Huyền thoại nữ tướng Nguyễn Thị Định (tiếp theo)
Kỳ 2: Những con người làm nên đồng khởi.
Đoàn miền Nam ra Bắc năm ấy còn có Đoàn Văn Trường - Tư lệnh Khu 8, Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp...
Tháng 3/1946, phái đoàn miền Nam Trung Bộ ra đi trên chiếc tàu đánh cá nghi trang, từ cửa biển Bến Tre ra Phú Yên. Rồi từ Phú Yên, họ ngồi xe lửa ra Hà Nội. Đến nơi, đoàn được bố trí ở ngôi nhà của Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Ngay hôm sau, Bác Hồ đến thăm đoàn. Bác ưu tiên cho người phụ nữ trong đoàn nói trước. Chị đứng lên, quá xúc động, không nói được nên lời.
Bác đỡ lời: “Thiếu súng đạn lắm phải không? Các cô các chú muốn xin bao nhiêu khẩu mang về?". Chị sung sướng nói: “Dạ thưa Bác, nhiều lắm”. Bác nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào
Sau này, chị đã vận dụng lời Bác dạy một cách hiệu quả ở chiến trường miền
Chị không chỉ vào được tận kho để nhận phần cho Khu 8 mà còn năn nỉ xin thêm: “Tôi mang một cây mà bị lộ thì cũng chết. Các anh cho tôi một ngàn cây, tôi đi một chuyến cho đáng”.
Thế rồi, bằng lòng quả cảm, trí thông minh, chị Ba Định lại cùng các đồng chí của mình khéo léo vượt trùng dương đưa được 12 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam một cách an toàn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, chị Ba Định quyết định ở lại miền Nam, chỉ mình On ra Bắc. Người mẹ đứng trên bờ tiễn con, lòng tràn trề niềm tin và hy vọng. Chị đâu ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn...
Hiệp định Genève bị địch vi phạm nghiêm trọng. Cán bộ kháng chiến cũ bị đặt ngoài vòng pháp luật. Nhiều chi bộ bị xóa trắng. Chị phải giả làm nghề nuôi heo, nuôi gà vịt tại nhà một đồng bào ở giữa cánh đồng vùng giáp ranh ba xã Tân Hòa, Thạnh Phú Đông, Phước Long.
Ở Bến Tre và nhiều địa phương khác, chính quyền Diệm lập hội đồng hương chính, dùng những tên địa chủ vốn căm thù Cộng sản làm đại diện, sẵn sàng bắn chết người nếu tình nghi “Việt Cộng”. Bến Tre sống trong cảnh ngột ngạt và khó thở cùng cực.
Giữa lúc ấy, đồng chí Lê Duẩn được cử về Bến Tre nắm tình hình, tổ chức và động viên bà con hãy kiên định trong công việc đấu tranh giành độc lập. Đồng chí Lê Duẩn căn dặn Tỉnh ủy phải xây dựng nội tuyến trong quân ngụy, khẩn trương xây dựng tự vệ ngầm ở vùng yếu.
Khi anh Ba Duẩn được Trung ương mời ra họp ở Hà Nội, tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào bị giặc khủng bố, càng thôi thúc “anh Ba” hoàn chỉnh "Đề cương cách mạng miền Nam" cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - một hội nghị quan trọng nhất của Trung ương năm 1959 bàn về sự chuyển hướng đấu tranh của Cách mạng miền Nam.
Bản thân bà Nguyễn Thị Định nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Bà đã từng cải trang thành người tu hành, người chăn vịt, người đi mua bán, làm vợ bé, người ở... Đôi chân của bà hết in dấu bên Minh lại về bên Bảo, hết qua An Hóa lại về Châu Thành xây dựng cơ sở, nắm tình hình phong trào.
Cái đầu của bà được địch treo giá: “Thưởng 10.000 đồng cho ai bắt được Nguyễn Thị Định".
Nhờ sự dũng cảm của các đồng chí, của người dân, kể cả của các em bé, bà đã vượt qua tất cả hiểm nguy.
Một lần, bà lần về xã Phước Thạnh trong đêm khuya, ở lại gia đình anh chị Tư - một cơ sở nòng cốt. Anh có hai đứa con: cháu gái tên Thành, cháu trai tên Công. Sáng hôm sau, vì quá mệt, bà ngủ quên. Bất ngờ bọn lính ập tới. Thành hốt hoảng lay bà dậy. Bà chỉ kịp dỡ nắp hầm, nhảy xuống, mặc dù biết làm vậy rất nguy hiểm nhưng không còn con đường nào khác.
Thành lanh trí đổ nồi cháo heo đã nấu xuống miệng hầm. Cháo văng tung tóe, bít cả miệng hầm. Thành tát vào mặt em, quát: “Mày hư quá, làm bể nồi tấm, má về đánh cho coi!”. Công bị đánh đau, không biết gì, ức quá, òa lên khóc.
Vừa lúc đó, hàng chục tên lính bước vào nhà. Thấy ngôi nhà chỉ có hai đứa bé nheo nhóc, với nồi cháo heo vung vãi, bọn lính ngán ngẩm bỏ đi. Bà thở phào nhẹ nhõm, khen Thành nhanh trí đã cứu được bà...
Cuối năm 1959, Mỹ - Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre. Ý đồ thâm độc của chúng là gom tất cả gia đình có người đi tập kết, cán bộ thoát ly và đồng bào yêu nước vào địa ngục trần gian này.
Đồng bào nhất quyết không đi. Địch tăng cường hai đại đội do tên Ba Hương khét tiếng ác ôn chỉ huy, phối hợp với hai tiểu đoàn của Sư đoàn 7 trấn áp bà con.
Chúng châm lửa đốt nhà, đốn cây, dùng xe ủi phá nát ruộng lúa. Chúng bắt thanh niên đi làm xâu, thẳng tay đàn áp đồng bào đấu tranh. Giữa ban ngày, chúng ngang nhiên bắn giết, hãm hiếp. Chúng bắn chết những trẻ chăn trâu rồi dùng dao găm chặt đầu, xách về khu trù mật, nói là đã trừ được hai tên trinh sát lợi hại của Việt Cộng. Được cán bộ chỉ dẫn, hàng ngàn quần chúng đã kéo đến khu trù mật đưa yêu sách:
- “Chống bắt dân làm xâu!
- Đòi bồi thường huê lợi, tài sản hư hao!
- Đòi trở về chỗ cũ làm ăn...”.
Tên ác ôn thẳng tay cho đàn áp đồng bào. Hắn xông vào đám đông, đạp vào giữa bụng người phụ nữ đưa yêu sách. Chị ngất xỉu, mình bầm đen. Vậy mà khi tỉnh dậy, chị động viên đồng bào: “Các bà, các chị cứ yên tâm. Tôi còn sống, bà con cứ khiêng tôi xuống quận đấu tranh...”
Lửa căm thù âm ỉ bốc cháy. Nhân dịp Ngô Đình Diệm đi thăm khu trù mật, bà con bất chấp hàng rào cảnh sát, quần áo bẩn thỉu, rách nát; đầu trùm khăn tang, xông ra đường đấu tranh. Một cuộc đàn áp dữ dội diễn ra.
Cuối cùng người dân cũng đưa được bản kiến nghị cho Ngô Đình Diệm. Lợi dụng thời cơ, nhiều bà, nhiều chị níu áo Diệm và các tên sĩ quan khóc la thảm thiết, đòi trả lại họ chồng, con, cha mẹ...
Ngô Đình Diệm hoàn toàn bất ngờ, lúng túng, nói vài câu hứa hẹn rồi lên máy bay về Sài Gòn. Sau cuộc kinh lý thất bại này của Diệm, bà con Bến Tre bị bọn tay sai trả thù bằng những trận khủng bố, ruồng ráp dữ dội hơn. Luật 10-59 của Mỹ Diệm gieo bao đau thương tang tóc cho người dân.
Máy chém lê đi khắp nơi, nhà tù mọc lên khắp miền
Điều mong mỏi tha thiết của bà con cũng là nỗi mong đợi tha thiết của Tỉnh ủy. Nhưng bà và các đồng chí trong Tỉnh ủy luôn bị giằng xé, giữa một bên là ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, một bên là nỗi bức xúc phải vũ trang để bảo vệ nhân dân.
Giữa lúc tiến thoái lưỡng nan, may mắn thay, bà nhận được điện Khu ủy gọi lên họp gấp để nghe phổ biến nghị quyết mới, rất quan trọng của Trung ương Đảng. Tại Khu ủy ở Đồng Tháp Mười, nghe đồng chí Sáu Đường - Bí thư Khu ủy báo cáo tình hình và chủ trương của Trung ương, chuyển hướng đấu tranh cách mạng, bà như mở cờ trong bụng.
Vậy là Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng rõ ràng đã chủ trương phát động nhân dân miền
Do địch liên tiếp lùng sục nên cơ sở và Tỉnh ủy phải liên tục di dời. Việc liên lạc rất khó khăn, để chậm sẽ mất thời cơ. Cuối cùng, các đồng chí trong Tỉnh ủy cũng gặp lại nhau và đồng chí Bảy Hiền - Tỉnh ủy viên mạnh mẽ nói: “Dứt khoát phải làm ngay mới kịp. Ta cứ nổi dậy, tức khắc sẽ bắt được liên lạc”.
Trong gian buồng bé nhỏ, được soi bởi ngọn đèn khi mờ khi tỏ, 7 đồng chí kiên trung năm ấy đã thắp lên ngọn lửa Đồng khởi, đi vào lịch sử cách mạng miền
Bà nhắc lại: “Bảy người chúng ta có mặt ở đây, hôm nay sẽ cùng chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và Khu ủy. Nếu làm sai, mình xin chịu kỷ luật, mà làm đúng thì lấy thắng lợi bước đầu phát triển lên”.
Vấn đề nan giải nhất là lực lượng và vũ khí. Họ cùng tỉnh táo nhìn nhận thực lực của ta chỉ còn không đầy 20 chi bộ và 200 đảng viên, với 4 cây súng hư, cũ; mỗi khẩu chưa đầy 10 viên đạn. Nếu lực lượng nổi dậy lẻ tẻ, không đồng loạt, không có khí thế áp đảo, địch sẽ tập trung đàn áp, cơ sở quần chúng sẽ bị khủng bố, quét sạch, khó mà gượng dậy nổi.
Tại hội nghị, trong tập thể 7 người, không hẹn mà ai cũng dùng đến từ đồng khởi.
Trong ý nghĩ của bà Định, hai chữ đồng khởi được liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong Cách mạng tháng Tám, phải nhất tề nổi dậy mới thắng được. Hội nghị chọn quận Mỏ Cày làm trọng điểm đồng khởi.
Để có ngay lực lượng võ trang làm nòng cốt trừ gian, diệt ác; bà đề nghị chọn ở mỗi xã một số thanh niên trung kiên, lập ra những tổ hành động, trước mắt trang bị bằng dao, mác, mã tấu đồng thời tìm người, tìm chỗ sửa mấy khẩu súng hư, giao cho mỗi tổ ít nhất một cây súng “làm vốn”.
Ngoài việc nghi binh, Tiểu đoàn 502 Đồng Tháp (Tiểu đoàn này đánh trận Gò Quản Cung nổi tiếng ở Hồng Ngự năm 1959, chỉ một trung đội, lập kế diệt cả tiểu đoàn địch, bắt sống 105 tên, thu 150 súng), ta còn tung tin có bộ đội chủ lực miền Bắc tham gia đồng khởi.
Bà còn cho một số thanh niên xã này qua xã khác học nói giọng miền Bắc, khi có lệnh lũ lượt hành quân, vác súng giả tự tạo như súng cây, súng bập dừa có bọc ni lông giả làm như bộ đội thật và súng thật để hù dọa địch, mặt khác động viên nhân dân nổi dậy. Tài năng quân sự cùng với sự thấu đáo của Ban tham mưu mà người chỉ huy trực tiếp là Nguyễn Thị Định đã lập nên kịch bản đồng khởi vô cùng tỉ mỉ, chu đáo.
Đội quân tóc dài của tỉnh Bến Tre |
Ngày 17/1/1960, trận đánh diệt Tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy, Mỏ Cày đã báo hiệu giờ đồng loạt nổi dậy cuộc Đồng khởi.
Lực lượng vũ trang được sự phối hợp nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào, lấy gọn bót Định Thủy. Mỗi người dân tay cầm tầm vông, dáo, phảng, cờ đỏ sao vàng từ chợ Định Thủy kéo ra phối hợp như nước vỡ bờ. Quân địch ở Mỏ Cày bị phao tin “quân đội Việt Cộng về lấy bót Định Thủy, đang kéo tới Mỏ Cày rất đông", bèn co cụm lại giữ bót, không dám tiếp viện cho Định Thủy.
Thế là ngay trong ngày đầu tiên của Đồng Khởi, quân và dân Bến Tre đã đánh thắng hai trận ròn rã. Những trận thắng lịch sử đầu tiên này đã hình thành nên thế tấn công ba mũi rất đẹp. Từ đó, bà Nguyễn Thị Định đã sáng tạo nên phương pháp cách mạng tiến hành ba mũi giáp công, góp phần đưa cách mạng miền
Sau khi bị đòn bất ngờ, choáng váng của ngọn triều Đồng khởi, chỉ 10 ngày sau, bọn địch mới vỡ lẽ quân cách mạng chỉ có tay không, nổi lên bằng sức mạnh của quần chúng với gậy tầm vông, vũ khí thô sơ, chẳng có quân giải phóng miền Bắc nào cả. Chúng bắt đầu phản công dữ dội.
Ngày 22/2/1960, Mỹ - Diệm tập trung hơn 10.000 quân, có thủy quân lục chiến từ Sài Gòn xuống phối hợp với bảo an, dân vệ hiện có ở Bến Tre, Trà Vinh mở cuộc cuộc hành quân lớn vào Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy. Chúng tuyên bố “sẽ làm cỏ ba xã, tiêu diệt hết Việt Cộng ở Mỏ cày và lập lại trật tự cũ”.
Trước tình thế này, một mặt, bà chỉ đạo lực lượng vũ trang chống càn. Mặt khác, huy động lực lượng quần chúng làm công tác binh vận, đấu tranh chính trị.
Thay vì giữ dân tại chỗ để giữ thế hợp pháp, bà chủ trương huy động một lực lượng lớn quần chúng xông thẳng vào Mỏ Cày đấu tranh chính trị, tố cáo tội ác của giặc ở Phước Hiệp - nơi giặc càn quét lớn.
Ngày 27/2/1960, đồng bào Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy ngồi trên mấy trăm chiếc xuồng kín mặt sông, chở quần áo, mùng màn, giẻ rách, bồng con cái nối đuôi nhau ra thị trấn. Các xã khác cũng ùn ùn kéo theo. Lực lượng ấy phần lớn là phụ nữ, họ tổ chức thành đội ngũ hẳn hoi, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, đòi bồi thường nhân mạng...
Tên cảnh sát đóng chặt cổng. Giằng co suốt 12 ngày đêm, địch đành chấp nhận yêu sách, kéo nhau đến xã Phước Hiệp thừa nhận tội ác bọn thủy quân lục chiến và hứa rút bọn này về.
Cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi rực rỡ, bọn Mỹ - Diệm phải gờm sức mạnh lợi hại đội quân chúng gọi là “đội quân đầu tóc”. Sau này, Bác Hồ gọi đội quân này là “đội quân tóc dài”. Tên tuổi Nguyễn Thị Định gắn liền với cuộc Đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền
(Xem tiếp ANTG số 644, thứ Tư, ra ngày 11/4/2007)