Huyền thoại Hồ Chí Minh trong trái tim các nhà báo quốc tế

Thứ Tư, 20/05/2015, 15:25
“Nhân dân luôn là đích tuyệt đối của quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và ước muốn mang lại sự công bằng, bác ái, thịnh vượng cho mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới ù đánh giá theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhân vật chói sáng nhất trong thời đại chúng ta”, nhà báo, Chủ tịch ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC) bang Tây Bengal Geetesh Sharma đã khẳng định như vậy trong cuộc hội thảo với chủ đề “Hình tượng Hồ Chí Minh của nhân dân và Ấn Độ” tại thành phố Kolkata, bang Tây Bengal.

Và Bác Hồ đã đi vào từng giấc mơ của không chỉ Geetesh Sharma mà còn đối với nhiều nhà báo nước ngoài khác.

Hình tượng của sự khiêm tốn

Theo Chủ tịch IVSC bang Tây Bengal, Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai cái tên nước ngoài nổi tiếng và phổ biến nhất trong cộng đồng các dân tộc Ấn Độ, những người luôn khát khao những giá trị tư tưởng và trí thức suốt cả nửa cuối thế kỷ vừa qua, đặc biệt giai đoạn 1950-1970. Đây là thời kỳ có vô số bài thơ và bài luận bằng nhiều thứ tiếng của Ấn Độ về Hồ Chí Minh, nhất là ở Tây Bengal. Các tác phẩm của Hồ Chí Minh và tập thơ "Nhật ký trong tù" của Người cũng được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính của Ấn Độ và được độc giả yêu thích.

Chủ tịch IVSC bang Tây Bengal Geetesh Sharma kể về những kỷ niệm và tư liệu ông sưu tầm về Bác Hồ. Ảnh: Tư liệu.

Trong bài viết ca ngợi Bác Hồ, ông Geetesh Sharma khẳng định, không thể có thành tựu cách mạng vĩ đại của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của các thế lực lớn như Pháp, Nhật Bản, Mỹ nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt và vai trò cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các chính sách và chiến lược kiên quyết hợp lòng dân của lãnh đạo Việt Nam.

Chủ tịch IVSC bang Tây Bengal nói: "Tôi yêu Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã từng xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, từng hiến máu giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Chính sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhân dân Việt Nam do Người chỉ lối đã luôn thôi thúc tôi phải hành động vì chính nghĩa. Điều tôi ấn tượng nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Người luôn đặt nhân dân vào trọng tâm suy nghĩ của mình. Mục tiêu của Người không chỉ giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại xâm, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mơ ước tạo nên sự công bằng xã hội và phúc lợi cho nhân dân".

Và tình yêu vô bờ bến đối với Bác Hồ đã thôi thúc Geetesh Sharma dành hơn chục năm sưu tầm các tài liệu về Người để cuối cùng cho xuất bản cuốn sách "Hồ Chí Minh - Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc". Ông tâm sự: "Đây là công trình ghi lại những cảm nhận sâu sắc của tôi về Người. Đó là cuốn sách vì lòng yêu thương, thể hiện lòng kính trọng của tôi đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam cũng như của mọi tầng lớp người nghèo Ấn Độ và thế giới". 

Vì nhân dân luôn chiếm vị trí sâu thẳm trong tư tưởng nên Hồ Chí Minh luôn giữ lối sống giản dị, khiêm tốn. Nhắc lại sự kiện đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh từng thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên nước ngoài, ông Geetesh Sharma viết: "Mặc dù có Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống trong ngôi nhà sàn giản dị cho đến lúc qua đời. Người thường đi đôi dép cao su cũ và đôi dép đó đã trở thành biểu tượng của đức tính giản dị mà nhiều nhà lãnh đạo, cán bộ Đảng Cộng sản, giới tri thức và các nhà hoạt động tích cực tại Tây Bengal học tập".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: Tư liệu.

Trong ký ức của Chủ tịch IVSC bang Tây Bengal, đôi dép cao su của Bác Hồ được đo cắt rất khéo từ chiếc lốp ôtô quân sự của thực dân Pháp bị quân và dân Việt Nam phục kích tiêu diệt tại một vùng căn cứ địa Việt Bắc năm xưa, không dày cũng không mỏng, quai trước to bản, kiểu quai dép xăng-đan, rất chắc chắn, Bác đi rất vừa chân. Đôi dép cao su không chỉ bên cạnh Bác trong cuộc sống thường nhật mà còn cùng Bác đi khắp mọi miền của nửa Tổ quốc thân yêu và đến với bầu bạn xa gần trên thế giới. Đặc biệt, một lần đến thăm thủ đô New Delhi của Ấn Độ, câu chuyện về đôi dép cao su của Bác càng có thêm nhiều điều ngạc nhiên thú vị.

Chuyện là, khi Bác tiếp các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ, họ đều chú ý nhìn vào đôi dép dưới chân Người, họ luôn liếc nhìn với vẻ lạ lùng và rất đỗi trân trọng. Báo chí nước ngoài khi đó thì nói về đôi dép cao su của Bác như một chuyện lạ, một huyền thoại về một con người tuyệt vời của thế kỷ lúc bấy giờ.

Người dân Ấn Độ đã tỏ rõ lòng ngưỡng mộ đến lạ kỳ về đôi dép cao su. Khi Bác tới thăm một ngôi đền lớn và cổ kính của Ấn Độ, lúc Bác bước vào trong đền, để lại đôi dép bên ngoài thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến vây kín đôi dép cao su của Bác. Họ như phục sẵn từ rất lâu rồi, một số phóng viên còn cúi xuống dùng tay sờ, nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng.

Lãnh tụ cách mạng huyền thoại

Trong khi đó, nhà báo cánh tả người Australia nổi tiếng một thời Wilfred Graham Burchett (1911-1983), người đặc biệt gắn bó với Việt Nam và có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh lại không bao giờ có thể quên được lần gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3/954, trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ấn tượng về một nhà lãnh đạo thông tuệ, sâu sắc mà giản dị chính là khởi đầu cho sự gắn bó và tình cảm suốt đời của Wilfred Burchett với Việt Nam.

Nhà báo Wilfred Graham Burchett trong một lần phỏng vấn Bác Hồ. Ảnh: The Australian.

Ông viết: "Thật khó tin là chỉ vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Nhưng mà ở ông, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua. Ông bất ngờ xuất hiện từ trong bóng tối của rừng rậm, một chiếc áo gió vắt ngang vai như khăn choàng, rảo bước với một chiếc gậy tre dài, mũ cối hất cao trên trán. Sau khi đã khiến chúng tôi thoải mái bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát - và cả mấy câu tiếng Italia với bạn đồng sự người Italia của tôi - chúng tôi mới hỏi Hồ Chủ tịch tại sao các đài phát thanh lại đang rùm beng đến thế về Điện Biên Phủ. hực ra là ở đó đang có chuyện gì vậy? - "Đây là Điện Biên Phủ" - Bác Hồ vừa nói vừa lật ngửa chiếc mũ cối trên mặt bàn. “Đây là núi hết”, những ngón tay mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ của ông đưa vuốt quanh vành ngoài của chiếc mũ, "Chúng ta đang ở đó. Còn dưới này", ông nắm tay đặt sâu xuống lòng mũ, "là lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở đó - là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được".

Bằng ngòi bút sắc bén của mình, Wilfred Burchett đã viết 8 cuốn sách về Việt Nam trong số 35 cuốn sách ông viết vào các năm 1950-1960. Tám cuốn sách của ông về Việt Nam đều trở thành những cuốn sách bán chạy ở phương Tây. Những cuốn sách, những bài báo và phim tài liệu của ông về Việt Nam đều được đọc và được xem trên khắp thế giới và có ảnh hưởng lớn đến việc thức tỉnh công luận thế giới về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam, và tập hợp họ chống lại chiến tranh.

Nhà triết học người Anh nổi tiếng Bertrand Rusell, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1966 đã viết về Wilfred Burchett: "Nếu phải mắc nợ ai đó vì đã thức tỉnh công luận phương Tây về bản chất của cuộc chiến tranh này và khiến cho mọi người biết đến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thì người đó là Wilfred Burchett". Còn George Burchett, con trai của nhà báo Wilfred Burchett trong lần thăm Việt Nam gần đây nói: "Tôi lớn lên với những huyền thoại về Bác Hồ, về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam, về đất nước Việt Nam. Nhưng đó chỉ là một phần. Những gì cha tôi làm đã khiến tôi tìm hiểu rất nhiều về lịch sử, về chiến tranh và hòa bình. Đó vẫn là những bài học rất lớn của lịch sử".

Và những kỷ niệm không bao giờ phai

Nhắc đến những năm tháng tới Việt Nam và quãng thời gian ngắn ngủi tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo người Nga Sergei Afonin, phóng viên thường trú Hãng thông tấn Itar-Tass và báo Sự thật đoàn viên tại Việt Nam từ năm 1967 đến 1971 đã gọi đó là những ký ức đẹp soi sáng cuộc đời ông.

Năm 2011, trong một bài báo vạch trần những thủ đoạn và âm mưu bôi xấu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Sergei Afonin viết: "Vì lòng tôn kính đối với lãnh tụ của Việt Nam - Hồ Chí Minh, vì tình yêu đối với đất nước và người dân Việt Nam, xuất phát từ cuộc đời của mình từng gắn bó với Việt Nam, tôi nhận thấy rằng: chính những người đồng chí đã kề vai sát cánh với Bác Hồ trên con đường cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước; chính người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế có dịp tiếp xúc, làm việc với Hồ Chí Minh mới là những người đánh giá khách quan nhất về Bác.

Tôi may mắn được 3 lần gặp Bác Hồ vào các năm 1961, 1964 và 1969 tại Hà Nội. Ấn tượng cá nhân của tôi về Hồ Chí Minh - đó là một con người hết sức thông thái, nắm vững tình hình thế giới, trân trọng lý luận của Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga. Tôi đã gặp vô số nông dân, công nhân, trí thức, chiến sĩ lão thành cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Việt Nam.

Qua những cuộc tiếp xúc với họ, tôi mới cảm nhận được tình yêu và sự kính trọng từ trong lòng mình của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ của mình. Đối với họ, Bác Hồ là một con người thông thái nhưng giản dị, bằng cả trái tim mình lo cho đồng bào và vận mệnh nước nhà. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy rõ, bất chấp những lời vu khống và bịa đặt, hình ảnh gần gũi và giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi là tấm gương mẫu mực cho tất cả những ai có thiện chí trên thế giới này".

Nữ nhà báo Marta Rojas, nhà báo nước ngoài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 tháng trước khi Người qua đời. Ảnh: Alongthemalecon.

Còn đối với nữ nhà báo Cuba nổi tiếng Marta Rojas, người từng sát cánh cùng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong suốt 10 năm chiến tranh, từng gặp và phỏng vấn Bác Hồ, điều làm bà xúc động nhất, ngoài việc được sống và viết về các chiến sĩ Quân Giải phóng trong rừng, chính là lần trực tiếp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong một cuộc phỏng vấn chỉ 2 tháng trước khi Người qua đời…

Marta Rojas kể: "Có một sự thực là, khi chúng tôi tới bất cứ đâu dọc theo chiều dài dải đất kiên cường cũng bắt gặp những lời nói, ánh mắt và nụ cười nồng ấm tràn đầy ngưỡng mộ về Bác Hồ, về Việt Nam của người dân Cuba. Và đến giờ tôi vẫn giữ nguyên trong trái tim mình, nhớ như in từng chi tiết, không thể nào quên được cuộc phỏng vấn cuối cùng ấy.

7 giờ sáng, Bác mặc một bộ quần áo trắng giản dị ra tận cửa đón chúng tôi. Một điều hết sức bất ngờ là Bác đã chủ động chào tôi trước bằng tiếng Tây Ban Nha rất chuẩn, sau đó Người vui vẻ hỏi thăm sức khỏe của tôi, hỏi thăm sức khỏe của Fidel cũng bằng tiếng Tây Ban Nha. Ấn tượng đầu tiên trong lần đầu gặp Bác, đó là một con người vĩ đại song hết sức giản dị và lịch thiệp.

Hôm ấy, Người đi một đôi dép quai hậu không tất… Tôi đến với mục đích để phỏng vấn Bác, nhưng rốt cục Bác lại là người chủ động "phỏng vấn" tôi trước. Người nói: "Nào chúng ta hãy cùng nhau trò chuyện". Người nói với tôi: "Nỗi đau của nhân dân Việt Nam cũng chính là nỗi đau của tôi. Tôi dành cả cuộc đời mình cho nhân dân tôi". Người mong muốn có một nước Việt Nam mười lần tươi đẹp hơn.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.