Sầm Sơn, những trầm tích lịch sử:

Liệt oanh một thời “thuyền nan chống Mỹ”

Thứ Tư, 13/04/2016, 11:20
Sầm Sơn. Qua những tháng ngày náo động trên các phương tiện truyền thông về việc tồn tại hay không ba bến đỗ bè mảng của ngư dân, nay đã yên ổn êm thấm. Những chiếc thuyền nan bé nhỏ, nhiều cái đã xác xơ vì nắng gió, nằm tựa vào nhau trên bãi biển.

Ít ai biết rằng, có một quãng thời gian lịch sử, những chiếc thuyền nan, không được phép cõng trên mình bất kỳ một mảnh sắt nào, đã thầm lặng thực hiện một sứ mệnh lịch sử: vượt qua hàng rào bom từ trường, tiếp vận cho tuyến lửa! Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, người còn người mất, nhưng may thay, vẫn còn những chứng nhân lịch sử kể lại câu chuyện hào hùng xưa…

1. Đã trải qua gần đủ mọi thăng trầm của đời người, nhưng đối với ông Vũ Như Định, những tháng ngày tuổi thơ, khi cả gia đình sống trên con thuyền nan, phiêu bạt trên sông nước, vượt qua những bãi thuỷ lôi, vượt qua những đợt oanh kích của Hạm đội 7 Mỹ, vượt qua những trận bom của Không quân Hải quân Mỹ… là thời điểm không thể nào quên.

Làm sao có thể quên được, khi gia đình ông Định luôn phải sống cận kề lằn ranh giữa sự sống và cái chết, không thể chắc chắn về sự tồn tại của chính mình đến quá 12 tiếng đồng hồ của ngày hôm sau. Và ám ảnh nhất là câu nói của cha, mà chị em ông Định vẫn còn nhớ đến ngày hôm nay: “Nếu có chết, cả nhà cùng chết. Không thể để bọn bay sống kiếp mồ côi!”.

Đó là lời của cha ông Định, ông Vũ Như Choáng, một ngư dân kỳ cựu của xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông Choáng đã thành người thiên cổ, và di sản ông để lại cho những đứa con, là tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vẫn được trang trọng đặt trên bàn thờ.

Và di sản ông Choáng để lại, còn là những câu chuyện oai hùng nhưng thầm lặng, may mắn thay, vẫn còn những chứng nhân, là đồng đội một thời đầu trần tay không tấc sắt chống lại bom đạn giặc, kể lại những ký ức không thể nào quên.

2. Xã Quảng Tiến. Ông Nguyễn Văn Ca, người cùng lứa đội thuyền vận tải “Thuyền nan chống Mỹ” với ông Choáng, năm nay đã tròn 94 tuổi. Tuy sức vóc đang còn khoẻ mạnh, nhưng trí nhớ và tai của ông Ca đã kém. Ông hào hứng tham gia câu chuyện với PV Chuyên đề ANTG, nhưng trí nhớ không thể nào đáp ứng được sự nhiệt tình. Có đôi lúc, cảm giác bất lực ùa về, ông lại rơm rớm nước mắt.

Cụ Nguyễn Văn Ca, năm nay đã 94 tuổi, tuy trí nhớ suy giảm, nhưng nhắc lại chuyện cũ là rơm rớm nước mắt.

May mắn thay, tháp tùng ông Ca là ông Nguyễn Văn Khéo, người họ hàng gọi ông Ca là chú, nhưng nay cũng đã ngoài 70 tuổi, đã thay mặt tiếp chuyện. Ông Khéo đang còn rất minh mẫn, nhớ như in những tháng ngày hào hùng. Vào thời điểm năm 1965, khi không quân Mỹ bắt đầu ném bom Hàm Rồng, mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại lần đầu ra miền Bắc, phong trào “Thuyền nan chống Mỹ” tại Sầm Sơn được phát động, với thành quả là sự ra đời của 2 hợp tác xã vận tải: Minh Thanh và Tiến Hưng. Minh Thanh của ngư dân xã Quảng Cư, và Tiến Hưng của xã Quảng Tiến.

Những chuyến hàng đầu tiên của đội thuyền nan là ngược dòng sông Mã lên Cẩm Thuỷ, Lang Chánh, Bá Thước để lấy lương thực. Hồi đó, thuyền chủ yếu là loại 1,5 tấn, dùng buồm và sức người chèo hay chống sào là chính. Mỗi thuyền chỉ có 2 người, thay phiên nhau trực chiến, hàng hoá chủ yếu là mắm, muối, than…

Cụ Nguyễn Văn Khéo, thành viên đầu tiên của HTX “Thuyền nan chống Mỹ” xã Quảng Tiến.

Những thành viên ban đầu của HTX Vận tải đã dựng lên bộ khung theo đúng tinh thần góp công góp của: họ tự bỏ tiền ra, mỗi người vài trăm đồng, mua thuyền góp vào HTX, rồi chính mình làm chủ thuyền, chở thuê hàng cho công ty lương thực của nhà nước theo giá thoả thuận.

Ông Nguyễn Văn Khéo nhớ lại, họ phải sang Hoằng Hoá, đến làng chuyên làm thuyền nan. Thuyền được làm bằng tre, nứa, đan vào rồi phết sơn ta. Mỗi người khi đi mua thuyền thì cắp theo 2 mái chèo, mua xong chèo về nhà. Đến Sầm Sơn, tay nghề của những ngư dân Quảng Tiến và Quảng Cư mới được phát huy: họ dựng lên hệ thống cột, buồm, dây… để hoàn thiện chiếc thuyền nan vận tải.

Những thành viên ban đầu của “Thuyền nan chống Mỹ” đất Sầm Sơn như ông Nguyễn Văn Khéo với chiếc thuyền đầu tiên, HTX dần được mở rộng, với những cái tên Nguyễn Văn Mỵ, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Lỗ, Nguyễn Văn  Ất, Nguyễn Văn Ca, Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Văn Bài, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Hỷ, Nguyễn Thế Lam, Nguyễn Tuấn Toán…

3. Những HTX Vận tải “Thuyền nan chống Mỹ” phát triển mạnh mẽ theo cường độ đánh phá càng ngày càng ác liệt của không quân Mỹ. Khi đó, những con thuyền nan 1,5 tấn mua sẵn không còn đáp ứng đủ yêu cầu vận tải, khi khối lượng hàng hoá cần bổ sung nhiều hơn, và địa bàn hoạt động mở ra tận Nam Định, Hải Phòng.

HTX quyết định đóng mới những con thuyền vận tải lớn, mời những “chuyên gia” có kinh nghiệm vận tải đường thuỷ xuyên tỉnh vào HTX, vừa là để tận dụng những kinh nghiệm của họ, vừa là để củng cố thêm những “anh tài” trong đội ngũ vận tải. Không còn con đường nào khác, vì đây là chuyện sự sống và cái chết: chỉ cần một mẩu đinh nhỏ nằm trong chiếc thuyền có trọng tải 5,10 hay thậm chí 20 tấn, toàn bộ sẽ bị xé vụn bởi thuỷ lôi. Khi đó, không ai có kinh nghiệm để đóng thuyền lớn chạy ven biển, mà lại không sử dụng sắt thép cả.

4. “Sói độc” Vũ Như Choáng trở thành thành viên của HTX Vận tải “Thuyền nan chống Mỹ” như thế!

“Sói độc” Vũ Như Choáng, người đóng góp rất lớn trong việc cho ra đời những “Thuyền nan chống Mỹ” tải trọng lớn vượt thuỷ lôi và bom từ trường.

Từ những năm còn phân định vùng tề thời chống Pháp, ông Choáng đã lừng lẫy đất Quảng Cư khi dám dong thuyền ra tận Nam Định để đánh hàng về bán. Đánh đổi cả tính mạng để khai thông một tuyến đường thương mại độc đạo, ông Choáng khi đó nổi lên như một “đại gia” khi mỗi chuyến hàng đánh về với lợi nhuận 1 gấp 10.

Gọi là “Sói độc”, vì tất cả mọi chuyến đi, ông Choáng đều độc hành. Không chỉ liên quan đến vấn đề địch-ta, tuyến đường còn phải được bảo mật đến mức sống còn, vì sợ cướp. Thời đó, gần như toàn bộ địa bàn trên bộ kéo dài từ Sầm Sơn theo đường biển tới Nam Định, Phát Diệm… đều bị những băng nhóm giang hồ địa phương cát cứ thu phí hoặc cướp hàng, nên buôn bán trên bộ gần như bị triệt tiêu, vì không có lãi. Chỉ cần bất cứ thông tin nào lộ ra, về việc một chiếc thuyền nan rong ruổi đánh hàng, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Những năm đó, ông Vũ Như Choáng giàu có đến độ, khi cán bộ phát động phong trào góp công góp sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã thực hiện một nghĩa cử đáng nhớ: hiến tặng hơn 50 chiếc xe đạp để dân công tải gạo lên Điện Biên Phủ. Phải biết hồi đó, xe đạp đưa từ vùng địch chiếm, vào đến đất Thanh Hoá, giá đội lên đến hàng chục lần, và không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua.

“Sói độc” Vũ Như Choáng bắt tay vào nâng cấp đội hình thuyền vận tải của HTX Minh Thanh. Luồng đủ tuổi được thuê đưa về, rồi chẻ nan làm sao cho sát tận cật, bỏ hết bọng. Tre ngà loại già tuổi được đốt nóng, uốn dẻo thành khung thuyền. Đầu khung được chốt bằng gỗ, ghép lại. Những cây tre nào không đủ dài khi đóng những thuyền lớn có trọng tải 20 tấn, cũng sẽ được nối bằng các chốt gỗ.

Khi phần trên đã định hình, phần đáy dưới của “Thuyền nan chống Mỹ”  trọng tải lớn cũng được làm từ tre. Luồng được xẻ ra, đan kỹ 2 lớp, cố định vào khung tre bằng dây mây và chốt. Gỗ được xẻ ra lát thành sàn thuyền, dựng lên làm cột buồn.

Nhưng vấn đề nảy sinh là vật liệu để trám bên ngoài lớp nan đáy thuyền.

Đầu tiên, với kinh nghiệm đóng tàu đi buôn xuyên tỉnh, với những thuyền trọng tải nhỏ cỡ 5 tấn, lớp nan đáy thuyền sẽ được ông Choáng trám một lớp bát-tít, làm bằng vỏ nhuyễn thể giã nhỏ đến dẻo quánh, rồi trám kín các khe hở. Nhưng sau đó, qua thử nghiệm, ông Choáng thấy lớp trám bên ngoài ấy rất dễ bị vỡ, vì không có khả năng chịu lực.

Sau đó, đến năm 1966-1967, ông Choáng quyết định đổi sang sử dụng xi-măng cho lớp trám bên ngoài. Nhưng mua xi-măng hồi đó thực sự là điều cơ khổ, mỗi chuyến hàng ra Hải Phòng phải mua trộm xi-măng, mà mỗi lần chỉ được một 1-2 tạ, chứ mua đến 1 tấn là bị bắt ngay.

Chỉ đến khi vào HTX Vận tải, có giấy giới thiệu của bên thương nghiệp, ông Choáng và bạn thuyền của mình mới có đủ xi-măng số lượng lớn “xông xênh” để thoả sức thí nghiệm. Và từ đó, những con “Thuyền nan chống Mỹ” trọng tải lên tới 10 tấn, 15 tấn, 20 tấn… lần lượt ra đời. Điều đặc biệt, không có bất kỳ một mẩu kim loại nào xuất hiện trên thuyền.

Có một chi tiết quan trọng của “Thuyền nan chống Mỹ” trọng tải lớn là cột buồm và phần vách gỗ nhô lên rất thấp, với mục đích làm sao để cho thật giống một chiếc thuyền đánh cá bình thường. Chỉ cần một dấu hiệu bất thường, một chi đội vận tải sẽ không thể thoát được con mắt của máy bay và tàu biệt kích.

Để phòng tránh việc thành tàu quá thấp khiến nước biển tràn vào, “Sói độc” Vũ Như Choáng sử dụng vải bạt Trung Quốc để bọc. Chính vì đặc thù này, nên phiên hiệu những đội thuyền nan vận tải có sai số khá nhiều so với cái tên được đặt. Ví dụ, tàu 10 tấn thì chỉ chở được 5-6 tấn, thuyền 20 tấn chỉ chở được tối đa 12 tấn. Nếu chở đủ tải, chỉ cần một cơn gió giật ngoài biển là tàu chìm nghỉm.

5. Và những HTX “Thuyền nan chống Mỹ” cần mẫn vượt qua những hàng rào thuỷ lôi, bom từ trường, vượt qua những phi đội tàu biệt kích, máy bay trinh sát, vận chuyển hàng ngàn tấn hàng ngang dọc từ Hải Phòng vào tận Quảng Bình, Quảng Trị.

Căng thẳng nhất là khi phải chở hàng quân dụng, hàng đồ hộp đóng sẵn trong thùng không thể khui ra để kiểm tra, những thành viên của “Thuyền nan chống Mỹ” phải chấp nhận may rủi cắn răng vượt qua những bãi ngư lôi, đưa hàng vào tuyến lửa.

Và cũng chính trong những chuyến hàng đặc biệt đó, “Sói độc” Vũ Như Choáng đã đưa tất cả vợ con lên thuyền, với một tâm thế hết sức thanh thản: có chuyện gì xảy ra, thì cả nhà sẽ đi cùng nhau, con cái không phải chịu cảnh mồ côi.

May mắn thay, trải qua chừng nấy mưa bom bão đạn, con thuyền của ông Choáng, chở trên đó cả gia đình, đã không gặp phải bất kỳ tai nạn nào.

Nhưng những người đồng đội của ông, không phải ai cũng may mắn như vậy.

Năm 1968, tổ thuyền nan bao gồm 4-5 chiếc đi Nam Định. Tại đó, ông Dậu “cản” đã bị bom phạt ngang đầu. Đồng đội đưa ông lên thuyền, đưa về nơi chôn cất.

Năm 1972, ông Nguyễn Văn Khéo đi lấy hàng ở Hải Phòng, gặp đúng đợt B52 đánh Hà Nội. Ông Khéo nằm trên sông Đuống 14 ngày, trải qua 12 ngày đêm kinh hoàng. Cho đến giờ, trong những giấc mơ của ông, thi thoảng, dòng sông bom đạn vẫn giật lôi ông dậy trong thấm đẫm mồ hôi.

Việt Đông
.
.