Những câu chuyện “dựa vào dân” của Anh hùng tình báo – Liệt sĩ Đào Phúc Lộc

Thứ Tư, 02/05/2018, 17:20
Là thủ trưởng đầu tiên của cơ quan tình báo quân đội ta, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đào Phúc Lộc, đặc biệt trong thời gian trên 20 năm là người tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo – quân báo, ông đã luôn quán triệt và thực hiện phương châm dựa vào dân.

Trong suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975) và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới sau này, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hơn 2.000 người con ưu tú  của dân tộc. Nhưng cho đến nay, trong số đó có duy nhất một người được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh – đó là liệt sĩ Anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc (1923-1969), tức Hoàng Minh Đạo (Năm Thu, Năm Đạo, Năm Đời...).

Là thủ trưởng đầu tiên của cơ quan tình báo quân đội ta, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đào Phúc Lộc, đặc biệt trong thời gian trên 20 năm là người tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo – quân báo, ông đã luôn quán triệt và thực hiện phương châm dựa vào dân. Nhờ vậy, ông đã sống và chiến đấu nhiều năm trong lòng địch, vượt qua bao sự truy lùng gắt gao của kẻ thù.

Người thủ trưởng đầu tiên của cơ quan tình báo quân đội

Đào Phúc Lộc sinh ra trong một gia đình viên chức có truyền thống yêu nước ở thôn Vườn Trầu, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi và trở thành người giữ liên lạc của đồng chí Tô Hiệu.

Năm 1940, trong một chuyến công tác, Đào Phúc Lộc bị bắt, bị kết án 2 năm tù, bị tra tấn dã man nhưng thực dân Pháp không khai thác được gì ở người thanh niên dũng cảm này. Chúng đưa ông về Móng Cái quản thúc trong thời gian 5 năm.

Bức ảnh của nhà tình báo Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo) chụp năm 1968 tại vùng ven Sài Gòn, căn cứ Củ Chi – Hố Bò.

Thời gian này, Đào Phúc Lộc đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm của một nhà tình báo. Ông khôn khéo lừa bọn mật thám, vượt biên sang Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức của Đảng và được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Móng Cái, thành lập đường dây liên lạc hải ngoại từ Hải Phòng qua Móng Cái sang Quảng Đông, Quảng Tây để đưa đón cán bộ đi về qua biên giới hoạt động.

Đào Phúc Lộc đã lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Móng Cái do ông làm Bí thư, lấy tên là Hoàng Minh Đạo. Năm 1943-1945, với nhiệm vụ được Trung ương Đảng giao, Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo cho cách mạng nhiều hạt giống tốt, nhiều người trưởng thành là cán bộ nòng cốt trong quân đội và đặc biệt trong ngành tình báo từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp.  

Trong thời kỳ chỉ huy và hoạt động tình báo ở miền Bắc, Đào Phúc Lộc đã xây dựng được nhiều cơ sở bí mật, nhiều cộng tác viên của mình trong nội thành Hà Nội. Trong mạng lưới ấy, có một gia đình thương nhân giàu có chuyên buôn bán hàng tấm và bánh mứt ở Hà Nội. Gia đình có 3 chị em ở nhà số 41 (sau đó là nhà số 36) phố Lò Sũ, Hà Nội. Người chị cả là bà Nguyễn Thị Kíu, em trai là Nguyễn Công Cầu và em gái út là Nguyễn Thị Hiền. Bà Kíu và ông Cầu là hai chủ tiệm bánh kẹo Tùng Hiên nổi tiếng ở Hà Nội và quanh vùng lúc bấy giờ, có đông người làm.

Ông Nguyễn Công Cầu là người thường đi buôn “xu đồng” từ Hà Nội lên biên giới Móng Cái. Năm 1944, khi gặp ông Cầu tại Móng Cái (Quảng Ninh), biết ông Cầu có cảm tình với Việt Minh, Đào Phúc Lộc đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và sử dụng gia đình ông Cầu làm cơ sở.

Nhiều lần Đào Phúc Lộc đóng vai một người phụ lái đi theo xe tải chở hàng của ông Cầu đi đường tuyến Móng Cái – Hải Phòng – Hà Nội. Đào Phúc Lộc đã giới thiệu đồng chí Nguyễn Lương Bằng – người phụ trách công tác tài chính của Đảng, đến nhà ông Cầu ở 41 Lò Sũ, giao tín phiếu của Tổng bộ Việt Minh nhờ ông Cầu bán. Qua ông Cầu, Đào Phúc Lộc đã xây dựng bà Nguyễn Thị Kíu và Nguyễn Thị Hiền trở thành cơ sở bí mật tin cậy của ông tại Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kíu có bí danh là Minh, em gái Nguyễn Thị Hiền (Nguyễn Thị Thìn, bí danh là Thiện).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945  thành công, Đào Phúc Lộc về Hà Nội nhận nhiệm vụ là Trưởng phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu khi mới 22 tuổi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.

Trong hoàn cảnh ban đầu còn khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, cơ quan mới chỉ có trụ sở chính để làm việc, Đào Phúc Lộc đã dựa vào  gia đình bà Kíu, ông Cầu như một cơ sở đầu tiên của ngành Tình báo quân đội tại Hà Nội, để tổ chức việc tiếp dẫn cán bộ từ các tỉnh về. Năm 1945-1946, nhà ông Cầu ở 41 Lò Sũ được sử dụng làm nơi qua lại, ăn ở của nhiều đợt cán bộ ở nơi xa về nhận nhiệm vụ ở Phòng Tình báo Quân ủy hội, trong đó có số anh em ở Móng Cái. Đào Phúc Lộc thường lui tới đó như người nhà, nhận bà Kíu là chị nuôi, nhận ông Cầu là anh nuôi.

Tại cơ sở 41 Lò Sũ (Hà Nội), Đào Phúc Lộc đã tin tưởng giao cho chị em bà Kíu nuôi giấu một cộng tác viên của mình. Vị khách bí mật không biết nói tiếng Việt. Khi bị bọn phản động phát hiện, báo cho quân Tàu Tưởng đang đóng ở Hà Nội đến bắt, bà Nguyễn Thị Hiền lúc đó mới chỉ là một nữ sinh, đã kịp giấu khẩu súng ngắn của ông khách xuống đống cát trong buồng chứa vật liệu và đưa ông khách trốn lên trên trần nhà. Lính Tàu lục soát không thấy gì đành bỏ đi.

Anh hùng tình báo, liệt sĩ Đào Phúc Lộc.

Trước khi Đào Phúc Lộc nhận nhiệm vụ Nam tiến vào tháng 9-1948, vợ ông là Hoàng Minh Phụng, nguyên nhân viên Phòng Tình báo qua đời tại chiến khu Việt Bắc. Thấy con gái đầu lòng là Đào Thị Minh Vân mới chập chững biết đi, nếu để lại chiến khu Đại Từ không tiện cho cơ quan, Đào Phúc Lộc đã mang con gái đến gửi bà Kíu nuôi dưỡng.

Cùng thời gian đó, bà Kíu còn nhận nuôi 4 đứa trẻ khác là con của các chiến sĩ tình báo quân đội đang hoạt động ở xa, hoặc hoạt động bí mật, không có điều kiện chăm sóc. Cả 5 đứa trẻ đều gọi bà Kíu là mẹ, xưng là con. Bà Kíu thương yêu 5 đứa trẻ như con đẻ, nuôi chúng ăn học. Cả đời bà Kíu và người em Nguyễn Công Cầu nhất mực bảo vệ Đào Phúc Lộc và các chiến sĩ tình báo từng qua lại nhà bà.

Ngay cả khi hai chị em bà bị oan ức vì bị quy là thành phần tư sản, bị tịch thu toàn bộ nhà xưởng, cửa hàng, nhà ở bị thu hẹp, không công ăn việc làm, cuộc sống vô cùng khó khăn, ông Cầu bị ốm chết nhưng bà Kíu vẫn âm thầm chịu đựng, kiên quyết giữ bí mật thân phận thật của Đào Phúc Lộc trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi ông đang giữ nhiều trọng trách quan trọng, sống và hoạt động bí mật trong hang ổ quân giặc ở nội thành Sài Gòn.

Được nhân dân che chở, bảo vệ

Tại chiến trường miền Nam thời chống Pháp và chống Mỹ, phương châm “tình báo phải dựa vào dân” càng được Đào Phúc Lộc quán triệt và thực hiện như một lẽ sống, một phương cách để ông hoàn thành nhiệm vụ.  Đào Phúc Lộc không chỉ gây dựng cơ sở cho mình, để bảo vệ mình mà còn để bảo vệ và giúp đỡ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam lúc đó như: Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Mai Chí Thọ...

Để quân báo nắm tình hình địch, đặc biệt là tin tức tình báo từ cơ quan đầu não, từ tổng hành dinh của các chiến dịch càn quét lớn, Hoàng Minh Đạo phải vào nội thành Sài Gòn. Trong nội thành Sài Gòn, Hoàng Minh Đạo có rất nhiều cơ sở tin cậy.

Một trong số đó là gia đình ông Nguyễn Văn Ráng (Bảy Môn) được Hoàng Minh Đạo chọn làm cơ sở gần 5 năm. Hoàng Minh Đạo nhận ông Bảy Môn và chị gái ông là bà Hoa vào Cụm giao liên do ông phụ trách. Hoàng Minh Đạo cùng ông Bảy Môn và bà Hoa sống chung với nhau gần 2 năm dưới danh nghĩa một gia đình có 3 anh em, ở nhờ trong nhà của một anh tài xế cho mượn ở đường Nguyễn Kim – Sài Gòn.

Nhiệm vụ mà Hoàng Minh Đạo giao cho bà Hoa trong 2 năm (1956-1957), ngoài giao liên đưa báo cáo, thư từ theo địa chỉ ông dặn, còn có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của bọn Cảnh sát ở quận Nhất và 2 sư đoàn  quân đội Việt Nam cộng hòa là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 25, đồng thời nhận báo cáo tin tức do các đồng chí của ta nằm trong 2 sư đoàn này cung cấp để chuyển cho đồng chí Đạo. Cụm giao liên đặc biệt dưới danh nghĩa “gia đình” Hoàng Minh Đạo – Hoa – Bảy Môn sống ngay bên cạnh địch suốt mấy năm vẫn giữ được an toàn tuyệt đối, không để xảy ra một sơ suất nào làm kẻ địch nghi ngờ.

Một thành công khi thực hiện phương châm dựa vào dân của Hoàng Minh Đạo là trong thời gian ông đảm đương cương vị là người chỉ huy tối cao của Phân khu V – Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy, Hoàng Minh Đạo giữ trọng trách Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy  Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Đặc khu (cơ quan đóng tại Nhuận Đức, Củ Chi), kiêm Bí thư và Chính ủy Phân khu V.

Bà Đào Thị Minh Vân (người ngồi xe lăn), con gái đầu của Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc cùng các đại biểu tại một buổi hội thảo khoa học về nhà tình báo Đào Phúc Lộc.

Chuẩn bị cho đợt Tổng công kích xuân 1968, Hoàng Minh Đạo đã có một quyết định táo bạo là  chọn địa điểm đóng Bộ chỉ huy tiền phương trong một số gia đình cơ sở cách mạng tin cậy của ông ở Bình Phú, gần thị trấn Thủ Đức, sát nách căn cứ Sóng Thần. Đây là căn cứ Thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa (gồm 7 tiểu đoàn lính Da Beo) án ngữ cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Theo Hoàng Minh Đạo, ta chọn địa điểm đó để tạo thế bất ngờ ngay chỗ mà địch cho là an toàn nhất, có hỏa lực mạnh nhất mà chính quyền Mỹ - Việt Nam cộng hòa lúc đó rất tin cậy.

Bộ chỉ huy tiền phương của Hoàng Minh Đạo và một số đồng chí khác của Phân khu V đóng thường xuyên trong các gia đình cơ sở của Hoàng Minh Đạo, trong đó có gia đình ông Ba Rõ (tên thật là Phạm Văn Nam).

Các gia đình cơ sở đã đào hầm làm vách, lót ván cho anh em ở ngay dưới gầm giường, còn gia đình con cái thì ngủ chung quanh miệng hầm để bảo vệ anh em. Bà con xóm Gò Dưa cực kỳ tốt với cách mạng, ủng hộ ta hết lòng, không ai khai báo, không ai làm phản. Vì vậy ta ở ngay cạnh địch mà vẫn giữ được bí mật.

Không chỉ đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhiều gia đình cơ sở của ta ở khu vực này còn bí mật tích trữ lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho quân chủ lực vào tham gia chiến dịch đông. Các gia đình cho gạo vào bao tải 50kg kèm một nghi trang là bao cát giả làm vách hầm chống đạn pháo để dự trữ khi quân ta vào. Nhà ít thì cất giấu 20 bao, 50 bao, nhà nhiều tới cả 100 bao. Không những vậy, theo chỉ đạo của đồng chí Hoàng Minh Đạo, các cán bộ ta còn tổ chức bà con bí mật chuẩn bị đường xá cho bộ đội ta vào thành.

Ở điểm Bộ chỉ huy tiền phương đóng, bà con chặt cây dừa lót qua rạch Châu Hiệp, Bình Phước, dưới lót cây dừa, trên để ghe (xuồng) cho bộ đội đi qua mà không phải lội nước...

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Trung ương Cục miền Nam cử Hoàng Minh Đạo từ căn cứ Tây Ninh trở về nội đô giữ chức Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu I – Phân khu trọng điểm chiến lược của Đặc khu Sài Gòn – Gia Định.

Trên cương vị này, Hoàng Minh Đạo đã cống hiến đến giọt máu cuối cùng, đã hi sinh trong trận chiến với hải quân Mỹ trên sông Vàm Cỏ Đông khi ông trên đường từ Trung ương Cục miền Nam báo cáo công tác chuẩn bị chiến trường trên địa bàn. 30 năm  sau ngày ông hi sinh, hài cốt ông mới tìm được và an táng trong Nghĩa trang liệt sĩ của TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 8-8-1998, lễ truy điệu liệt sĩ Đào Phúc Lộc được tổ chức long trọng tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó 2 ngày, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đời, Năm Đạo)...

(Theo Thiếu tướng AHLLVTND Đào Trọng Hùng, Nguyên Cục trưởng Cục Trinh sát nghiệp vụ – Tổng cục ANND, Phó trưởng ban liên lạc cán bộ CA chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Bộ Công an, và một số tư liệu về Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc)

PV
.
.