Hành trình ghi công một nữ điệp báo Hà thành

Thứ Tư, 22/04/2015, 17:10
Tham gia cách mạng từ rất sớm, chị Lê Thị Nguyệt tiếp tục hoạt động điệp báo trong nội thành Hà Nội khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Bị một tên mật thám chỉ điểm, chị bị bắt, bị tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh khi mới 26 tuổi. Nhưng phải đến hơn 60 năm sau ngày ngã xuống, công lao của chị mới được ghi nhận. Hành trình để được công nhận là liệt sĩ của chị là cả một quá trình đầy tâm huyết của đồng đội và các cán bộ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân.

1. Một ngày nọ, Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc (cán bộ Phòng 3, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị CAND) nhận được một bộ hồ sơ rất "lạ".

"Khi nhận được hồ sơ gửi từ Công an Hà Nội, tôi cứ ngỡ đó chắc là một công văn phúc đáp hoặc… đơn khiếu nại gì đó. Khi giở ra mới biết đó là bộ hồ sơ  đề nghị công nhận liệt sĩ cho một nữ chiến sĩ Công an nhân dân hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên thay vì một bộ hồ sơ với cả tập giấy tờ như bình thường, thì trong này ngoài một công văn đề nghị công nhận liệt sĩ thì chỉ có 2 bản xác nhận. Chưa bao giờ đơn vị chúng tôi lại nhận một hồ sơ chỉ có đúng 3 tờ giấy như thế" - Thiếu tá Ngọc chia sẻ.

Nếu chiếu theo nguyên tắc để được công nhận liệt sĩ thì bộ hồ sơ trên còn thiếu rất nhiều. Và lẽ ra phải trả lại đơn vị đã gửi để bổ sung thêm. Tuy nhiên, sau khi tiến hành nghiên cứu, các cán bộ Cục Chính sách rất xúc động trước gương hy sinh anh dũng của nữ điệp báo viên. Bộ hồ sơ này đã được lưu lại để tiến hành xem xét, thẩm tra.

Lần theo các nhân chứng từng hoạt động cùng thời với chị Nguyệt, các cán bộ Cục Chính sách nhận thấy hoàn toàn có cơ sở để ghi công người nữ điệp báo cùng sự hy sinh anh dũng của chị.

Theo lời kể của các nhân chứng, chị Lê Thị Nguyệt quê ở huyện Ân Thi, Hưng Yên. Chị là con vợ hai, bố mẹ mất sớm, chị lên Hà Nội sống với người chị cùng cha khác mẹ. Tham gia cách mạng từ rất sớm, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, chị hoạt động trong tổ cứu thương ở Cự Đà (Thanh Oai, Hà Tây cũ) cùng với các bà Trần Thị Bắc (vợ Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài), bà Vũ Thị Hải Phương, bà Duyên (vợ nhạc sĩ Xuân Oanh)… Công việc của chị là lo phần hậu cần, chăm sóc thương binh, cán bộ y tế.

Vốn sinh ra trong một gia đình nền nếp, bố mẹ mất sớm, ở với chị gái cùng cha khác mẹ nên chị rất đảm đang. Mọi việc bếp núc luôn được chị lo chu đáo. Khi đội cứu thương tan rã, mỗi người đi một nơi, bà Phương về hoạt động trong lực lượng Công an với nhiệm vụ vận động, thu nạp những chị em tham gia lực lượng điệp báo nội thành.

Chị Lê Thị Nguyệt cùng tổ cứu thương tại Cự Đà năm 1946 (hàng đầu bên trái).

Do chưa bị lộ và có mối quan hệ với gã Tây lai nên chị Nguyệt được đưa vào hoạt động điệp báo. Tổ chức giao cho chị moi tin từ gã Tây lai đó. Tin tức chị thu thập được sẽ chuyển đến cho bà Phương.

Cùng thời kỳ này ở Công an quận VI (nay là quận Hai Bà Trưng) có người tên là Hùng "đen", cùng quê với chị Nguyệt. Sau này hắn phản bội trở thành tên chỉ điểm. Chính hắn báo cho gã Tây lai rằng chị Nguyệt là công an mật. Chị bị bắt. Trước đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chị kiên quyết không khai bất cứ điều gì.

Bọn mật thám dùng đủ mọi ngón nghề tàn bạo tra tấn chị nhằm moi thông tin. Chúng túm tóc chị buộc ngược lên trần nhà để tra tấn dã man với trò "đi tàu bay". Trong nỗi đau đớn tột cùng của thể xác, mái tóc tuột khỏi da đầu. Chị rơi xuống nền nhà giam lạnh ngắt. Sức vóc con gái mảnh mai của chị không chịu nổi đòn tra tấn dã man, hung bạo của kẻ thù. Chị hy sinh ngày 25/4/1948.

Mặc dù gương chiến đấu, hy sinh của chị Nguyệt đã được đồng đội xác nhận, nhưng để Nhà nước ghi nhận công lao thì những người làm chính sách phải trải qua rất nhiều thủ tục, đôi khi là rất oái oăm…

2. Cũng theo Thiếu tá Ngọc, khi được cấp trên phân công thụ lý hồ sơ của chị Nguyệt, ban đầu anh rất bối rối. Vì chỉ với mấy tờ giấy trên thì thậm chí chưa thể khẳng định được có một người là Lê Thị Nguyệt, chứ chưa nói đến chuyện từng công tác điệp báo trong lực lượng Công an và hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò. Tuy nhiên, được sự động viên tạo điều kiện của đồng chí Đại tá Phạm Quang Tuyển, Trưởng phòng 3, cùng sự nhiệt tình tham gia của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND), hành trình tìm lại "tung tích" cho chị Nguyệt đã dần dần gỡ được các nút thắt.

Việc đầu tiên là phải truy được quê hương bản quán của nữ điệp báo viên trên. Đây là công việc không hề đơn giản. Cách đây hàng chục năm, một số đồng đội của chị Nguyệt cũng đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị làm chế độ chính sách người có công cho chị Nguyệt, song bị từ chối vì không tìm được một thân nhân nào cả. Cũng bởi chị lên Hà Nội từ nhỏ, lại tham gia hoạt động điệp báo nên mối quan hệ với người thân rất ít. Chị cũng chưa kịp xây dựng gia đình riêng…

Thiếu tá Dương Đỗ Ngọc tra cứu một bộ hồ sơ người có công trong lực lượng Công an.

Thiếu tướng Minh đã liên hệ với Công an tỉnh Hưng Yên để "truy tìm" tung tích của người đồng chí, đồng đội mình. Chỉ với cái tên Lê Thị Nguyệt cùng địa chỉ là "làng Đìa, huyện Ân Thi, Hưng Yên", các cán bộ Công an Hưng Yên sau thời gian dài tìm kiếm đã lần được một manh mối. Rằng trong dòng họ Lê ở xã Quảng Lăng, huyện Ân Thi có một người con thất lạc đã lâu, tên Lê Thị Nguyệt.

Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cũng nhận được hai bức thư, là con cháu họ Lê ở thôn Bảo Tàng (Quảng Lãng, Ân Thi) xác nhận chị Nguyệt là cháu đời thứ 9 của dòng họ. Tra gia phả của dòng họ Lê ở huyện Ân Thi cũng có kết quả tương tự.

Vậy là đã xác định được tung tích của nữ điệp báo này. Lê Thị Nguyệt là con của cụ Lê Đình Oanh, cháu nội cụ Lê Phác (tự Cảnh Thuần), trú tại thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Theo sự hướng dẫn của các cán bộ Cục Chính sách, gia tộc chị tổ chức một cuộc họp, đồng thời cử người đại diện cho dòng họ đứng ra làm đơn đề nghị truy tặng liệt sĩ cho người có công, gửi lên các cơ quan ban ngành có trách nhiệm.

Nhưng đó mới là bước thứ nhất. Bước tiếp theo thì phải xác định chị Nguyệt có đúng là hoạt động trong lực lượng công an, mà cụ thể là Ty Công an Hà Nội? Đồng thời cũng phải xác minh chị Nguyệt hy sinh vì bị Sở Mật thám Pháp tra tấn. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, công đoạn này cũng không kém phần phức tạp.

Sau khi chị Nguyệt hy sinh, bọn mật thám đem vứt xác chị tại một khu vực vắng vẻ ở ngoại thành, song vẫn cài người để phục bắt đồng đội của chị. Để tránh kế gian của địch, đồng đội của chị tạm thời chưa lộ diện. Do cũng không có người thân nên cuối cùng hài cốt của chị bị thất lạc.

Theo quy định hiện hành, việc hy sinh của liệt sĩ phải có sự chứng kiến của ít nhất một nhân chứng. Tuy nhiên, khi chị Nguyệt hy sinh thì các đồng đội chỉ nghe thấy tiếng tra tấn của bọn mật thám, và chứng kiến chị bị chúng lôi vào phòng lấy cung. Nhưng bảo phải có người tận mắt chứng kiến chị hy sinh thì khó hơn đi lên trời.

Sau rồi các cán bộ cũng nghĩ ra một cách, lấy xác nhận của những người có uy tín để tạo thêm sức nặng cho bộ hồ sơ này. Đó là giấy xác nhận của các ông Nguyễn Tài, bà Nghiêm và chính Thiếu tướng Minh.

Giấy xác nhận của ông Nguyễn Tài, nguyên Trưởng Ty Công an Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Anh hùng LLVT ghi rõ: "Chị Lê Thị Nguyệt sinh năm 1922 ở làng Đìa, xã Bình Hồ (nay là Quảng Lãng, Ân Thi, Hưng Yên) tham gia công tác ở Công an quận VI, Ty Công an Hà Nội từ đầu năm 1947. Đến cuối năm 1947 chị Nguyệt được giao nhiệm vụ hoạt động điệp báo trong nội thành Hà Nội (lúc này địch đã chiếm đóng Hà Nội xây dựng hệ thống đồn bốt và ngụy quyền tới cơ sở, có tổ chức mật thám và cảnh sát). Do bị một tên phản bội chỉ điểm, đầu năm 1948 chị Nguyệt bị Sở Mật thám Pháp bắt tra tấn đến chết ngày 25/4/1948".

Phiếu xác nhận của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh: "Năm 1948, tôi là cán bộ điệp báo, Công an Hà Nội hoạt động trong nội thành Hà Nội, bị Sở Mật thám Pháp bắt tháng 5/1948. Tháng 6/1948, tôi bị địch đưa về giam tại Căng 1 nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Tại nhà tù Hỏa Lò, tôi gặp chị Thái (bí danh Duyên) cán bộ Công an Hà Nội bị địch bắt giam tại Sở Mật thám Pháp cùng một lúc với chị Nguyệt. Chị Thái cho biết, chị Nguyệt bị Sở Mật thám pháp bắt tra tấn đến chết ngày 25/4/1948".

Bà Nguyễn Thị Nghiêm, nguyên là cán bộ Công an Hà Nội từ năm 1947-1954, sau này về công tác tại Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp. Bà Nghiêm xác nhận: "Chị Lê Thị Nguyệt sinh năm 1922 ở làng Đìa, xã Bình Hồ (nay là Quảng Lãng, Ân Thi, Hưng Yên) tham gia kháng chiến ở Hà Nội cùng với tôi tại trạm cứu thương Cự Đà. Đến đầu năm 1947 thì chị Nguyệt về công tác tại Công an quận VI (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cuối năm 1947, chị Nguyệt được cấp trên giao nhiệm vụ về lại nội thành Hà Nội (vùng địch chiếm đóng) hoạt động điệp báo. Do bị tên Hùng “đen”, cán bộ Công an Hà Nội phản bội chỉ điểm nên đầu năm 1948 chị Nguyệt bị Sở Mật thám Pháp bắt và tra tấn cho đến chết ngày 25/4/1948".

Một trong những giấy tờ đề nghị công nhận liệt sĩ cho bà Lê Thị Nguyệt .

Sau khi có được bộ hồ sơ tương đối đầy đủ, cán bộ Cục Chính sách đã làm đề xuất sang Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, nếu chiếu theo các quy định hiện hành (Thông tư 54) thì rất khó để công nhận là liệt sĩ cho chị Nguyệt. Trong các cuộc họp liên ngành về vấn đề giải quyết chế độ cho người có công, trường hợp của chị Nguyệt cũng được cán bộ Cục Chính sách đưa ra nhằm tranh thủ ý kiến của các cấp lãnh đạo.

Và thật may, năm 2012, Chính phủ ban hành nghị định mới, thay cho Thông tư 54. Chiếu theo đó thì có thể áp dụng vào trường hợp của chị Nguyệt. Một lần nữa, Cục Chính sách soạn văn bản đề nghị phía LĐ-TB&XH xem xét giải quyết trường hợp chị Nguyệt. "Chúng tôi đã phải đấu lý với các ban ngành hữu quan một thời gian dài" - Thiếu tướng Minh chia sẻ. Sau đó Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi Thủ tướng, đề nghị công nhận liệt sĩ cho trường hợp của chị Nguyệt.

Tháng 3-2014, Đại diện Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Hưng Yên và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Lê Thị Nguyệt cho đại diện thân nhân liệt sĩ tại thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lăng, huyện Ân Thi, Hưng Yên.

Vậy là sau 66 năm, người cộng sản kiên trung, người nữ điệp báo xinh đẹp, can trường cũng đã được Nhà nước ghi nhận công lao hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân. "Khi nhận được quyết định của Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi thực sự cảm thấy rất vui. Thành quả này như một nén nhang anh em chúng tôi thắp lên ban thờ người đồng chí, đồng đội đã khuất" - Thiếu tá Ngọc bày tỏ.

Minh Tiến
.
.