Kohima-Imphal: Trận chiến bị lãng quên
- Đội quân bồ câu của quân đội Anh trong Chiến tranh thế giới lần 2
- Pujol - “Điệp viên hai mang vĩ đại nhất Chiến tranh thế giới thứ 2”
Trận chiến kết thúc khi quân Nhật Bản chịu thất bại lớn đầu tiên trên chiến trường Miến Điện và nó đã phá hỏng kế hoạch xâm lược Ấn Độ tham vọng của chúng. Trong thực tế, năm 2013, trận chiến Kohima-Imphal được Bảo tàng Chiến tranh Quốc gia bầu chọn là trận chiến vĩ đại nhất của Anh, trước cả cuộc đổ bộ nổi tiếng ngày D-Day và trận Waterloo.
Sử gia Robert Lyman tại Bảo tàng Chiến tranh Quốc gia đánh giá chiến thắng Kohima-Imphal có tầm quan trọng sâu sắc vì nó chứng minh với quân Nhật rằng chúng không bất khả chiến bại. Đây là điều rất quan trọng để toàn bộ Nhật Bản chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại.
Đội quân số 14 băng qua suối gần Kohima trong trận Kohima-Imphal năm 1944. |
Trong trận chiến đó, hai bang đông bắc Manipur và Nagaland cùng thủ phủ là Kohima và Imphal đã thành lập mặt trận quan trọng cho Ấn Độ thuộc Anh trong cuộc chiến chống Nhật Bản trên mặt trận Miến Điện.
Sau khi Nhật Bản chiếm Rangoon, giờ là Yangon, vào tháng 3-1942, chúng tiến xa vào Miến Điện thuộc Anh, cắt đứt con đường tiếp tế của quân Đồng minh sang Trung Quốc. Sau khi thất bại, quân Anh dưới sự lãnh đạo của Tướng William Slim và quân Mỹ dưới sự lãnh đạo của tướng Joseph Stillwell đã rút về Ấn Độ trong tháng 5.
Quân Anh bại trận đã củng cố, cải tổ đội hình và huấn luyện lại binh sĩ ở đông bắc Ấn Độ. Quân Mỹ chuyển hướng chú ý sang Trung Quốc, dùng các đơn vị xâm nhập từ xa ở Miến Điện để mở lại tuyến đường tiếp tế.
Giành chiến thắng ở Miến Điện nhưng tức giận khi quân Đồng minh có tuyến đường tiếp tế trên bộ và trên không vào Trung Quốc, quân Nhật quyết định liều mình băng rừng rậm, núi cao và xâm lược Ấn Độ. Nhân lúc quân Anh đang mất cảnh giác, quân Nhật đã tìm cách chiếm Kohima và các làng mạc xung quanh đầu tháng 4-1944.
Tuyến đường chính chạy từ căn cứ tiếp tế của quân Anh ở Dimapur qua Kohima, đi qua đỉnh của dãy Naga Hills, xuống Imphal - nằm ở một thảo nguyên nhỏ khép kín ở Manipur - và từ đó chạy vào Miến Điện (Myanmar ngày nay).
Bộ Tư lệnh quân đội Nhật Bản vạch ra kế hoạch táo bạo "Chiến dịch U-Go" để chiếm giữ con đường này bằng cách sử dụng ba lữ đoàn để tấn công đồng thời vào phía nam và bắc Imphal rồi trực tiếp chiếm Kohima. Nếu thành công, quân Nhật sẽ có bàn đạp quan trọng để tấn công tổng lực Ấn Độ.
Cuộc tấn công của Nhật Bản khiến người Anh bất ngờ vì họ không nghĩ rằng kẻ thù di chuyển nhanh tới vậy và với số lượng lớn như vậy qua địa hình núi non, rừng rậm. Quân Nhật cắt đứt tuyến đường Kohima-Imphal và nhanh chóng bao vây đơn vị đồn trú của Anh làm nhiệm vụ bảo vệ Kohima.
Trong vòng 16 ngày quan trọng từ ngày 4-4-1944, lực lượng Ấn Độ nhỏ hơn nhiều, chỉ với 2.500 người đã cầm chân 15.000 binh lính Nhật đã chiếm giữ đỉnh Kohima.
Trận chiến đã xảy ra ác liệt trên dãy núi. Quân Nhật dần dần đẩy lùi vòng ngoài phòng vệ của lực lượng Ấn Độ thuộc Anh từng chút một. Có thời điểm, kẻ thù ở gần tới mức chúng ở sát sân quần vợt trong khu vực của ủy viên hội đồng quận.
Ông Raghu Karnad, tác giả cuốn "Farthest Field: An Indian Story of the Second World War" (Mặt trận xa nhất: Chuyện về Thế chiến hai ở Ấn Độ) nhận xét về trận chiến: "Sân quần vợt là chiến địa chết chóc của một trận đấu đẫm máu. Nếu Kohima thất thủ, toàn bộ phía đông Ấn Độ có thể bị Nhật Bản chiếm đóng. Nếu Kohima trụ vững, đây sẽ là khởi đầu cho thất bại của quân Nhật khi chúng đã tiến sâu vào lục địa châu Á".
Vào giờ thứ 11 của trận chiến, lữ đoàn số 2 của Anh đã phá được rào chắn đường của quân Nhật để tới đơn vị đồn trú Kohima đang bị bao vây ngày 20-4. Trong vòng vài tuần tiếp theo, trận chiến tiếp tục diễn ra ác liệt cả ở Kohima và Imphal. Được ví như "trận Stalingrad phương Đông", trận Kohima-Imphal đã kết thúc đẫm máu khi lực lượng Anh dần dần lấn át binh lính Nhật đang yếu dần vì thiếu ăn.
Các tướng lĩnh Nhật Bản đã đánh giá thấp sự ngoan cường của đối thủ trong bảo vệ các vị trí. Chúng cũng đánh giá thấp năng lực không quân của Anh. Không quân đã giúp lực lượng trên bộ liên tục bổ sung người và trang thiết bị, tấn công dồn dập các vị trí của Nhật Bản.
Tinh thần rệu rã, không có thực phẩm và tiếp tế, lực lượng Nhật Bản còn lại bị đẩy ra khỏi Imphal và dạt xuống đường Tiddim vào Miến Điện. Chúng phải nếm trải vị đắng thất bại lần đầu tiên trong lịch sử.
Quân Nhật đã trả giá đắt khi đội quân số 15 gồm 85.000 người đã mất 53.000 người, cả tử trận và mất tích, phần lớn là do chết đói, bệnh tật và kiệt sức. Ấn Độ thuộc Anh có 12.500 thương vong tại Imphal, còn trận chiến ở Kohima khiến họ mất thêm 4.000 người nữa.
Câu hỏi được đặt ra là những người bộ tộc Naga trên mảnh đất Ấn Độ thuộc Anh chiến đấu như thế nào trong cuộc chiến. Đây là cuộc chiến không giống với bất kỳ cuộc chiến nào họ từng trải qua trước đó. Bom rơi đạn nổ đã tàn phá các làng mạc của họ, gây ra tổn thất sinh mạng và của cải khủng khiếp. Những người bị quân Nhật bắt giữ đã bị bắt đi lính, bị đánh đập và hành quyết. Chính người Naga phải quyết định cuộc sống của mình.
Còn ở Kohima, đây là nơi diễn ra mũi tấn công chính của quân Nhật. Lữ đoàn 15 và 33 thuộc đội quân số 15 đã tấn công binh đoàn 4 của Anh. Trận chiến cực kỳ căng thẳng và tàn bạo, diễn ra ở khu vực đồi núi bao quanh thảo nguyên Imphal. Tại đây, quân Đồng minh cũng đánh bại quân Nhật và buộc chúng rút lui.
Trong những năm gần đây, trận Kohima và Imphal dù được giới chuyên gia công nhận tính chất quan trọng nhưng các trận chiến này không có vị trí xứng đáng trong lịch sử Thế chiến II. Phần lớn không còn nhớ tới trận chiến này và nó cũng hiếm khi được nhắc tới trong sách giáo khoa trên thế giới. Tình trạng này phản ánh quan điểm quốc tế về khu vực xảy ra trận chiến. Quân đội thực dân Anh chiến đấu ở Kohima-Imphal (đội quân số 14) bị gọi là đội quân bị lãng quên và chiến trường Trung Quốc-Miến Điện-Ấn Độ cũng bị coi là cuộc chiến bị lãng quên.
Phương Tây cố tình không công nhận tầm quan trọng của Kohima-Imphal vì đây là một chiến thắng của lực lượng đế quốc, là lời nhắc nhở không mấy dễ chịu rằng quân đội Anh ở châu Á là quân đội thực dân và Anh chiến đấu ở Ấn Độ vì Ấn Độ là thuộc địa của mình.