Lịch sử giãn cách xã hội có từ bao giờ?
- Làm gì trong những ngày giãn cách xã hội?
- Hà Nội đề nghị kéo dài giãn cách xã hội đến hết ngày 30/4
- Người Mỹ có thể phải giãn cách xã hội đến năm 2022
Thời trung cổ
Khi tìm hiểu về công tác phòng chống dịch bệnh, chúng tôi phát hiện cách đây gần 700 năm trước (vào thế kỷ 14), các quan chức y tế công cộng chưa hiểu rõ virus là gì, nhưng họ hiểu tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách và khử trùng.
Vào thời Trung cổ, bệnh dịch hạch ở Italy bùng phát mạnh mẽ giết chết rất nhiều người. Các bác sĩ và quan chức y tế cho rằng đây là "cái chết đen", chứ họ không có khái niệm về virus hay vi khuẩn. Chính vì vậy, để ngăn chặn sự lây lan "chóng mặt" của dịch bệnh này, họ thực hiện một số biện pháp, trong đó giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc để tránh lây lan.
Bắt đầu từ năm 1348, ngay sau khi bệnh dịch hạch xảy ra ở các thành phố như Venice và Milan (Italy), các quan chức thành phố đã áp dụng các biện pháp y tế công cộng khẩn cấp để báo trước cần phòng ngừa như thế nào một cách tốt nhất về mặt xã hội và khử trùng bề mặt.
Nữ Tiến sĩ Jane Stevens Crawshaw, giảng viên cao cấp tại Đại học Oxford Brookes (Anh) và là nhà sử học người Italy thời Phục hưng cho rằng khi dịch bệnh xảy ra, bạn phải hết sức cẩn thận với hàng hóa đang được giao dịch, vì căn bệnh này có thể lây lan trên các vật thể và bề mặt, và bạn cố gắng hết sức để hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Ngay từ thời Trung cổ họ đã ý thức được vấn đề này để có biện pháp phòng ngừa.
Khái niệm kiểm dịch
Vào thời trung cổ, thành phố cảng Ragusa (thành phố hiện đại lúc bấy giờ, thủ đô là Dubrovnik) là nơi đầu tiên thông qua luật yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả các tàu đến và các đoàn lữ hành đến đây để sàng lọc ca bệnh.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy luật về kiểm dịch trong kho lưu trữ của thành phố Dubrovnik. Văn bản này cho thấy vào ngày 27/7/1377, Hội đồng của thành phố đã thông qua một đạo luật quy định rằng những người đến từ các khu vực bị nhiễm bệnh dịch hạch sẽ không được vào Ragusa, trừ khi họ phải ở trên hòn đảo Mrkan hoặc ở thị trấn Cavtat trong thời gian một tháng với mục đích khử trùng, sau đó được bác sĩ kiểm tra y tế, nếu không có nguy cơ dịch bệnh mới được vào.
Mrkan là một hòn đảo đá không có người ở phía nam thành phố và Cavtat nằm ở cuối con đường caravan được những người buôn bán trên đất liền trên đường đến Ragusa thường dừng chân nghỉ ngơi để đi tiếp.
Bà Zlata Blazina Tomic là nhà nghiên cứu về bệnh dịch hạch, làm việc tại Trường đại học McGill (Canada) đã xuất bản cuốn sách về vai trò của văn phòng y tế và việc thực hiện kiểm dịch ở thành phố Dubrovnik, giai đoạn 1377-1533, nói rằng một số nhà sử học y khoa coi việc kiểm dịch của Ragusa là một trong những thành tựu cao nhất của y học thời trung cổ.
Bằng cách ra lệnh cách ly các thủy thủ và thương nhân khỏe mạnh khi đến Ragusa trong 30 ngày, các quan chức Ragusan đã cho thấy một sự hiểu biết đáng quan tâm về thời gian ủ bệnh. Những người mới đến có thể không có các triệu chứng của bệnh dịch hạch, nhưng họ sẽ được giữ đủ lâu để xác định xem họ có thực sự không có bệnh hay không.
Thời hạn 30 ngày được quy định trong lệnh cách ly năm 1377, nhưng nữ Tiến sĩ Stevens Crawshaw nói rằng các bác sĩ và quan chức cũng có thẩm quyền áp dụng thời gian lưu trú ngắn hơn hoặc dài hơn, để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, tùy tình hình thực tế.
Bệnh viện điều trị bệnh dịch hạch đầu tiên
Giãn cách xã hội và kiểm dịch y tế đã đem lại kết quả rất tốt trong phòng chống bệnh dịch hạch lúc bấy giờ ở Ragusa. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp duy nhất trong trận chiến diễn ra ở châu Âu với bệnh dịch hạch. Bởi vì, vào thế kỷ 17, dịch hạch lại tàn phá lục địa này. Nhưng ngay khi dịch xảy ra thì việc giãn cách xã hội và kiểm dịch là cần thiết và đạt kết quả khả quan nhất.
Bức tranh mô tả bệnh dịch hạch ở Ý vào thế kỷ 14. |
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thì Ragusa cũng là thành phố đầu tiên thành lập một bệnh viện dịch hạch tạm thời trên một hòn đảo khác gọi là Mljet. Những người được đưa đến đây điều trị bệnh dịch hạch đều được nhà nước tài trợ kinh phí. Sau này trên khắp châu Âu cũng xây dựng bệnh viện chữa dịch bệnh.
Nữ tiến sĩ Stevens Crawshaw từng viết một cuốn sách về bệnh viện dịch hạch, nói rằng các bệnh viện điều trị dịch bệnh ở châu Âu lúc đó phục vụ hai chức năng, như một trung tâm điều trị y tế và một cơ sở kiểm dịch.
Đó là một cách làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cho cả những người mới đến và những người dân địa phương bị bệnh dịch hạch, trong khi vẫn giữ họ cách ly với người khỏe mạnh. Tại bệnh viện này, bệnh nhân bị nhiễm bệnh dịch hạch sẽ nhận được thực phẩm tươi, giường sạch và các phương pháp điều trị tăng cường sức khỏe khác, tất cả đều được nhà nước chi trả.
"Đây là mô hình y tế công cộng sớm đáng chú ý mà chính phủ phải đầu tư một khoản tiền khổng lồ", Tiến sĩ Stevens Crawshaw nói.
Sau đó, bất kể có bệnh dịch hạch hay không, các bệnh viện này đều có người trực sẵn sàng và chờ đợi những con tàu đến để kiểm tra y tế nhằm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ nói về cách ly xã hội
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, là một trong những người chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, cho biết giãn cách xã hội là chìa khóa thành công trong giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Giãn cách xã hội hay cách ly xã hội là từ mà chúng ta rất thường nghe trong thời gian gần đây. Tuy không cùng một thời gian nhưng hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới có người nhiễm bệnh COVID-19 đã lần lượt thực hiện. Vậy bản chất của biện pháp này là gì?
Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, khi virus đột biến lây từ động vật sang người gây ra một căn bệnh lạ, nếu người đó là Robinson sống ngoài hoang đảo thì không ai bị ảnh hưởng ngoài chính bản thân anh ấy. Sẽ có hai tình huống xảy ra sau khi Robinson nhiễm bệnh: thứ nhất là kháng thể của anh ta chiến thắng virus, Robinson sẽ khỏi bệnh và virus bị tiêu diệt; thứ hai là virus chiến thắng và Robinson sẽ chết.
Nhưng dù là ở tình huống nào đi chăng nữa thì virus cũng sẽ chịu chung một cái kết, đó là chúng không thể tồn tại và sản sinh ra thế hệ tiếp theo.
Lý do: ở tình huống thứ nhất, nó bị kháng thể của người mà nó xâm nhập tiêu diệt, cha mẹ chết không thể sản sinh ra thế hệ con cháu. Ở tình huống thứ hai, khi người bệnh tử vong, virus cha mẹ sẽ không tìm được tế bào sống nào để chui vào mà sản sinh ra thế hệ con cháu. Căn bệnh chấm dứt sau khi xuất hiện một thời gian ngắn.
Khác với ngoài hoang đảo, nếu căn bệnh xuất hiện trong một cộng đồng. Một người đầu tiên nhiễm bệnh như Robinson có thể sẽ lây truyền virus sang cho vài người tiếp xúc gần anh ta. Mỗi người trong những người mới nhiễm bệnh lại lây truyền cho vài người khác. Cứ như thế, bệnh lan truyền trong cộng đồng tạo ra dịch bệnh.
Bức tranh thể hiện nhà nào ở nhà đấy thời trung cổ để phòng chống dịch hạch. |
Như vậy, chủng virus gây bệnh không thể bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn, vì chúng luôn tìm được tế bào sống ở người khác để sản sinh ra thế hệ kế tiếp. Chỉ sau một thời gian dài hoành hành thì có thể virus mới dần bị tiêu diệt khi đã có rất nhiều người trong cộng đồng khỏi bệnh. Lý do là những người khỏi bệnh đã có kháng thể chống lại virus sẽ tạo ra lá chắn chống lại sự lây lan của virus.
"Miễn dịch cộng đồng" thụ động đã được hình thành, chỉ có điều đã quá nhiều người chết giống như tình huống thứ hai của Robinson. Đấy cũng chính là tình trạng người dân của Mỹ, Ý, Tây Ban Nha… đang phải trải qua.
COVID-19 lan đến Việt Nam rất sớm sau khi dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc). Cả nước nỗ lực chống dịch, đã có lúc hy vọng dập tắt được dịch bệnh khi bùng lên trong giai đoạn 1. Thực tế chúng ta mới đạt được mục tiêu khống chế số người nhiễm bệnh thấp nhất có thể và chưa để ai tử vong. Nhưng việc mất dấu F0 đã đem lại những thách thức mới.
Như vậy, các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác.
Bên cạnh đó, không ít tin xấu về COVID-19 này được đưa ra: bệnh có thể lây truyền trong thời gian người nhiễm không triệu chứng; thời gian ủ bệnh có khả năng kéo dài hơn 14 ngày; xuất hiện những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã điều trị; vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu vẫn chưa xác định… Nguy cơ lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng giờ đây cao hơn bất cứ lúc nào kể từ đầu mùa dịch. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Vì thế, giãn cách cộng đồng, cách ly xã hội chính là điều mà người ta muốn tái hiện trường hợp nhiễm bệnh của Robinson.
Nếu người dân ở nhà, tránh tiếp xúc gần với người khác, thực hiện việc phòng ngừa cá nhân cho tốt thì mỗi chúng ta đang tự tạo cho mình một hoang đảo để sống, để triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển dẫn tới tiêu diệt căn bệnh mà không cần thuốc. Vậy, giãn cách xã hội chính là chìa khóa thành công mà không cần dược phẩm trong giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Giãn cách xã hội tuy là biện pháp hữu hiệu để dập dịch, tuy nhiên cái giá phải trả của nó là không hề nhỏ. Kinh tế xã hội trì trệ, chỉ vài tháng qua cả thế giới đã phải chi hàng nghìn tỷ USD cho việc ngăn chăn đại dịch này, chưa kể đến những chi phí tiếp theo đến khi dịch thoái lui. Rồi sau đại dịch, tình trạng lạm phát, thất nghiệp, thiếu hàng hóa… gia tăng sẽ còn là vấn đề đau đầu cho tất cả các quốc gia. Quốc gia nào chống dịch tốt, thì thời gian giãn cách xã hội ngắn, hậu quả sẽ nhẹ nhàng và ngược lại.
Mặt khác, việc toàn bộ người dân phải thay đổi thói quen sinh hoạt xưa nay bằng áp đặt cuộc sống theo khuôn khổ mới một cách đột ngột không phải dễ thực hiện. Dân tộc nào không đồng lòng thực hiện việc giãn cách xã hội thì virus vẫn còn có kẽ hở tồn tại và tiếp tục lây lan trong những nhóm người không thực hiện.
Nó như những mồi lửa âm ỉ chực chờ bùng phát trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Cũng đồng nghĩa là không thể chấm dứt sớm việc giãn cách xã hội hoặc biện pháp này sẽ phải tái lập lại khi số lượng người bệnh tăng vọt trở lại như Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay.
Biện pháp giãn cách xã hội cũng không thể kéo quá lâu hay tái lập nhiều lần vì nhu cầu kinh tế xã hội không cho phép, có nghĩa khi đó biện pháp giãn cách xã hội được coi là thất bại. Con đường duy nhất lúc đó là phải dựa vào miễn dịch cộng đồng thụ động bất chấp hậu quả về số người mắc bệnh, số người tử vong và những chi phí khủng khiếp để giải quyết hậu quả của dịch bệnh.
Chắc chắn bất cứ người dân nào, kể cả giàu và nghèo trong một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như thế cũng phải trả những cái giá rất đắt không những về kinh tế mà còn cả mạng sống của bản thân cũng như thân nhân của họ.
"Vậy, bạn muốn làm gì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay? Tùy theo sự suy nghĩ của bạn. Còn tôi, thà phải chịu thay đổi thói quen sinh hoạt trong hai tuần hay thậm chí vài tuần nữa còn hơn là thỏa mãn nhu cầu của mình trong chốc lát rồi phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc đã biết trước", bác sĩ Hùng nói.
Và vấn đề là mỗi chúng ta cần biết thích nghi với hoàn cảnh. Virus không biết phân biệt bạn là ai.