Dương Quang Đông - Người chỉ huy đường Xuyên Tây huyền thoại

Kỳ 3: Những đoàn quân hải ngoại trở về

Thứ Năm, 29/10/2015, 08:45
Được sự ủng hộ tạo điều kiện của Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanômyông, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của Tổng hội Việt kiều và bà con kiều bào tại Thái Lan, Dương Quang Đông cùng các đồng chí lãnh đạo đã tổ chức đưa các đơn vị bộ đội hải ngoại và một số lượng lớn vũ khí về chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

Bộ đội hải ngoại và vũ khí chi viện cho Nam Bộ

Từ những năm đầu thế kỷ XX, Thái Lan đã là cơ sở liên lạc cách mạng của các nhà yêu nước kháng Pháp. Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanômyông ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam và Kiều bào tại Thái Lan.

Sang Thái Lan lần thứ nhất, đoàn công tác của Dương Quang Đông có một sĩ quan đào tạo tại Pháp. Đó là Nguyễn Thới Trọng.  Nguyễn Thới Trọng sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở Vĩnh Long, được cha mẹ đưa sang Pháp học Trường Võ bị Saint Cyr, tốt nghiệp với lon thiếu úy nhưng lại có cảm tình với Cách mạng. Ban cán sự Thái thành lập chiến khu ở Ouđône, Nguyễn Thới Trọng được giao huấn luyện tân binh. Thanh niên Việt kiều tình nguyện tham gia đông, ta mở thêm chiến khu nữa ở Ubôn. Sau khi được huấn luyện bài bản, kết hợp với các đơn vị Việt - Lào, ta phiên chế thành 3 đơn vị: Bộ đội Độc lập số 1, Bộ đội Quang Trung, Bộ đội Trần Phú. Nhiệm vụ then chốt của Dương Quang Đông khi sang Thái lần thứ hai là phối hợp với Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ tổ chức các đơn vị bộ đội trên lần lượt về nước, chi viện cho chiến trường Nam Bộ.
Chi đội hải ngoại Trần Phú làm lễ xuất quân ở Thái Lan, ngày 26/12/1946.

Tháng 8/1946, Dương Tấn và Ngô Thất Sơn đưa bộ đội Độc lập số 1 là đơn vị bộ đội hải ngoại đầu tiên về nước. Về đến biên giới, Dương Tấn nhận lệnh đảm nhiệm chức vụ Khu phó Khu 9, sau đó là Trưởng ty Công an Sài Gòn. Ngô Thất Sơn tiếp quản Bộ đội Độc lập số 1 và hành quân lên miền Đông gia nhập Liên quân C. Trong một trận đụng độ, Ngô Thất Sơn bị địch bắt, bị tra tấn dã man và hy sinh anh dũng. Đồng chí Dương Tấn lại được lệnh về Tây Ninh chỉ huy Bộ đội Độc lập số 1.

Đơn vị bộ đội thứ hai về Nam Bộ là Bộ đội Quang Trung với Bộ chỉ huy gồm đồng chí Võ Hoành, đồng chí Thuận. Hoàng Xuân Bình đảm nhiệm chính trị viên. Trên đường hành quân, đến đoạn đường Tà Ni, đơn vị bị địch phát hiện và bao vây. Hai đồng chí chỉ huy Hoành và Thuận đều không vượt qua được và phải nằm lại vĩnh viễn trên đất bạn. Tuy bị thương, Hoàng Xuân Bình vẫn dũng cảm chiến đấu và đưa được đơn vị về tới kinh Vĩnh Tế.

Đơn vị tiếp theo được lệnh về nước là Bộ đội Trần Phú. Đây là đơn vị bộ đội hải ngoại có số quân đông nhất với 470 người mà nòng cốt là liên quân Việt - Lào đã từng chiến đấu trên mặt trận Lào từ đầu năm 1946. Bộ chỉ huy gồm có các đồng chí: Nguyễn Chánh, Chi đội trưởng; Trần Văn Sáu, Chính trị viên; Lê Quốc Sản, Chỉ huy phó; Dương Cự Tẩm, Phó chính trị viên. Trong số cán bộ tiểu đoàn có Đỗ Huy Rừa sau là Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 307 nổi tiếng ở Nam Bộ. Chính phủ Pridi Phanômyông đã giúp trang bị vũ khí cho bộ đội bằng các loại súng tốt như carbin, tôm-xông… và trợ cấp cho 180.000 bạt làm kinh phí trên đường.

Khi về tới Sa Đéc, Bộ đội Trần Phú được đổi tên là Bộ đội Hải ngoại 4. Các chiến sĩ trong Bộ đội Hải ngoại 4 về sau dần dần được điều động đi các trung đoàn, trở thành cán bộ nòng cốt của nhiều đơn vị. Phần lớn quân số được giữ lại xây dựng nên Tiểu đoàn 307 do Đỗ Huy Rừa làm chỉ huy. Những chiến công của Bộ đội Hải ngoại 4 từng được đồng chí Lê Duẩn đánh giá "là liều Filatov - một liều nhỏ cấy vào cơ thể gây kích thích lớn".

Chuyến vũ khí thứ hai

Khi các đơn vị bộ đội hải ngoại đã về Nam Bộ cũng là lúc các đơn vị ở Thái Lan báo về vũ khí đã được tập trung rất nhiều, cần phải có loại tàu tải trọng lớn mới chở hết được. Dương Quang Đông giao cho Bông Văn Dĩa đến Phú Quốc đóng một chiếc tàu lớn, tải trọng 50 tấn. Chiếc tàu được đặt tên là Chiến Thắng, sẵn sàng nhổ neo rời bến May Luột.

Tàu Chiến Thắng do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm chính trị viên lên đường và về tới Rạch Gốc một cách an toàn. Vũ khí và các nhu yếu phẩm được phân chia cho các đơn vị theo nhu cầu. Số còn lại khá nhiều, Khu 9 quyết định thành lập một đơn vị bộ đội lấy tên là Cửu Long 3 và trang bị cho đơn vị này.
Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II.

Sau khi các đơn vị bộ đội Độc lập 1, Quang Trung, Trần Phú lần lượt hành quân về Nam Bộ, Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là Pridi Phanômyông cho phép mở một chiến khu huấn luyện tân binh nữa tại vùng Aran Yaprathet. Ta đã lập một đơn vị bộ đội mới với quân số 200 người, lấy tên là Cửu Long 2. Ban chỉ huy gồm: Dương Quang Đông, Bông Văn Dĩa và đồng chí Kỉnh. Đây là một đơn vị bộ đội được huấn luyện bài bản và được trang bị như quân chính quy nhờ Chính phủ Thái tặng một số vũ khí hiện đại như tiểu liên tôm-xông, carbin và nón sắt Nhật. Chính vì vậy, mỗi khi Bộ đội Cửu Long 2 tác chiến, dân chúng cứ tưởng lính Nhật(!). Tiếng đồn lan nhanh qua Campuchia rồi đến Việt Nam. Ngay cả thực dân Pháp cũng tin là Việt Nam có một trung đoàn "lính Nhật" đang đóng tại Thái Lan!

Bộ đội Cửu Long 2

Có một sự việc rất đáng nhớ trong thời gian Cửu Long 2 chiến đấu tại Campuchia. Một người dân địa phương tên là Hên đến bộ chỉ huy đơn vị báo cho biết có hai lính Nhật đang bị kẹt ở núi Tà Lơn xin tình nguyện theo bộ đội Việt Nam chiến đấu chống Pháp. Dương Quang Đông bàn bạc với ban chỉ huy và quyết định nhận cả ba người. Hai lính Nhật được Dương Quang Đông đặt tên Việt Nam là Công và Bộ. Khi đứng vào hàng ngũ của Cửu Long 2, hai người rất hăng say chiến đấu lập công.

Rất tiếc là vài tháng sau Công hy sinh. Khi mất đi người bạn thân, cũng là người đồng hương duy nhất, Bộ càng chiến đấu hăng say để trả thù. Thấy tinh thần chiến đấu cao của Bộ, chi bộ quyết định kết nạp anh vào Đảng, sau đó cưới vợ cho anh. Hai vợ chồng theo kháng chiến đến năm 1954, Bộ tập kết ra Bắc được ta giúp đỡ qua Hồng Kông, sau đó từ Hồng Kông đi về Nhật. Về quê hương, bộ gia nhập Đảng Cộng sản Nhật. Chính thuyền trưởng Lê Văn Một là người được phân công đưa Bộ về nước.

Sau một năm hoạt động trên chiến trường Campuchia, ngày 10/7/1947, bộ đội Cửu Long 2 về nước theo lệnh của Xứ ủy Nam Bộ. Về đến kinh Vĩnh Tế, ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Đa số anh em là thanh niên sinh trưởng ở Thái Lan, chưa hề biết quê cha đất tổ nên niềm xúc động dào dạt đến rướm nước mắt. Tại đây, Dương Quang Đông gặp chủ tịch xã hỏi thăm tình hình và được biết địa điểm này đã bị lộ bèn bố trí mai phục.

Trời mờ sáng, đội tàu chiến của Pháp từ Châu Đốc lên nã đại bác vào các xóm nhà hai bên kinh Vĩnh Tế. Bộ đội Cửu Long 2 nã súng cối xuống tàu. Hai chiếc tàu bị bốc cháy. Tối hôm đó bà con tập trung thuyền ghe đưa bộ đội qua kinh Vĩnh Tế, sau đó thuận đường đưa qua cả kinh Ranh Hạt giáp Châu Đốc - Hà Tiên.

Bất ngờ Pháp cho máy bay lên quần đảo và bắn phá. Để đảm bảo an toàn, Dương Quang Đông chỉ huy Cửu Long 2 rút sâu vào trong xóm ấp nhưng chúng vẫn bám theo thả quân và bắn phá mấy ngày liên tiếp. Không thể để địch tung hoành, ta quyết định đánh trả. Giặc Pháp thất thế bỏ chạy về Cà Mau, bỏ lại khoảng 50 xác nằm ngổn ngang trên đồng ruộng. Gặp địch là đánh, đã đánh là thắng, tiếng tăm Bộ đội Cửu Long 2 vang danh khắp nơi, là nỗi ám ảnh của quân Pháp mỗi khi nghe nhắc đến.

Tháng 7/1947, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ quyết định thành lập Phòng Hàng hải Nam Bộ (bí danh là Bộ đội 29) do đồng chí Nguyễn Đăng Kỳ làm Trưởng phòng, đặt căn cứ tại Dầy Chảo, Cà Mau. Dương Quang Đông được trao nhiệm vụ là Phó phòng phụ trách văn phòng thường trực tại Bangkok để duy trì và phát triển đường Xuyên Tây cả trên biển và trên bộ. Ông bàn giao Bộ đội Cửu Long 2 cho đồng chí Lê Công phụ trách và lãnh 10 ký vàng đáp ghe máy Độc Lập do thuyền trưởng Tư Hóa điều khiển tách bến ra cửa Bồ Đề (Rạch Gốc) trở qua Thái Lan.

Vào vai chủ cửa hàng tại Bangkok

Dương Quang Đông đóng vai một thương gia lớn làm ăn trên đất Thái và mở một cửa hàng xuất nhập khẩu tại Bangkok. Cửa hàng được đặt tên là Chrơn Phanich, tọa lạc tại phố lầu 428 Lương Loẳng, gần cầu Xa Phanh Khảo. Dương Quang Đông nhập quốc tịch Thái Lan với tên là Nai Chrơn (giấy tờ Việt kiều lấy tên Huỳnh Văn Kim).

Mặt hàng đầu tiên mà cửa hàng Chrơn Phanich nhập cảng là một máy in offset 4 tấn dự định gửi ra miền Bắc để phục vụ cho việc in tiền. Kế đó là các hóa chất đủ loại, dụng cụ y tế, thuốc men. Phòng Hàng hải Nam Bộ quyết định mua thêm chiếc tàu 50 tấn và mở một bến tiếp nhận mới tại Long Châu Hà để nhận hàng chuyển về Khu 9. Trong khi đó đường Xuyên Tây trên bộ cũng được tăng cường thêm 5 chiếc xe bò và 12 con voi. Lực lượng đi tải hàng được bổ sung lên đến 200 người.

Tuy nhiên như thế vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu, Phòng Hàng hải quyết định trang bị thêm một chiếc tàu khoảng 100 tấn mới đủ sức chuyển vũ khí và hàng hóa phục vụ cho chiến trường Nam Bộ đang ngày càng căng thẳng, các trận chiến lớn của ta liên tục diễn ra. Song song đó, đường Xuyên Tây trên biển còn có nhiệm vụ chuyển chiếc máy in offset 4 tấn và một số hàng hóa cần thiết ra Hà Nội.

Công việc mua sắm tàu được giao cho Tư Hóa - một trong những thuyền trưởng trên tuyến đường Xuyên Tây. Việc mua bán diễn ra suôn sẻ, ta mua được chiếc Samuel Songram hai máy, trọng tải 80 tấn với giá 200.000 bạt. Mua xong tàu, ta đổi tên là Sông Lô và chở chuyến hàng đầu tiên ra miền Bắc. Trên lộ trình, tàu Sông Lô sẽ ghé Dầy Chão để đưa hàng của Nam Bộ lên, sau đó tiếp tục hải hành. Tuy nhiên ta đã phạm một sai lầm lớn là để Nai Say người Thái Lan đứng tên chủ tàu, thủy thủ đều là người Thái Lan. Khi đến Klong Yài, ta đưa họ lên bờ. Không biết người nào trong số này đã làm lộ bí mật. Và tin này đã lọt tới tai Phòng Nhì Pháp tại Việt Nam.

Tới hải phận Bắc Bộ, bất ngờ tàu bị hải quân Pháp đuổi theo. Để giữ bí mật, thuyền trưởng Tư Hóa cho đốt tàu và toàn bộ thủy thủ đoàn được lệnh nhảy xuống biển. Tuy nhiên anh em thủy thủ trên tàu chưa ai có kinh nghiệm đốt tàu. Lửa không phải cháy từ từ như mọi người nghĩ mà khi ném bật lửa vào thùng xăng thì một tiếng nổ lớn vang lên, xăng bốc cháy cả boong tàu, hất mọi người bay lên cao rồi rơi xuống nước. Tàu Sông Lô cháy và chìm xuống đáy biển. Tàu Pháp lập tức cho ca nô vớt tất cả thủy thủ. 1 người bị mất tích, 21 người được vớt lên, trong đó có 8 người bị bỏng được chúng đưa về bệnh viện Hải quân Pháp ở Hải Phòng chữa trị. 13 người khỏe mạnh được đưa về Sài Gòn trước để điều tra…

Tàu Sông Lô bị chìm là sự kiện mở đầu cho một loạt những sự việc bất lợi sau đó. Những chuyến vận chuyển hàng gấp rút tiếp theo trong đường Xuyên Tây bị địch phát hiện và truy bắt, gây tổn thất về người và vũ khí. Nhiệm vụ của Dương Quang Đông lúc này rơi vào tình thế rất khó khăn.

Năm 1947, Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanômyông bị phe Bảo hoàng đảo chính. Trước khi cuộc đảo chính xảy ra, nhận thấy tình hình có nhiều bất lợi, Dương Quang Đông tăng cường chuyển vũ khí từ các kho ở Bangkok, May Luột, Kô Kông về nước. Bông Văn Dĩa liên tục chở nhiều chuyến trên tàu Chiến Thắng về Dầy Chảo và Ba Hòn. Trên đường bộ, ta cũng tổ chức nhiều chuyến về Long Châu Hà qua đường Campuchia. Tuy nhiên các chuyến vận chuyển bằng đường bộ đều được an toàn, còn đường đường biển thì bị tàu Pháp liên tục chặn đánh.

Khi lên nắm quyền, tướng Phibun Songgram đã thực thi những chính sách gây rất nhiều bất lợi cho Việt kiều. Năm 1951, Dương Quang Đông bị cảnh sát đến khám nhà và đưa về đồn vì "dám" treo cờ đỏ sao vàng trong cửa hàng Chrơn Phanich. Sau đó ông bị giam một thời gian để điều tra về những chuyến hàng "quốc cấm". Không tìm ra được chứng cứ, Dương Quang Đông được trả tự do nhưng sau đó bị trục xuất về nước.

(Còn tiếp)

Duy Tường
.
.