Nhớ mùa thu ngày hăm ba ở Sài Gòn

Thứ Ba, 27/09/2016, 16:25
Sáng ngày 2-9, hàng chục vạn dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng lân cận kéo nhau về vườn Ông Thượng (vườn hoa Tao Đàn ngày nay) làm lễ mít tinh mừng ngày Độc lập. Trong không khí tưng bừng đó, những tên lính phản động đã nổ súng khiêu khích làm nhiều người chết và thương vong.

Lúc này lực lượng tự vệ thành phố và lực lượng thanh niên tiền phong đã chống trả và bắt một số phần tử phản động, gây rối. Bọn Pháp liền vu cáo chính quyền nhân dân không giữ được trật tự, phái bộ Anh ra lệnh cho lính Nhật tước vũ khí và cấm chính quyền nhân dân cùng lực lượng tự vệ không được biểu tình và giải tán.

Núp bóng quân đội Anh tước vũ khí Nhật, 6.000 quân Pháp đã thực hiện âm mưu đánh chiến lại Sài Gòn và Nam bộ, làm bàn đạp chiếm cả nước ta và Đông Dương. Từ ngày 20 đến 22-9, quân Anh và Pháp lần lượt chiếm đóng một số vị trí trọng yếu của thành phố và thực hiện âm mưu chiếm nước ta một lần nữa.

Nam bộ kháng chiến.

Do đó, 7 giờ sáng ngày 23-9, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ (sau đổi tên thành Ủy ban Kháng chiến) tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại nhà số 629 đường Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5) do Bí thư Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Nguyễn, ông Ngô Tấn Nhơn. Cuộc họp còn có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự và chỉ đạo.

Hội nghị đã quyết định phát động nhân dân kháng chiến chống quân xâm lược, thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, phong tỏa địch, bất hợp tác, chiến đấu đánh trả mọi cuộc lấn chiếm... Mở ra trang sử vàng lịch sử: Nam bộ kháng chiến từ đây, với lẽ sống "độc lập hay là chết"...

Ngày 27-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc, thà chết tự do, hơn sống nô lệ. Lời kêu gọi kháng chiến đã được quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn hưởng ứng mạnh mẽ, cả thành phố bãi công, chiến hào, ụ chiến đấu dựng lên khắp nơi, các đội tự vệ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành phố được nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn khắc họa trong bài hát "Nam bộ kháng chiến" hào hùng, khí thế: Mùa thu rời, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền... Một lòng nguyện với tổ tiên, thề quyết chống quân xâm lăng...".

1. Vào thời điểm đó, Sài Gòn - Chợ Lớn là hai khu vực đông người, sầm uất nhưng còn cách ngăn với các vùng lân cận như Gia Định, Tân Bình, các tỉnh Đông, Tây Nam bộ với sông rạch chằng chịt và cỏ dại mọc um tùm. Trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn kết nối các vùng khác bởi những cây cầu huyết mạch đầu tiên do chính quyền Pháp xây dựng.

Do đó, lực lượng tự vệ Sài Gòn muốn bảo vệ thành quả chính quyền cách mạng non trẻ, trong khi cán cân lực lượng chênh lệch nhau quá lớn, lãnh đạo kháng chiến chọn phương châm "lấy ít địch nhiều" kết hợp trong đánh ngoài vây. Vừa chiến đấu trong nội thành, lực lượng măt trận các vùng ven còn dũng cảm cố thủ chiến đấu chặn địch không cho đánh chiếm tràn ra ngoài vùng lân cận và các tỉnh...

Ngày nay, những chứng tích và dấu vết một thời oanh liệt vẫn còn lưu giữ, dù đã 71 năm trôi qua, dù thế hệ những người lính tự vệ trẻ ngày ấy nay cũng còn rất ít người. Các cây cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Kiệu... tại cầu Thị Nghè ngày nay, một tấm bia tưởng niệm cùng cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay trong gió, ghi lại chiến công oai hùng của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tại mặt trận Thị Nghè trong ngày 23-9 năm xưa: "Tại cầu này, ngay từ sáng sớm 23-9-1945, quân dân Thị Nghè, cùng quân dân thành phố vũ trang bằng vũ khí thô sơ, đã lập mặt trận Thị Nghè, chặn đứng quân Pháp gần tháng trời không cho nống ra ngoài thành phố".

Di tích Đồn Cây Mai.

Quân Pháp với súng đạn, hỏa lực tối tân nhưng quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn trên khắp các mặt trận đã anh dũng, ngoan cường chiến đấu ác liệt với kẻ thù, cầm chân kẻ thù từ ngày 23-9 đến ngày 18-10-1945. Nhiều cây cầu quanh thành phố giờ đây đã xây mới, sửa chữa nâng cấp... nhưng mãi mãi trong lòng người dân vẫn là những cây cầu thấm đẫm máu xương và mồ hôi của nhiều quân dân đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho thành phố thân yêu và cho Tổ quốc Việt Nam.

2. Trong các đồng chí lãnh đạo Thanh niên Tiền Phong, Ủy ban Nam bộ kháng chiến lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật lúc bấy giờ, có một người mà sau đó được bầu làm Bộ trưởng hai Bộ Kinh tế và Canh nông đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là "đặc phái viên" của Chính phủ ở Nam bộ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ông là Ngô Tấn Nhơn, người cán bộ cách mạng kiên trung của quê hương Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang.

Lúc sinh thời, cụ Ngô Tấn Nhơn từng kể lại: Sau khi đảo chính Pháp, Nhật giữ nguyên bộ máy cai trị cũ, đưa Minoda lên làm thống đốc thay cho thống đốc Nam kỳ đã phế truất. Giữa tháng 3/1945, Minoda cho mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn đến đồn Cây Mai, yêu cầu xây dựng một phong trào thanh niên quốc gia (theo kiểu thanh niên Pétain ở Pháp) để ủng hộ cho quân đội Nhật cai trị thuộc địa sau khi đảo chính Pháp.

Được Xứ ủy Nam Kỳ ủng hộ, lợi dụng hình thức công khai này, chúng ta xây dựng các lực lượng đoàn thể quần chúng từ phụ nữ, nông dân, thanh niên, viên chức, tôn giáo... vừa ngấm ngầm tuyên truyền hoạt động cách mạng, vừa an nhiên tự tại xây dựng lực lượng công khai với danh nghĩa bài Pháp, ủng hộ Nhật. Thời cơ chín muồi đã đến vào tháng 8/1945, các lực lượng quần chúng rất hùng mạnh của Sài Gòn - Chợ Lớn đã rầm rộ, sục sôi chuẩn bị giành chính quyền khi phe Đồng minh đã chiến thắng buộc phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện và kết thúc Chiến tranh thế giới lần II.

Lúc bấy giờ, tại Sài Gòn, quân đội Nhật có khoảng hai sư đoàn tinh nhuệ, đang trong tình trạng hoang mang chưa biết số phận sẽ ra sao khi kẹt tại Sài Gòn, Việt Nam. Tướng Terauchi - chỉ huy quân đội Nhật tại Đông Nam Á với đội quân phát xít hung hăng nhất giờ đây co rúm người lại trong đồn Cây Mai cố thủ và chờ phán quyết, tước vũ khí từ Nhật.

Một tối trước ngày khởi nghĩa khoảng tuần lễ, Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn với danh nghĩa là lãnh tụ Thanh niên Tiền Phong gặp tướng Terauchi để thương lượng tịch thu toàn bộ vũ khí. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với thái độ ôn hòa và hiền lành khi gặp Terauchi đã ôn tồn chia buồn: Chúng tôi đến để chia buồn với nước Nhật với trên hai trăm ngàn người chết bởi hai quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki và Hiroshima.

Tranh vẽ tái hiện trận đánh Cầu Thị Nghè.

Tướng Teruacho ôm đầu bày tỏ sự đau khổ, thất bại của quân đội Nhật và đồng minh. Bác sĩ Thạch tiếp lời: Quân đội Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh, thì phải giao nộp vũ khí cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho quân đội Nhật trong việc tiếp tế...". Sau hồi lâu suy nghĩ, tướng Terauchi cho biết, vũ khí quân đội Nhật không thể giao nạp được vì phải chờ quân Đồng minh đến bàn giao. Nhưng có thể bàn giao cho các ông số vũ khí mà quân đội Nhật tước từ tay quân đội Pháp.

Nhờ sự dũng cảm và của trời cho này với gần 1.000 súng trường, một số súng máy và đạn được rất nhiều nên lực lượng vũ trang của ta đã tổ chức chốt chặn những nơi xung yếu, tạo điều kiện cho quân dân ta nổi dậy giành chính quyền ngày 25-8-1945 và sử dụng làm hỏa lực chính chiến đấu với giặc Pháp trong những ngày Nam bộ kháng chiến.

Ông Ngô Tấn Nhơn sinh năm 1914 tại làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho, nay là xã Vĩnh Kim, huỵện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình khá giả, nhưng sớm được giác ngộ cách mạng. Theo đồng chí Phạm Hùng và nhiều bạn học đàn anh tham gia rải truyền đơn, làm giao liên, bị địch bắt giam tại Mỹ Tho một thời gian và cấm cho học tại đây.

Năm 1938, ông tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông, làm việc tại Sở Lúa gạo Đông Dương tại Hà Nội. Tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng nên ông bị mật thám Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo với mức án 5 năm tù giam cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng. Sau khi ra tù, ông được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu giao nhiệm vụ lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền Phong tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định...

Đầu năm 1946, từ Mỹ Tho ông được tổ chức cử làm đại biểu Quốc hội ra Hà Nội dự kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại đây, phiên họp đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trì, ông được đề cử giữa chức Bộ trưởng Canh Nông và Bộ trưởng Bộ Kinh tế...

Vừa nhận chức chưa ấm  chỗ, ông đã đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp với phương châm: lấy cải tạo nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân. Ông đưa ra kế hoạch sản xuất tự cấp, tự túc từ tháng 10-1946 đến tháng 3-1947. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử ông làm đặc phái viên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bên cạnh Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, có nhiệm vụ lo đầy đủ lương thực và tài chính đển chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn cùng đoàn công tác trở thành những người đầu tiên vượt Trường Sơn vào miền Nam theo những lối mòn chưa thành đường với muôn vàn gian khổ, bệnh tật... mang đồng tiền Cụ Hồ vào căn cứ bưng biền Đồng Tháp Mười để in tiền phục vụ cho nhân dân vùng kháng chiến không để Pháp gây khó bằng tiền Đông Dương hòng ngăn chặn và triệt tiêu tinh thần cách mạng.

Trong 9 năm kháng Pháp, ông đã 3 lần đi lại bằng con đường Trường Sơn từ chiến khu Đồng Tháp Mười ra chiến khu Việt Bắc. Từ 1954 đến ngày qua đời năm 2005 (thọ 92 tuổi) ông từng trải quan nhiều chức vụ công tác khác nhau với 6 khóa là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Từ những lần vào sinh ra tử, thế hệ vàng của Nam bộ kháng chiến như ông đã lập nên những thành tích lớn lao cho cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Nam Yên
.
.