Giai thoại ly kỳ về nhà khoa học Lưu Văn Lang

Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:45
Năm 1904, người dân ở làng Tân Phú Đông, tỉnh lỵ Sa Đéc (nay là TP Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp) chứng kiến lễ vinh quy bái tổ của chàng trai 24 tuổi tên Lưu Văn Lang, tốt nghiệp Bác vật ngành kỹ nghệ vật lý cầu đường. Thời điểm đó Lưu Văn Lang là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành này nên đích thân viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer về tận làng Tân Phú Đông đọc diễn văn khai mạc.

Ngay trong buổi lễ, Paul Doumer công bố bổ nhiệm Bác vật Lưu Văn Lang vào chức vụ "giám lý công chánh lục lộ" sở Công chánh Đông Dương. Với chức vụ đó, ông đi khắp các nước Đông Dương để giám sát việc thi công các công trình giao thông vận tải.

Ông đã để lại nhiều giai thoại hấp dẫn, ly kỳ.

Bác vật ngành công chánh lục lộ đầu tiên của Đông Dương

Bác vật Lưu Văn Lang sinh ngày 5/6/1880 trong một gia đình Nho học nghèo ở làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc. Cha ông là một thợ rèn thuộc nhánh họ Lưu di cư theo triều Nguyễn từ Huế vào Nam.

Khác với nhiều công tử giàu có được cha mẹ lót tiền, xuất cảnh du học, nhờ những thành tích học tập xuất sắc tại địa phương, ông được chính quyền cấp học bổng về Sài Gòn học tại Trường Chasseloup Laubat. Năm 1897, ông tốt nghiệp tú tài hạng ưu và lại được cấp học bổng sang Pháp du học.

Nhiều tài liệu cho rằng, ông tốt nghiệp Bác vật hạng thứ 3 trong số 250 sinh viên Trường Arts et Manufactures de l'École Centrale de Paris (Trường Kỹ nghệ và Mỹ thuật Trung ương Paris). Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp trường này, ông không thể được bổ nhiệm chức vụ "giám lý" ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngay sau khi nhận nhiệm sở năm 1904, ông được cử sang Vân Nam (Trung Quốc) giám sát thi công tuyến đường xe lửa nối liền Côn Minh với Hải Phòng (Việt Nam). Đó là chặng đầu của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương dài 885km, khởi công năm 1901. Tuyến đường sắt này được đánh giá là kỳ công nhất thế giới lúc bấy giờ vì nó xuyên qua rất nhiều địa hình đồi núi hiểm trở. Theo ghi nhận của lịch sử, đã có hơn 12.000 trong số 60.000 nhân công thiệt mạng vì tai nạn và bệnh tật trong thời gian thi công 10 năm.

Chân dung Bác vật Lưu Văn Lang.

Năm 1910, tuyến đường sắt này hoàn thành, Bác vật Lưu Văn Lang tiếp tục giám sát thi công rất nhiều tuyến đường, cây cầu khu vực Đông Dương và Việt Nam trong đó có những công trình nổi tiếng như: Cầu Monivong, tuyến đường xe lửa Phnom Penh - Battambang, Campuchia; cầu Long Biên, Việt Nam) và rất nhiều cây cầu ở khu vực Tây Nam Bộ.

Năm 1929, ông là người sáng lập ngân hàng mang tên Việt Nam đầu tiên kể từ khi thực dân Pháp đô hộ. Đó là Việt Nam Ngân hàng, trụ sở đặt tại Sài Gòn. Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thời Pháp thuộc.

Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội và mở chi nhánh tại Sài Gòn (Hội SAMIPIC). Địa chỉ của Hội SAMIPIC đặt tại đường Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM) Tôn chỉ của hội là tài trợ, giúp đỡ học sinh nghèo Việt Nam có cơ hội đi du học.

Báo Tràng An, số 777, phát hành ngày 21/6/1941 tại Sài Gòn ghi nhận, 11 nữ trí thức nghèo đầu tiên của Việt Nam được tốt nghiệp cao đẳng, đại học tại Pháp từ học bổng của Hội SAMIPIC. Trong đó có bác sĩ Lê Thị Hoàng, dược sĩ Lý Thị Nguyệt …

Tiên tri cầu sập và chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị châu Á

Có giai thoại kể rằng, trong thời gian đi kiểm tra giám sát những công trình giao thông ở Bạc Liêu. Khi kiểm tra cây cầu Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi), ông gặp chủ tỉnh là Lamothe Decajjiei thông báo là cây cầu sắp sập. Khi ông đến dinh chủ tỉnh, đồng hồ tay đã điểm 7 giờ sáng nhưng viên chủ tỉnh vẫn chưa đến sở làm. Ông nhẫn nại ngồi chờ. Đến hơn 8 giờ viên chủ tỉnh mới lò dò đến. Vừa trông thấy viên thanh tra lục lộ cấp trung ương ngồi chờ, viên chủ tỉnh lén vặn kim đồng hồ đeo tay muộn 1 giờ.

Khi Bác vật Lưu Văn Lang lên tiếng trách việc trễ giờ, viên chủ tỉnh chìa đồng hồ đeo tay của mình ra: "Tôi đi làm đúng giờ theo đồng hồ của tôi. Nếu trách thì trách hãng chế tạo đồng hồ đã không điều khiển giờ trên tay của ông Bác vật và giờ trên tay của tôi khớp nhau".

Biết viên chủ tỉnh giở trò láu cá, Bác vật Lưu Văn Lang không cãi. Ông báo cho viên chủ tỉnh biết, cây cầu Long Thạnh do nhà thầu thân nhân của chủ tỉnh thi công đang chuẩn bị sập.

Viên chủ tỉnh người Pháp rất ngạc nhiên vì cây cầu mới cắt băng khánh thành hơn 1 năm. Ông ta hỏi Bác vật Lưu Văn Lang: "Ông căn cứ vào đâu để khẳng định cây cầu sắp sập?". Bác vật Lưu Văn Lang đưa ra chiếc búa, trả lời: "Căn cứ vào cái này. Nếu không sửa chữa, khoảng 1 tháng nữa cây cầu sẽ sập. Nếu tôi báo cáo về quan Toàn quyền, ông sẽ bị cách chức. Nhưng thôi, tôi chỉ muốn cá độ. Nếu cây cầu sập trước 1 tháng, ông phải góp tiền cho Quỹ khuyến học của người Việt chúng tôi. Nếu cây cầu sập sau 1 tháng, tôi sẽ tặng ông 1 chiếc đồng hồ vô giá".

Viên chủ tỉnh nhìn cây búa của Bác vật Lưu Văn Lang cười khẩy rồi chìa tay như tiễn khách. Chỉ 3 tuần sau cây cầu bỗng dưng sập, may là không có thiệt hại về người. Bây giờ người dân địa phương vẫn còn gọi cây cầu Long Thạnh là cầu Sập.

Viên chủ tỉnh vội vã cho người đi tìm Bác vật Lưu Văn Lang mời đến dinh để xin lỗi và năn nỉ bỏ qua thái độ tắc trách.

Bác vật Lưu Văn Lang chỉ yêu cầu Lamothe Decajjiei triệu hồi nhà thầu, xây lại cây cầu mới cho dân chúng giao thương, trích một khoản tiền phạt gởi vào Quỹ khuyến học của Hội SAMIPIC, đồng thời cho kiểm tra tất cả những cây cầu trong tỉnh. Cứ đến mỗi cây cầu, Bác vật Lưu Văn Lang chỉ việc dùng búa gõ vào một số điểm trên thành cầu rồi lắng nghe. Nghe xong, ông phán tuổi thọ của cây cầu.

Từ đó, người dân đồn thổi thành chuyện ông có chiếc búa tiên tri trước tai nạn, thảm họa và thiên cơ. Thật ra, đó chỉ là một thao tác kiểm tra chất lượng công trình bê tông trong chuyên ngành.

Đồng hồ Thái Dương.

Tri ân lòng bao dung của ông, viên chủ tỉnh trở thành một đầu mối quan trọng về nguồn tài chính cho Quỹ khuyến học của Hội SAMIPIC.

Dù thắng cược nhưng để nhắc nhở viên chủ tỉnh làm việc đúng giờ giấc, ông xây một chiếc đồng hồ Thái Dương đặt ngay trước cửa dinh. Đó là loại đồng hồ cố định dựa theo đường chiếu tia mặt trời để xác định giờ trong ngày. Đồng hồ được xây bằng ximăng cao 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía Bắc. Bộ phận chính hình chữ nhật có 2 biển vuông. Mỗi biển khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Biển bên trái khắc số giờ từ 6 sáng đến 12 giờ trưa. Biển bên phải khắc số giờ từ 12 giờ trưa đến 17 giờ chiều. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật chính giữa tạo ra hai vùng sáng tối. Dãy phân cách vệt sáng - tối này xem như kim đồng hồ chỉ thời gian chính xác trong ngày.

Để chế tác chiếc đồng hồ này, ông phải xác định vĩ độ, kinh độ của vị trí đặt. Sau đó dùng các công thức lượng giác để tính ra các góc của kim so với mặt đất, góc mặt đồng hồ so với phương thẳng đứng và góc giữ các vạch giờ với mốc 12 giờ trưa. Điều này chứng tỏ ông rất tinh thông thiên văn, địa lý và toán học. Mặt chiếc đồng hồ Thái Dương hướng ra đường công cộng.

Việc xây chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị Đông Dương này, ngoài việc nhắc nhở viên chủ tỉnh, ông còn hàm ý phục vụ nhân dân địa phương. Thời điểm đó, chỉ có những bậc phú hào mới sở hữu đồng hồ. Người lao động luôn bị giới chủ ăn gian giờ làm việc. Có chiếc đồng hồ công cộng, người lao động được nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Ngày nay chiếc đồng hồ vẫn còn được bảo quản tại TP Bạc Liêu.

"Tôi quá già để làm đầy tớ!"

Năm 1940, Bác vật Lưu Văn Lang xin hồi hưu về Sa Đéc. Có giai thoại cho rằng, Chính phủ Pháp vẫn chưa cho ông nghỉ hưu nhưng thời gian này ông có tham gia vào phong trào ủng hộ Cường Để. Nghe tin Nhật sắp tiến vào Đông Dương, ông xin nghỉ để chuẩn bị kháng Pháp. Thời gian này ông có nghiên cứu về những cuộc khởi nghĩa ở vùng Tây Nam Bộ, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Quản cơ Trần Văn Thành.

Ông là người phát hiện ra vị trí trung tâm của "linh huyệt" mà Quản cơ Trần Văn Thành chọn trên đỉnh núi Cấm. Đó là "Ông Thẻ" (một cột cờ bằng gỗ) thứ nhất trong số 5 "Ông Thẻ" được cắm mốc 4 hướng tạo thành một vùng ranh lãnh thổ kháng chiến. Ông tổ chức một nhóm người đến khảo sát hang Ông Thẻ thứ nhất.

Giai thoại kể rằng, Bác vật Lưu Văn Lang đã cột dây vào một con khỉ rồi thả xuống hang. Nửa giờ sau không thấy dây động đậy, mọi người kéo dây lên thì… con khỉ đã biến mất như có ai đó tháo dây cột ra.

Ông lại cột 1 con chó thả xuống. Giống như lần trước, khi thấy dây không động đậy, kéo lên thì con chó không còn. Đầu dây vẫn còn nguyên như có ai giải cứu.

Cuối cùng, ông quyết định xuống hang thám hiểm. Ông cột dây vào người rồi dặn dò phương thức tín hiệu giật dây. Ông mang theo đèn pin và nến để thăm dò dưỡng khí. Lúc đầu, tín hiệu từ 2 đầu dây liên tục được đáp trả. Khi những người trên miệng hang lần đến đoạn cuối sợi dây dài hàng trăm mét thì tín hiệu dưới hang trở nên im ắng. Họ kéo dây lên thì… không thấy ông. Cả nhóm lo lắng không biết chuyện gì xảy ra với ông nhưng không ai dám xuống hang. Họ cũng không dám ra về mà cắm trại giữa rừng núi hoang vu chờ đợi trong tuyệt vọng.

Một ngày, một đêm trôi qua trong lo âu. Bỗng tờ mờ sáng hôm sau, ông lóp ngóp bò lên khỏi miệng hang.

Mọi người mừng rỡ hỏi han đủ chuyện, ông chỉ im lặng lắc đầu. Thấy ông có biểu hiện sa sút về sức khỏe, mọi người tức tốc đưa ông về một bệnh viện Sài Gòn.

Chiếc đồng hồ Thái Dương hiện nay trở thành di tích lịch sử của Bạc Liêu.

Một bậc kỳ lão thuộc hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa (tôn giáo kháng chiến của Quản cơ Trần Văn Thành) đề nghị giấu tên, cư ngụ tại Tịnh Biên, An Giang cho biết, khi ấy, ông chỉ mới 12 tuổi được ông nội dẫn đi thăm Bác vật Lưu Văn Lang ở Bệnh viện Đồn Đất. Đoàn thăm viếng là những vị bô lão của Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Khi đến thăm, các vị bô lão có hỏi Bác vật Lưu Văn Lang thấy điều gì trong hang. Ông mỉm cười, trả lời hư ảo: "Núi Cấm giống như một mâm cơm dọn sẵn đang đậy lồng bàn. Các ông chỉ việc dỡ lồng bàn ra là được ăn thôi".

Câu chuyện về hang Ông Thẻ chỉ dừng lại ở đó, mọi người chuyển sang đề tài khác.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9/3/1945, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim mời ông giữ chức Bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối bằng câu: "Je suis trop vieux pour servir de valet!" (có thể dịch là: Tôi quá già để làm đầy tớ, hoặc: Tôi đã quá già để làm tay sai!).

Đến 1948, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mời ông làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn do Chính phủ Kháng chiến mới thành lập, ông nhận lời.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa bình đòi thi hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước và ông được cử làm chủ tịch danh dự. Vì lý do đó, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Sau khi được trả tự do, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc chặt chẽ đến năm 1958.

Dù vậy, ông vẫn có những liên lạc bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn.

Ông qua đời tại Sài Gòn vào ngày 3/6/1969, thọ 89 tuổi. Ngày 14/8/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn đã đổi tên đường Tạ Thu Thâu thành tên Lưu Văn Lang (thuộc quận 1, TP HCM).

Ngày nay, tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp cũng có một ngôi trường, một con đường mang tên ông. Bác vật Lưu Văn Lang được nhiều nhà khoa học lịch sử đánh giá là một nhân tài, một nhà khoa học uyên bác ở Nam Bộ.

Nông Huyền Sơn
.
.