Huyền thoại về trung đoàn nữ phi công chiến đấu đầu tiên trên thế giới

Thứ Bảy, 25/08/2018, 05:46
Ngày 8-10-1941, chỉ một thời gian ngắn sau khi Hitler xua quân tấn công Liên bang Xôviết, Nguyên soái Stalin đã ra lệnh thành lập ba trung đoàn máy bay ném bom mà tất cả phi công đều là phụ nữ. Đây cũng là đơn vị không quân chiến đấu đầu tiên trên thế giới do phụ nữ đảm nhiệm.

Với lính Đức Quốc xã, họ gọi những phi công này là "phù thủy đêm" bởi các vụ ném bom của các "phù thủy" được thực hiện bằng chiến thuật "tàng hình"…

Sự ra đời của trung đoàn ném bom "phù thủy đêm"

Sinh ngày 28-3-1912 tại tỉnh Saratov, Liên bang Xô viết, Marina Raskova có cha là ca sĩ và mẹ là giáo viên. Trái ngược với ước muốn của gia đình, năm 1931, thay vì trở thành ca sĩ, Raskova thi vào Học viện Hàng không. Sau khi tốt nghiệp, Raskova trở thành người phụ nữ đầu tiên là giảng viên trong Không quân Xôviết.

Tháng 9-1938, với cương vị cơ trưởng, Raskova cùng các phi công Polina Osipenco và Valentina Grizodubova - tất cả đều là phụ nữ, điều khiển chiếc máy bay ném bom tầm xa An-37, bay từ Moscow đến Komsomolsk ở vùng Viễn đông Liên Xô, đường dài 5.947km với thời gian 26 giờ 29 phút.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 588 Marina Raskova.

Tuy nhiên khi chuẩn bị đáp xuống, do thời tiết rất xấu, không thể nhìn thấy đường băng sân bay trong lúc chiếc An-37 lại bị va đập vào một cành cây nên cả ba phải nhảy dù. Sau 10 ngày lạc trong rừng, họ được cứu thoát. Dù không hạ cánh an toàn nhưng Raskova,  Osipenko và Grizodubova là những nữ phi công đầu tiên bay xuyên nước Nga nên ngày 2-11-1938, cả ba được phong danh hiệu Anh hùng.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra. Tháng 6-1941, Hitler xua quân xâm lược Liên Xô trong một chiến dịch được đặt tên là Barbarossa.  4 tháng sau đó, quân đội Đức Quốc xã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, bao vây thành phố Leningrad và Moscow, đẩy lùi nhiều đợt phản công của Hồng quân. Thời điểm ấy, rất nhiều phụ nữ Nga tình nguyện tham gia chiến đấu để trả thù cho những người thân của họ bị phát xít Đức giết hại, nhà cửa ruộng vườn bị đốt cháy, và cũng không ít người mong muốn trở thành phi công nên Raskova đã đề đạt nguyện vọng này đến Nguyên soái Liên Xô Joseph Stalin.

Marina Raskova phổ biến kế hoạch đánh đêm cho các nữ phi công.

Ngày 8-10-1941, Stalin ký quyết định thành lập Không đoàn 221, gồm 3 Trung đoàn là 586, 587 và 588 với tất cả phi công đều là phụ nữ, trong đó Trung đoàn 588 do Marina Raskova chỉ huy. Từ hơn 2.000 lá đơn tình nguyện, Raskova chọn ra 400 phụ nữ ở độ tuổi 18 đến 26, hầu hết là sinh viên các khoa Toán, Lý, ở các trường đại học.

Kolevaska, phi công Trung đoàn 588 kể lại: "Chúng tôi được chuyển đến Trường Hàng không Engels, nằm cạnh một thị trấn nhỏ ở phía bắc Stalingrad, gần mặt trận. Do đã có kiến thức khoa học cơ bản nên thời gian huấn luyện của chúng tôi chỉ có 9 tháng thay vì phải kéo dài 2 năm như những phi công khác".

Karinova, cũng là một học viên nói thêm: "Ngoài cường độ học tập rất căng thẳng, chúng tôi còn phải đối mặt với sự hoài nghi của các phi công, thợ máy, nhân viên kỹ thuật nam giới. Họ cho rằng chúng tôi không thể đảm đương nhiệm vụ chiến đấu vì sức khỏe và sự linh hoạt của phụ nữ kém xa đàn ông. Hiểu rõ điều này, Trung đoàn trưởng Raskova liên tục động viên chúng tôi rằng trước kẻ thù, ai can đảm thì người đó sẽ chiến thắng".

"Phù thủy đêm" xuất kích

Ngày 28-6-1942, Trung đoàn 588 xuất kích lần đầu tiên. Do Không quân Liên Xô lúc ấy chưa chuẩn bị trang phục cho phi công là phụ nữ nên tất cả phi công của Trung đoàn 588 đều nhận được những bộ quần áo bay dành cho đàn ông, kể cả giày. Phi công Karinova nói: "Nó rộng thùng thình, lắm bộ lại dài quá khổ nên chúng tôi phải sửa lại mới mặc được. Giày cũng vậy, để đi cho vừa, chúng tôi phải xé vải trải giường nhét vào".

Về mặt trang bị, có lẽ phát xuất từ sự hoài nghi "phụ nữ làm nên cơm cháo gì" nên Trung đoàn 588 chỉ được cung cấp những chiếc máy bay 2 tầng cánh Polikarpov Po-2 đã lỗi thời. Đây là loại máy bay 2 chỗ ngồi chuyên dùng để trinh sát, huấn luyện hoặc phun thuốc trừ sâu với 1 động cơ cánh quạt 99 mã lực, tốc độ bay tối đa chỉ có 152km/giờ, mang được 260kg hàng hóa.

Một chiếc Po-2 trở về sau một phi vụ ném bom.

Thân máy bay phần lớn làm bằng gỗ còn hai cánh bọc vải. Yekaterina, phi công lái Po-2 nói: "Lúc mới nhận về, thấy máy bay không được trang bị vũ khí, chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng lính Đức chỉ cần dùng bật lửa cũng đốt cháy được nó". Shvetsova, một nữ phi công khác nói thêm: "Công suất yếu, lại nhẹ nên Po-2 rất khó đương đầu với những cơn gió mạnh. Vì vậy, nếu muốn phát huy khả năng của nó trong chiến đấu, chúng tôi phải tập bay thật thấp và điều này lại dẫn đến hệ lụy là súng bộ binh cũng có thể bắn rơi…".

Nhận thấy những nhược điểm của chiếc Po-2, Trung đoàn trưởng Marina Raskova yêu cầu bộ phận kỹ thuật thực hiện một số cải tiến. Kết quả là Po-2 có thể mang được 350kg bom cùng một súng máy với 200 viên đạn. Tuy nhiên, được cái này thì mất cái khác, để mang được bom và súng, Po-2 phải tháo bỏ một số bộ phận không thật cần thiết như bình xăng phụ, thùng đựng thuốc trừ sâu, các khung bằng sắt để lắp đặt những ống phun thuốc trừ sâu, còn phi công thì không mang dù.

Khí cụ bay cũng rất thô sơ. Nó chỉ gồm thước kẻ, đồng hồ bấm giờ, đèn pin, bút chì, bản đồ và la bàn; còn trong tác chiến, Marina Raskova yêu cầu tất cả các phi công phải tập bay đêm, đánh đêm, gọi là chiến thuật tàng hình...

7 giờ tối ngày 28-6-1942, 4 chiếc Po-2 xuất kích lần đầu tiên, trong đó 3 chiếc - mỗi chiếc mang theo 2 quả bom mỗi quả 100kg ở hai bên cánh còn chiếc thứ 4 làm nhiệm vụ "mồi nhử". Phi công Shvetsova kể lại: "Sau 35 phút, chúng tôi đến mục tiêu là một vị trí phòng thủ của quân Đức. Lúc này, "mồi nhử” bay trước chúng tôi 2 phút. Nghe tiếng động cơ máy bay, lính Đức chiếu đèn pha lên, tìm kiếm nên vô tình chúng đã tự nguyện chỉ điểm vị trí của chúng. Thế là chúng tôi chỉ việc nhắm vào những chiếc đèn pha ấy rồi thả bom nhưng chúng tôi cũng mất 1 chiếc vì trúng đạn".

Từ đó cho đến cuối tháng 7-1942, Trung đoàn 588 đã thực hiện 27 lần xuất kích, mỗi lần từ 10 đến 20 chiếc Po-2. Phi công được tổ chức thành 40 đội, mỗi đội 2 người, cứ bay 1 đêm thì nghỉ 1 đêm. Trung bình mỗi đêm, 1 chiếc Po-2 thực hiện 8 phi vụ. Và bởi vì họ chuyên đánh vào ban đêm nên lính Đức gọi những chiếc máy bay này là "Nachthexen - Phù thủy đêm". Karl Steiner, sĩ quan phụ trách khẩu đội phòng không thuộc Sư đoàn 9 phát xít Đức nói: "Chúng tôi không nhìn thấy họ, chỉ nghe tiếng ù ù trên đầu thì biết họ đến. Giây lát là bom rơi…".

Von Sterling, phi công Đức Quốc xã lái máy bay tiêm kích Focke Wulf 190 nói: "Rất khó bắn hạ họ vì máy bay của tôi bay với tốc độ 530km/giờ, còn họ chỉ bay 130km/giờ nên khi máy bay họ vừa lọt vào kính ngắm của tôi, chưa kịp xiết cò súng thì máy bay tôi đã vượt qua họ rồi. Rõ ràng trong trường hợp này, cơ động chậm là ưu thế so với tốc độ nhanh".

Một trong những trận đánh kinh điển của Trung đoàn 588 là trận tấn công vào một đơn vị lính Đức đang bao vây thành phố Leningrad. Cất cánh lúc 9 giờ tối, 40 chiếc Po-2, mỗi chiếc mang 2 quả bom 150kg chia thành 2 tốp, mỗi tốp 20 chiếc bay cách nhau 2 phút ở độ cao chỉ 100m rồi đồng loạt ném bom xuống mục tiêu. Sau này, khi Hồng quân Liên Xô chiếm lại được khu vực ấy, tù binh Đức cho biết trận ném bom đã khiến hơn 300 lính Đức thương vong, trong đó cả ban chỉ huy của một tiểu đoàn bị xóa sổ.

Chiến tranh không phải trò đùa

Những tháng cuối năm 1942, cường độ chiến tranh càng lúc càng ác liệt, và những phi công của Trung đoàn 588 cũng bị cuốn theo cái vòng xoáy ấy. Nữ phi công Nadia Popova nhớ lại: "Máy bay của chúng tôi có tốc độ chậm nhất trong Không quân Xôviết. Lần nào cũng vậy, sau những trận xuất kích, máy bay quay về với nhiều lỗ đạn trên thân nhưng chúng tôi vẫn bay…".

Raskova (trái), Osipenco và Grizodubova bên cạnh chiếc An-37 trong chuyến bay xuyên nước Nga.

Phi công Shvetsova nói: "Ưu điểm của Po-2 là có thể cất, hạ cánh ngay trên đồng cỏ hoặc những khoảng đất trống, chiều dài chỉ 200m miễn là nó đừng quá gồ ghề. Việc sửa chữa cũng rất đơn giản. Nếu máy bay bị bắn vào thân hoặc cánh, nhân viên kỹ thuật chỉ cần tháo phần gỗ hoặc vải, chỗ trúng đạn ra rồi thay gỗ mới, vải mới vào là xong". 

Mùa đông năm 1942 được coi là mùa đông khủng khiếp nhất ở Liên bang Xôviết. Nó lạnh đến nỗi các nữ phi công Trung đoàn 588 nếu vô ý sờ vào những bộ phận bằng kim loại trên chiếc Po-2 và nếu họ không mang găng thì da tay của họ sẽ bị dính chặt vào. Ai hoảng hốt giật ra thì một mảng da tay cũng lột theo luôn.

Đến tháng 1-1943, phần lớn phi công trong trung đoàn hầu như đã kiệt sức. Trung bình mỗi đêm họ chỉ ngủ từ 3 đến 4 tiếng. Do nhu cầu chiến trường, chế độ 1 đêm bay, 1 đêm nghỉ bị bãi bỏ. Nhiều phi công làm nhiệm vụ thả bom ngồi ở ghế sau, lúc máy bay vừa cất cánh đã tranh thủ ngủ với lời dặn "gần đến mục tiêu thì gọi mình dậy nhé".

Các thống kê cho thấy chỉ trong 3 tháng, những "phù thủy đêm" của Trung đoàn 588 đã thực hiện 500 cuộc tấn công, còn nếu tính đủ thì từ trận Stalingrad đến ngày Hồng quân tiến vào thủ đô Berlin, Đức Quốc xã, Trung đoàn 588 đã thực hiện 24.000 chuyến bay chiến đấu, ném gần 20.000 tấn bom.  Ngay cả Trung đoàn trưởng Marina Raskova cũng trực tiếp tham gia chiến đấu, có đêm bay đến 18 lần!

Ngày 4-1-1943, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 588 - nữ phi công Marina Raskova tử nạn khi cố gắng hạ cánh chiếc Po-2 xuống bờ sông Volga. Bên cạnh Huân chương Vệ quốc, lễ tang của Raskova còn được tổ chức theo nghi lễ cấp Nhà nước và Raskova cũng là phụ nữ đầu tiên ở Liên bang Xôviết nhận được vinh dự này.

Nhiều năm sau chiến tranh, nữ phi công Polina kể lại cảm tưởng của mình: "Chúng tôi đã chiến đấu hơn một nghìn đêm và đó không phải là những chuyến đi dạo dưới ánh trăng. Công việc của chúng tôi rất đơn giản: Giải phóng đất nước  khỏi tay kẻ thù. Nhiều lần nhìn thấy máy bay của bạn bè tôi bốc cháy rồi lao xuống đất, tôi chỉ biết khóc chứ chẳng thể làm gì để cứu họ…". Phi công Nadia Popova nói, "Có những đêm nhìn lên bầu trời tối đen, tôi hình dung mình đang ngồi trong khoang lái chật hẹp của chiếc Po-2 với gió thổi phần phật và tiếng động cơ rền rĩ. Lúc ấy, tôi vẫn tự hỏi: "Nadia, mày sẽ thả bom thế nào cho trúng đích?".

Ngày 4-5-1945, những "phù thủy đêm" của Trung đoàn 588 bay chuyến cuối cùng, ném bom một vị trí phòng thủ của lính Đức cách Berlin 60 km. Ba ngày sau, Đức Quốc xã chính thức đầu hàng. Để che giấu sự xấu hổ, Thống chế Hermann Goering, tư lệnh Không quân Đức cho rằng những nữ phi công Po-2 của trung đoàn 588 lập thành tích vì họ là những tội phạm, chấp nhận "bay liều mạng" để được ân xá, hoặc họ đã tiêm một loại thuốc đặc biệt nào đó để có thể nhìn rõ mặt đất dù họ bay trong bóng tối mịt mùng…

Vũ Cao (theo The Female Pilots in WW2)
.
.