Lãnh tụ Xôviết Vladimir Ilych Lenin: Vĩ nhân bất diệt
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", một văn kiện có ý nghĩa cương lĩnh cho việc xây dựng một Đảng cách mạng ở Việt Nam, đã khẳng định: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, Kách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin". Trước đó ba năm, ngay sau khi Lênin vừa từ trần ngày 21/1/1924, cũng chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta....".
Căn bệnh chính
V.I. Lênin đã bị ốm trong một thời gian kéo dài và bệnh tình rất nặng. Thế nhưng, trong Thông báo của chính phủ ngày 22/1/1924 nói rằng, V.I. Ulianov (Lênin) đã qua đời một cách đột ngột. Và quả thực, qua nhật ký của y sĩ R.A. Rukavishnikov chúng ta được biết rằng, vào ngày 21/1/1924 đó, Lênin sáng ra đã dậy trong trạng thái mệt mỏi và rất yếu. Đến 14h30, Người "thức giấc còn trong trạng thái yếu hơn so với buổi sáng".
Nhưng những hiện tượng như thế thì trước đó đã từng xảy ra nhiều lần và tình huống hôm đó cũng không ngoài những gì đã từng xảy ra. Chính vì thế nên giáo sư Osipov, sau khi khám bệnh nhân và kiểm tra mạch, đã kết luận là không có gì đe dọa cả và đó chỉ là việc đuối sức mà thôi.
Tới bữa trưa, Lênin đã uống được hết một chén nước canh và nửa ly cà phê nhưng vẫn tiếp tục yếu dần đi. Hai giáo sư Osipov và Ferster đã liên tục trực tiếp theo dõi sức khỏe của Người.
"Tới 6h (chiều) đã xuất hiện những cơn co giật toàn thân. Giáo sư Ferster và giáo sư Osipov đã không rời khỏi Người một phút nào, theo dõi hoạt động của tim và mạch, còn tôi (Rukavishnikov) đã giữ miếng gạc trên đầu V.I. Lênin. Tới 6h35, tôi nhận thấy nhiệt độ bỗng nhiên tăng cao. Tôi nói ngay điều này với giáo sư Osipov và đặt nhiệt kế luôn. Tới 7h kém 13 phút, tôi rút nhiệt kế ra và kinh ngạc nhận thấy: 42 độ 3! Giáo sư Ferster và giáo sư Osipov thậm chí đã không tin vào điều này và bảo đó là nhầm lẫn. Nhưng đó không phải là nhầm lẫn - sau ba phút, Vladimir Ilyich đã từ trần".
Nadezhda Krupskaya, người bạn đời chung thủy của Lênin, cũng đã chứng nhận về ngày hôm đó: "V.I. sáng hôm ấy đã trở dậy hai lần nhưng rồi lại thiếp đi ngay. Tới 11h, Người đã uống cà phê đen rồi lại chợp mắt... Khi Người lại thức giấc, người ta mang tới cho người nước canh và cà phê. Người đã uống một cách ngon lành rồi bình tĩnh lại chút ít. Thế nhưng, chẳng mấy chốc Người lại bị nhột ở trong ngực.
Cái nhìn của Người ngày càng trở nên đờ đẫn hơn. Vladimir Aleksandrovich (Rukavishnikov, y sĩ) và Petr Petrovich (Pakln, Đội trưởng Đội cảnh vệ ở Gorky) gần như liên tục đỡ Người trên tay. Thỉnh thoảng Người lại nấc lên không thành tiếng, những cơn co giật lan khắp toàn thân. Tôi thoạt tiên cứ nắm lấy bàn tay nóng bỏng đẫm mồ hôi của Người rồi sau đó cứ lặng nhìn cái khăn mùi xoa đẫm dần máu đỏ và dấu ấn của thần chết trên gương mặt trắng nhợt. Giáo sư Ferster và giáo sư Osipov tiêm long não, cố gắng duy trì hô hấp nhân tạo nhưng vô ích, không thể nào cứu được nữa rồi...".
Rạng sáng ngày 22/1 đã tiến hành giải phẫu thi hài, mất 3 giờ 40 phút.Tiến hành giải phẫu là giáo sư A.I. Abrikosov với sự chứng kiến của giáo sư O. Ferster, V.B. Osipov, A.A.Deshin, V.N. Rosanov. V.S. Veysbrod... Tất cả họ đều là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực y tế khác nhau. Biên bản giải phẫu nói rằng, "căn bệnh chính của người quá cố là chứng xơ vữa động mạch khá phổ biến...".
Ngoài phẫu thuật trên còn tiến hành nghiên cứu chi tiết thi hài của Lênin và cũng đã đi đến kết luận rằng, nguyên nhân duy nhất dẫn tới việc ra đi của Lênin là "chứng xơ vữa động mạch. Không hề có dấu hiệu gì về một quá trình nhiễm bệnh đặc thù nào (thí dụ như bệnh giang mai chẳng hạn...) trong hệ thống mạch hay các cơ quan khác...".
Di chúc
Vấn đề liên quan tới di chúc của Lênin đã từng được đưa ra rất nhiều lần. Và đã có ý kiến cho rằng, dường như Lênin đã để lại ý nguyện được mai táng ở Nghĩa trang Volkovoye tại Peterburg, cạnh ngôi mộ thân mẫu của Người.
Cựu Cục trưởng Cục Tài liệu của Lênin tại Viện Lưu trữ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Vladlen Stepanov khi nói về việc này đã nhấn mạnh: "Chúng tôi không hề có bất cứ một thông tin gì về ý nguyện của Lênin được mai táng tại Nghĩa trang Volkovoye. Đó chỉ là sự huyễn tưởng.
Xét theo tất cả những tài liệu mà chúng tôi lưu giữ, Lênin đã không lo quá xa và không hề để lại một chỉ dẫn nào về cách và địa điểm sẽ mai táng Người. Ngay cả bà Krupskaya cũng không hề biết gì về di chúc. Thế nào là bản di chúc? Đó là khi con người vẫn còn tỉnh táo và để lại ý nguyện của mình trước công chứng viên hay các nhân chứng. Một khi đã có những tài liệu như thế thì kiểu gì chúng tôi cũng đã được lưu trữ lại...".
Lăng Lênin khi mới thiết lập tạm bên tường điện Kremlin. |
Ngay cả cháu gái của Lênin là O.D. Ulianova và V.S. Dridzo, cựu thư ký riêng của bà Krupskaya cũng không thể chứng thực về việc tồn tại một bản di chúc của Lênin...
Phản ứng của người đương thời
Thông tin đầu tiên về sự ra đi của Lênin được em gái của Người là Maria Ulianova chuyển qua điện thoại tới Điện Kremli vào lúc 19h ngày 21/1/1924. Đúng 6h sáng ngày 22/1/1924, trong thông báo đặc biệt của chính phủ chuyển tới tất cả các đài phát thanh trên thế giới có ghi: "Hôm qua, ngày 21/1/1924 vào lúc 6h50 tối tại Gorky gần Moskva, V.I.Lênin đã bất ngờ tạ thế".
Những hồi ức, các bức ảnh và báo chí thời đó đã nói rất rõ về việc Lênin mất đã làm chấn động thế giới ra sao. "Lênin từ trần. Câu nói này làm đau nhức não và lạnh giá con tim" - nhà sinh hóa học, giáo sư B.I. Zabrsky đã viết như vậy. Khi M.I. Kalinin sáng 22/1/1924 khai mạc kỳ họp của Hội đồng Xôviết toàn Nga lần thứ XI, ông phải khó khăn lắm mới làm chủ được mình.
Thông tin khủng khiếp này sau khi được ông thông báo ngắn gọn đã như sét đánh ngang tai các đại biểu dự họp. Trong khán phòng của Nhà hát Bolshoi, đủ sức chứa tới 4.000 người, đã tràn ngập một không khí rất khó miêu tả. Vang lên những tiếng khóc nức nở của cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Tin tức đau đớn làm run rẩy thế giới và quốc gia Xôviết đầu tiên chìm vào không khí tang lễ. Nhà tâm lý học, giáo sư M.P. Pavlovich, thành viên Hội đồng các dân tộc, viết về nỗi đau buồn sâu sắc sau sự ra đi của V.I. Lênin: "Chính tôi đã phải chứng kiến cảnh trong rất nhiều các cuộc mít tinh, người ta đã phải khênh ra hàng chục những người đàn ông và đàn bà không phải là đảng viên đã ngất xỉu đi khi nghe tin về việc Lênin từ trần...
Chính những người công nhân đã đưa ra đề nghị từ bỏ trong hai tuần hoặc lâu hơn nữa các hoạt động giải trí. Và chính những quần chúng không phải đảng viên, vốn quen bộc lộ cảm xúc của mình bằng cả các nghi thức bên ngoài, đã áp dụng cách mang băng tang để tưởng niệm Vladimir I.Lênin, chính họ đã phân phát tới mọi nhà hàng chục nghìn mét vuông vải đen và đỏ. Người dân đã thể hiện tình cảm của mình như họ vẫn quen thể hiện...".
V.I. Lênin và người bạn đời Krupskaya. |
Những nhân vật nổi tiếng ở nước ngoài, ngay cả những người không hẳn đã đồng tư tưởng xã hội và chính trị với Lênin, cũng đã bày tỏ sự thương tiếc và kính trọng vô hạn của họ. Nhà văn Pháp nổi tiếng Romain Rolland đã viết trong những ngày đó: "Tôi không chia sẻ những tư tưởng của Lênin và những người Bolshevik Nga, nhưng tôi đánh giá rất cao ý nghĩa đối với những vĩ nhân và tôi vô cùng khâm phục nhân cách của Lênin. Tôi không biết có cá nhân nào vĩ đại hơn thế ở Tây Âu...".
Triết gia Anh Bertrand Russell, năm 1924, đã viết: "Cái chết của Lênin đã cướp đi của thế giới một vĩ nhân duy nhất. Có thể nghĩ rằng thế kỷ của chúng ta sẽ in dấu vào lịch sử như một thế kỷ của Lênin và Einstein, những người đã hoàn thành được sứ mệnh liên kết to lớn, một người trong khoa học, một người trong hành động...".
Thủ tướng Pháp trong giai đoạn 1924-1925 là Viện sĩ Eoduard Herriot đã bộc lộ cảm xúc trước tin Lênin từ trần như sau: "Không cần phải nói rằng tôi xa lạ thế nào với học thuyết của Lênin, nhưng tôi luôn luôn khâm phục tài năng kiệt xuất của ông trên cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia, tính kiên quyết, năng lượng và học vấn thực sự uyên bác của ông... Tôi tin chắc rằng, nếu như ông còn sống thì ông sẽ còn làm được rất nhiều việc cho Tổ quốc mình vì đó là con người luôn biết đánh giá đúng mọi tình hình và luôn tìm ra được lối thoát ra khỏi tình huống dù bế tắc nhất...".
Dòng người chờ được vào viếng Lênin. |
Một trong những thủ lĩnh của lực lượng dân chủ xã hội Đức, Karl Kautsky, người từng không chỉ một lần là phản biện viên chủ lực đối với Lênin, đã viết trong tháng 1/1924: "Những bất đồng của chúng ta không nên trở thành nguyên do để biến chúng ta trở thành những kẻ mù trước sự vĩ đại của người đã khuất. Lênin đã là một nhân cách khổng lồ rất hiếm thấy trong lịch sử thế giới. Trong đội ngũ những người lãnh đạo các quốc gia vĩ đại thời nay chỉ có duy nhất một người ít nhiều có thể lại gần được ông về sức mạnh. Đó là Bismark...".
Báo Pravda ngày 24/1/1924 đã đăng bài báo của Nguyễn Ái Quốc với nhan đề "Lênin với các dân tộc thuộc địa". Bài báo có đoạn:
"Lênin đã mất! Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á. Đúng là những người da đen và da vàng chưa thể biết Lênin là ai, nước Nga ở đâu? Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết. Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân Việt Nam đến những người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thường nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần đến bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ thế thôi cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình với nước đó và lãnh tụ của nước đó"...
Cũng trong bài báo này, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định về Lênin: "Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.... Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta"