Hội Tam Hoàng và những biến thể ma quái: Những cuộc bạo loạn

Thứ Tư, 22/07/2015, 07:00
Mặc dù đánh giá Thiên Địa hội tại Nam Kỳ chưa đến nỗi nguy hiểm như ở Trung Quốc, nhưng người Pháp thỉnh thoảng cũng tổ chức các cuộc ruồng bố và trục xuất những Hoa kiều không đăng ký trong sổ bộ. Tuy vậy, Thiên Địa hội vẫn không ngừng phát triển. Tháng 5/1882, ở tổng Định Chí, tỉnh Sóc Trăng, tất cả người Hoa, người Minh Hương và người Việt ở 18 làng trong tổng đều theo Thiên Địa hội. Ở Cần Thơ, làng nào cũng có Thiên Địa hội mà người đứng ra tổ chức là những người Hoa từ Chợ Lớn về.

Những thế lực ngầm

Như chúng tôi đã nói trong bài trước, ở 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ (lục tỉnh), tỉnh nào cũng có Thiên Địa hội nhưng gây được ảnh hưởng lớn nhất vẫn là tại Long Xuyên với hai nhóm là Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa.

Nhóm Nghĩa Hưng hoạt động dưới lớp vỏ bọc thương mại, gọi là Nghĩa Hưng công ty, chuyên vận chuyển lúa gạo, hàng hóa gia dụng bằng những chiếc ghe bầu. Ở cái vành gỗ đầu tiên ngay trước nóc mui ghe, họ cho sơn màu xanh. Vì vậy, dân Long Xuyên thường gọi họ là nhóm "kèo xanh". Bên cạnh đó, họ còn có một số nhà máy xay lúa và một đội ngũ chuyên đi đến những làng mạc xa xôi, thu mua lúa gạo. Ở đâu xuất hiện nhóm thu mua này là ở đó, những thương buôn khác phải tránh xa.

Những người lãnh đạo nhóm "kèo xanh" hầu hết là người Hoa gốc Phúc Kiến. Thời hưng thịnh nhất, nhóm "kèo xanh" có khoảng 60 chiếc ghe bầu, tải trọng mỗi ghe từ 5 đến 8 tấn với nhân lực hơn 1.000 người, kể cả công nhân bốc vác. Gắn động cơ thủy của hãng MEMEs, Pháp, đội ghe Nghĩa Hưng hoạt động khắp lục tỉnh, lên Sài Gòn, đi Biên Hòa và sang cả Phnôm Pênh, Campuchia. Ở Cần Thơ, Nghĩa Hưng có một chi nhánh gọi là Nhơn Hưng còn tại Sài Gòn, chi nhánh là Đông Hưng.

Bia di chỉ nơi Thiên Địa hội ra đời ở Phúc Kiến, Trung Quốc.

Nhóm thứ hai xưng tên Hòa Xuân - dân Long Xuyên gọi là nhóm "kèo đỏ". Về thực chất thì nhóm "kèo đỏ" tách ra từ nhóm "kèo xanh", phần lớn vẫn là người Phúc Kiến. Bởi vậy nên ngoài cái vành mui ghe thứ nhất sơn màu xanh thì vành thứ hai họ sơn màu đỏ.

Cũng như "kèo xanh", "kèo đỏ" hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sông nhưng đội ghe của họ ít hơn "kèo xanh", chỉ có chừng 35 đến 40 ghe, nhân lực khoảng 600 người nhưng ngược lại, một số "hội kín" ủng hộ họ vì họ thường giúp những người bị mật thám Pháp truy nã, ẩn trốn trong ghe dưới dạng làm công.

Thực lực không bằng "kèo xanh, kèo đỏ" nhưng lại nổi danh là nhóm "kèo vàng", tên chính thức là Nghĩa Hòa gồm đa số người Hoa gốc Triều Châu và một số ít là người Minh Hương (là những người theo nhà Minh, khi bị Mãn Thanh cai trị đã bỏ xứ chạy sang Việt Nam rồi thành lập một cộng đồng gọi là Minh Hương). Cũng hoạt động dưới lớp vỏ thuyền buôn nhưng "kèo vàng" chuyên về tổ chức cờ bạc với những sòng me, tài xỉu, xập xám.

Những sòng bạc này mọc lên ở khắp nơi: Từ một manh chiếu trải xuống đất bên cạnh chợ Mỹ Luông chuyên đánh tài xỉu đến những sòng mạt chược lênh đênh trên những chiếc ghe bầu hoặc trong những ngôi nhà cửa nẻo kín mít. Theo ước tính vào đầu thế kỷ XX, hội viên chính thức của nhóm "kèo vàng" chỉ khoảng 300 người nhưng nó chi phối hệ thống cờ bạc từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, từ Bạc Liêu, qua Long Xuyên về Rạch Giá.

Trong một báo cáo viết năm 1879 của Sở Mật thám Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, họ đã báo động như sau: "Tỉnh Long Xuyên gồm 60 làng nhưng chỉ 5 làng là chưa xác định được có hội kín hoặc có người dân theo “kèo xanh”, “kèo đỏ” hay không. Số còn lại thì 35 làng chịu ảnh hưởng rất nặng của hai nhóm này, 17 làng chịu ảnh hưởng tương đối. Cũng trong 60 làng thì 52 làng có người của "kèo vàng", chuyên tổ chức đánh bạc bằng nhiều hình thức, lôi kéo hàng nghìn con bạc tham gia. Trong số 12.484 dân Triều Châu ở toàn cõi Nam Kỳ - trừ Sài Gòn, Chợ Lớn - thì chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng và một phần của Bạc Liêu, tổng số người Triều Châu là 5.300 người - nghĩa là gần một nửa. Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 người Triều Châu khác không chịu đăng ký, ghi tên vào sổ bộ…".

Mặc dù sáng lập và xây dựng tổ chức, nhưng là thiểu số nên người Hoa chỉ nắm vai trò lãnh đạo, vạch kế hoạch cho mọi hoạt động của nhóm mình, còn đa số hội viên hoặc những thủ lĩnh cấp thấp là người Việt. Ngay từ năm 1877, mật thám Pháp đã nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội nhưng thời điểm ấy, họ cho rằng Nghĩa Hưng, Hòa Xuân, Nghĩa Hòa lập ra chẳng qua là để cạnh tranh trong lĩnh vực làm ăn, cờ bạc.

Báo cáo của mật thám Long Xuyên viết: "Sự liên kết giữa người Việt và Hoa kiều nhất định sẽ có hại cho nhà nước thuộc địa, tuy hiện nay chưa thành vấn đề lớn nhưng trong tương lai sự liên kết ấy sẽ mạnh hơn vì có sự thông đồng ngấm ngầm giữa Hoa kiều chủ chứa sòng bạc và bọn công chức An Nam ăn hối lộ…".

Lính mã tà thời Pháp thuộc.

Kéo xanh, kéo vàng đại chiến

Tuy nhiên, từ năm 1880 trở đi, tình hình trở nên biến động khác thường. Nhiều làng xóm liên tục xảy ra những vụ cháy nhà, chặt phá vườn cây ăn trái, đánh bả chó, cắt chân trâu, bò… mà nạn nhân nếu không phải là hội viên của nhóm "kèo xanh" thì cũng là người của "kèo vàng".

Tháng 9/1880, tại Sóc Trăng, lần đầu tiên "kèo xanh", "kèo vàng" dàn quân đánh nhau công khai giữa ban ngày. Tổng cộng hai bên có khoảng 60 người, hầu hết là người Hoa giỏi võ, trang bị gậy gộc chứ không dùng đao kiếm vì không muốn rắc rối với chính quyền thuộc địa, chưa kể hàng trăm người khác của cả hai bên đi theo để cổ vũ tinh thần. Kết quả có 3 người bị thương nặng phải đưa lên Chợ Lớn điều trị. 

Khi trận giao tranh xảy ra, theo lệnh của viên chủ tỉnh, hương chức làng và lính mã tà không can thiệp, cũng như không xuất hiện để giải tán hay bắt bớ. Đến tháng 11, hai bên lại đánh nhau nhưng trận đụng độ có quy mô lớn nhất xảy ra vào ngày 17/12/1880. Hơn 400 người thuộc Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa lao vào hỗn chiến ngay trên đường phố cạnh chợ Sóc Trăng. Lần này, theo đề nghị của chủ tỉnh, Thống đốc Nam Kỳ chấp thuận xử phạt, nhưng chỉ phạt bằng tiền.

Nguyên nhân của những xung đột này bắt nguồn từ thời xa xưa, giữa người Hoa gốc Phúc Kiến và người Hoa gốc Triều Châu. Đến khi nhóm Nghĩa Hòa mở ra những sòng bạc, nó đã lôi cuốn không ít "phu thuyền" - là người làm công trên ghe bầu của nhóm Nghĩa Hưng lao vào cuộc đỏ đen, mà thói cờ bạc thì thua nhiều hơn thắng. Để gỡ gạc, "phu thuyền" Nghĩa Hưng ngoài sự chểnh mảng trong công việc, có người còn ăn cắp lúa đem bán lấy tiền. Sau nhiều lần phát tín hiệu cảnh báo nhưng nhóm Nghĩa Hòa vẫn làm lơ, nhóm Nghĩa Hưng quyết định một còn một mất.

Và sở dĩ nổ ra những trận chiến bởi nhóm Nghĩa Hưng xưa nay vẫn thiên về hoạt động chính trị. Dựa vào khẩu hiệu "phản Pháp phục Nam",  những người cầm đầu Nghĩa Hưng toan tính lật đổ chính quyền thuộc địa để thay thế bằng một nền quân chủ phong kiến trong lúc nhóm Nghĩa Hòa lại chủ trương làm ăn kinh tế thông qua cờ bạc, thuốc phiện. Bên cạnh đó, cũng do đa số nông dân, thợ thuyền người Việt ít học, không phân biệt nổi đâu là "kèo xanh", đâu là "kèo vàng", mà họ chỉ gọi chung là "hội kín" khiến thanh danh của Nghĩa Hưng ít nhiều tổn hại nên họ phải đánh để phân định "chính", "tà"!

Mặc dù đánh giá Thiên Địa hội tại Nam Kỳ chưa đến nỗi nguy hiểm như ở Trung Quốc, nhưng người Pháp thỉnh thoảng cũng tổ chức những cuộc ruồng bố và trục xuất những Hoa kiều không đăng ký trong sổ bộ. Tuy vậy, Thiên Địa hội vẫn không ngừng phát triển. Tháng 5/1882, ở tổng Định Chí, tỉnh Sóc Trăng, tất cả người Hoa, người Minh Hương và người Việt ở 18 làng trong tổng đều theo Thiên Địa hội. Ở Cần Thơ, làng nào cũng có Thiên Địa hội mà người đứng ra tổ chức là những người Hoa từ Chợ Lớn về. Chỉ đến khi một "lính kín" phát hiện ra rằng trong một buổi lễ kết nạp hội viên mới, có lời thề "sẽ khởi loạn" thì chính quyền thuộc địa mới thật sự lưu tâm.

Đầu tháng 7/1882, tại một bãi đất hoang vu sát biển thuộc tổng Thạnh Hòa - nay là tỉnh Bạc Liêu, một "lính kín" báo về, rằng một số Hoa kiều dựng lên những căn chòi nằm rải rác, canh gác cẩn mật. Hằng ngày, thường xuyên có chừng 300 đến 400 người lui tới họp hành bàn bạc.

Hai ngày sau đó, một cuộc càn quét được chính quyền thuộc địa tung ra với 12 mật thám, 50 lính mã tà dưới sự chỉ huy của một cai tổng. Nhóm người Hoa chống cự kịch liệt bằng gậy gộc nhưng tre, gỗ làm sao đấu nổi súng đạn. Kết quả 76 người Hoa bị bắt, tất cả đều là dân Triều Châu, trong đó có 19 người bị bắt quả tang đang nấu thuốc phiện lậu cùng một số tài liệu liên quan đến Thiên Địa hội. Qua khai thác, họ nói rằng tất cả mọi hoạt động của họ đều theo sự chỉ đạo từ Chợ Lớn nhưng ai là người trực tiếp chỉ đạo thì họ không biết vì chỉ liên lạc bằng thư.

Ngay lập tức, vùng Sài Gòn, Chợ Lớn bị bố ráp theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ. Tại hai căn nhà liên kế số 127, 129 đường Lareynière, người Pháp thu được nhiều tài liệu quan trọng, chứng minh đây là cơ quan đầu não của Thiên Địa hội. 7 người Hoa gốc Triều Châu bị trục xuất về nước.

Giấy chứng nhận thành viên Thiên Địa hội.

Hội Tam Hoàng dưới thời Việt Nam Cộng hòa

Năm 1954, sau Hiệp định Geneve chia đôi đất nước, miền Nam Việt Nam nằm dưới sự cai trị của chính quyền độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Không khó để nhận ra sự lũng đoạn kinh tế của một nhóm người Hoa có liên quan đến Thiên Địa hội - mà lúc này đã đổi tên thành Hội Tam Hoàng, dưới sự cố vấn của Ngô Đình Nhu, tháng 9/1956, Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật số 53, cấm người nước ngoài (mà thực chất là cấm người Hoa) làm 11 nghề, gồm: buôn bán lúa gạo, in ấn, buôn bán dầu hỏa, than đá, vận tải hành khách… Bên cạnh đó, ông ta ra lệnh cho tất cả mọi người Hoa, nếu ai không nhập quốc tịch Việt thì sẽ bị trục xuất.

Theo một báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, tính đến cuối năm 1961, hơn 1 triệu người Hoa sống ở miền Nam chỉ còn chừng 2.000 người là không chịu đổi quốc tịch, phần lớn là những người đã già. Báo cáo này viết: "Họ - nghĩa là những người Hoa không nhập tịch - đều lớn tuổi, ốm đau bệnh hoạn, sống nay chết mai nên xét thấy không cần thiết phải trục xuất họ"…

Tin vào báo cáo nên anh em Diệm, Nhu không biết rằng trong số những ông già "cận địa viễn thiên" ấy, có người là lãnh đạo tối cao của Hội Tam Hoàng ở miền Nam. Duy nhất chỉ có một nhân vật nhìn ra mối nguy hiểm tiềm tàng này: Đó là Ngô Đình Cẩn.

Là em út trong dòng họ Ngô, Cẩn tuy ít học nhưng lại được trời phú cho một khả năng đặc biệt về những hoạt động ngầm. Bằng cách lập ra "Đoàn công tác đặc biệt miền Trung" do Dương Văn Hiếu và Nguyễn Tư Thái (biệt danh Thái "đen") cầm đầu với mục tiêu "săn lùng và tiêu diệt Cộng sản nằm vùng", Cẩn ra lệnh "làm thịt" luôn những người Hoa theo Hội Tam Hoàng bằng cách vu cho họ là tình báo Trung Quốc. Quá sợ hãi, nhiều người Hoa giàu có ở Huế, ở Đà Nẵng bỏ của chạy lấy thân. Họ vào Sài Gòn, xuống Bạc Liêu, Sóc Trăng… làm lại cơ nghiệp từ đầu và đó cũng là nguyên nhân vì sao đến nay, so với các địa phương khác ở miền Nam thì Huế là nơi có số lượng người Hoa ít nhất.

Trước những biến động ấy, Tam Hoàng ở miền Nam hầu như tê liệt. Nếu như trước kia, Tam Hoàng Chợ Lớn được coi như trung tâm quyền lực đen thứ hai trên thế giới, chỉ sau Singapore còn xếp thứ ba là Hồng Kông thì năm 1960, Tam Hoàng Chợ Lớn xem như biến mất trên bản đồ "hội kín". Thay vào đó, một tổ chức nhỏ hơn, thực lực kém hơn nhưng vẫn do người Hoa sáng lập và điều khiển là "Thanh bang" ngoi lên, tiếp thu và phát triển những ngành nghề kinh tế mà trước đó, nó vốn nằm trong tay các thành viên của Hội Tam Hoàng…

(Còn tiếp)

Vũ Cao
.
.