Jacob Zuma- Từ chiến binh tự do đến tội nhân cao cấp

Thứ Tư, 14/07/2021, 13:40
Từ đêm 7-7-2021, nhiều địa phương ở Nam Phi đã xảy ra tình trạng bạo lực do nhiều người dân ủng hộ cựu Tổng thống Jacob Zuma phản đối việc bắt giữ và bỏ tù ông. Đằng sau câu chuyện này là cả một chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Nam Phi và những người lính chiến đấu cho tự do của dân tộc Nam Phi.


Chiến binh tự do

Jacob Zuma là đồng đội của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - vị anh hùng giải phóng dân tộc của Nam Phi được cả thế giới kính trọng. Bản thân Zuma cũng là một trong những "người hùng" của cuộc chiến chống chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Ông từng hai lần lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), từng là Phó Tổng thống rồi Tổng thống Nam Phi.

Cựu Tổng thống Nam Phi, ông Jacob Zuma

Jacob Zuma sinh năm 1942 ở vùng quê nghèo Nkandla, tỉnh Natal, nay thuộc tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi. Năm 1959, 17 tuổi, Zuma đã gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng người da đen bản xứ khỏi ách thống trị của chế độ Apartheid. Năm 1962, sau khi ANC bị chính quyền da trắng cấm hoạt động, Zuma gia nhập vào lực lượng vũ trang của ANC có tên là Umkhonto we Sizwe để tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông và một số đồng đội bị bắt và bị kết tội "âm mưu lật đổ chính quyền". Zuma ngồi tù hơn 10 năm trước khi rời khỏi Nam Phi để sống lưu vong cùng với các đồng đội như Mandela, Thabo Mbeki,… Zuma mau chóng được bầu vào Ban Chấp hành quốc gia đảng ANC và ngồi vào ghế lãnh đạo đảng này ở nước ngoài. (Trong giai đoạn 1963-1990, Zuma cũng gia nhập Đảng Cộng sản Nam Phi và được bầu vào Bộ Chính trị).

Năm 1990, Zuma là một trong những lãnh đạo đảng ANC đầu tiên trở về nước sau khi chế độ Apartheid sụp đổ để tham gia vào hệ thống chính trị quốc gia. Ông lần lượt được bầu vào các chức vụ lãnh đạo trong đảng cũng như trong chính quyền trước khi trở thành Chủ tịch quốc gia đảng ANC kiêm chủ tịch ANC tại tỉnh KwaZulu-Natal vào năm 1994, khi đảng ANC lên nắm quyền và ông Mandela được bầu làm Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi thời kỳ hậu chế độ Apartheid.

Trong giai đoạn này, khi Thabo Mbeki lên thay ông Mandela làm Tổng thống Nam Phi vào năm 1999, Zuma được bầu vào chức vụ Phó Tổng thống. Đây được xem là bước đệm quan trọng trên con đường chính trị của ông. Tuy nhiên, mối quan hệ chính trị giữa ông và Tổng thống Mbeki đã không xuôi chèo mát mái ngay từ khi hai bên bắt đầu cuộc "sống chung". Zuma thường xuyên dính líu vào các vụ bê bối tham nhũng và quấy rối tình dục khiến Tổng thống Mbeki luôn gặp khó khăn trong việc điều hành đất nước, nhất là việc thuyết phục người dân tin tưởng vào bộ máy nhà nước trong sạch, có khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, phát triển. Kết cuộc là khi nhiệm kỳ thứ hai mới vừa bắt đầu vào năm 2005, Zuma bị Tổng thống Thabo Mbeki cách chức sau loạt bê bối tài chính, tham nhũng dẫn đến việc khi cố vấn tài chính của ông tên là Schabir Shaik bị kết tội đưa hối lộ. Năm 2005 cũng bắt đầu xuất hiện những cáo buộc tham nhũng và hiếp dâm đối với Zuma, từ đó mở màn cho những cáo buộc phạm tội dai dẳng về sau.

Zuma lần thứ hai được bầu làm Chủ tịch đảng ANC vào ngày 18-12-2007 sau khi đánh bại ông Mbeki tại hội nghị ANC ở Polokwane. Ngày 20-9-2008, Mbeki tuyên bố từ chức sau khi bị Ủy ban Điều hành Quốc gia của ANC bỏ phiếu thu hồi chức vụ. Việc thu hồi chức vụ được đưa ra sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Nam Phi Christopher Nicholson ra phán quyết Mbeki đã can thiệp không đúng vào hoạt động của Cơ quan Công tố Quốc gia (NPA), bao gồm cả việc truy tố Jacob Zuma về tội tham nhũng. Tuy nhiên, phán quyết của Nicholson bác bỏ các cáo buộc chống lại Zuma đã bị Tòa phúc thẩm tối cao nhất trí đảo ngược vào tháng 1-2009, trong một phán quyết chỉ trích phán quyết của Nicholson trong vụ án, bao gồm cả việc ông ta bổ sung ý kiến cá nhân vào phán quyết, và bao gồm cả "vô cớ những phát hiện" về Mbeki và những người khác trong nhận định của ông ta.

Trong guồng quay những cáo buộc và phán quyết của tòa án, Zuma vẫn yên vị và lãnh đạo ANC giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2009 và được bầu làm Tổng thống Nam Phi. Ông được bầu lại làm lãnh đạo ANC tại hội nghị ANC ở Mangaung vào ngày 18/12/2012, đánh bại người thách thức Kgalema Motlanthe với đa số phiếu. Zuma tiếp tục giữ ghế Tổng thống Nam Phi sau cuộc tổng tuyển cử năm 2014, mặc dù đảng của ông bị sa sút, giảm tỉ lệ ủng hộ của công chúng sau nhiều vụ việc lùm xùm bê bối vây quanh ông khiến cho sự bất mãn ngày càng tăng đối với ông. Vào ngày 18-12-2017, Cyril Ramaphosa được bầu kế nhiệm Zuma làm Chủ tịch ANC tại Hội nghị ANC ở Johannesburg.

Những tháng sau đó, áp lực ngày càng tăng đối với Zuma, xuất hiện nhiều lời kêu gọi ông từ chức Tổng thống Nam Phi, đỉnh điểm là ANC ra lệnh thu hồi chức Tổng thống của ông. Đồng thời đối mặt với một động thái bất tín nhiệm trong quốc hội, Zuma đã tuyên bố từ chức vào ngày 14-2-2018 và được thay thế bởi Ramaphosa ngay ngày hôm sau.

Tội nhân cao cấp nhất

Zuma đã phải đối mặt với những thách thức pháp lý đáng kể trước, trong và sau nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Ông bị buộc tội hiếp dâm vào năm 2005, nhưng được trắng án. Đồng thời ông đã phải đấu tranh pháp lý kéo dài về các cáo buộc gian lận và tham nhũng, dẫn đến việc cố vấn tài chính Schabir Shaik bị kết tội tham nhũng và gian lận.

Một đoạn quốc lộ ở KwaZulu-Natal bị tê liệt do biểu tình.

Ngày 6-4-2009, NPA đã bác bỏ các cáo buộc chống lại Zuma, với lý do can thiệp chính trị, mặc dù quyết định này đã bị các đảng đối lập phản đối thành công. Giữa lúc ồn ào các cáo buộc tham nhũng, gian lận, đặc biệt là mối quan hệ cá nhân giữa Zuma với anh em tỉ phú Gupta, Zuma lại cho nâng cấp rộng rãi ngôi dinh thự riêng của mình tại Nkandla do nhà nước tài trợ. Cơ quan kiểm toán nhà nước Nam Phi kết luận Zuma đã hưởng lợi một cách bất hợp lý từ khoản chi tiêu đó và Tòa án Hiến pháp đã nhất trí tổ chức cuộc điều trần tổng hợp tại Quốc hội vào năm 2016, tại đó ông Zuma bị chỉ trích vì đã không tuân thủ hiến pháp của đất nước, dẫn đến những lời kêu gọi ông từ chức và một nỗ lực luận tội thất bại tại Quốc hội. Ước tính nhiệm kỳ tổng thống của Zuma đã tiêu tốn của nền kinh tế Nam Phi khoảng 83 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Zuma cũng dính líu đến các báo cáo về việc chiếm đoạt tài sản nhà nước thông qua mối quan hệ cá nhân với gia đình Gupta rất có thế lực ở Nam Phi. Kể từ năm 2018, Ủy ban Zondo do Zuma thành lập đã tiến hành điều tra tham nhũng và gian lận trong chính phủ, và bản thân Zuma đã được kêu gọi ra điều trần trước ủy ban này. Ông đã không tiếp tục hợp tác với cuộc điều tra kể từ khi rút lại lời khai vào tháng 7-2019.

Trong khi đó, vào năm 2018, Tòa án Cấp cao Nam Phi đã ủng hộ quyết định phục hồi các cáo buộc tham nhũng từ năm 2009 đối với Zuma liên quan đến một thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD từ những năm 1990. Ông phải đối mặt với 16 tội danh liên quan đến tham nhũng, gian lận, gian lận và rửa tiền, nhận tổng cộng 783 khoản thanh toán bất hợp pháp. Zuma không nhận tội vào tháng 5-2021. Trong các lần ra hầu tòa liên quan các cáo buộc này, Zuma luôn bác bỏ các cáo buộc, không nhận mình có tội và cho rằng các cáo buộc nhắm vào ông mang động cơ chính trị do thành phần đối lập, chống đối ông triển khai nhằm hạ bệ ông.

Ngày 29-6-2021, ông trở thành Tổng thống Nam Phi đầu tiên kể từ khi chấm dứt chế độ thiểu số da trắng vào năm 1994 phải nhận án tù. Tòa án Hiến pháp đã đưa ra bản án 15 tháng tù vì tội khinh thường tòa án sau khi Zuma bất chấp lệnh tòa án trước đó để trở lại và làm chứng trước Ủy ban Zondo. Ngày 7-7-2021, Zuma tự nộp mình cho cảnh sát và được đưa vào giam giữ tại Trung tâm Cải huấn Estcourt ở tỉnh KwaZulu-Natal, quê hương của ông.

Việc ông Zuma tự nộp mình cho cảnh sát và bước vào nhà giam để thụ án tù được xem là một thắng lợi cho ngành tư pháp Nam Phi, đánh dấu sự kiện pháp luật được thượng tôn, không một ai, kể cả những nhân vật quyền lực to lớn như ông Zuma, có thể đứng trên pháp luật. Có thể sau vụ ông Zuma bị bắt giam, nhiều vụ án tham nhũng khác liên quan các lãnh đạo quyền lực của Nam Phi sẽ được điều tra, xét xử thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola cho biết, với việc tự nộp mình cho cảnh sát, ông Zuma có thể được hưởng chính sách ân xá với lý do bản án dành cho ông quá ngắn (dưới 2 năm theo luật Nam Phi), đồng thời tình hình sức khỏe của ông hiện cũng không đảm bảo.

Sau bản án 15 tháng tù được tuyên dành cho ông Zuma, trên khắp đất nước Nam Phi đã bắt đầu xảy ra một số cuộc biểu tình phản đối của người dân ủng hộ ông. Biểu tình bạo loạn đã khiến cho tuyến quốc lộ M2 ở Johannesburg phải đóng cửa. Người dân Nam Phi thể hiện sự giận dữ trước việc cựu Tổng thống Zuma bị buộc tội và bị bắt giam, nhưng cũng có những kẻ lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi phạm pháp. Tại nhiều khu đô thị ở Durban, KwaZulu-Natal,… đã xảy ra bạo loạn, cướp bóc. Hàng chục kẻ phạm tội đã bị bắt giam.

Vụ bắt giam ông Zuma không chỉ bộc lộ sự chia rẽ trong xã hội Nam Phi giữa thành phần theo truyền thống Nam Phi thời kỳ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giải phóng dân tộc với thành phần Nam Phi mới, trẻ, năng động, đi theo trào lưu công nghệ hiện đại. Thành phần trẻ, mới này không quan tâm lắm đến cuộc chiến chống kỳ thị chủng tộc trước đây, mà chủ yếu quan tâm đến việc ai phạm tội, tham ô tài sản đất nước thì sẽ phải chịu sự trừng phạt.

Thực tế đó cũng phản ánh một cuộc chiến ngầm trong nội bộ đảng cầm quyền ANC. Các nỗ lực của Tổng thống Ramaphosa kể từ khi lên thay thế ông Zuma đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc vực dậy uy tín cho ANC. Một phần do đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn, từ đó nỗi bất bình của người dân càng chồng chất thêm.

Tuy nhiên, vụ việc biểu tình phản đối khắp đất nước Nam Phi cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân Nam Phi ủng hộ ông Zuma bất chấp các cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông. Điều này cho thấy việc xét xử ông trong thời gian tới chắc chắn cũng sẽ không diễn ra một cách suôn sẻ.

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.