong lận đận, ông đã sai người từ sông Mã tìm vào tận sông Cửu Long dâng thư xin được mộ binh ứng nghĩa ở miền thượng du Thanh Hóa.

Mối liên hệ ấy có căn nguyên sâu xa từ mấy trăm năm trước, khi Nguyễn Kim và các bề tôi trung thành mở cuộc trung hưng lại vương triều họ Lê, dòng họ Hà Công ở miền đất này đã góp công đầu. Vua Gia Long lên ngôi, phong cho ông Hà Công Thái tước Quận công, dự vào hàng khai quốc công thần của triều Nguyễn, được cai quản cả mấy huyện miền núi phía tây Thanh Hóa.

Ông Hà Công Thái cả đời gắn bó với đất Mường Khô nhưng cũng có nhiều lần được tiếp kiến Vua Gia Long, Minh Mệnh, nhận nhiều ân sủng đặc biệt. Hiện, đền thờ cụ ngay ở đầu làng, bên cạnh ngôi đất cũ của dòng họ Hà Công trước đây.

Nổi tiếng cả nước là ông Hà Công Mao (sử sách thường ghi là Hà Văn Mao) đã hưởng ứng chiếu Cần Vương, khởi binh đánh Pháp. Ông Hà Văn Mao là một thủ lĩnh Cần Vương uy tín, liên kết cùng nhiều thủ lĩnh khác hoạt động mạnh mẽ suốt nhiều năm ở thượng du Thanh Hóa khiến giặc Pháp rất khiếp sợ. Hiện nay, tên ông được đặt địa danh ở Thanh Hóa và rất nhiều nơi khác trên cả nước.

Nhưng người được phong làm Thành hoàng khi đang còn sống thì lại là ông Hà Công Nguyệt, con trai của ông Hà Văn Mao. Sách vở của người xuôi hay gọi ông là Hà Triều Nguyệt, nhưng thực ra phải là Hà Chiều Nguyệt. Chữ "Chiều" là do biến âm từ chữ "Chiêu", chỉ con cái các quan lại. Hà Công Nguyệt là con trai độc nhất của thủ lĩnh Hà Văn Mao, nên từ bé đã được người Mường gọi là Ái Chiêu, Ái Chiều (cậu ấm đáng mến), hoặc cậu Chiêu Nguyệt, Chiều Nguyệt.

"Tôi là cháu bốn đời của cụ Hà Công Nguyệt" - ông Chẻm Lưu vươn cánh tay to như khúc tre đực, đen bóng như gỗ lim nhấc chiếc hộp gỗ hình chữ nhật dài trang trí hoa văn, sơn son thếp vàng đã xỉn màu vì thời gian - "Mấy trăm năm nay, rất nhiều chiếu chỉ, sắc phong của triều đình đã từng đựng trong hộp gỗ này, nhưng giờ thất lạc gần hết. Chỉ còn một vài bức, tôi đang gửi ở chi cành khác dưới huyện Cẩm Thủy. Trước đây, bố tôi tha phương, lao động ở nông trường gần đó. Tôi sống với bà từ nhỏ, được bà nuôi nấng rồi cưới vợ cho, cả đời làm nông dân ở làng Cọc Ngán này".

Thành hoàng sống của làng Chàng Lang

Không rõ ông Hà Công Nguyệt sinh năm nào, vì hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Lê Duy Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Thanh Hóa cho rằng ông Hà Công Nguyệt sinh năm 1872; trên cáo phó đăng trên báo chí năm 1941 ghi ông thọ 58 tuổi, tức sinh năm 1883; nhà văn Nguyễn Tuân thì xác định Hà Triều Nguyệt sinh vào khoảng năm 1878-1879. Có lẽ phong tục người xưa thường chỉ chú ý nhiều đến ngày giỗ kỵ nên không nhớ rõ năm sinh cũng là chuyện dễ hiểu.

Ông Chẻm Lưu, hậu duệ của vị Thành hoàng sống.

Cũng không rõ ông Chiều Nguyệt được phong làm thành hoàng sống từ lúc thanh niên hay trong khoảng 18 năm cuối đời. Bởi ông vốn luôn sống giấu mình như không mang chí lớn, chỉ vui thú sông hồ, bầu rượu túi thơ.  Ông thường xuôi bè trên sông Mã tới tận hạ nguồn, trên bè để sẵn ngựa để khi về thì cưỡi.

Trong một lần ngao du sơn thủy, ông cùng hai người bạn tấp bè vào làng Chàng Lang (xã Định Hải, huyện Yên Định) nằm bên bờ sông. Thấy một chiếc đình lớn đóng cửa, ông dừng ngựa, xô cửa bước vào. Chưa kịp nghỉ ngơi thì đã thấy một đám đông dân làng kéo đến, sụp xuống lạy.

Ông từ trông đền vội vàng dẫn giải nguồn cơn. Nguyên làng Chàng Lang xây dựng ngôi đình này để thờ vị Đông Hải đại vương (thần biển) làm thành hoàng. Đình có đôi cánh cửa lim rất to và nặng. Kỳ lạ rằng, khi đình hoàn thành, một lần người ta đóng cửa lại thì cánh cửa khít chặt, không sao mở ra được nữa. Đã rất nhiều người trong vùng đến tìm cách mở cửa mà không được.

Người Chàng Lang bèn cầu mộng, được biết rằng ai mở được cánh cửa ngôi đình ấy chính là vị thành hoàng mới của làng. Họ bèn chờ đợi một ngày "có ba người đàn ông đi tới, người cưỡi ngựa trắng đi giữa chính là thành hoàng, sẽ tự tay mở cửa đình". Sự việc đến ngày hôm nay thì ứng nghiệm.

Ông Hà Công Nguyệt thực hiện trọng trách làm Thành hoàng sống của làng Chàng Lang một cách rất nghiêm túc. Nhà sử học Lê Xuân Kỳ, trong những bài viết được công bố  gần đây, cũng xác nhận: Ông Hà Công Nguyệt trở thành thành hoàng làng Chàng Lang từ đó, ngay khi đang còn sống khỏe mạnh. Mỗi năm đến ngày cúng thành hoàng, ông thường xuôi bè đến Chàng Lang, vào đình ngồi ngay ngắn nhận hương khói, lễ vật. Ông ăn uống rất khỏe, hết tất cả xôi chè, rượu thịt lợn gà mà dân làng dâng cúng. Có lần ông ngồi đến 7 ngày 7 đêm trong đình, ăn hết một con trâu mới cưỡi ngựa ra về.

Còn theo hồi ức của ông Chẻm Lưu qua lời kể của bà, cụ cố Hà Công Nguyệt từng bảo con cháu: "Ngày mai làng Chàng Lang cúng tôi đấy, tôi sẽ ngồi thiền ở nhà trên, đừng ai làm phiền". Rồi cụ tắm rửa chay tịnh, hôm sau thì thiền định trên tấm bồ đoàn, cả ngày ở nguyên vị trí, không hề ăn uống.

Chúng tôi tìm đến làng Chàng Lang, tìm lại dấu tích ngôi đình xưa. Không rõ nguồn gốc của tên làng Chàng Lang có từ đâu, nghĩa của nó là gì? Có người cho rằng phải gọi nó là Tràng Lang, nhưng cũng không giải thích vì sao lại thế? Trong quá trình điền dã ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được biết, phía thượng du sông Mã hiện nay vẫn có một số bản làng khác cũng tên là Chàng Lang. Những cư dân của bản Chàng Lang đó là người Thái và giải thích tên bản mình theo tiếng Thái, rằng đây là cách gọi tắt của cụm từ "chàng lung chàng lang", nghĩa là "lưu lạc, loạn lạc, phiêu dạt".

Như địa danh đồi Lai Ly Lai Láng huyền thoại vậy, có thể gọi tắt là Lai Láng, cùng chỉ sự dàn trải, trùng điệp, rộng lớn.

Những dấu tích cũ của Thành hoàng Hà Triều Nguyệt được giải mã bởi ông Trịnh Đăng Ngữ là con cháu của các Chúa Trịnh, hậu duệ đời thứ 18 của Thái vương Trịnh Kiểm, đã gần 80 tuổi, rất am hiểu về mảnh đất Chàng Lang mà ông đang sinh sống. Làng Chàng Lang xưa kia vốn nằm sát bên bãi bồi lớn ở mép sông, sau nhiều lần lụt lội đã di dời vào bên trong một chút, có đê lớn che chắn bên ngoài.

Làng cũ có đầy đủ đình, đền, chùa, phủ rất to lớn hoành tráng, nhưng trải qua nhiều biến cố và thời gian đã mai một gần hết dấu tích. Làng Chàng Lang hiện nay đã chia thành ba xóm nhỏ, gồm Lang Thôn,... đang phục dựng ngôi đền thờ Á vương Đào Cam Mộc thời Lý và thành hoàng là Đông Hải đại vương và ông Nguyễn Phục thời Lê.

Ông Trịnh Đăng Ngữ: Mối quan hệ giữa các chúa Trịnh và dòng họ Hà Công rất mật thiết.

Lật giở những trang sách cũ chép chữ Hán vuông vức và nghiêm cẩn, ông Trịnh Đăng Ngữ cho biết thêm: "Thái tổ Trịnh Kiểm khi giúp vua Lê Trang Tông trung hưng nhà Lê, có kết nghĩa với ông Quận công Hà Nhâm Chính ở Mường Khoòng. Có danh tướng Hà Thọ Lộc cũng rất thân thiết với chúa Trịnh Tùng, được phối thờ trong Thái miếu họ Trịnh.

Đó là những người khai mở dòng họ Hà Công ở huyện Bá Thước ngày nay. Đến đời ông Hà Công Nguyệt lại khá thân thiết với người em trai ông nội tôi là Trịnh Hữu Hương, vốn là Đốc vận quân lương cho nghĩa quân Cần vương của cụ Tống Duy Tân. Hai cụ rất hay qua lại thăm hỏi nhau, thường ngồi ở nhà ông Đốc Hương bàn chuyện thâu đêm suốt sáng.

Ông Hà Công Nguyệt ăn uống rất khỏe, người Chàng Lang còn nhớ. Ngôi đình thờ thành hoàng mà ông Hà Công Nguyệt đẩy cửa trước đây ở ngoài bãi sông Mã đã mất, do nước sông cuốn đi hoặc do bị phá hủy. Đền Thành hoàng của làng Chàng Lang hiện nay mới được dựng lại từ năm 1993, nằm phía trong con đê lớn mới đắp, cách vị trí cũ chừng mấy trăm mét, tiếp tục thờ thần Đông Hải đại vương và ông Nguyễn Phục. Có lẽ, tục lệ phối thờ ông Hà Công Nguyệt cũng không còn nữa, chỉ còn trong ký ức của những người già như chúng tôi".

*

Bên chén rượu nhạt ở làng Cọc Ngán thuộc đất Mường Khô xưa, ông Chẻm Lưu vui vẻ tâm sự: "Sinh thời, cụ Hà Công Nguyệt có đến... 13 vợ, trong đó có 1 bà người Pháp, 1 bà người Hoa, còn lại là các bà người Kinh, Mường, Thái. Thời cuộc rối ren, có những mối tình tào khang, nhưng cũng có những cuộc hôn nhân chính trị. Họ đều sinh con cho ông, nhưng rất ít con trai. Dòng họ Hà Công ở Mường Khô rất ít suất đinh (con trai). Bản thân tôi cũng chỉ mới có một con trai, một đích tôn bên nội. Các cụ bảo giống hổ thường đẻ ít và hiếm có hổ đực, chẳng biết phải vậy không".

Khách nhìn ông Chẻm Lưu cười lớn cũng vui vẻ mà đính chính rằng hổ đẻ thưa nhưng mỗi lần cũng từ 2-4 con. Và, những điều thú vị đáng kinh ngạc ấy không hẳn đã khiến một người đàn ông được đông đảo người dân miền núi miền xuôi nơi nơi kính trọng. Chính những công trạng hiển hách, đóng góp lớn của dòng họ Hà Công với đất nước và bản mường mới đem cho họ những uy tín, vị thế lớn.

(Còn nữa)

Lê Quân
.
.