Nat Turner và cuộc nổi dậy khơi mào nội chiến Mỹ (bài cuối)

Thứ Ba, 02/10/2018, 20:08
Sẩm tối ngày 22-8-1831, ngày thứ nhất của cuộc nổi loạn, Nat Turner tập trung tất cả nô lệ da đen, vũ khí trên tay, hướng về thành phố Jerusalem để cướp thêm súng đạn. Trong lúc ấy, tại nông trại James Parker - là nơi duy nhất ở quận Southampthon chưa bị tấn công, một nhóm người da trắng chỉ huy bởi Alexander P. Peete bắt đầu tiến hành kế hoạch đánh lại Nat Turner….


Bài cuối: Khởi đầu buồn cho một trang sử mới

Đối kháng

Biết chắc rằng muốn đến thành phố Jerusalem, Nat Turner và các nô lệ da đen phải chiếm được nông trại James Parker nên Alexander P. Peete đã chia người của mình thành 2 nhóm. Một nhóm ở lại nông trại làm nhiệm vụ phòng thủ còn nhóm kia bí mật phục kích cách đó 1km. Khi Nat cùng các nô lệ tiến đến, những người da trắng phòng thủ chỉ bắn vài phát rồi bỏ chạy.

Tranh vẽ mô tả cảnh cãi cọ của nhóm Nat Turner trong đầm lầy.

Phấn khích trước chiến thắng, Nat xua quân đuổi theo và điều này đã vô tình lọt vào cái bẫy do Alexander P. Peete giăng ra. Tuy nhiên, mặc dù cuộc phục kích có đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi" nhưng lại không có… "nhân hòa" vì trong bóng tối, những người phục kích không thể nhìn thấy rõ nô lệ da đen nên cả hai phía chỉ bắn hú họa vào nhau.

Sợ quân đội kéo đến tiếp viện và cũng vì chỉ có ít đạn, Nat Tuner ra lệnh rút về nông trại Thomas Ridley. Trong đêm tối, nhiều nô lệ chạy lạc vì trước đó, suốt nhiều năm họ chỉ quanh quẩn ở nơi họ làm việc nên đường sá không rành. Kiểm điểm lại, Nat chỉ còn 140 người, tất cả đều đói. Đến mờ sáng, Nat cử một nhóm đi trinh sát và khi nhóm này trở về, họ báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh.

Jack - anh rể của Nat Turner kể: "Nat quyết định quay lại nông trại Samuel Blunt để tìm kiếm thức ăn vì anh ta tin rằng người da trắng đã bỏ nơi này. Nhưng khi vừa đặt chân vào cổng, chúng tôi bị bắn dữ dội khiến 3 người chết". Về sau này, Blunt, chủ nông trại cho biết họ chỉ có 9 người nhưng mỗi người có đến 4 khẩu súng. Lúc thấy toán nô lệ xuất hiện, họ đồng loạt khai hỏa, hết khẩu này đến khẩu khác nên chúng tưởng là lực lượng của lực lượng phòng thủ rất đông và bỏ chạy…

Gặp phải sự chống trả bất ngờ và dữ dội, 140 nô lệ mạnh ai nấy chạy như rắn mất đầu. Hầu hết trốn vào rừng, không ai dám trở về nơi họ đã từng làm việc vì sợ bị trừng phạt. Mặc dù 3 kẻ cầm đầu là Henry, Hark và Nelson đã cố gắng tập hợp họ lại nhưng vô ích. Những người còn giữ vũ khí thì tìm cách vứt bỏ, kể cả những loại được coi như dụng cụ làm nông. Đến trưa, nhóm chạy theo Henry, Hark và Nelson chỉ còn hơn 30 người, Nat Turner thì chẳng thấy đâu. Cuộc nổi loạn xem như đã kết thúc chỉ sau 1 ngày rưỡi.

Hubbard, một nô lệ kể lại: "Tôi cùng 3 người khác chạy vào khu đầm lầy Dismal. Tại đó, tôi gặp Nat Turner và Sam - là hai người cầm đầu cuộc nổi loạn. Họ chỉ có 1 khẩu súng trường. Theo lệnh Nat, tôi quay ra để tìm thêm những nô lệ đã bỏ chạy, đưa họ đến đầm lầy còn Nat, Sam và 2 người kia đi sâu vào trong". Theo sử gia Joseph Dreis trong cuốn “Bạo lực Đen” thì đầm lầy Dismal là nơi ẩn náu lý tưởng cho nhóm nổi loạn. Rộng hơn 4.600 hecta, phần lớn là đất ngập nước với mạng lưới cây rừng chằng chịt, nếu không biết lối đi thì không thể vào được quá 500m. Điều trở ngại duy nhất cho những kẻ lẩn trốn là thức ăn, vì trong đầm lầy, chẳng loại cây cỏ nào có thể ăn được.

Chiều 22-8-1831, Thống đốc bang Virginia là John Floyd nhận được một bức điện tín, gửi đi từ bưu điện quận Southampton. Nội dung cho biết "một cuộc nổi dậy của nô lệ ở Southampton đã tàn sát ít nhất 120 người da trắng, cả đàn bà và trẻ con nên cần có một lực lượng quân sự và các tình nguyện viên vũ trang để nhanh chóng dập tắt trước khi nó lan sang những quận khác…"  .Vẫn theo bức điện ấy, lực lượng nổi dậy có khoảng 450 người, tất cả đều là nô lệ da đen làm việc ở các nông trại, trong đó 60 người vũ trang bằng súng cướp được, chỉ huy bởi Nat Turner. 

Cùng lúc đó, những tin đồn nhanh chóng lan truyền rằng cuộc nổi loạn không chỉ giới hạn ở Southampton, mà nó đã xuất hiện ở phía nam bang Alabama. Một báo cáo từ bang North Carolina cho biết người dân đã nhìn thấy nhiều nhóm nô lệ đốt cháy nhà cửa, giết người da trắng rồi tổ chức diễu hành tại Wilmington, thủ phủ của bang.

Điều này đã dẫn đến hậu quả là hơn 200 người da đen vô tội ở bang Alabama và North Carolina bị giết dù họ không liên quan gì đến Nat Turner, và cả hai bang đó cũng chẳng xảy ra một cuộc nổi loạn nào. Sự trả thù kinh khủng đến nỗi đại úy Solon Borland, chỉ huy một đơn vị quân đội ở Murfreesboro, bang North  Carolina đã phải lên tiếng: "Hành vi mà người da trắng đối xử với người da đen chẳng khác gì lấy máu trả máu, lấy đầu trả đầu. Nó đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội và các nguyên tắc luật pháp…".

Tiếng chuông cảnh báo

Sáng 23-8, hơn 3.000 tình nguyện viên vũ trang tập trung tại thành phố Jerusalem để chuẩn bị tiến về Southampthon, dập tắt cuộc nổi loạn. Bên cạnh đó, thống đốc bang Virginia cũng treo giải thưởng 500USD (tương đương 7.250.000USD hiện nay) cho bất cứ ai bắt sống Nat Turner.

Tranh vẽ mô tả lúc Benjamin Phipps bắt được Nat Turner.

Chỉ trong ngày 23-8, các tình nguyện viên đã giết chết 30 nô lệ da đen mà không cần biết họ có tham gia vào cuộc nổi loạn hay không. Một số chủ nông trại nghi ngờ nô lệ của mình có dính líu đến Nat Turner nên đã đuổi họ ra đường, mặc cho họ van xin, thề thốt. Phần lớn những người bị đuổi ra đường đều bị tra tấn để buộc họ phải khai ra nơi ẩn náu của Nat Turner rồi bị hành quyết bất chấp mọi lời thanh minh, nâng con số người bị giết lên đến 150. Theo đại úy Solon Borland: "Sự tàn bạo chẳng kém gì tội ác của nô lệ da đen đã làm với người da trắng".

Suốt 2 tháng sau đó, những cuộc săn lùng nô lệ da đen vẫn tiếp diễn bởi các tình nguyện viên vũ trang da trắng và không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ vụ việc sẽ dừng lại. Nó nghiêm trọng đến nỗi cộng đồng người da đen ở Southampton với hơn 60.000 người luôn bị đặt trong tình trạng có thể chết bất cứ lúc nào. Cuộc tàn sát tạm thời lắng xuống khi tướng Richard Eppes, chỉ huy lực lượng dân quân bang Virginia ra lệnh cho các nhóm tình nguyện viên chỉ được phép bắt giam những kẻ tình nghi bởi con số nô lệ bị giết đã lên đến hơn 300 người.

Về phía Nat Turner, cùng 6 người khác và 1 khẩu súng, anh ta trốn sâu trong đầm lầy Dismal. Việc tiếp tế chỉ dựa vào một cô gái, có mối quan hệ tình cảm với một người trong nhóm. Cứ vài ngày, cô gái này lại lén lút mang vào cho họ ít bột, mỡ và muối. Nô lệ Collins kể: "Nơi ở của 7 người chúng tôi là một gò đất cao ráo, xung quanh là đầm lầy. Nếu không biết đường thì không thể vào hay ra được".

Hàng ngày, họ chỉ dám nấu ăn vào buổi sáng sớm để khói bếp lẫn với sương mù còn ban đêm, họ nằm co quắp trong các hốc cây. Những lần nghe tiếng chó sủa, tiếng nước khua động bởi các mái chèo của các đội tình nguyện viên săn lùng họ từ xa vọng lại, cả bọn nằm im như chết. Nô lệ Collins kể tiếp: "Có khi cả 2 tuần lễ mà không thấy người tiếp tế, chúng tôi phải ăn rêu nấu với mấy con rùa bắt được…".

Đến cuối tháng, tinh thần nhóm nô lệ xuống dốc. Đã xảy ra nhiều cuộc cãi cọ xung quanh việc có nên đầu hàng hay không mặc dù ai cũng hiểu rằng đầu hàng là đồng nghĩa với cái chết. Theo nô lệ Collins, sáng 27-10, tất cả quyết định tách ra, ai đi đường nấy mặc dù Nat Turner đã cố giữ họ lại. Collins nói: "Đến lúc ấy Nat vẫn tin rằng ở bên ngoài, hàng nghìn nô lệ vẫn nghe theo anh ta. Chỉ cần anh ta gặp họ để chứng minh là anh ta còn sống, tình hình sẽ đổi khác".

Cuộc chia tay diễn ra lặng lẽ, không ai đi theo Nat Turner. Ra khỏi đầm lầy, Nat tìm đến một khu rừng rậm rạp nằm cạnh con đường dẫn đến Southampton rồi ẩn mình trong những bụi cây với hy vọng có thể bắt liên lạc với những nô lệ da đen đi ngang qua. Sáng 30-10, Nat nghe tiếng chó sủa rồi sau đó là 2 người da đen xuất hiện. Đói và kiệt sức, Nat bò ra khỏi chỗ trốn, hỏi xin họ một ít thức ăn và nài nỉ họ đừng tiết lộ về cuộc gặp gỡ này. Tuy nhiên, thay vì cho Nat thức ăn, 2 người da đen bỏ chạy. Về sau, khi đã bị bắt, Nat nói với luật sư Thomas R. Gray: "Tôi biết là họ sẽ phản bội tôi".

Chiều 30-10, một chủ nông trại là Benjamin Phipps bắt được Nat Turner khi anh ta tìm cách quay lại đầm lầy. Rất nhanh chóng, Nat bị giải đến thành phố Jerusalem. Trong 3 ngày tiếp theo, Nat thú nhận vai trò cầm đầu của mình trong cuộc nổi loạn.

Ngày 11-5-1832, phiên tòa xét xử Nat Turner và 45 đồng phạm được coi là chủ mưu và trực tiếp giết người trong vụ nổi loạn, diễn ra tại Southampton. Kết quả 31 nô lệ bị hành quyết bằng cách treo cổ - trong đó có Nat Turner, số còn lại được tha bổng vì không đủ chứng cứ. Việc tha bổng 14 nô lệ đã dẫn đến một kiến nghị, được ký tên bởi hơn 20.000 cư dân bang Virginia, yêu cầu các nhà lập pháp phải ban hành những biện pháp, hạn chế quyền của người da đen nhằm đề phòng những cuộc nổi loạn tương tự có thể xảy ra sau này.

Kết quả là một đạo luật được bang Virginia ban hành, trong đó nô lệ da đen không được phép theo học các lớp dạy đọc và viết, không được rao giảng tôn giáo đồng thời cũng không được phép tụ tập để tổ chức các nghi lễ cổ truyền châu Phi. Với Nat Turner, cái tên của anh ta nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của chủ nghĩa bạo lực.

Theo các sử gia, cuộc nổi loạn của Nat Turner là một phần quan trọng trong bối cảnh phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ hồi đầu thế kỷ 19. Trong một bài phát biểu trước cử tri tại thành phố New York, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa là Abraham Lincoln (sau này trở thành tổng thống Mỹ và là người ký bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ, dẫn đến nội chiến) đã nhắc nhở rằng "Cuộc nổi dậy Southampton là tiếng chuông cảnh báo. Nó sẽ vẫn tiếp tục là mối đe dọa chừng nào người da trắng vẫn xem người da đen là giai cấp hạ đẳng".

Năm 2002, hộp sọ của Nat Turner được trao cho Richard G. Hatcher, cựu thị trưởng thành phố Gary, bang Indiana, với dự định xây dựng một tượng đài về nhân quyền, nhưng đến năm 2016, Richard G. Hatcher trả lại cho hậu duệ của Nat Turner rồi được chôn trong nghĩa trang gia đình. Hiện tại, trên một số con đường ở quận Southampton, vẫn có những tấm bia ghi lại cuộc nổi loạn của Nat Turner, dựng ngay tại chỗ mà nó đã diễn ra. Chúng như những minh chứng cho sự hiện hữu của một thời lịch sử đen tối của nước Mỹ.

Vũ Cao (theo Joseph Dreis - The Black Violence)
.
.