Nhớ những lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân
- Về nơi khởi nguồn sáu điều Bác Hồ dạy CAND
- Tạo sức lan toả trong thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy
- Xây dựng hình ảnh người CAND theo lời Bác Hồ dạy
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn quan tâm đến công tác Công an. Những lần đến thăm, làm việc, huấn thị, hay gửi thư động viên, khen thưởng Công an, Người đều nhấn mạnh đến hai vấn đề chính mà mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng như toàn Lực lượng Công an nhân dân phải thực hiện cho tốt, đó là: Phải tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, biết dựa vào dân mà làm việc, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phải chú ý xây dựng Lực lượng Công an nhân dân về mọi mặt.
Những lời dạy của Bác có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Những phẩm chất ấy là nhân tố quyết định để Lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu nhiệm vụ.
Bác Hồ với các chiến sĩ Cảnh vệ và Công an nhân dân vũ trang sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. Ảnh: Tư liệu. |
Năm 1948, giữa những bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Người nêu những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có là:
“Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc phải tận tụy.
Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.
Đồng thời, Người chỉ rõ: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”.
Tiếp đó, trong thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V ngày 15-1-1950, Bác căn dặn: “Xây dựng bộ máy Công an nhân dân. Tức là phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian, trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ Công an... Phải hoan nghênh nhân dân phê bình Công an, để đi đến hiểu Công an, yêu Công an, và giúp đỡ Công an”. “Cách tổ chức Công an phải giản đơn, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ”.
Năm 1951, tại Sơn Dương, Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Lớp Công an trung cấp khóa II để huấn luyện cán bộ cho công an các địa phương. Lớp học đã vinh dự được đón Bác đến thăm. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an phải nhận thức đầy đủ vị trí, nhiệm vụ của Công an trong việc bảo vệ nền chuyên chính dân chủ nhân dân; phải nhận thức đúng vai trò sức mạnh của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và Lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đón Bác Hồ về thăm quê hương Nam Đàn, Nghệ An, tháng 6 năm 1957. Ảnh: Tư liệu. |
Bác nói: “Công an dẫu có năm, bảy vạn đi chăng nữa thì vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Phải làm sao có hàng chục triệu tai mắt, đôi bàn tay”, và Bác khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Bác căn dặn: “Cán bộ, chiến sĩ Công an phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và khuyến khích cho dân phê bình Công an, có thế thì dân mới tích cực giúp đỡ Công an”.
Bác nhấn mạnh: “Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì Công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác Công an, các cô các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”, và “làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”.
Về phương pháp công tác công an, Bác dạy: “Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt, miệng của dân, làm thế nào dân giúp Công an để phát hiện địch và giấu địch những điều của ta... Tổ chức tốt quần chúng để giấu không cho địch biết và bảo vệ ta. Cho nên, cần có kỹ thuật nhưng chủ yếu phải dựa vào dân”.
Đồng chí Vương Văn Long, nguyên Phó trưởng Ty Công an Tuyên Quang kể lại, có lần đồng chí được giao nhiệm vụ đi bảo vệ Bác đến thăm một số nơi trong tỉnh. Lúc ngồi ăn cơm, Bác nói về chuyện Bác mới đi qua vùng dân tộc, thấy người dân kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của tỉnh. Bác căn dặn đồng chí rằng: “Tất cả những vấn đề đó chú phải về báo cáo lại với tỉnh ủy. Còn các chú công an là bạn dân thì phải đi sát dân. Dân có gì bằng lòng với Chính phủ và có gì không bằng lòng, các chú phải báo cáo lại cho tỉnh ủy biết để có biện pháp khắc phục, sửa chữa”.
Những lời căn dặn rất ngắn gọn mà rõ ràng của Bác trên chặng đường rừng ngắn ngủi đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng chí Long vì đồng chí đã hiểu thế nào là một người công an cận vệ của Đảng và là đầy tớ của nhân dân.
Tối ngày 3-3-1959, Bác Hồ đến nói chuyện với đoàn đại biểu dự Đại hội thành lập Lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Bác nói: “Quân đội và Công an vũ trang là lực lượng vũ trang của Đảng, cho nên bất luận trường hợp nào cũng phải phục tùng sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Công an và quân đội là hai cánh tay đắc lực của nhà nước chuyên chính vô sản để tiêu diệt kẻ địch bên trong là bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc xâm lược. Muốn thắng địch không phải chỉ bằng mưu trí, vì mình có mưu trí thì địch cũng có. Cho nên phải dựa vào dân. Các chú mỗi người có hai cái tai, hai con mắt nhưng nhân dân thì hàng triệu tai, hàng triệu mắt. Hồi bí mật ta sống được và chiến thắng được địch là nhờ biết dựa vào dân”.
“Bác biết trong số các chú ngồi đây, có chú không thích làm Công an vũ trang. Cho Công an làm công tác bí mật không ai biết, không oai, ít được trưng lên báo; hoặc là quân hàm, trang phục của Công an không đẹp... như thế là không đúng. Công việc cách mạng việc gì cũng vinh quang. Từ Bác làm Chủ tịch nước, đến các chú làm công vụ, chạy giấy, tuy công việc có khác nhau, nhưng ai làm tròn nhiệm vụ cũng đều vinh quang”.
Rồi Bác hỏi: “Các chú có đồng hồ phải không? Khi xem giờ các chú có mở máy ra xem không?”, và Bác giải thích: “Đồng hồ chạy được là nhờ có máy, có kim. Máy nằm ở trong, kim ở ngoài, nếu cái máy nó bảo kim: Tôi nằm mãi ở trong chán lắm, không ai biết đến, phải cho tôi ra ngoài, còn các anh thì vào trong mà ở. Như thế thì còn gì là đồng hồ nữa. Công việc cách mạng cũng vậy. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng của mình”.
Cuối cùng, Bác căn dặn: “Đoàn kết cảnh giác, Liêm chính kiệm cần, Hoàn thành nhiệm vụ, Khắc phục khó khăn, Dũng cảm trước địch, Vì nước quên thân, Trung thành với Đảng, Tận tụy với dân”.
Khẳng định tính sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng Công an, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an để nhân dân an cư, lạc nghiệp, tăng gia sản xuất, Bác chỉ rõ: “Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”.
Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Tuy Công an là của nhân dân, nhưng đồng thời cũng phải biết phê bình người phạm sai lầm. Trong nội bộ, Công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một kho tàng sống động, vô cùng phong phú về công tác bảo mật, công tác an ninh. Bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tham gia vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bị mật thám theo dõi sát sao, Người đã nhiều lần phải thay đổi tên, thay đổi nghề nghiệp, nhiều lần cải trang để đảm bảo bí mật, an toàn và thuận tiện cho công tác.
Những ngày tháng ở tại Cao Bằng trong thời kỳ mới trở về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ muốn đối phó với địch phải giữ kỷ luật, giữ bí mật và bản thân Người đã thực hiện quy định này rất cẩn thận, nghiêm túc. Tuy cơ quan đông người, nhưng mỗi người mỗi việc không ai biết việc của ai. Mỗi khi cần về một cơ sở nào đó, Người chỉ báo cho đồng chí có trách nhiệm biết. Các đồng chí bảo vệ Bác cũng luôn học hỏi được từ Người nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác.
Đồng chí Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, chiến sĩ bảo vệ Bác từ năm 1955 đến năm 1959 kể lại: Trong những năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, ở Hà Nội có hệ thống loa báo động, mỗi lần nghe báo máy bay địch sắp vào khu vực Hà Nội, đồng chí bảo vệ mời Bác xuống hầm trú ẩn. Một lần mới nghe dự báo động, vì quá lo lắng cho sự an toàn của Bác mà đồng chí bảo vệ tiếp cận không giữ được bình tĩnh, vội vàng chạy lên mời Bác.
Thấy vẻ hốt hoảng của đồng chí bảo vệ, Bác nói: “Là Công an thì phải luôn luôn tỉnh táo. Lúc có địch phải coi như không có địch, còn lúc không có địch cũng phải coi như có địch”. Những lời dạy bảo ân cần của Bác được các chiến sĩ coi như kim chỉ nam trong suốt cuộc đời làm công tác bảo vệ của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những lời chỉ dạy của Người đối với Công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với Lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những lời dạy của Bác là định hướng cơ bản, ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, đồng thời là chuẩn mực về đạo đức, nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng phải rèn luyện, phấn đấu, thực hiện.