“Giải mật hồ sơ điệp viên mang bí số N113”: Trò chơi lớn
Năm 1971, chuẩn bị thế ngoại giao với Chính phủ Lào thân Mỹ để thực hiện "Chiến dịch Lam Sơn 719" Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã đưa một đoàn sĩ quan quân sự sang làm tùy viên Đại sứ quán VNCH tại Vientian. Trong số đó có viên trung tá tên B. Trung tá B nhờ ông "Đan" làm cầu nối kết thân với dòng họ nhà Sanani Kone để thuận lợi cho việc đàm phán quân sự.
Ông "Đan" gợi ý: "Ông nên tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi, tôi sẽ mời ngài Bộ trưởng Quốc phòng Oudone Sanani Kone và Cố vấn quân sự Oun Sanani Kone đến dự để hai bên kết thâm giao". Viên trung tá B sướng như được lên cõi tiên, coi ông "Đan" như một vị cứu thế.
Viên trung tá mừng rỡ tổ chức ngay tiệc chiêu đãi.
Nguyên nhân Mỹ và VNCH thất trận Hạ Lào
Giữa bữa tiệc, ông "Đan" vờ say rượu để có cớ vào phòng làm việc của trung tá B ngủ. Trong khi trung tá B còn mê mải cụng ly với 2 vị lãnh đạo quốc phòng Lào, ông "Đan" đàng hoàng dùng máy ảnh chuyên biệt chụp lại trọn bộ 2 bản kế hoạch "Chiến dịch Dewey Canyon II" của Mỹ và "Chiến dịch Lam Sơn 719" của VNCH.
Ngày hôm sau, toàn bộ chi tiết 2 kế hoạch quân sự "khủng" đó nằm gọn trên bàn làm việc của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương của ta. Căn cứ vào kế hoạch của địch, các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng soạn thảo kế hoạch đón lõng phản công mang tên "Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào". Ông Lê Trọng Tấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được giao làm Tư lệnh và ông Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy chiến dịch.
Khi địch bắt đầu di binh thực hiện chiến dịch, quân ta cũng bắt đầu động binh khởi động kế hoạch đón lõng vào ngày 30/1/1971.
Nhất cử nhất động của địch, quân ta đều nắm trong lòng bàn tay. Các sư đoàn 308, 304, 324, Sư đoàn 2 và lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4, B5, 559 cùng một số lực lượng của Quân Giải phóng nhân dân Lào (Gồm 4 trung đoàn pháo, 3 trung đoàn cao xạ phòng không, 3 trung đoàn công binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp), liên quân Lào - Việt kề vai sát cánh đã làm chủ hoàn toàn chiến trường. Hầu như mọi cánh quân của địch đều lọt vào mạng lưới giăng sẵn của quân ta.
Trận giao chiến vùng Hạ Lào này được tờ Paris Macth (Pháp) viết: "Mục tiêu của cuộc hành quân này là tạo lập một hành lang dài 24 km dọc theo Đường 9 đến Sê Pôn, sâu vào đất Lào 35 km đến tận con đường nhánh có ý nghĩa chiến lược của đường mòn Hồ Chí Minh. Giai đoạn 3 của chiến dịch phải là một cuộc hành quân càn quét dài ngày nhưng do bị thiệt hại nặng, tướng Lãm (quân đội VNCH) phải ra lệnh rút quân sớm kể từ ngày 10/3/1971.
Quân đội VNCH chỉ có thể rút quân bằng không lực Mỹ, đường bộ đã bị Bắc Việt chặn toàn bộ. Toàn bộ chiến dịch bị kết thúc sớm vào ngày 24/3/1971. Thiệt hại của quân đội VNCH ước tính lên đến 10.000 người, gần một nửa số quân tham chiến ở Lào. Mỹ chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ nhưng cũng thiệt hại 107 chiếc trực thăng và 176 phi hành đoàn". Hơn 1.000 quân, trong đó có đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy dù VNCH - đầu hàng và bị quân ta bắt sống.
Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của quân dân hai nước Việt - Lào đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Che giấu thất bại, Nguyễn Văn Thiệu vẫn cho họp báo công bố "thắng lợi". Nhiều phóng viên quốc tế đặt câu hỏi: "Nếu thắng lợi, tại sao quân VNCH rút quân giống như tháo chạy khỏi Hạ Lào?". Một số phóng viên còn trưng ra những bức hình trực thăng bốc quân vội vã, một số binh sĩ VNCH phải bám càng, treo mình lơ lửng.
Nguyễn Văn Thiệu trâng tráo trả lời: "Về chiến lược, chúng tôi giáng một đòn đau vào sống lưng Trường Sơn của Việt Cộng. Về chiến thuật, chúng tôi chủ trương đánh nhanh rút gọn. Vì lẽ đó, tôi tuyên bố, chúng tôi thắng lợi hoàn toàn trận Hạ Lào". Một phóng viên khác hỏi tiếp: "Liệu đường Trường Sơn đã bị tê liệt chưa hay vẫn còn hoạt động như trước?". Thiệu không trả lời và ngay sau đó tuyên bố giải tán cuộc họp báo.
Chiến dịch hành quân Kou Keo
Chiến dịch Lam Sơn 719 thất bại khiến giới quân sự Mỹ đau đầu. Họ không mảy may nghi ngờ trọn bộ kế hoạch đã rơi vào tay quân ta mà ngây thơ nghĩ rằng, quân đội cách mạng Lào đã giúp quân ta khiến chúng thua trận. Cay cú, giới quân sự Mỹ xúi quân đội của chính quyền thân Mỹ thực hiện một chiến dịch quân sự nhằm trả đũa quân đội cách mạng Pathét Lào.
Ngày 25/5/1972, với sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ, lực lượng quân đội Lào thân Mỹ bất ngờ đổ quân xuống Cánh đồng Chum thực hiện một kế hoạch quân sự mang tên "Chiến dịch hành quân Kou Keo". Đó là phần mở đầu của chiến dịch mang tên "phục thù" của lực lượng liên quân Mỹ - Lào - Thái.
Trưa hôm đó, vừa từ hãng hàng không về đến nhà, ông "Đan" nhận được tin mật từ quê nhà gửi sang yêu cầu báo cáo thông tin về kế hoạch quân sự của địch ở Cánh đồng Chum. "Trung tâm" yêu cầu phải báo cáo trước 24 giờ đêm. Có nghĩa là ông "Đan" chỉ có 12 giờ để thực hiện một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Ông đành dùng tư thế "người nhà" của dòng họ nhà Sanani Kone đi tìm gặp ngay viên sĩ quan tham mưu ở Bộ Quốc phòng. Đó là cách thu thập thông tin rất nguy hiểm, dễ lộ vỏ bọc điệp viên nhưng ông không còn cách nào khác.
Ông bày một cuộc nhậu rồi khéo léo hỏi thăm tình hình chiến sự. Vô tình, viên sĩ quan này phun hết mọi kế hoạch của chiến dịch hành quân Kou Keo. Từ cuộc nhậu với viên sĩ quan cao cấp, ông "Đan" ghi nhận: "Lực lượng quân đội Lào thân Mỹ được huy động gồm Trung đoàn Cơ động số 5 ở Chinaimô, một binh đoàn của quân Hạ Lào - Savannakhét, 2 tiểu đoàn lính Mèo ở Sảm Thông, Long Chẹng của tướng phỉ Vàng Pao.
Mục tiêu cuộc hành quân không nhằm chiếm đóng mà tập trung đánh phá cơ sở hậu cần và làm tiêu hao dẫn đến tiêu diệt lực lượng Pathét Lào. Theo kế hoạch, sau 3 ngày càn quét và oanh kích bằng không quân, liên quân Lào thân Mỹ sẽ rút quân theo hai con đường, Phone Hông và bản Ban Paksane. Chiến dịch Kou Keo chỉ là đòn đánh nhử quân cách mạng Pathét".
Bản đồ "Chiến dịch Lam Sơn 719". |
Ngay đêm đó, "Trung tâm" nhận được bản báo cáo của ông Đan. Từ báo cáo của ông, quân cách mạng Pathet Lào không rơi vào cái bẫy "Giương đông kích tây" của địch.
Thực tế cho thấy, vào ngày 21/5/1972, quân Mỹ tập trung không quân đánh phá ác liệt các điểm cao trọng yếu và trục đường giao thông để mở đường cho bộ binh tấn công bằng 3 mũi vào các điểm cao ở Thẩm Lửng ngày 25/5/1972. Đoán được kế hoạch của địch, quân Pathét Lào đón lõng và đánh tan 6 tiểu đoàn (có 2 tiểu đoàn Thái Lan) ở Hin Đăm, Thẩm Lửng, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch ở Mường Sủi, đồng thời dùng đặc công, pháo binh tập kích địch ở Long Chẹng.
Đúng như báo cáo, vào ngày 11/8/1972, địch chuyển hướng tấn công toàn lực vào Cánh đồng Chum từ hướng khác: 4 tiểu đoàn Thái Lan tiến đường bộ theo 3 hướng đông nam, tây và đông bắc. Mặt khác 2 tiểu đoàn Thái Lan đổ bộ đường không xuống Phu Keng đánh hướng tây bắc. Quân Pathét Lào tập trung lực lượng đã phục kích sẵn ở Phu Luông, Phu Huasang, Phu Thông, đồi 5 mỏm, điểm cao 1294, bản Lao, Phu Học chờ địch chui vào rọ để phản đột kích. Kết quả, địch bị diệt và bị bắt sống hơn 700 tên. Quân Pathét Lào giữ được trận địa.
Sau này, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, ông Tống Văn Trinh kể lại: "Ngay trong ngày địch vừa mở cuộc hành quân vào Cánh đồng Chum, Trung tâm gởi mật điện sang cho tổ của tôi yêu cầu báo cáo âm mưu và ý đồ của địch chiếm đóng hay hành quân xong rồi rút? Ngày, giờ và đường rút quân? Trung tâm yêu cầu trả lời ngay trước 24 giờ đêm. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, nôn nóng thức chờ điện trả lời của chúng tôi đến gần 12 giờ khuya.
Đọc xong báo cáo của chúng tôi, ông tỏ vẻ hài lòng và rất phấn khởi. Ông chỉ thị phương án tác chiến ngay cho Tướng Lê Trọng Tấn đang là đặc phái viên của ta bên cạnh Bộ chỉ huy Quân đội Phathét Lào trong chiến dịch này. Nhờ đoán được ý đồ của địch, quân Pathét Lào đã giáng cho liên quân Mỹ - Lào ngụy một trận đòn choáng váng".
Đời thường của một điệp viên
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, "Trung tâm" hỏi ông: Muốn hồi hương hay tiếp tục ở lại Lào? Đang là kế toán trưởng hãng hàng không có thu nhập của giới thượng lưu, ông chấp nhận bỏ lại tất cả để được về quê mẹ. Được "Trung tâm" chấp nhận cho hồi hương, ông Tống Văn Trinh sung sướng tột cùng.
Về đến Việt Nam, ông xin được chuyển ngành về tỉnh Cửu Long (giờ là Vĩnh Long) làm Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Thạc sĩ Toán học Tống Quang Anh (người ngồi), con trai trưởng của ông Tống Văn Trinh. |
Năm 1977, do nhu cầu nhân sự, ông Tống Văn Trinh được điều chuyển sang tỉnh Hậu Giang giữ chức Trưởng ban Pháp chế. Sau khi Ban Pháp chế chuyển thành Sở Tư pháp, ông được cử làm Giám đốc. Ông là người có công xây dựng và củng cố bộ máy tư pháp toàn tỉnh Cần Thơ (hiện giờ là TP Cần Thơ) .
Những ngày đầu thành lập Sở Tư Pháp, ông làm việc gấp đôi giờ hành chính. Có lẽ do dồn sức làm việc, cuối năm 1984, trong một lần đi dự hội nghị về pháp chế ở Sóc Trăng, ông đang phát biểu thì bị đột quỵ. Nhờ được cấp cứu kịp thời, ông thoát khỏi tay thần chết.
Dù sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn giữ tốc độ làm việc như trước. Tranh thủ những ngày còn lại với đời, ông phát triển hệ thống pháp chế - tư pháp ở Cần Thơ. Tiến hành thành lập các phòng công chứng cho toàn tỉnh. Ông cho lập tại Sở Tư pháp một thư viện chuyên ngành, lưu giữ toàn bộ các văn bản pháp lý hiện hành, các nghị định, các sửa đổi pháp luật... để dễ tra cứu và phổ biến rộng.
Bộ Tư pháp dựa vào thành tích đóng góp, đặc cách công nhận ông là luật sư và là thành viên của Hội Luật gia Việt Nam. Dù ông chưa từng tốt nghiệp Đại học luật.
Đến cuối năm 1986, cơn tai biến mạch máu não lần hai đã quật ông ngã gục nhưng nhờ được cứu chữa kịp thời ông đã qua khỏi... Ông xin nghỉ hưu.
Ngày 19/8/2008, ông yên lòng về cõi vĩnh hằng ở tuổi 86. Đó cũng là ngày kỷ niệm 63 năm ông tham gia cách mạng.
Khi nhắc về cha mình, Thạc sĩ toán học Tống Quang Anh - Người con cả của ông Tống Văn Trinh - nói: "Cha tôi đã trao trọn cuộc đời của ông cho sự nghiệp cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Những ngày cuối đời, ông luôn tự hào vì cuộc sống thanh bạch. Ông chưa bao giờ đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì cho cá nhân, gia đình. Với ông, lịch sử công nhận chiến công là đủ". Thạc sĩ Tống Quang Anh cho biết, anh đã chấp bút viết một quyển truyện ký về cha mình. Bản thảo đã hoàn thành, đang chờ nhà xuất bản ấn hành