Kamufliaz - Chiến dịch ngụy trang táo bạo của KGB

Thứ Tư, 26/12/2018, 06:45
Ngày 1-8-1985, quan chức đứng đầu bộ phận phản gián Gadner Hathaway tại Langley (trụ sở của Cục tình báo trung ương Mỹ - CIA) nhận được một bức điện khẩn từ chi nhánh của tình báo Mỹ tại Italy. Nội dung bức điện cho biết ngay sáng hôm đó, đại tá Vitaly Sergeyevich Yurchenko đã có mặt tại đại sứ quán Mỹ ở Rome với mong muốn hợp tác với Washington.

Khỏi phải nói Hathaway đã mừng tới mức độ nào khi cương vị hiện tại của nhân vật đào tẩu này là hết sức ấn tượng – Phó chỉ huy ban 1 (ban phụ trách nước Mỹ) của Tổng cục I (tình báo đối ngoại của KGB), là nơi chuyên triển khai các chiến dịch tình báo trên lãnh thổ Mỹ và Canada. Kể từ thời của đại tá Penkovski, người Mỹ chưa bao giờ bắt được “con cá vàng” cỡ bự như vậy.

Tuy nhiên, CIA không thể biết được rằng, đó chỉ là điểm mở đầu cho một chiến dịch ngụy trang hết sức mạo hiểm của KGB nhằm che giấu siêu điệp viên Aldrich Ames của mình tại Langley…

Kế hoạch “Lỗ hống sạch”

Cũng ngay trong chiều tối hôm đó, Hathaway nhận thêm một bức điện nữa từ Rome. Trong đó Yurchenko cho biết, 6 tháng trước tại Vienna, có một người Mỹ đã liên hệ với chi nhánh KGB tại đây, cung cấp tên tuổi của một số công dân Xôviết đang làm việc cho Mỹ. Dù chưa làm việc trực tiếp với nguồn tin này, nhưng Yurchenko biết được nhân vật này từng có thời gian làm việc cho CIA và bất ngờ bị sa thải ngay trước chuyến công tác tới Moscow.

Hathaway thật ra vào thời điểm đó đã biết được, nhân vật được nhắc tới không ai khác chính là Edward Lee Howard. Ông ta nhấc điện thoại gọi điện trực tiếp cho Giám đốc CIA William Casey để báo về tin mừng này.

Vitaly Sergeyevich Yurchenko.

Quay trở lại thời điểm năm 1977, Hathaway, khi đó đang lãnh đạo chi nhánh của CIA tại Moscow, nhận thấy rằng, tất cả các điệp viên của ông ta mỗi khi rời khỏi đại sứ quán đều không thể thoát được sự theo dõi của phản gián Xôviết. Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ thuần túy lại không hề nằm trong tầm ngắm. Thực tế cho thấy trước khi bất cứ nhân viên CIA nào đặt chân tới Moscow, KGB đều đã nắm được đầy đủ thông tin về nhân vật này, chủ yếu bằng cách rà soát những công việc anh ta đã làm trước đây tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Ý tưởng về kế hoạch “Lỗ hổng sạch” của Hathaway ra đời từ thời điểm đó, mục tiêu là lôi kéo các điệp viên có “vỏ bọc sạch”, tức là có độ tuổi dưới 30, từ trước chưa từng làm việc cho cơ quan tình báo ở nước ngoài. Theo dự kiến của Hathaway, những điệp viên loại này cần phải hoạt động như một bóng ma: xuất hiện nhanh chóng tại địa điểm vào đúng thời gian cần thiết và cũng nhanh chóng rút lui. Chân tướng thực sự của họ chỉ có Langley và đại sứ của Mỹ tại Moscow biết đến. Kế hoạch “Lỗ hổng sạch” nhanh chóng được phê chuẩn với người tiên phong là viên sĩ quan trẻ Edward Lee Howard.

Để có thể đảm trách được với những khó khăn sẽ phải đương đầu tại Moscow, Howard được thông tin khá chi tiết về các chiến dịch tình báo Mỹ đang triển khai tại đây. Howard tuy nhiên đã không thể tới được Moscow – tại đợt sát hạch qua máy kiểm tra nói dối vào tháng 4-1983, anh ta bị phát hiện đã cố tình giấu giếm về việc sử dụng các loại thuốc an thần trong quá khứ, cũng như về tật nghiện rượu của mình. Việc không được cử tới Moscow và sau đó là quyết định sa thải không rõ lý do chỉ một tháng sau đó đã khiến giấc mơ trở thành “anh hùng dân tộc” của Howard tan vỡ.

Tháng 8-1983, lãnh sự của Liên Xô tại Washington nhận được đơn xin cấp visa du lịch của Howard, trong đó có kẹp một lá thư với yêu cầu gặp đại diện của KGB để cung cấp một số thông tin mật. Nhưng do đề xuất gặp gỡ của anh ta ngay tại khu đồi Capitol là khá nguy hiểm, nên KGB đã khước từ vì lo ngại đây có thể là một cái bẫy của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Một năm sau, trước những nỗ lực của Howard tìm cách liên lạc, trung tâm đã chấp thuận đề xuất tiếp xúc với anh ta. Một biến cố bất ngờ đã khiến cuộc gặp không thể diễn ra nhanh chóng.

Tháng 2-1984, trong một cuộc cãi cọ tại quán bar, Howard đã rút súng bắn lên trần nhà. Hậu quả là anh ta phải ra tòa, nhận bản án 5 năm tù treo cùng quyết định cấm xuất cảnh. Howard chuyển tới sống tại Santa Fe, tạm hài lòng với vai trò chuyên gia kinh tế tại Nghị viện bang New Mexico.

Sau khi điệp viên KGB tìm ra địa chỉ mới của Howard, anh ta rất nhanh chóng nhận lời mời hợp tác. Ngày 21-9-1984, Howard lén bay sang Vienna, tới lãnh sự quán Xôviết tại đây để gặp gỡ đại diện KGB. Anh ta tiết lộ nhiều thông tin quý giá về kế hoạch “Lỗ hổng sạch” cũng như những điệp viên đầu tiên tham gia chương trình trên đang hoạt động tại Moscow. Howard nhận được khoản tiền thưởng hậu hĩnh 150 ngàn đôla. Dù Howard chỉ cho đây là một “thương vụ nhất thời”, nhưng Moscow lại đánh giá khác. KGB vẫn liên tục giám sát anh ta với hy vọng có thể tiếp tục khai thác.

Sau khi nhận được thông báo từ Giám đốc CIA như đã nói ở trên, FBI đã tổ chức theo dõi Howard rất sát sao nhằm tìm kiếm bằng chứng để bắt giữ anh ta. Do không thể tìm ra chứng cớ, ba nhân viên FBI đã trực tiếp thẩm vấn Howard trong suốt 8 giờ liên tục. Cựu nhân viên CIA vẫn khăng khăng phủ nhận tất cả. Một ngày sau, anh ta lẻn vào lãnh sự quán Xô Viết tại New York, từ đây được bí mật đưa tới Đan Mạch và Phần Lan, trước khi an toàn đặt chân tới Moscow.

Những tiết lộ của “cá vàng”

Quay trở lại với vụ của Yurchenko. Anh ta được đưa từ Italy tới Mỹ trên một chiếc máy bay vận tải quân sự. Theo chỉ thị của chính Giám đốc CIA, Yurchenko được nhận một khoản tiền lương suốt đời vào khoảng 70 ngàn đôla mỗi năm. Kèm theo đó là quyền sử dụng một biệt thự hai tầng tại khu vực ngoại ô Washington.

Cáo trạng truy nã Edward Lee Howard của FBI.

Người Mỹ đã nhận được “cơn mưa thông tin” có giá trị từ Yurchenko. Anh ta kể chi tiết về quá trình Tổng cục I điều tra về các nguyên nhân phản bội của Oleg Gordievski. Tiếp đó là tiết lộ về một loại “bụi gián điệp” được phản gián Xôviết bí mật rắc lên quần áo các nhà ngoại giao Mỹ và bên trong xe hơi của họ để có thể xác định những công dân Liên Xô đã từng tiếp xúc. Yurchenko tiết lộ cho người Mỹ về kế hoạch của KGB triển khai những hòm thư và kho vũ khí bí mật trên lãnh thổ các nước Tây Âu để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.

Yurchenko cho biết, chi nhánh KGB tại Washington vào tháng 1-1980 từng tiếp xúc với một người Mỹ có bộ râu màu hung, người tự giới thiệu là một chuyên gia phân tích của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Chỉ nhờ thông tin trên, CIA cùng FBI đã rà soát tổng cộng 580 trường hợp trước khi xác định đó là Ronald William Pelton.

Cũng như Howard, Pelton vào tháng 10-1979 đã không thể vượt qua được cuộc thử nghiệm trên máy phát hiện nói dối liên quan đến những câu hỏi về sử dụng ma túy. Hậu quả là anh ta bị giáng chức, tước khả năng được tiếp cận thông tin mật, lương bổng giảm xuống một nửa. Khó khăn về tiền bạc đã thúc đẩy Pelton bước chân vào đại sứ quán Liên Xô tại Washington, đề xuất khả năng cung cấp thông tin mật.

Nhờ Pelton, Moscow biết được về chiến dịch siêu bí mật “Ivy Bells” của CIA nhằm lấy cắp thông tin qua đường cáp biển dưới đáy biển Okhot. Ngoài ra, anh ta còn cung cấp dữ liệu về 5 hệ thống do thám điện tử khác của Mỹ cùng 60 trang tài liệu mật khác. Qua thông tin có được từ Yurchenko, Pelton nhanh chóng bị bắt giữ.

Trong phiên tòa xét xử vào ngày 18-6-1986, Pelton bị phán quyết tội danh hoạt động gián điệp cho Liên Xô với mức án tù chung thân. Cũng cần nói thêm, cả Howard và Pelton đều có cơ hội chạy sang Moscow theo các kế hoạch bảo vệ cộng tác viên của KGB. Nhưng Pelton đã tỏ ra do dự khi nhận được sự cảnh báo của KGB, không tới nơi hẹn như đã định. Qua một loạt những thông tin quan trọng do Yurchenko cung cấp, CIA đã đặt trọn niềm tin vào nhân vật này. Họ không thể ngờ rằng, đó chỉ là một cái bẫy được vạch sẵn trong khuôn khổ chiến dịch “Kamufliaz”…

Cuộc chạy trốn bất ngờ

Trưa ngày 2-11-1985, Yurchenko cùng với nhân viên trẻ của CIA là Tom Hennen – người luôn tháp tùng Yurchenko để ngăn chặn nguy cơ KGB có thể trả đũa – có mặt tại nhà hàng Au Pieddu Cochon nổi tiếng về món ăn Pháp tại một khu sang trọng của Washington. Cần nói thêm, tại nhà hàng này cho tới nay vẫn còn một tấm biển đề dòng chữ: “Nơi đây vào ngày 2-11-1985 đã diễn ra bữa ăn cuối cùng của Vitaly Yurchenko”…

Sau khi giải quyết xong món tráng miệng, Yurchenko lấy cớ ra ngoài hít thở không khí trong lành. Vài phút sau, khi cảm thấy có gì đó bất thường, Hennen chạy bổ đi tìm đối tượng cần bảo vệ của mình, nhưng khi hiểu ra thì đã muộn. Yurchenko sau khi hoàn thành sứ mạng “kẻ đào tẩu” của mình đã quay trở lại để thực hiện giai đoạn hai – đó là vạch trần và đả kích hoạt động của CIA.

Một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau đó vào ngày 4-11-1985 trong khuôn viên đại sứ quán Liên Xô tại Washington đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các phóng viên Mỹ và quốc tế. Họ muốn tận mặt chứng kiến và tìm hiểu: tại sao một nhân viên KGB từng chạy sang với người Mỹ 3 tháng trước đó lại quyết định quay trở lại với đồng đội.

Trước đầy đủ các phóng viên, Yurchenko khẳng định, anh ta bị CIA bắt cóc tại Rome. Trong 3 tháng qua, anh đã bị nhân viên CIA chích ma túy nhằm bẻ gãy ý chí và tìm cách để khai thác những bí mật quốc gia. Yurchenko còn tố cáo về việc anh ta bị CIA tìm cách ép buộc để thừa nhận mình đã phản bội tổ quốc trước công luận nước Mỹ - cụ thể là bắt ký một hợp đồng với điều khoản được nhận 1 triệu đôla nếu đồng ý làm điều này. Cuối cùng, Yurchenko bày tỏ mong muốn được sớm quay trở về Liên Xô.

Sự kiện trên là một đòn giáng mạnh vào uy tín của CIA, cũng như là một cú sốc thực sự đối với giới chức lãnh đạo tại cơ quan này. Họ chỉ biết triển khai một chiến dịch quy mô trên báo chí nhằm bôi nhọ Yurchenko – công bố những bức ảnh có vẻ khá thân thiện giữa anh ta và các quan chức CIA cũng như FBI, mô tả chi tiết một số bí mật do anh ta cung cấp…

Chiến dịch đánh lạc hướng tinh vi

Câu hỏi đặt ra là: tại sao KGB lại phải dày công chuẩn bị một chiến dịch hết sức tinh vi như trên? Chiến dịch “Kamufliaz” thật ra có mục đích chính nhằm che chắn cho siêu điệp viên Aldrich Ames.

Cho tới thời điểm Yurchenko có mặt tại trụ sở của CIA, Ames đã cung cấp cho KGB thông tin về hàng chục sĩ quan kỳ cựu của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội) đang bí mật làm việc cho Mỹ. Nhờ sự giúp đỡ của Ames, Liên Xô đã kịp thời phong tỏa những kênh thông tin rò rỉ có tầm quan trọng đặc biệt sống còn đối với an ninh đất nước. Mục tiêu chính đặt ra là phải bằng mọi giá bảo vệ nguồn tin đặc biệt quan trọng trên.

KGB đã rất kỳ công để chuẩn bị những thông tin quan trọng để Yurchenko có thể chuyển cho CIA, trong đó có cả hai điệp viên về cơ bản đã không còn có thể khai thác. Washington đã phải mất nhiều thời gian, công sức để tập trung kiểm chứng những gì Yurchenko đã khai báo, chưa kể những nỗ lực cứu vớt chút danh dự sau cuộc chạy trốn đầy bất ngờ của anh ta.

Tổng thống Reagan khi đó cũng phải lên tiếng về vụ việc của Yurchenko: “Tôi cho rằng, bất cứ người Mỹ nào cũng phải đặt câu hỏi về hành động của con người đó, khi anh ta không biết vì sao lại quay trở lại Nga, khi đáng ra có thể sống yên ổn tại Mỹ”.

Dù thế nào, thành công của chiến dịch “Kamufliaz” với vai trò đặc biệt của Yurchenko chính là lôi kéo cả CIA và FBI vào một “cuộc chơi vô bổ” trong một thời gian dài nhằm xác minh những thông tin của anh ta, cũng như khắc phục hậu quả từ vụ trốn chạy sau đó. Tình báo Mỹ đã bị xao nhãng trong một thời gian đáng kể trước khi có thể phát hiện ra siêu điệp viên Aldrich Ames của Moscow.

Vitaly Sergeyevich Yurchenko sau khi trở về nước đã được trao tặng danh hiệu “Nhân viên danh dự của Cơ quan An ninh quốc gia”, phần thưởng cao quý nhất của KGB. Còn Edward Lee Howard, trước khi Liên Xô tan rã đã chuyển tới sống tại Hungary theo lệnh của Phó chủ tịch KGB Vadim Bakatin.

Dưới áp lực của Mỹ, Hungary đã trục xuất Howard sang Thụy Điển, nơi anh ta bị bắt giữ vào tháng 8-1992 vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Bị trục xuất trở lại Nga một tháng sau đó, Howard lao vào kinh doanh bằng cách mở một công ty bảo hiểm nhỏ. Ông này qua đời tại Moscow vào năm 2006 vì chứng bệnh xơ gan.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.