Hội Tam Hoàng và những biến thể ma quái: Không còn đất sống

Chủ Nhật, 26/07/2015, 11:10
Đêm 14 rạng ngày 15/2/1916, khoảng 300 hội viên Thiên Địa hội ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tất cả đều mặc áo đen, quần trắng, cổ quấn khăn trắng, được uống rượu có pha một lá bùa đã đốt thành tro, cổ đeo dây pháp chú, bí mật dùng ghe, thuyền cập bến neo đậu ở chân cầu Ông Lãnh rồi chia làm ba nhóm. Một hướng về Khám Lớn Sài Gòn cứu Phan Xích Long, một chiếm dinh Thống đốc Nam Kỳ và một đánh phá kho đạn, phá nhà máy điện...

Cuộc dấy binh của Phan Xích Long

Nhắc đến Thiên Địa hội ở Nam Kỳ mà không đề cập đến cuộc dấy binh khởi nghĩa của Phan Xích Long là một thiếu sót. Tên thật của ông là Phan Phát Sanh, tự là Lạc, sinh năm 1893. Ngay từ nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh sưu cao thuế nặng của nông dân cùng những thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp nhằm đàn áp những người yêu nước. Vì thế, ông bỏ nhà lên vùng Thất Sơn, An Giang học bùa phép, sang Thái Lan học cách chế tạo bom mìn.

Năm 1911, Phan Xích Long truyền dạy đạo thuật cho một số người, trong đó có Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, Trương Phước, Nguyễn Màng, Huỳnh Văn Khanh - là hội viên Thiên Địa hội. Tháng 2/1912, họ đồng loạt tôn ông làm minh chủ rồi cùng ông phát triển tổ chức, quy tụ những người cùng chí hướng đánh đuổi thực dân.

Khi lực lượng đã đủ mạnh, Phan Xích Long tự xưng "hoàng đế", định ngày 28/3/1913 sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trên các đường phố chính ở Sài Gòn, Chợ Lớn với sự tham gia của gần 1.000 hội viên Thiên Địa hội. Trong cuộc biểu tình này, họ sẽ ném bom, mìn vào một số đồn lính Pháp, mở đầu cho việc cướp chính quyền và đồng thời cũng là biểu thị cho ngày "hoàng đế" Phan Xích Long xuất thế.

Phan Xích Long trong Khám lớn Sài Gòn.

Tuy nhiên, do cách bảo mật khá lỏng lẻo nên ngay từ đêm 23/3, mật thám Pháp đã thu nhặt được nhiều tờ truyền đơn, kêu gọi dân chúng tham gia khởi nghĩa. Đến sáng 28/3, lúc đoàn người biểu tình rầm rập xuất hiện thì cả 8 quả bom do Thiên Địa hội ném vào 8 trại lính, đồn mã tà đều không nổ! Một nhóm Thiên Địa hội từ Gò Vấp, Hóc Môn kéo lên bị lính Pháp bắt gọn. "Hoàng đế" Phan Xích Long cũng bị bắt và bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM) để điều tra. 

Ngày 5/11/1913, Phan Xích Long cùng các đồng sự ra Tòa đại hình Nam Kỳ. Kết quả có 57 người được tha bổng, 6 người nhận án chung thân khổ sai, gồm: Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, còn Nguyễn Mành, Nguyễn Ngọ, Trương Phước, trốn thoát nên bị kết án vắng mặt. Trước vành móng ngựa, Phan Xích Long tự biện hộ cho hành động của mình. Ông nói: "Tôi chống đối chính sách thuế khóa nặng nề của người Tây. Những trái bom ném vào các đồn lính là do chủ trương của tôi, còn những người khác chỉ làm theo lệnh tôi…". Thái độ anh hùng mã thượng của Phan Xích Long đã làm chấn động các "hội kín" ở Nam Kỳ.

Năm 1916, người Pháp đại bại sau những trận đánh với người Đức trong Thế chiến I. Thấy thời cơ đã đến, một số hội viên Thiên Địa hội lập kế hoạch tấn công Khám Lớn Sài Gòn để giải cứu Phan Xích Long cùng các đồng sự.

Đêm 14 rạng ngày 15/2/1916, khoảng 300 hội viên ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tất cả đều mặc áo đen, quần trắng, cổ quấn khăn trắng, được uống rượu có pha một lá bùa đã đốt thành tro, cổ đeo dây pháp chú, bí mật dùng ghe, thuyền cập bến neo đậu ở chân cầu Ông Lãnh rồi chia làm ba nhóm. Một hướng về Khám Lớn Sài Gòn cứu Phan Xích Long, một chiếm dinh Thống đốc Nam Kỳ và một đánh phá kho đạn, phá nhà máy điện...

3 giờ sáng ngày 15/2, nhóm Thiên Địa hội vũ trang bằng giáo mác, gậy gộc từ những chiếc ghe đồng loạt lên bờ, tiến đến ba mục tiêu đã định. Thế nhưng, cuộc tấn công chỉ dựa vào niềm tin bùa chú, vũ khí lại thô sơ nên đã bị quân Pháp đè bẹp. 19 người bị bắn chết, số còn lại ai nhanh chân thì chạy thoát.

Sau cuộc khởi nghĩa, Tòa đại hình Nam Kỳ xử tử hình 38 người, bắn tại Đồng Tập Trận vào ngày 22/2/1916, trong đó có Phan Xích Long, khi ấy mới 23 tuổi. Ba tuần tiếp theo, lại có thêm 13 người nữa bị xử bắn, tổng cộng là 57 hội viên Thiên Địa hội.

Tam Hoàng tái xuất

Trở lại chuyện Tam Hoàng ở miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa, mặc dù "Đoàn công tác đặc biệt miền Trung" của Ngô Đình Cẩn lợi dụng việc "triệt hạ cơ sở Cộng sản nằm vùng" để "làm thịt" luôn Hội Tam Hoàng nhưng từ năm 1958, khi Ngô Đình Nhu quyết định phục hồi việc mua bán thuốc phiện để có tiền nuôi dưỡng phong trào "Cần lao nhân vị" do ông ta đẻ ra, cũng như đàn áp những cuộc khởi nghĩa và các nhóm đối lập thì Nhu không thể không bắt tay với Tam Hoàng mặc dù trước đó - tháng 5/1955 - Ngô Đình Diệm đã đích thân phát động phong trào bài trừ thuốc phiện dưới hình thức đóng cửa những tiệm hút, tổ chức một buổi lễ công khai đốt bàn đèn cùng các dụng cụ phục vụ việc hút xách.

Một tiệm hút thuốc phiện ở Chợ Lớn.

Bằng cách cho một người thân tín bí mật tiếp xúc với Mã T., nhân vật đứng đầu 5 bang hội người Hoa ở Chợ Lớn đồng thời cũng là một chỉ huy cao cấp của Tam Hoàng miền Nam rồi tiếp theo, đích thân Nhu gặp Mã T.. Sau nhiều cuộc bàn bạc, thương lượng thì chỉ một thời gian ngắn, khoảng 2.500 tiệm hút thuốc phiện ở Chợ Lớn đã mở cửa trở lại. Để cung cấp thuốc phiện cho những tiệm hút ấy, Nhu mở hai tuyến vận chuyển từ Lào về Sài Gòn thông qua Hãng Hàng không thuê bao Air Laos Commerciale.

Tháng 11/1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ sau một cuộc đảo chính, anh em Diệm, Nhu bị giết dù đã được Tam Hoàng Chợ Lớn che chở. Tuy không có một văn bản chính thức nào từ "Hội đồng Quân nhân cách mạng" - là nhóm sĩ quan, tướng lĩnh Sài Gòn chủ mưu đảo chính nhưng cộng đồng người Hoa ở miền Nam xem như đạo luật 53 - cấm người Hoa làm 11 nghề - hết hiệu lực.

Và thế là các hiệu buôn, nhà in, các công ty xuất nhập khẩu máy móc nông ngư cụ, các "chành" lúa gạo, hãng xe đò do người Hoa làm chủ ồ ạt ra đời. Lúc này, do chiến tranh và những cuộc đảo chính, phản đảo chính, chỉnh lý giữa những người cầm đầu chế độ Sài Gòn liên tục xảy ra nên có vẻ như Tam Hoàng Chợ Lớn không còn quan tâm đến chính trị nữa mà chuyển sang làm ăn kinh tế bằng cách móc ngoặc với những tướng lĩnh, những bộ trưởng và các tỉnh trưởng, quận trưởng ở những khu vực sầm uất để được thắng thầu nhiều hạng mục béo bở.

Một trong những cú làm ăn ngoạn mục nhất của Tam Hoàng Chợ Lớn là năm 1966 - một năm sau khi thiếu tướng Vĩnh Lộc lên nắm quyền Tư lệnh Quân đoàn 2, thì Lý B, một trong những trùm Tam Hoàng Chợ Lớn tìm cách tiếp cận với ông ta. Sau khi gặp mặt, Lý B, đặt thẳng vấn đề với tướng Vĩnh Lộc rằng "xin mua lại tất cả những vỏ đạn đại bác 105mm bằng đồng của quân đội sau khi đã bắn xong", với một giá rất "thoáng".

Thời điểm này, tất cả mọi loại chiến cụ sử dụng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa đều do người Mỹ cung cấp. Theo một điều khoản trong chương trình viện trợ, vỏ đạn đại bác 105mm sau khi bắn phải được thu lượm lại để gửi về Mỹ tái chế, và Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) kiểm soát rất gắt gao về số lượng đạn đã cấp phát cũng như số vỏ đạn thu về.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Vĩnh Lộc cùng các quân sư nảy ra một kế: Ông ta ra lệnh cho phần lớn những căn cứ pháo binh đóng ở những tiền đồn, những chi khu hẻo lánh, mỗi đêm mỗi khẩu đại bác 105mm phải bắn ít nhất 20 quả đạn, bắn đi đâu cũng được rồi cứ vài hôm, xe quân sự lại đến, chở đống vỏ đạn ấy về Pleiku. Tại đây, các "xì thẩu" người Hoa đã lập sẵn một xưởng nấu đồng, biến đống vỏ đạn thành những thỏi đồng bóng loáng. Số đồng này ngoài việc cung cấp cho những nhà sản xuất lư hương, chân đèn, các xưởng cơ khí, các cơ sở chế tạo khuôn mẫu trong nước, còn thì… xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan!

Giải thích với các cố vấn Mỹ về việc đêm nào cũng bắn, dẫn đến số lượng đạn 105mm cung cấp cho Quân đoàn 2 trong năm 1967 bằng gần một nửa so với số đạn mà Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 sử dụng nhưng không thu lại được vỏ đạn, Vĩnh Lộc nói rằng ông ta thực hiện kế hoạch "bắn quấy rối" - nghĩa là bắn hú họa vào những vùng nghi có Quân Giải phóng đang hoạt động, vừa để làm mất tinh thần đối phương, vừa để đối phương biết rằng quân đội Việt Nam Cộng hòa luôn theo sát mọi hành tung của họ. Sau đó, các căn cứ pháo binh bị Quân Giải phóng tập kích nên lính bỏ chạy, vỏ đạn cũng mất luôn!

Ngô Đình Nhu, người bắt tay với Tam Hoàng Chợ Lớn để buôn thuốc phiện.

Cùng với việc mua vỏ đạn của Lý B, ở Chợ Lớn bắt đầu xuất hiện thêm nhiều ông "vua không ngai" người Hoa như Lâm Huê H., "vua tín dụng và hàng phế liệu chiến tranh", Mã H., "vua lúa gạo", Lý Long T., "vua dệt vải, sắt thép", Tạ V., "vua xuất nhập khẩu", Lý B., "vua hàng PX, hàng viện trợ, đôla đỏ" (là hàng miễn thuế chỉ bán cho lính Mỹ và loại tiền chỉ có giá trị chi tiêu trong quân đội Mỹ), Lâm N., "vua lính ma, lính kiểng" (nghĩa là chạy cho con em người Hoa khỏi đi lính nhưng vẫn có tên trong danh sách, hoặc nếu phải đi lính thì cũng chỉ làm công việc văn phòng ở thành phố, thị xã chứ không phải ra mặt trận), tất cả đều có quan hệ mật thiết với Hội Tam Hoàng.

Trong đó, "vua bột ngọt" Trần T., gốc Triều Châu là một trong những thủ lĩnh cao cấp của Tam Hoàng, quản lý tài chính. Với tiềm lực rất mạnh, các ông "vua không ngai" nắm trong tay 70% các ngành kinh tế xương sống của miền Nam. Nhiều người đồn rằng Tín Mã Nàm (hay còn gọi là "Nàm chảy"), một tay anh chị người Hoa khét tiếng trong giới xã hội đen ở Chợ Lớn cũng là người của Tam Hoàng nhưng thực tế thì "Nàm chảy" chỉ là một gã du đãng, kéo bè kết cánh để bảo kê vũ trường, động mại dâm.

Theo báo cáo của Biệt đội Hình cảnh - Tổng nha Cảnh sát quốc gia Sài Gòn gửi Phòng Cảnh sát Đặc biệt đặc trách Hoa vụ, thì: "Không có dấu hiệu cho thấy Lý Nam (tức Nàm) có dính líu đến Hội Tam Hoàng". Hơn nữa, để bảo vệ công việc làm ăn, các "xì thẩu" người Hoa lúc ấy rất ngại đổ máu. Qua sự giao du mật thiết với các nhân vật chóp bu của chế độ Sài Gòn bằng tiền hối lộ, họ có đủ cách để khiến đối thủ thân bại danh liệt chứ mắc mớ gì mà phải đâm chém cho rùm beng.

Cố đấm ăn xôi

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tam Hoàng Chợ Lớn ngoại trừ một số nhanh chân chạy ra nước ngoài thì số còn lại nằm im thở khẽ, theo dõi tình hình. Khi ấy, tại một cuộc họp bí mật với những người đứng đầu các bang hội người Hoa ở Chợ Lớn, Trần T. - một trong những thủ lĩnh cao cấp của Tam Hoàng, phụ trách việc quản lý tài chính, đã phát biểu: "Dù họ là ai chăng nữa (ý nói chính quyền cách mạng) thì họ cũng phải ăn, phải uống, phải mặc, phải thụ hưởng những tiện nghi vật chất. Vì thế, trước mắt chúng ta không nên manh động vì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, tất cả sẽ trở lại như cũ".

Nhưng Trần T. đã nhầm. Khi chiến dịch cải tạo tư sản thương nghiệp, cải tạo tư sản mại bản diễn ra và nhất là thời gian trước cuộc chiến tranh biên giới 1979, nhiều người Hoa - trong số đó có hội viên Tam Hoàng trở về Trung Quốc rồi đi đến các quốc gia khác. Quyền lực của Tam Hoàng dần dà chuyển sang Hồng Kông. Đến khi Hồng Kông được người Anh trao trả cho Trung Quốc, Tam Hoàng chuyển sang Đài Loan, sang Malaysia, Canada, sang Mỹ…

Suốt 20 năm, từ 1975 đến 1995, ba từ Hội Tam Hoàng mờ dần trong ký ức của những người Hoa sống tại TP HCM cũng như các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang…

Vũ Cao
.
.