Mỹ Latinh: Sân khấu đảo chính quen thuộc của CIA
- Brazil gửi viện trợ nhân đạo đến Venezuela cùng với Mỹ
- Nga chuyển gấp 300 tấn hàng viện trợ bằng máy bay cho Venezuela
- Tổng thống Mỹ tạo sức ép với quân đội Venezuela
Việc Washington đang nỗ lực sử dụng mọi thủ đoạn để lật đổ chế độ hợp hiến của Tổng thống Maduro tại Venezuela là một thực tế mà ai cũng biết từ lâu nay.
Nếu xét theo bề dày lịch sử, Mỹ Latin từ lâu luôn được nước Mỹ coi là “vườn rau” của mình, là nơi họ có thể “vun trồng” những chế độ chính trị có lợi cho họ, đồng thời nhổ bỏ những chính quyền được coi là “không hợp khẩu vị” đối với mình. Thủ phạm đứng đằng sau hàng loạt những âm mưu đảo chính tại khu vực này không ai khác chính là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Hãy cùng điểm qua một số sự kiện đáng chú ý…
Chiến dịch PBSUCCESS – Guatemala chìm trong khói lửa
Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ Latinh nói chung vẫn nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn về chính trị của Mỹ. Ngay từ thế kỷ XIX, Washington đã lập ra cái gọi là “Học thuyết Monroe”, theo đó toàn bộ châu Mỹ được tuyên bố là khu vực đại diện cho quyền lợi của Mỹ. Nhưng đến năm 1944, chiến lược này đã gặp phải rạn nứt nghiêm trọng đầu tiên.
Carlos Armas – người cầm đầu cuộc đảo chính tại Guatemala vào năm 1954. |
Nguyên nhân bắt nguồn từ một cuộc đảo chính tại Guatemala, dẫn tới việc lên nắm quyền của một nhóm sĩ quan quân đội theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt phản đối ảnh hưởng của Washington tại đất nước này. Nhóm này tổ chức một vài cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên không chịu sự giật dây của Mỹ, trong đó giành chiến thắng đầu tiên là nhà văn Jose Arevalo, người sau đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô.
Đến năm 1951, tại Guatemala đã diễn ra một cuộc bầu cử nữa với chiến thắng của Jacobo Arbenz, một trong những nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1944. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia Guatemala, Arbenz đã chỉ trích gay gắt chiến dịch của Liên Hợp Quốc do người Mỹ đứng đầu tại Triều Tiên, hợp thức hóa đảng Cộng sản và điều chủ yếu là hứa hẹn sẽ quốc hữu hóa công ty United Fruit của Mỹ, khi đó đang kiểm soát phần lớn hoạt động xuất khẩu hoa quả của đất nước này.
Trước tình hình đó, Washington đã xây dựng kế hoạch lật đổ chính quyền Guatemala với mật danh PBSUCCESS. Trên lãnh thổ quốc gia láng giềng Honduras, Mỹ thành lập một căn cứ để đào tạo những tay súng đánh thuê, cũng như là nơi tập trung vũ khí đạn dược để chuẩn bị cho chiến dịch. Mỹ cũng dựng lên một đài phát thanh tuyên truyền có tên “Tiếng nói phong trào giải phóng” chỉ trích cái gọi là những hành vi độc tài của Arbenz. CIA đồng thời cũng tích cực tuyển mộ những thành viên ủng hộ đảo chính trong nội bộ quân đội Guatemala.
Chiến dịch PBSUCCESS chính thức nổ ra vào tháng 6-1954, với việc quân đánh thuê do đại tá Carlos Armas cầm đầu tràn vào Guatemala. Các máy bay của phe phiến loạn ném bom tại nhiều thành phố, trong khi một số đơn vị quân đội Guatemala cũng chuyển sang hàng ngũ của lực lượng này. Khi Arbenz chỉ thị cung cấp vũ khí cho người dân để chiến đấu, các chỉ huy cao cấp nhất của quân đội đã khước từ, đồng thời gây sức ép bắt ông phải từ chức. Nhà lãnh đạo lâm thời của chính phủ mới Carlos Armas ngay lập tức được Mỹ lên tiếng ủng hộ và thừa nhận.
Tháng 10-1954, Guatemala tổ chức bầu cử tổng thống với sự tham gia duy nhất của một ứng cử viên là Carlos Armas. Sau khi chính thức nắm quyền, các đơn vị quân đội của Armas đã triển khai chiến dịch truy quét, thanh trừng tại khu vực các làng quê, là nơi còn có nhiều người ủng hộ chính quyền bị lật đổ. Chính điều này đã gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu tại Guatemala kéo dài cho đến tận năm 1996.
Chiến dịch FUBELT – Trại tập trung khổng lồ tại Chile
Đến năm 1970, cuộc bầu cử tổng thống tại Chile kết thúc với chiến thắng của ứng cử viên Salvador Allende từ đảng Xã hội. Cần nói thêm, trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử, các cơ quan mật vụ của cả Liên Xô và Mỹ đã có những hoạt động rất tích cực nhằm giành chiến thắng cho ứng cử viên do mình ủng hộ.
Chính quyền mới của Tổng thống Allende ngay lập tức bắt tay vào cải cách kinh tế, tập trung vào quốc hữu hóa lĩnh vực công nghiệp – đầu tiên là các nhà máy đúc đồng thuộc về các công ty của Mỹ. Công cuộc cải cách dẫn tới nhiều kết quả trái ngược. Một mặt, Chile chỉ trong một thời gian ngắn đã giảm tới một nửa tỉ lệ thất nghiệp, tăng đáng kể tiền lương cho người lao động. Nhưng mặt khác, tỉ lệ lạm phát cũng tăng khá cao (lên tới 190% vào năm 1973), chưa kể chính sách tịch thu tài sản đụng chạm tới tầng lớp điền chủ tại Chile. Washington cũng giáng một đòn nặng vào kinh tế khi tuyên bố tẩy chay các sản phẩm đồng, vốn là mặt hàng xuất khẩu chính của Chile.
Sau cuộc đảo chính do Mỹ giật dây, đất nước Chile đã trải qua một giai đoạn dài đen tối của chế độ độc tài khiến hàng chục ngàn người bị sát hại và bắt giữ giam cầm. |
Trong bối cảnh như vậy, chính quyền Nixon đã quyết định lợi dụng tâm lý bất bình đã nảy sinh để đánh một đòn quyết định. Các tài liệu được giải mật sau này của CIA cho thấy, mật vụ Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ cho một chiến dịch có mật danh FUBELT – tích cực hỗ trợ tài chính cho phe đối lập, tuyên truyền tâm lý để kích động dân chúng lật đổ chính quyền. Mỹ ngăn cản tất cả những khoản tín dụng dành cho Chile nhằm làm gia tăng sự bất bình của dân chúng.
Đồng thời với đó, CIA cũng triển khai một loạt các hoạt động phá hoại, gây bất ổn tình hình, thuyết phục người dân Chile về sự cần thiết phải dựng lên một chế độ quân sự cứng rắn hơn. Các nhóm phá hoại tổ chức đánh bom một loạt cầu đường và trạm biến áp. Các phương tiện truyền thông đại chúng do Mỹ kiểm soát lại lu loa đây là hành động của các thành viên cực tả muốn giành lấy hoàn toàn tài sản của người dân và nhanh chóng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Bước quan trọng cuối cùng là CIA tổ chức bắt cóc và sát hại tướng Rene Schneider – người ủng hộ quan trọng nhất của Tổng thống Allende trong quân đội.
Mục tiêu của âm mưu này là để quân đội Chile chuyển sang quyền điều hành của những sỹ quan cao cấp âm mưu đảo chính. Kế hoạch của người Mỹ đã thành công mĩ mãn khi chính Tổng thống Allende đã bổ nhiệm kẻ đứng đầu cuộc đảo chính sau này là tướng Augusto Pinochet vào cương vị tổng tư lệnh quân đội.
Cuộc đảo chính quân sự chính thức diễn ra vào đêm ngày 10, rạng sáng 11-9-1973. Ông Allende bị sát hại khi quân đảo chính tấn công dinh tổng thống. Tiếp sau đó là một chiến dịch đẫm máu nhằm truy lùng tất cả những người từng ủng hộ phe Xã hội. Chỉ trong vài ngày đầu tiên của cuộc đảo chính, đã có 3.225 người bị sát hại, gần 40 ngàn người bị bắt giữ.
Nhà độc tài Pinochet tại vị tại Chile cho đến tận năm 1990, và quá trình điều tra những tội ác diễn ra dưới thời kỳ cầm quyền của ông ta vẫn được tiếp tục cho tới tận bây giờ. Ngay sau cuộc đảo chính, cùng song hành với các cố vấn kinh tế của Mỹ tới Chile còn có cả các nhân viên mật vụ CIA. Họ đã giúp Pinochet xây dựng hàng loạt những nhà tù nổi tiếng thế giới, là nơi giam cầm khoảng 200 ngàn người trong suốt thời gian cầm quyền của nhà độc tài.
Kịch bản đảo chính lặp lại tại Venezuela?
Năm 1998, Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền tại Venezuela sau thắng lợi trong bầu cử. Ông ngay lập tức đã tuyên bố chính sách triển khai các cải cách xã hội quy mô lớn – tập trung vào chống nạn nghèo đói và mù chữ, cải thiện chế độ y tế, tăng tiền lương cho người lao động v.v… Chavez quyết định quốc hữu hóa các tập đoàn dầu mỏ để lấy tiền triển khai các cải cách tốn kém trên. Vấn đề là ở chỗ, chính quyền tiền nhiệm của Venezuela đã tổ chức tư hữu hóa hầu hết các công ty dầu mỏ, phần lớn trong số này đều rơi vào tay các tập đoàn lớn của Mỹ.
Người dân Venezuela biểu tình phản đối sự can thiệp của Mỹ vào nước này. |
Năm 2001, Venezuela thông qua luật dầu khí, trong đó xem xét tăng thuế đối với các công ty khai thác dầu, trước khi từng bước quốc hữu hóa toàn bộ lĩnh vực này. Đồng thời, ông Chavez cũng chuyển sang chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Washington. Cuối năm 2001, sau khi nổ ra cuộc chiến tại Afghanistan, Chavez xuất hiện trên truyền hình, kịch liệt lên án Mỹ và tung ra nhiều bức ảnh những nạn nhân trẻ em bị thiệt mạng từ các trận ném bom của Mỹ. Nhà Trắng đã rất giận dữ trước thực tế này. Chỉ 4 tháng sau, diễn ra âm mưu đảo chính đầu tiên tại Venezuela với sự đạo diễn của Mỹ.
Tháng 4-2002, bắt đầu diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Caracas, trong đó phe đối lập vu cáo Chavez đang âm mưu xây dựng một chế độ độc tài tại đây. Hậu quả các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến 20 người thiệt mạng, 110 người bị thương. Tiếp đó là sự tham gia của một số lực lượng quân đội nhằm cướp chính quyền. Lực lượng này đã bắt giữ được Chavez vào ngày 11-4, bắt ông phải tuyên bố từ chức và áp giải ông khỏi dinh tổng thống.
Chính quyền được chuyển sang người đứng đầu phe đối lập Pedro Carmona, người ngay lập tức ra lệnh bãi bỏ hiến pháp, giải tán quốc hội và tòa án tối cao và cắt sóng một loạt kênh truyền hình quốc gia. Truyền hình chỉ còn phát sóng các kênh của phe đối lập, trong đó không ngừng chiếu những cảnh biểu tình và chỉ trích những kế hoạch độc tài của Chavez. Chính phủ lâm thời mới ngay lập tức được Washington lên tiếng công nhận.
Những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính hiểu rằng, tổng thống Chavez có được uy tín rất cao đối với người dân sau 3 năm tiến hành các cuộc cải cách vì quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, ông luôn bị chuyển chỗ giam vì lo ngại người dân biết sẽ tổ chức giải cứu. Có lần, ông Chavez được chuyển tới một căn cứ quân sự. Ông đã nhanh trí bỏ được một mẩu giấy liên lạc vào trong thùng rác, trong đó khẳng định mình không chịu từ chức và không chịu rời bỏ chính quyền hợp pháp của mình, kèm theo đó là cả chữ ký và ngày tháng cụ thể. Mảnh giấy được một quân nhân trao lại cho các sĩ quan có cảm tình với Chavez.
Những thông tin trên ngay lập tức được chuyển cho tất cả các đơn vị quân đội tại Venezuela trước khi đến tai người dân. Kết quả là hàng trăm ngàn người đã tụ tập biểu tình ngay tại dinh tổng thống, yêu cầu phải trả tự do ngay cho ông Chavez. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng và khẩn trương như vậy, các kênh truyền hình tư nhân do Mỹ giật dây vẫn chỉ liên tục phát các bộ phim truyền, phim hoạt hình và bóng đá. Các lực lượng quân đội trung thành với Chavez nhanh chóng chiếm lại dinh tổng thống.
Cuộc bạo loạn kéo dài trong suốt 47 tiếng đồng hồ nhanh chóng bị dập tắt. Thủ lĩnh phe đối lập Pedro Carmona chạy vào ẩn náu trong đại sứ quán Colombia và nhanh chóng được cấp quyền tị nạn chính trị. Hiện nay, Colombia cũng là một trong những nước đầu tiên theo chân Mỹ thừa nhận tổng thống tự phong Juan Guaido nhằm âm mưu lật đổ chính quyền hợp pháp của đương kim tổng thống Nicolas Maduro. Bản thân Guaido cũng đang bị điều tra vì những thông tin nhận tiền bất hợp pháp từ một số tổ chức nước ngoài thông qua vai trò đạo diễn của CIA.