Nguyễn Hữu Hanh – Cố vấn kinh tế hai đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa
- Vị Thủ tướng một ngày và cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa
- Sự 'hấp hối' của chính thể Việt Nam Cộng hòa
- Cuộc binh biến của một tiểu đoàn bộ binh Việt Nam Cộng hòa
Ông là người phản kháng Ngô Đình Nhu và từ chối tất cả những đề nghị hợp tác với Ngô Đình Thục… Đến thời Đệ nhị VNCH, ông trở thành niềm tin cậy số một của Nguyễn Cao Kỳ, sau đó trở thành cố vấn kinh tế cho Nguyễn Văn Thiệu.
Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất giữ chức Chánh sự vụ - một trong những chức vụ cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Sau năm 1975, ông là Quản trị viên Hội đồng Quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Cố vấn chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF…
KỲ I: CỐ VẤN KINH TẾ CỦA NGÔ ĐÌNH DIỆM
Gặp Ngô Đình Diệm tại Quảng Nam
Theo lời kể của Nguyễn Hữu Hanh, ông sinh ngày 10/11/1923 tại quê ngoại ở cố đô Huế. Tuy nhiên ông được cha mình - vốn là một thầy giáo mang nặng truyền thống Khổng giáo - làm giấy khai sinh theo quê nội tại làng Đại Hòa, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 7 tuổi, Nguyễn Hữu Hanh được nhận vào Trường tiểu học Paul Bert ở Huế, nơi cha ông làm hiệu trưởng. Đến năm 1935, cha ông được thuyên chuyển vào Quảng Nam, giữ chức Chánh thanh tra học đường. Anh em Nguyễn Hữu Hanh cũng theo vào Quảng Nam để không bỏ dở việc học. Trường học ở Vĩnh Điện, cách nhà đến 6 cây số nhưng hằng ngày Nguyễn Hữu Hanh phải cuốc bộ đến trường với đôi chân trần trên đường nhựa nóng rát. Gia đình vẫn còn nghèo nên chưa đủ sức mua giày cho bất cứ ai trong nhà trừ cha ông, vì dù sao cha ông cũng là chánh thanh tra học đường.
Nguyễn Hữu Hanh (Ảnh chụp năm 1967). |
Chính trong khoảng thời gian này, lần đầu tiên Nguyễn Hữu Hanh đã gặp Ngô Đình Diệm. Những năm 30, Ngô Đình Diệm là thành viên của Viện Cơ mật dưới triều Vua Bảo Đại. Sau đó Ngô Đình Diệm đã từ chức vì bất đồng ý kiến với viên Khâm sứ Pháp. Bị mật thám theo dõi, Ngô Đình Diệm phải chạy vào Quảng Nam ở với người anh ruột là Ngô Đình Khôi - lúc này đang là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Ngô Đình Khôi là người thích trồng hoa, nuôi chim quý và chơi phong lan.
Cha Nguyễn Hữu Hanh cũng nuôi chim và trồng hoa phong lan và cái thú vui chung này đã tạo nên một mối quan hệ thân thiết giữa ba người. Những lúc bận việc, cha Nguyễn Hữu Hanh thường sai con xuống phố đưa hoa và chim cho Ngô Đình Diệm, và mỗi lần như thế Ngô Đình Diệm đều xoa đầu ông như một cách khen thưởng… Sự gặp gỡ ngẫu nhiên này có thể coi là một tiền đề tạo nên cuộc đời Nguyễn Hữu Hanh sau này, khi Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống VNCH.
Thời sinh viên sôi nổi
Sau khi xong bậc tiểu học, Nguyễn Hữu Hanh được gửi ra Huế theo học Trung học Đệ nhất cấp ở Trường Khải Định. Đến năm 1944, ông thi đậu bằng tú tài II, ghi danh học ngành Luật và Y khoa tại Đại học Hà Nội. Tại đây ông tham dự các buổi mít tinh của phong trào sinh viên và tham gia những vụ quấy rối bọn sinh viên người Pháp và mật vụ được Pháp gài vào để theo dõi sinh viên Việt Nam. Những trận đánh nhau giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Pháp xảy ra hầu như mỗi ngày sau giờ tan học thường có sự tham gia của ông.
Khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, tất cả các trường trung và đại học đều đóng cửa và sinh viên được khuyến cáo trở về nhà chờ chỉ thị của chính quyền mới. Nguyễn Hữu Hanh đành trở lại Huế. Tại miền Trung, sau khi chính phủ của Trần Trọng Kim được thành lập thì một trường quân sự - Trường Thanh niên Tiền tuyến - ra đời. Nguyễn Hữu Hanh cùng một số sinh viên từ Hà Nội và Sài Gòn về đăng ký vào trường này. Đến ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ, lực lượng Việt Minh trên cả nước đã đứng lên giành lấy chính quyền.
Tại Huế, ngày 17/8/1945 chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh ra mắt quốc dân nhưng cuộc mít tinh đã trở thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh và ngày 23/8 khởi nghĩa giành thắng lợi. Vài ngày sau, Trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế đón tiếp vị Chính ủy đầu tiên của Khu ủy Huế. Vị Chính ủy đọc một bài diễn văn hùng hồn về phong trào Việt Minh và kêu gọi học viên đứng lên giành chính quyền tỉnh và tổ chức quân đội cho khu Trung Bộ. Toàn bộ học viên đều hào hứng hưởng ứng lời kêu gọi. Vậy là Nguyễn Hữu Hanh đứng dưới một ngọn cờ mới, gia nhập Việt Minh để chống lại quân đội Pháp.
Một thời gian sau, Nguyễn Hữu Hanh trở lại Hà Nội, tiếp tục học y khoa và được chỉ định về phòng hoa liễu. Ông đạt được nhiều điểm cao và hai giáo sư chính nói rằng, nếu cứ tiếp tục như vậy sau này ông sẽ trở thành một bác sĩ giỏi. Nhưng rồi tháng 12/1946, Pháp tái chiếm Đông Dương, một lần nữa trường bị đóng cửa. Nguyễn Hữu Hanh lại về nhà và tham gia lực lượng Việt Minh ở địa phương.
Trong một lần đi tuần với 5 người lính mới, Nguyễn Hữu Hanh bị mật thám Pháp bắt và bị thẩm vấn suốt ngày đêm, giữa các lần thẩm vấn là lao động khổ sai. May mà có một nhân viên từng là học trò của cha Nguyễn Hữu Hanh đã nhận ra ông. Người này vội báo tin về cho cha Nguyễn Hữu Hanh. Cha ông liền đến gặp Thống đốc Trung Kỳ Trần Văn Lý nhờ can thiệp. Nguyễn Hữu Hanh được dẫn tới Văn phòng Thống đốc và phải nghe một bài giảng về "hiểm họa Cộng sản" trước khi được cho về.
Du học sinh xuất sắc tại Paris
Năm 1947, theo sự sắp xếp, Nguyễn Hữu Hanh vào Sài Gòn để đáp tàu qua Pháp. Nhưng tại Sài Gòn, Cơ quan Mật vụ Pháp đã chờ sẵn, bắt ông về tra vấn thêm lần nữa. Thống đốc Trần Văn Lý biết tin lại can thiệp. Rồi khi chiếc tàu Felix Roussel chở Nguyễn Hữu Hanh và 12 du học sinh khác cặp cảng Marseilles (Pháp), một cảnh sát chìm lại lên tàu điệu Nguyễn Hữu Hanh về bót thẩm vấn. Khi biết Nguyễn Hữu Hanh là người được Thống đốc Trung Kỳ bảo trợ, chúng mới chịu phóng thích ông.
Nguyễn Hữu Hanh tại Hội nghị các Tổng trưởng Kinh tế các nước châu Á. |
Đến Paris, Nguyễn Hữu Hanh học các khóa dự bị tại Trường Lakanal ở thị trấn Bourg La Reine, gần Paris. Năm sau, ông thi đậu vào Cao đẳng HEC (Hautes Études Commerciales) - ngôi trường thương mại ngân hàng danh tiếng nhất nước Pháp. Ba năm sau Nguyễn Hữu Hanh được nhận vào Trường ENA (École Nationale d'Administration - Trường Quốc gia Hành chính) là nơi đào tạo những công chức cao cấp của Pháp. Điều này rất đặc biệt vì đây là lần đầu tiên Trường ENA nhận sinh viên các nước thuộc địa. Vì không có quốc tịch Pháp nên Nguyễn Hữu Hanh chỉ được học một năm giảng bài, chứ không được tham dự 2 năm tập sự vốn chỉ dành cho sinh viên Pháp.
Sau khi tốt nghiệp HEC, Nguyễn Hữu Hanh được nhà trường chọn đi Hoa Kỳ để học tập "lối sống Mỹ". Mỗi nước được chọn 2 sinh viên đại diện sau một kỳ thi, và ông được chọn cùng một sinh viên Pháp. Tuy nhiên, nhà chức trách Pháp không chấp nhận Nguyễn Hữu Hanh vào danh sách vì ông không phải dân Pháp. Rất may Hội International Fund ở New York không đồng ý cho thay sinh viên khác.
Chuyến đi bắt đầu từ Paris, qua Amsterdam, Hà Lan rồi qua Shannon ở Ireland mới bay đến New York. Đến Mỹ, Nguyễn Hữu Hanh đi khắp các bang Georia, Illinois, Chicago, Galveston, Texas rồi trở lại New York. Tại các bang này, ông sống với 28 gia đình Mỹ. Thông qua việc học tập "lối sống Mỹ như thế" ông có cơ hội học hỏi rất nhiều về đời sống, tập quán, sự suy nghĩ, phân tích, nhận định của họ, nhất là trên phương diện chính trị. Nhờ vậy, sau này, trong những năm 1969 - 1970, khi phong trào chống chiến tranh Việt Nam lan rộng tại Mỹ, Nguyễn Hữu Hanh hiểu ngay diễn biến của thời cuộc, tác động của cuộc chiến đối với quần chúng, Quốc hội, và đường lối chính trị của các cơ quan Chính phủ Mỹ. Ông nhiều lần trao đổi với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và các lãnh đạo chính trị của VNCH. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thiệu đã không tin lời ông.
Kết thúc chuyến "thực tập" tại Mỹ, Nguyễn Hữu Hanh quay về Paris và được giáo sư Henri Fournier giới thiệu ông với René Frappart, Tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương Đông Dương. Đầu năm 1954, Nguyễn Hữu Hanh trở về Việt Nam làm việc cho ngân hàng này.
Cố vấn của Tổng thống VNCH
Sau Hiệp định Genève năm 1954, tại miền Nam, được sự hậu thuẫn của Mỹ, ngày 16/6/1954, Ngô Đình Diệm lên chức Thủ tướng. Tiếp đó là cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 đã chấm dứt chính thể quốc gia, Quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất. Chính quyền VNCH được thành lập và Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống.
Nguyễn Hữu Hanh cùng phái đoàn tại Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế các nước châu Á Thái Bình Dương thời VNCH. |
Tuy nhiên, lúc này nền tài chính miền Nam vẫn do Ngân hàng Trung ương Đông Dương mà phía sau là Chính phủ Pháp quản lý. Vì thế Ngô Đình Diệm rất cần một cố vấn tin cẩn để thiết lập một nền tài chính mới. Ông ta sai phụ tá Tôn Thất Cẩn tới Ngân hàng Trung ương Đông Dương để tìm một người có thể đảm đương nhiệm vụ trên. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Victor Cusin và Tổng giám đốc René Frappart của Ngân hàng Đông Dương liền đề cử Nguyễn Hữu Hanh.
Được Tôn Thất Cẩn báo lại, Ngô Đình Diệm rất bất ngờ. Ông ta cười bảo rằng "thằng nhỏ này thường đem hoa lan tới cho tôi và tôi thường xoa đầu nó để cám ơn. Làm sao nó làm cố vấn tài chính cho tôi được?". Một số thành viên trong nội các từng gặp gỡ Nguyễn Hữu Hanh cho Ngô Đình Diệm biết, Nguyễn Hữu Hanh là một thành viên cao cấp rất có khả năng trong Ban giám đốc Ngân hàng Trung ương Đông Dương, là người tốt nhất mà Ngô Đình Diệm có thể kiếm được.
Vài ngày sau, Ngô Đình Diệm gọi Nguyễn Hữu Hanh đến và yêu cầu làm cố vấn tài chính và kinh tế cho ông ta. Theo kiểu riêng của mình xưa nay, Ngô Đình Diệm không ký một sắc lệnh bổ nhiệm nào, mà chỉ tuyên bố bằng miệng cho các thành viên nội các chính phủ, đặc biệt là người em đầy uy quyền của ông, Cố vấn Ngô Đình Nhu, và Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần, người luôn làm tấm bình phong với bất cứ ai muốn gặp ông Diệm. Ngô Đình Nhu và Nguyễn Đình Thuần đều không đồng ý Nguyễn Hữu Hanh, cả hai tỏ ra rất khó chịu nhưng không ai dám cãi lời. Và cũng chính vì sự khó chịu này đã gây cho Nguyễn Hữu Hanh nhiều bất lợi sau này, đến nỗi ông phải từ chức và ra đi vào năm 1961.
Ngày 1/1/1955, theo một thỏa thuận với Pháp, Ngân hàng Trung ương 3 nước Đông Dương được tách ra làm 3 Ngân hàng Quốc gia Trung ương. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (VNCH) được thành lập ngay ngày hôm ấy bởi một sắc lệnh do Ngô Đình Diệm ký. Dương Tấn Tài được bổ nhiệm làm Thống đốc, Nguyễn Hữu Hanh làm Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia. Lần này thì có sắc lệnh bổ nhiệm hẳn hoi. Trên cương vị Thống đốc nhưng Dương Tấn Tài chỉ luôn dành thì giờ để lo toan những chi tiết hành chính nhỏ nhặt, bỏ qua các vấn đề tiền tệ và tài chính cần phải được giải quyết trong buổi chuyển tiếp từ một nền kinh tế thuộc địa qua nền kinh tế mới.
Ngô Đình Diệm quyết định cử một chính trị gia thay thế Dương Tấn Tài. Theo đó, Vũ Quốc Thúc được chỉ định làm Thống đốc với nhiệm vụ lo các mối quan hệ hành chính và chính trị với chính phủ. Riêng công việc điều hành kinh tế tài chính Ngô Đình Diệm đều giao phó cho Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Hanh.
(Còn tiếp)