Cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: Cánh chim thiên di chưa mỏi mệt

Thứ Tư, 25/01/2017, 09:15
Đàm phán Hiệp đinh Paris 1972 vẫn được cho là sự kiện ngoại giao tầm cỡ nhất của Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Sự kiện còn mãi với thời gian nhưng không ít người trong đoàn đàm phán ngày đó đã thành người thiên cổ.

Những nhân chứng sống như cựu đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh vô cùng hiếm hoi. Tôi may mắn được nghe hồi ức của ông vào một chiều đông Hà Nội, khi ông - cánh chim thiên di hơn nửa cuộc đời đã cất đôi cánh vào quá khứ.

Cùng sáng tạo bảng phiên hiệu đơn vị quân đội

Tuổi 90, có người sống với hoài niệm, nhưng có người vẫn miệt mài lao động như lo ngày mai chẳng tới. Cựu đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh là một người như vậy. Trong căn phòng nhỏ, một chồng sách báo, một chén trà thơm, một cây ba-toong, quắc thước, tinh anh với đôi chân tập tễnh, ông Huỳnh vẫn miệt mài viết sách, tiếp báo chí hằng ngày.

Trước khi làm ngoại giao, ông Huỳnh có nhiều năm công tác trong môi trường quân đội. Năm 18 tuổi, khi vừa hoàn thành khóa học quân sự do vị tướng lừng danh Nguyễn Sơn đào tạo, ông được kết nạp Đảng. Vừa xong thì đúng dịp toàn quốc kháng chiến.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh khi làm Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên.

Tháng 11-1946, ông Huỳnh cùng 4 sinh viên thuộc top xuất sắc nhất khóa học được điều về Bộ Tổng Tham mưu, công tác tại Ban nghiên cứu của Phòng Tác chiến do ông Đào Văn Trường phụ trách. Cơ quan đóng tại Định Hóa - Thái Nguyên. Khi thảo luận để ra chương trình công tác năm 1948, ông Nguyễn Khắc Huỳnh đề nghị đưa vào công tác nghiên cứu bản ký hiệu đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo ông Huỳnh, thời điểm đó quân đội ta chưa có bản ký hiệu quân đội thống nhất. Hồi đó, tạm thời dùng cách viết tắt "Tiđo", "Trđo", "Tiđoa"… để chỉ tiểu đội, trung đội, đại đội. Cách viết này không được sử dụng thông dụng vì không thuận tiện, công tác điện báo cũng mất thời gian hơn.

Do đó, ông Nguyễn Khắc Huỳnh đã tìm hiểu các tài liệu về ký hiệu quân đội của Pháp, Nhật, Trung Quốc… và nhận thấy họ dùng một chữ cái để chỉ một cấp đơn vị như: C chỉ đại đội (Compagnie), B chỉ tiểu đoàn (Bataillon), R chỉ trung đoàn (Régiment), D chỉ sư đoàn (Division)… Sau đó, ông đề nghị dùng các con chữ đầu của các vần chữ cái a, b, c, d… để chỉ các đơn vị quân đội.

"Ba đơn vị nhỏ tiểu đội, trung đội, đại đội thì dùng a, b c dễ nhất trí. Nhưng tiểu đoàn thì dùng d hay đ, trung đoàn thì dùng e hay đ, sư đoàn dùng f hay h? Qua thống nhất thì tôi đề nghị tiểu đoàn là d, trung đoàn là e, sư đoàn là f. Lúc đó có ý kiến cho rằng bảng chữ cái tiếng Việt không có f thì không nên dùng, nhưng có ý kiến tranh luận lại là máy đánh chữ có chữ f thì nên dùng. Mặc dù lúc đó quân đội ta chưa có sư đoàn nhưng chắc chắn sẽ được kiện toàn nên ký hiệu này vẫn được đưa vào sử dụng" - ông Huỳnh nói.

Các ký hiệu tên binh chủng, quân chủng thì dùng chữ viết tắt tên của binh chủng và viết hoa cả như bộ binh là "BB", công binh là "CB", pháo binh là "PB", không quân là “KQ”… Ký hiệu chỉ các chức vụ cũng được nhanh chóng hoàn thiện. "t" chỉ cấp trưởng, "f" chỉ cấp phó, "v" chỉ chính trị viên. Như vậy, đại đội trưởng là "ct", trung đoàn phó là "ef", chính ủy sư đoàn là "fv".

Sau khi hoàn thành, mùa thu năm 1948, tướng Hoàng Văn Thái ký ban hành bản ký hiệu đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhận nhiệm vụ đến nhà in Tập san quân sự hướng dẫn khắc và in bản ký hiệu. Bản ký hiệu này nhanh chóng được các đơn vị quân đội hưởng ứng nhiệt liệt, nhiều người gửi thư về khen. Hồi đó quân đội chưa có doanh trại, toàn trú đêm ở nhà dân, anh dẫn đoàn cũng không bao giờ gọi là trung đoàn, tiểu đoàn mà dùng c1, d1. Các đơn vị gọi cho nhau cũng vậy.

Bản ký hiệu dù còn thô sơ nhưng đã đáp ứng công tác cho quân đội trong hàng chục năm trời chiến tranh. Mãi đến năm 1960 mới có sự điều chỉnh, bổ sung lần đầu, tuy vậy, những ký hiệu ông Huỳnh đưa ra vẫn được dùng thông dụng cho đến ngày nay.

Trong quá trình làm, để xin ý kiến tướng Hoàng Văn Thái (Tổng Tham mưu trưởng) rất khó, ông Huỳnh phải trình với thư ký và thư ký trình bày vắn tắt với ông Thái. Ai dè sau đó, ông Thái đã dành một buổi để làm việc với ông Huỳnh về vấn đề này vì đánh giá cao ý tưởng và khen ngợi: "Bản ký hiệu quân đội được đấy, bây giờ ai cũng dùng a, b, c chứ nếu điện đàm mà cứ gọi là trung đoàn, tiểu đoàn… thì rất dài dòng".

"Bàn tròn - bàn vuông"  và những kỉ niệm tại đàm phán Paris

Nhắc đến những kỉ niệm của đời ngoại giao, tay run run, ông Huỳnh lần giở từng tấm ảnh đen trắng ăm ắp ký ức đã theo ông mấy chục năm trời. Đêm mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, khi cuộc chiến đang nổ ra, đài còn đang báo tình hình chiến sự thì Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gọi vài người vào, trong đó có ông Phan Hiền, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, ông Trần Hoàn. Ông Trinh thông báo ngắn gọn: "Chuẩn bị đàm phán" rồi không nói gì thêm.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng với những người bạn Mozambique trong thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại quốc gia này.

Cuộc đàm phán Paris là cuộc đối đầu giữa 2 nền ngoại giao. Một là nền ngoại giao nhà nghề, lâu đời của một siêu cường với chính sách đàm phán trên thế mạnh củ cà rốt đi liền với cây gậy. Một bên là nền ngoại giao khá non trẻ, vừa học vừa làm của nước ta. Thời gian đầu Hiệp định Paris, ông Huỳnh thuộc bộ phận ở trong nước, cùng với ông Nguyễn Cơ Thạch (khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) làm công tác tham mưu, góp ý kiến, tổng hợp tình hình quốc tế, phân tích thái độ của các nước cho đoàn đàm phán.

Trong thời gian đàm phán đó, ông Huỳnh đóng vai trò chính trong việc thảo lập trường 10 điểm của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bản đó được tất cả những người trong Bộ Ngoại giao như ông Nguyễn Duy Trinh, ông Nguyễn Cơ Thạch cho thông qua và chuyển sang cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Sau đó tài liệu này được điện đàm sang Paris cho đoàn đàm phán. Mỗi lần điện đàm chỉ đưa 2 điểm một để bảo đảm bí mật. Trước khi sang Paris thì có lập trường 4 điểm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng, bây giờ lập trường cơ bản là 4 điểm và 10 điểm, không ai được đàm phán gì ngoài những vấn đề này.

Khi cuộc đàm phán đi vào chiều sâu thì Trung ương cử ông Lê Đức Thọ sang làm cố vấn đặc biệt, sau thì ông Lê Đức Thọ trở thành đàm phán chính với Ngoại trưởng Mỹ Kissingger. Khi ông Lê Đức Thọ sang, cần có thêm 1 chuyên viên để viết lách, chuẩn bị tư liệu thì ông Huỳnh được gọi đi cùng.

"Lúc đó tôi phải nghiên cứu phản ứng và động thái của các quốc gia đối với đàm phán, tổng hợp lại các ý kiến. Đi gặp gỡ các chuyên viên của sứ quán các nước. Cái khó là đoán xem đoàn của Mỹ sẽ nói gì, thái độ ra sao để mà chuẩn bị phương án? Cả tập hồ sơ, chúng tôi chắt lọc ra để đưa cho đoàn đàm phán những tư liệu như ném bom ở đâu, bắt bớ thế nào, phát biểu gì…" - ông Huỳnh lục lại ký ức.

Một trong những điểm ấn tượng nhất của cuộc đàm phán là việc tranh luận từ những thứ tưởng chừng rất nhỏ nhặt, điển hình là bàn đàm phán tròn hay vuông. Phía Mỹ đưa ra rất nhiều kiểu bàn như hình chữ nhật, hình thoi… với ý muốn chỉ thể hiện 2 bên đàm phán. Một bên là Mỹ và chính quyền Sài Gòn, một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, chúng ta đề nghị bàn vuông để thể hiện rõ 4 bên đàm phán. Cuộc tranh luận này kéo dài nhiều tháng trời và phải trải qua tới 10 phiên họp, khi Liên Xô đưa ra sáng kiến chiếc bàn tròn, không phân biệt ranh giới cụ thể giữa 4 đoàn, phía Mỹ mới chịu chấp nhận. Sau cùng đi đến thống nhất là một cái bàn tròn to đường kính 8m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía ta đoàn Mặt trận và đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi thành hai đoàn riêng biệt.

Đó là phần họp công khai, phần họp bí mật thì hẹp hơn. Hai đoàn họp tại lâu đài Kleber, gần Khải Hoàn Môn. Họp bí mật thì hầu hết các địa điểm do ta chọn. Đó là những vùng có người trong Đảng Cộng sản Pháp làm chủ, họ chọn hộ. Jil Jur Yvell là địa điểm bí mật mà 2 bên gặp nhau rất nhiều lần.

Ở đây có nhà 2 tầng. Tầng dưới là đoàn đàm phán, tầng trên các chuyên viên ngồi để nghe, nếu có ý kiến góp ý thì viết vào tờ giấy rồi chuyển cho thành viên đàm phán. Ông Huỳnh thường viết những phát hiện của mình vào giấy và chuyển cho thư ký của ông Lê Đức Thọ theo cách như vậy.

Ông Huỳnh kể, những cuộc họp này báo chí không được vào nhưng họ rất thạo tin, họ vẫn tìm được đến nơi. Tuy nhiên, họ phải đứng ở ngoài hàng rào, bắc ghế, thang đứng nhòm qua hàng rào để xem bên trong đàm phán thế nào. Có ngày họ bắc bằng cả chục cái thang rất cao lên để xem. Họ không nghe thấy gì, chủ yếu là xem các đoàn có bắt tay không, nét mặt thế nào và họ chụp ảnh. Dạo đó, ông Huỳnh thân thiết với một số nhà báo Pháp và họ dò hỏi rất kĩ, rất nhiều nhưng vẫn phải giấu kín và né tránh về nội dung đàm phán.

Ngoại giao và tình bạn

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông Nguyễn Khắc Huỳnh giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Mozambique - một quốc gia thuộc châu Phi nhưng rất có cảm tình với Việt Nam. Tại đây, ông Huỳnh có mối quan hệ khá thân thiết với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Cơ quan lãnh đạo Mặt trận Frelimo là Armado Emilio Guebuza. Trước khi trở thành Tổng thống, ông Guebuza và Nguyễn Khắc Huỳnh đã có nhiều lần gặp gỡ, say sưa nói chuyện về mọi chủ đề.

Khi ông Huỳnh đã nghỉ hưu, có lần Tổng thống Armado Emilio Guebuza tới thăm Việt Nam, ông Huỳnh vẫn tham gia đón đoàn, hai người ôm nhau thân thiết.

Trong cuộc mít tinh chào mừng, ngài Tổng thống nhấn mạnh: "Tôi rất vui vì hôm nay đón tôi có ngài Đại sứ rất thân thiết với tôi năm xưa". Điều này cũng tương tự với một tổng thống khác của Mozambique khi đến Việt Nam, biết ông Huỳnh tham gia đàm phán Hiệp định Paris thì ngài Tổng thống tỏ ra rất hào hứng, kéo ông Huỳnh lại gần và đề nghị ông Huỳnh kể lại diễn tiến của hiệp định cho mọi người cùng nghe. Những tình tiết đấu tranh ngoại giao được hâm nóng lại, câu chuyện kéo dài tưởng như bất tận…

Tại đất nước này, ông Huỳnh có một người bạn tâm giao, đó là Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Mozambique. Hai người thường xuyên gặp nhau trò chuyện và hai gia đình cũng nhiều lần gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Tuy nhiên, trên chuyến bay về Việt Nam khi kết thúc nhiệm kỳ, ông được tin ngài Tổng thống và người bạn - Vụ trưởng Vụ Lễ tân mất trong một vụ tai nạn máy bay. Mất mát này khiến ông Huỳnh trăn trở mãi và mỗi khi nhắc đến người bạn này, lòng ông trĩu xuống, những kỉ niệm hiện ra rồi vội thành quá vãng.

Sau này, khi đã rời nhiệm sở, ông Huỳnh đi đến nhiều nước trên thế giới, ôn lại những kỉ niệm cũ. Đặc biệt, trong lần sang Mỹ dự hội nghị, ông gặp lại Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và trò chuyện hết sức thân mật về mọi chủ đề, nhất là cuộc đàm phán Paris. Có lần, ông McNamara mời ông Huỳnh đến nói chuyện tại một trường đại học của Mỹ trước hàng ngàn sinh viên cũng về chủ đề này. Những câu chuyện về cuộc đàm phán, về đất nước và con người Việt Nam, về cuộc chiến tranh, về nghề ngoại giao… nhanh chóng thu hút sự chú ý và tán thưởng cao độ.

Như cánh chim không mỏi, nghỉ hưu, ông Huỳnh vẫn đi đây đi đó dự các hội thảo về chiến tranh, lịch sử và thỉnh giảng tại các trường quân sự, ngoại giao. Ông lao động cần mẫn như con ong trên cánh đồng chữ, cho ra đời nhiều cuốn sách về nghề ngoại giao, nghệ thuật đấu tranh ngoại giao như một cách để ôn lại những kỷ niệm của một thời đầy nhiệt huyết.

Bùi Trí Lâm
.
.