Huyền thoại tình báo Xôviết Gevork Vartanian
Ngày 10/1/2012, nhà tình báo huyền thoại của Liên Xô (cũ) Gevork Vartanian đã qua đời tại Moskva ở tuổi 88. Ông từng là một trong những thành viên của toán điệp viên Liên Xô tham gia phá vỡ âm mưu bắt cóc lãnh đạo "Tam cường" vào năm 1943. Với bề dày thành tích sau nửa thế kỷ hoạt động tình báo, ông được tặng thưởng nhiều huy chương cao quý và được xem là một trong những điệp viên sáng chói nhất, một trong những huyền thoại của tình báo Xôviết.
Điệp viên "con nhà nòi"
Có vẻ như Gevork Vartanian được sinh ra để làm tình báo. Ông sinh năm 1924 tại nơi mà ngày nay gọi là Rostov trên sông Đông (Rostov-on-Don), trong một gia đình tình báo nòi, giàu truyền thống yêu nước. Cha ông là một điệp viên giàu kinh nghiệm, từng 23 năm làm điệp viên tại Ba Tư (Iran ngày nay) dưới vỏ bọc là một thương gia giàu có. Iran dường như đã là quê hương thứ 2 của ông khi cha ông được phái đến Tehran công tác từ năm 1930 cho đến khi về hưu vào năm 1953.
Với nền tảng gia đình như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết ông theo ngành tình báo từ khi còn rất trẻ, mới 16 tuổi. Và ngay trong năm 1940, ông đã tham gia vào điệp vụ quan trọng đầu tiên. Đó là điệp vụ phá mạng lưới gián điệp phát xít Đức tại Iran. Sẵn có điều kiện cư trú tại Tehran là một thuận lợi rất lớn để Vartanian tham gia các hoạt động tình báo tại đây. Thực ra thì Vartanian đã được chuẩn bị để bước theo con đường của cha mình từ lâu và sau này, khi cha ông về hưu, Vartanian đã sẵn sàng đảm nhiệm công việc thay cha.
Năm 1942, dưới vỏ bọc là một sinh viên tên Amir, Vartanian theo học một khóa đào tạo tình báo tại Tehran do tình báo Anh tổ chức dưới vỏ bọc là một câu lạc bộ vô tuyến nghiệp dư. Từ lớp học này, Vartanian đã điểm danh một loạt điệp viên Anh tương lai, và chính nhờ danh sách của Vartanian mà Cơ quan Phản gián Xôviết sau đó đã bắt giữ hàng loạt điệp viên Anh đột nhập lãnh thổ Liên Xô. Vartanian vỡ lẽ (và sau này kể lại) rằng cho dù là "đồng minh" thì người Anh (và có thể cả người Mỹ) vẫn "làm điều bẩn thỉu đối với chúng tôi".
Cuộc đời tình báo của Vartanian kéo dài hơn 50 năm (1940-1992). Mãi đến tháng 12/2000, hồ sơ mật về cuộc đời hoạt động tình báo của ông mới được Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) công khai. Theo các hồ sơ mật thì ngoài Iran, ông còn được giao nhiệm vụ công tác tại rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trải khắp từ châu Âu, trong đó có Italia, Pháp, Hy Lạp,… châu Á (Iran,…) và Mỹ.
Với nhiều công trạng to lớn, đặc biệt là công trạng khi tham gia điệp vụ Tehran-43, Vartanian đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Nhà nước Xôviết và Nga sau này, trong đó có thể kể Huy chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô được trao năm 1984 vì công trạng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và trong Chiến tranh lạnh.
Với riêng Vartanian thì thành quả lớn nhất cuộc đời hoạt động tình báo của ông chính là việc ông đã được cùng vợ, bà Goar, hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao suốt chặng đường hoạt động tình báo của 2 người. Xin nói thêm về vợ chồng Vartanian. Đây là căp vợ chồng đặc biệt, cả hai đều là điệp viên KGB và cùng hoạt động chung trong ngành tình báo, được phân công làm nhiệm vụ cùng nhau.
Họ gặp nhau từ khi chưa là điệp viên, và khi trưởng thành, chính Vartanian là người đã tuyển mộ Goar vào ngành. Tùy theo nhiệm vụ được giao, Vartanian và vợ đã cưới nhau đến hàng chục lần tại các quốc gia khác nhau để tạo vỏ bọc hoàn thành nhiệm vụ. Điều đáng khâm phục ở căp vợ chồng tình báo Vartanian là suốt 45 năm hoạt động ròng rã, cả hai đều trở về nhà bình yên và được sống bên nhau đến suối đời. Hai người quay trở về Liên Xô vào năm 1986. Goar nghỉ hưu, còn Vartanian tiếp tục công tác đến năm 1992.
Gevork Vartanyan và vợ là điệp viên Goar khi đã nghỉ hưu. |
Điệp vụ Tehran-43 làm phá sản Chiến dịch "Long Jump"
Điệp vụ Tehran-43 là cách gọi của ông Vartanian khi kể lại vụ việc với báo chí sau này. Mục tiêu của điệp vụ này là nhằm phá Chiến dịch Cú nhảy xa (Long Jump) - một âm mưu vô cùng thâm độc của phát xít Đức, có thể ảnh hưởng quyết định đến cục diện Chiến tranh thế giới lần II.
Cũng cần biết thêm, vào thời Chiến tranh thế giới lần II, Iran là mặt trận tình báo vô cùng quan trọng. Nơi đây không chỉ là đất hoạt động của tình báo Xôviết mà còn là địa bàn "làm mưa làm gió" của tình báo phát xít Đức. Vua Iran Mohammad Reza Pahlavi là người rất có cảm tình với Hitler, vì thế ông ta đối đãi với người Đức rất trọng thị. Chính vì thế mà Trưởng trạm tình báo Đức tại Tehran là Franz Meyer được xem là một người rất quyền lực tại đây.
Theo lời kể của Vartanian, từ rất lâu trước Hội nghị Teheran-43, cuộc chiến tình báo giữa quân đồng minh, cụ thể là KGB của Liên Xô, với tình báo quân đội phát xít Đức tại Iran đã diễn ra rất quyết liệt. Khoảng từ tháng 2/1940 đến tháng 8/1941, Vartanian tham gia một nhóm sĩ quan tình báo KGB gồm 7 người được biệt phái đến Iran để làm nhiệm vụ "điểm danh" các điệp viên Đức tại Iran, và nhóm của Vartanian đã điểm danh tổng cộng hơn 400 tên mật vụ Đức. Nhờ danh sách này mà khi quân đội Xôviết được điều đến Iran đã nhanh chóng bắt gọn toàn bộ số mật vụ Đức tại đó.
Đó là chiến công đầu tiên trong đời hoạt động tình báo của Vartanian. Sau vụ này, trùm tình báo Đức tại Iran Meyer đã rút vào hoạt động bí mật hơn. Y để râu dài, giả làm người Iran làm việc trong một nghĩa trang của người Armenia.
Nhóm 7 người của Vartanian tiếp tục ở lại Iran để làm nhiệm vụ bảo vệ Hội nghị Tehran-43. Vào thời điểm đó, phe đồng minh đang cần mở thêm mặt trận phía Tây nước Đức để sớm kết thúc chiến tranh và tiêu diệt hoàn toàn quân phát xít. Hội nghị "Tam cường" tháng 11/1943 - giữa 3 nhà lãnh đạo 3 cường quốc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Tổng thống Mỹ Franklin D. Rooservelt, Tổng Bí thư kiêm Đại nguyên soái Liên Xô Josef Stalin và Thủ tướng Anh Winston Churchill - chính là nhằm mục đích đạt được thỏa thuận mở mặt trận phía Tây nhằm chia lửa với "mặt trận phía Đông" do Liên Xô đảm trách. Việc mở thêm mặt trận phía Tây sẽ buộc phát xít Đức phải chia quân ra đối phó, nhờ đó phe Đồng minh có thể dễ dàng tiêu diệt các lữ đoàn xe tăng khét tiếng của Đức.
Ba nhà lãnh đạo "Tam cường" tại Hội nghị Tehran 1943 (từ trái sang): Lãnh tụ Liên Xô Josef Stalin, Tổng thống Mỹ Frankllin D. Rooservelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill. |
Thời chiến tranh thế giới, việc tổ chức một hội nghị cấp cao của 3 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tại một địa điểm thông thường như khách sạn hay dinh thự là vô cùng nguy hiểm. Cho nên Đại sứ quán Liên Xô tại Tehran được chọn là địa điểm lý tưởng cho một hội nghị bí mật kiểu này. Cũng vì lý do an ninh mà Tổng thống Mỹ Rooservelt đành phải chấp nhận lưu trú ngay bên trong Đại sứ quán Liên Xô, còn Thủ tướng Anh thì ở trong Đại sứ quán Anh ở bên kia con phố, đối diện Đại sứ quán Liên Xô.
Theo lời kể của ông Vartanian trên báo chí vào năm 2007, nhờ cách bố trí chỗ ở như thế này, nên khi cuộc họp diễn ra, con phố đi ngang qua các đại sứ quán Anh và Liên Xô đã bị chặn bít, xây tường rào chắn ngang để tạo hành lang an toàn cho việc đi lại từ Đại sứ quán Anh sang Đại sứ quán Liên Xô.
Thế nhưng kế hoạch tổ chức Hội nghị đã bị lộ mà không ai hay biết. Số là khoảng giữa tháng 10/1943, tình báo phát xít Đức đã bắt và giải mã được điện tín mã hóa của Hải quân Mỹ với nội dung trao đổi về kế hoạch tổ chức "Hội nghị Tam cường", thường gọi là Hội nghị Tehran 1943, nhờ đó mà Berlin nắm được cả thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị là ngày 28/11/1943 tại thủ đô Tehran của Iran.
Từ thông tin này, ban lãnh đạo Đức đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan Tình báo quân đội Đức (Abwehr) bằng mọi cách phải bắt cóc và ám sát cho bằng được 3 nhà lãnh đạo quân Đồng minh là Rooservelt, Stalin và Churchill. Otto Skorzeny, một trong những điệp viên xuất sắc nhất của Đức Quốc xã được chọn giao nhiệm vụ tuyệt mật này.
Trong khi đó, việc bảo đảm an ninh cho 3 nhà lãnh đạo tại Hội nghị Tehran-43 được giao hoàn toàn cho phía Liên Xô đảm trách, vì vào thời điểm đó quan hệ giữa Liên Xô và Iran còn có một Hiệp ước Hữu nghị Nga-Ba Tư ký vào năm 1921 vẫn còn hiệu lực. Phía Liên Xô cũng có các nhà tình báo kiệt xuất, có khả năng đảm bảo an ninh tuyệt đối cho Hội nghị.
Trong số các sĩ quan tình báo Liên Xô thời đó phải kể đến huyền thoại tình báo Nikolai Kuznetsov, một đàn anh bậc thầy mà Vartanian rất ngưỡng mộ. Kuznetsov là một điệp viên ngầm của KGB hoạt động tại Đức dưới vỏ bọc là một thượng úy quân đội tên Paul Siebert. Kuznetsov đã lân la làm quen với đám lính hầu cận của các sĩ quan tình báo quân đội Đức nhằm tìm kiếm thông tin rò rỉ, trong số đó có Ulrich von Ortel, một chỉ huy tác chiến SS. Chính Ulrich von Ortel vì quá tự phụ nên đã vô tình làm lộ âm mưu thâm độc của nước Đức.
Vào một buổi chiều cùng với Kuznetsov uống rượu say, Ulrich von Ortel đã khoe với Kuznetsov về Chiến dịch Long Jump, nói rằng y sắp được phái đến Iran để thực thi một sứ mệnh trọng đại. Ulrich von Ortel khoe khoang với Kuznetsov rằng, tình báo quân đội Đức đã phái vài toán biệt kích đến Iran để thực thi nhiệm vụ, và hiện còn nhiều toán nữa đang được huấn luyện tại Copenhagen, Đan Mạch. "Chúng tôi sẽ tái hiện điệp vụ Abruzzi (điệp vụ giải cứu Moussolini). Chúng tôi sẽ xóa sổ Stalin và Churchill và lật ngược tình thế chiến tranh".
Thông tin vô cùng quý giá về âm mưu phá hoại Hội nghị Tehran-43 của phát xít Đức ngay lập tức được truyền về trung tâm chỉ huy của KGB và một kế hoạch khẩn cấp nhằm phá vỡ âm mưu này cũng được triển khai ngay sau đó. Tuy nhiên, việc tìm ra manh mối và phát hiện điệp viên Đức tại Iran là vấn đề không đơn giản, bởi vào thời điểm Chiến tranh thế giới lần II lên cao trào, Iran tràn ngập người châu Âu chạy tị nạn, trong đó có khoảng 20.000 người Đức. Các điệp viên phát xít Đức đã hòa lẫn vào trong những người Đức tị nạn này.
Theo lời kể của Vartanian, nỗ lực phá âm mưu của người Đức của nhóm 7 điệp viên KGB tưởng chừng rơi vào ngõ cụt. Cho đến gần ngày tổ chức Hội nghị mà họ vẫn chưa thể lần ra manh mối nào của bọn điệp viên Đức. Và giữa lúc tưởng chừng vô vọng ấy, nhóm 7 điệp viên của Vartanian đã phát hiện được 6 đài vô tuyến của điệp viên Đức. Bọn điệp viên sát thủ này đã nhảy dù xuống thị trấn Qom nằm cách thủ đô Tehran khoảng 60 km. Từ đây, nhóm của Vartanian đã âm thầm theo chân 6 điệp viên vô tuyến điện đến Tehran, nơi Meyer đã chuẩn bị sẵn một bãi đáp cho chúng là một ngôi biệt thự sang trọng.
Ápphích bộ phim “Teheran 43” (do Alain Delon đóng chính) với nội dung nói về Điệp vụ Teheran-43. |
Vartanian kể, bọn điệp viên Đức di chuyển bằng lạc đà, mang đầy vũ khí. Trong lúc theo dõi nhóm điệp viên Đức, Vartanian quan sát thấy bọn chúng thường liên lạc với Berlin bằng máy vô tuyến truyền tin, và đã ghi âm lại hoạt động thông tin liên lạc đó. Vartanian kể, "sau khi giải mã thông tin ghi âm, chúng tôi biết được bọn Đức đang chuẩn bị cho đổ bộ một nhóm gián điệp thứ 2 (do đích thân Skorzeny chỉ huy) nhằm thực hiện âm mưu khủng bố: bắt cóc hoặc ám sát lãnh đạo Tam cường". Ngay lập tức, toàn bộ thành viên nhóm thứ nhất đã bị bắt và bị buộc phải tiếp tục liên lạc với đồng bọn theo sự giám sát của tình báo Xôviết.
Rốt cuộc, được sự đồng ý của tình báo Xôviết, nhóm gián điệp thứ nhất đã thông báo về "tổng hành dinh" về việc kế hoạch bị bại lộ và thất bại. Từ đó, tình báo Đức đã quyết định không cử nhóm thứ 2 (do Skorzeny chỉ huy) sang Iran và hủy luôn kế hoạch phá hoại Hội nghị Tehran-43