Cuộc tập kích quân Pháp ở Trạm Nam Chơn

Thứ Hai, 12/01/2015, 19:05
Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chỉ kéo dài trong 3 năm, từ năm 1885 (thời điểm Vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần vương) cho đến lúc thủ lĩnh của phong trào là Nguyễn Duy Hiệu sa vào tay giặc năm 1887. Trong các cuộc khởi nghĩa, có thể kể đến cuộc tập kích của nghĩa quân vùng Tây - Bắc Hòa Vang do chiến tướng Hồ Học làm thủ lĩnh vào Trạm Nam Chơn đêm 28/2, rạng ngày 1/3 năm 1886.

Trận tập kích này, nghĩa quân của phong trào Nghĩa hội đã tiêu diệt được viên Đại úy Besson cùng những thuộc cấp người Pháp của ông ta. Người Pháp đã đau đớn gọi thất bại này là một tấn thảm kịch...

Đại úy Besson và sự phản kháng của dân phu

Nhận lãnh sứ mạng của tướng De Courcy, Prudhomme và Brissaud là khai thông con đường chiến lược xuyên qua đèo Hải Vân. Đại úy Besson được cử làm chỉ huy trưởng các toán quân đi trinh sát ở Trung Kỳ vào các năm 1885 - 1886.

Đường qua đèo Hải Vân xưa.

Besson sinh năm 1852, sau khi tốt nghiệp Trường Bách Khoa với thành tích xuất sắc đã gia nhập Binh chủng Công binh. Được phong cấp bậc đại úy ngày 24/10/1878 ở tuổi 26. Besson từng làm việc với nhiều ban tham mưu, rồi được sung vào lực lượng đi vẽ bản đồ nước Angérie với vai trò là chỉ huy lữ đoàn về địa hình học. Besson được giao việc hướng dẫn công binh ở Bộ Chiến tranh, khi ông ta tình nguyện gia nhập lực lượng quân sự ở An Nam.

Theo Jean Masson, Besson là một sĩ quan rất có giá trị lúc bấy giờ, với trí thông minh và lòng nhiệt huyết, và ẩn giấu bên trong sự khiêm tốn hiếm có của ông ta là những biệt tài của một kỹ sư và một nhà quân sự. Tin tưởng vào tài năng của mình, Besson càng phấn khởi khi thấy ông vua bù nhìn Đồng Khánh đã rất ưu tiên dành mọi sự giúp đỡ cho "công tác chung của hai nước".

Để mở con đường từ Huế vào Đà Nẵng, triều đình của Vua Đồng Khánh đã phải huy động cả một Bố chánh sứ Quảng Nam là Võ Xuân Cơ và chưởng vệ Lưu Cung sung đổng lý, hội đồng với quan Pháp trù biện kế hoạch bắt 2.000 dân phu thuộc hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam để ném vào công trường. Sự ngược đãi của bọn đốc công quan binh Pháp đối với dân phu có lần đã được Lưu Cung tâu lên với triều đình rằng: "Công trình sở ấy khó nhọc nặng nề từ khi dời đóng đồn thứ nhất, đồn thứ hai đến nay, khí núi rất nhiều, dân phu bị nhiễm bệnh đến 6, 7 phần 10, đa phần bị chết, quan Pháp ở đó thì ngày thường đánh phạt, nên nhiều dân phu lâm bệnh...".

Trước thực trạng đau đớn đó, trên công trường này đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng dân phu phản đối và lãn công. Trong một bức thư đệ trình lên cho Brissaud đề ngày 18/2/1886, Đại úy Besson đã ghi rằng: "Toàn bộ dân phu do Huế cung cấp để làm con đường qua đèo Hải Vân, khi đến đoạn đường thuộc Quảng Chợ, đã bỏ việc ra về với lý do là Quảng Chợ thuộc địa hạt của Quảng Nam, mặc dù công việc ở sườn núi phía bắc chưa làm xong".

Lúc bấy giờ, triều đình Đồng Khánh đã khẩn cấp ra lệnh "Chuẩn cho viện thần Lưu Cung tư bàn với viên khâm sứ, trả lời rằng về việc đánh phạt, đã sức cho quan Pháp, từ nay về sau, dân phu có lỗi, phải giao cho quan Nam xét xử. Còn như mướn phu, gần đây trách cứ ở phủ Thừa Thiên và Quảng Trị, xét hai hạt ấy đường đi rất xa, tỉnh Quảng Nam hiện đóng giữ nhiều nơi, nhân dân phần nhiều đã trở về, nên mướn dân hai huyện Hòa Vang và Diên Phước độ 500, 600 người để cho dễ thay đổi".

Ngay sau lệnh này, dân phu hai huyện Hòa Vang và Diên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam bắt đầu bị ném vào công trường 500, 600 người. Tình trạng phản đối, lãn công lúc đầu là phản ứng của sự bắt ép lao động quá mức, quá sức chịu đựng của con người, nhưng trong quá trình lớn mạnh, nó đã biến thành sức đối kháng chính trị có một tầm mức nhất định của những người yêu nước mà trong tay không có khí giới.

Đại úy Jean Masson trong tác phẩm "Hồi ức ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ" của mình đã viết: "Thay vào sự giúp đỡ thiện chí của các làng xã, Besson chỉ toàn gặp phải sự đối kháng có hệ thống ở khắp mọi nơi đối với các kế hoạch của ông ta, và thường xuyên công việc được hoàn thành ban ngày lại bị phá hủy vào ban đêm. Khi những sự kiện đó diễn ra ở vùng phía nam Huế (Quảng Nam) thì những tỉnh phía bắc Huế đã được khuấy lên bởi ảnh hưởng của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Đầu của chúng ta (người Pháp) đã được mang ra treo làm giải thưởng, các quan lại của triều đình An Nam thì tìm mọi cách để gán những hành động đó vào hành động của kẻ cướp. Nhưng, ngược lại, đó là kết quả của những âm mưu ngấm ngầm của những người bất đắc dĩ thấy người Pháp đặt chân lên xứ sở của họ".

Và đương nhiên chính từ những "âm mưu ngấm ngầm" của 500, 600 dân phu của hai huyện Hòa Vang và Diên Phước, trận tập kích vào trạm Nam Chơn của nghĩa quân vùng Nam Ô và tây bắc Hòa Vang đã diễn ra một cách chớp nhoáng, tiêu diệt gọn đoàn công tác cầu đường do đại úy Besson làm chỉ huy trưởng.

Những người Pháp ở đèo Hải Vân xưa.

Theo tài liệu cũ thì Trạm Nam Chơn đặt tại làng Chơn Sảng, thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Nam Ô về hướng đông bắc chừng 10 cây số. nằm dưới chân một bậc đá núi rộng hợp thành bởi các triền của dãy núi chính trên đó dựng sừng sững cửa Hải Vân quan. Trạm Nam Chơn là một nhà vách đá cơ hồ bỏ hoang, cây cỏ mọc len vào nền nhà làm thành nơi trú ngụ của các loại côn trùng. Nhân sự của trạm này gồm dịch thừa, dịch mục, đội trạm, phu trạm và mã trạm có từ 12 đến 15 người. Những người này thường thì cư trú trong nhà dân ở làng Sảng, nằm ngay dưới chân phía nam của đèo Hải Vân. Vì vậy, Trạm Nam Chơn được sự yểm trợ quân sự của Đồn Nhứt do một viên quản chỉ huy trên đỉnh đèo.

Chiều tối ngày 28/2/1886, sau khi khai thông từ Huế vào được 80 cây số đường, đặc biệt đoạn đường Hải Vân từ con lộ nhỏ đủ cho ngựa đi với nhiều hẻm vòm lá che tối um phát quang thành con đường có thể xe chạy được. Đoàn công tác cầu đường do đại úy Besson chỉ huy dừng chân tại Trạm Nam Chơn. Nhìn xuống vịnh Đà Nẵng và bên kia là thành phố sông Hàn, Besson rất phấn khởi vì thấy mình sắp hoàn tất một công trình đầy khó khăn khổ ải. Viên đại úy hy vọng rằng sẽ khánh thành con đường vượt đèo này vào cuối năm 1886, và chắc chắn rằng lúc ấy tên tuổi của đại úy Besson sẽ được khắc vào vách núi bên đèo Hải Vân như một niềm kiêu hãnh...

Đoàn công tác của Besson đến Trạm Nam Chơn cả thảy 10 người, nhưng nhằm ngày cuối tháng nên trung sĩ Tisserand cùng với 2 lính hộ vệ đã quay về Huế để nhận lương cho cả đoàn công tác, chỉ còn lại 7 người ở Trạm Nam Chơn gồm: đại úy công binh Besson, trưởng đoàn; Besson (trùng tên) trung sĩ, phó đoàn; cùng với 5 lính thủy quân lục chiến là: Himbert,  Roccassera, Miquel, Josuan và Fermet. Và đã xảy ra trận tập kích vào Trạm Nam Chơn tiêu diệt đại úy Besson và cộng sự của ông ta.

Sự nghi ngờ của người Pháp về hai viên thông ngôn

Nói về vụ tập kích Nam Chơn, có một điều rất đáng để lưu ý đó là: Tháp tùng đại úy Besson còn có một người Việt Nam đảm trách việc thông ngôn tên là Trần Văn Quế. Theo một số tài liệu thì Trần Văn Quế là một nhân vật giữ vai trò rất đáng hồ nghi trong cuộc tập kích này.

Con đường vượt đèo Hải Vân.

Bởi lẽ, Trần Văn Quế đã rời bỏ Besson trước khi đoàn công tác này đến và dừng chân ở Trạm Nam Chơn. Theo tướng Prudhomme - chỉ huy các đội quân ở Trung Kỳ trong thời kỳ này thì người thông ngôn của đại úy Besson là ông Trần Văn Quế, đã có thái độ đáng ngờ nhất trong tấn thảm kịch ở Nam Chơn, và "do những suy đoán mạnh nhất về đạo đức cho phép người ta tin rằng chính ông Quế là người đã mật báo cho quân nổi dậy biết lúc để hành sự, nhưng thiếu những bằng chứng về vật chất để bắt ông phải nhận tội nên ông không phải lo lắng gì và chỉ bị cách chức mà thôi". 

Có thể nói rằng, điều hồ nghi này của người Pháp đã được khẳng định khi gần hai năm sau ngày xảy ra cuộc tập kích Nam Chơn, người Pháp phát hiện một người thông ngôn khác là ông Trần Văn Vinh đã lấy và trao lại cho Đinh Công Tráng ở Mã Cao (Thanh Hóa) các văn kiện quan trọng mà họ đã tịch thu được khi tấn công vào chiến khu Ba Đình. (Đinh Công Tráng là người đã chỉ huy chiến lũy Ba Đình, đã trốn về Mã Cao khi Ba Đình thất thủ. Ông nguyên là một cựu Chánh tổng ở tỉnh Ninh Bình. Ông đã tham gia phòng thủ thành Sơn Tây và chiến đấu chống lại người Pháp dưới quyền của Lưu Vĩnh Phúc.

Đã hai lần bị tù và cả hai lần ông đều vượt ngục thành công. Năm 1886, ông rời đất Bắc Kỳ để vào Thanh Hóa nhen nhóm lại phong trào khởi nghĩa ở đây, cùng hợp lực với Đề đốc Soạn, làm võ quan tùy tùng của ông Tôn Thất Thuyết).

Sự kiện này đã được đại úy Jean Masson kể lại rằng: "Vào lúc có những cuộc hành quân đem lại kết quả là chiếm cứ vị trí phòng thủ mạnh ở Mã Cao, sau đó đánh hạ chiến lũy Ba Đình. Chúng ta (quân Pháp - NV) liên tục vẫn bị phản. Ngay cả những người mà chúng ta tin tưởng vào họ nhất. Chính bởi vậy mà, trong cuộc hành quân này, chúng ta bị buộc phải dừng lại để đưa ra xét xử nhà nho Trần Văn Vinh của chúng ta. Người nằm trong bộ tham mưu hành quân, ông đã lợi dụng tình thế của ông để phục vụ hai chiến tuyến. Ngay cả việc ông thiếu tế nhị để trả về cho Đinh Công Tráng những phần nguy hiểm nhất trong các văn kiện ông tìm thấy ở Ba Đình và chúng ta đã tin tưởng ông để cho ông ta dịch những văn kiện quan trọng đó. Nên nhớ rằng, nhà nho Trần Văn Vinh đã cộng tác với chúng ta từ năm 1885, thời kỳ mà chúng ta đề bạt ông vào làm chức vụ của ông ở phái bộ quân sự của An Nam. Thực tế đã chứng minh rằng, nhà nho này là anh em với người thông ngôn Trần Văn Quế, người mà trước đây đã bỏ rơi đại úy Besson ở Trạm Nam Chơn một cách hèn hạ...".

Nhiều quan chức người Pháp lúc bấy giờ đã đặt nhiều mối hoài nghi về người thông ngôn tên là Trần Văn Quế. Họ cho rằng chính ông Quế là người đã liên lạc với nghĩa quân để thông báo lộ trình của đoàn công tác do đại úy Besson làm chỉ huy...

(Còn nữa)

Phan Bùi Bảo Thy
.
.