Những cống hiến lịch sử của Nguyễn Ái Quốc vào quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ Hai, 05/02/2018, 11:05
(...) Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên đã ý thức được sự cần thiết phải có Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Sự ra đời của các Đảng chính trị là sự phản ánh trình độ trưởng thành nhất định của cuộc đấu tranh giai cấp hay dân tộc, khi các lực lượng chính trị ý thức sâu sắc được mục đích của mình, thấy rõ sự cần thiết phải liên kết lại trong một tổ chức chặt chẽ nhằm thống nhất tư tưởng và hành động để lôi cuốn quần chúng tham gia đấu tranh cho những mục đích mà họ theo đuổi.

Ở châu Âu, các chính đảng tư sản xuất hiện khá sớm, từ cuối thế kỷ XVIII, trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp 1789. Các đảng công nhân xuất hiện muộn hơn, phải trải qua giai đoạn đấu tranh từ tự phát đến tự giác, vượt qua thời kỳ “đồng côpếc đầm lầy” đến với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản theo đúng những nguyên tắc về chính trị, tư tưởng, tổ chức của V.I.Lênin để trở thành một đảng mácxít kiểu mới,… đó là cả một quá trình lịch sử lâu dài, từ những năm 30 của thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.

Bìa cuốn “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ở Việt Nam, theo nhận định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ khi Pháp xâm lược, phong trào yêu nước của Việt Nam phát triển mạnh, nhưng “đó là một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương”, mà “không có một tổ chức nào như một đảng”. Đúng là trước khi Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu  năm 1925, ở Việt Nam chưa thật sự xuất hiện một tổ chức nào đáng gọi là một chính đảng theo đúng nghĩa của nó.

Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga, ở Việt Nam dấy lên phong trào Đông Du, tiếng là phong trào nhưng không có tổ chức(...). Khi Pháp – Nhật cấu kết với nhau trục xuất Phan Bội Châu và số học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật, thì phong trào cũng tan.

Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, Phan Bội Châu có lập ra Việt Nam Quang Phục hội (tháng 5-1912) với tôn chỉ “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa dân quốc”. Nhưng như Phan Bội Châu đã tự thừa nhận:  Hội “mới lọt lòng mẹ ra, mới thử một tiếng khóc thì đã  biết triệu chứng là khó sống lâu rồi”. 

Sau khi cụ Phan bị bắt vào ngục Quảng Đông, “hội viên bảy rơi, tám rụng, Quang Phục hội chỉ thành ra một bậc thần vị để tế ở trên bàn mà thôi”. Sau này, khi  thấy phong trào đã nghiêng về xu hướng cách mạng thế giới, Phan Bội Châu dự định cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng theo mẫu của Tôn Trung Sơn, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã bị bắt, đưa về Việt Nam.

Phan Chu Trinh đã viết: “Ngày nay, muốn độc lập, tự do, phải có đoàn thể,…” nhưng ông chỉ mới nói mà chưa làm. Còn Đảng Lập hiến (1923) thì như Nguyễn Ái Quốc nhận định “đó không phải là một đảng có tổ chức, mà đơn thuần, một vài nhà trí thức theo kiểu Pháp đặt tên đảng. Những thủ lĩnh của đảng này là những người theo quốc tịch Pháp”. Dù sao thì các đảng kiểu đó cũng không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, bởi nó thiếu một đường lối chính trị và tổ chức đúng đắn, chặt chẽ, lại không có cơ sở rộng rãi trong quần chúng, thường chỉ có danh không có thực, nên sớm muộn cũng đều tan rã và thất bại.

Nguyễn Ái Quốc, ngay từ khi về Quảng Châu mở các lớp huấn luyện chính trị, đã đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?” và Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.

Người chỉ ra tấm gương của cách mạng Nga: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc không những là người Việt Nam đầu tiên nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết phải có đảng lãnh đạo mà còn chỉ ra rằng, đảng đó phải là một đảng kiểu mới, tức là phải khác về chất so với các đảng, các hội chỉ tồn tại trên danh nghĩa trước đây. Sự khác biệt đó, như Người đã chỉ ra:

- Đó là Đảng phải biết lấy dân chúng công nông làm gốc, phải được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lênin.

- Đảng đó phải được tổ chức chặt chẽ, bền vững, thống nhất, đảng viên của Đảng phải bền gan, phải hy sinh.

- Đảng phải biết tổ chức, vận động dân chúng trong nước làm cách mạng đồng thời biết liên lạc, đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đầu năm 1930 chính là được xây dựng trên những nguyên tắc chỉ nam đó.

Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đã sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử và vai trò cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

(...) Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây sau Phan Chu Trinh 2 tháng, nhưng không phải trong vai thân sĩ mà trong tư cách người công nhân lao động, từng bước tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đầu tiên gia nhập Công đoàn Lao động Hải ngoại ở Anh, rồi đến với phái tả của cách mạng Pháp, sớm trở thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa, chiến đấu cho lợi ích của giai cấp công nhân và những người lao động.

Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu và viết nhiều bài nghiên cứu về phong trào công nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… từng bước nhận thức về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới. Cuối năm 1922, được tin 600 thợ nhuộm Chợ Lớn quyết định bãi công, Nguyễn Ái Quốc coi đó là dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam “giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình”… 

Theo Người, “những công nhân bản xứ khốn khổ kia, thường là rất ngoan ngoãn, dễ sai, dễ bảo, không được giáo dục và tổ chức, đã đi đến chỗ phải tập hợp nhau lại…” thì chúng ta phải “ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại”, và nhiệm vụ của những người lao động ở chính quốc “không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức”.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra đời là để gánh vác nhiệm vụ của lịch sử đó: giáo dục cho giai cấp công nhân về ý thức và phương pháp tổ chức, đúng như điểm 1 của Sách lược vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”.

Đến đây, giai cấp công nhân Việt Nam, thông qua lãnh tụ và Đảng của mình, đã có sự chuyển biến từ tự phát đến tự giác, ngày càng được tôi luyện và trưởng thành qua đấu tranh: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”.

Thứ ba, kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước như là quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là một cống hiến lịch sử của Nguyễn Ái Quốc.

V.I.Lênin đã nói, ở các nước tư bản phát triển, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân.

Còn ở Việt Nam, trong điều kiện một nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến, công nghiệp chưa phát triển, vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam tuy đã ra đời, nhưng còn rất nhỏ bé (theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc, vào khoảng 2% dân số), làm thế nào để xây dựng được một chính đảng thực sự là đảng của giai cấp công nhân?

Bằng kinh nghiệm đã qua của bản thân mình: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi tới một sáng tạo lớn: đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để từng bước đi tới chuẩn bị thành lập một Đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 (chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh).

Sau khi Quốc tế III được thành lập, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ nhất các dân tộc phương Đông họp tại Ba Cu (tháng 9-1920), các Đảng Cộng sản Inđônêxia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… lần lượt được thành lập. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không vội vã bởi Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của cách mạng thế giới và những chuyển biến mới trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Các cuộc vận động cứu nước từ cuối thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này tuy liên tiếp bị đàn áp nhưng tinh thần yêu nước của dân ta lúc nào cũng sôi nổi. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào có xu hướng ngả về cách mạng thế giới. Sau tiếng bom của Phạm Hồng Thái, thanh niên trong nước lại nô nức tìm đường đến Quảng Châu. 

Nguyễn Ái Quốc đã có mặt đúng thời điểm này để kịp thời tập hợp những thanh niên yêu  nước, giàu nhiệt huyết, có chí khí cách mạng, nhưng đang thiếu người hướng đạo, đưa họ vào một tổ chức quá độ là “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn, chuẩn bị những hạt giống cho sự ra đời của “một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”.

Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận Mác – Lênin, về lịch sử phong trào cách mạng thế giới, về đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam… rồi đưa họ về nước, đi vào phong trào công nhân, thực hiện “vô sản hóa” về tư tưởng và nếp sống, vừa tự rèn luyện trong thực tế, vừa tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện được sứ mệnh là người gieo những hạt giống của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất của chủ nghĩa yêu nước đã được chuẩn bị sẵn.

Việc chỉ trong một thời gian ngắn từ giữa năm 1929, đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản, dù họ có tranh luận, chỉ trích nhau gay gắt nhưng với sự xuất hiện kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, họ đã thống nhất lại thành một đảng duy nhất. Điều đó chứng tỏ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hiện tượng đã chín muồi và hợp quy luật mà bộ phận ưu tú do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu chỉ làm nhiệm vụ thúc đẩy cho nó mau tới mà thôi. 

Mặt khác, việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến việc thành lập Đảng ta là một cống hiến lịch sử, một sáng tạo độc đáo, có giá trị đóng góp vào lý luận xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân ở những nước thuộc địa và phụ thuộc có hoàn cảnh tương tự như nước ta.

Thứ tư, ngay từ đầu vừa thành lập, Nguyễn Ái Quốc đã dày công xây dựng, giáo dục Đảng ta thành một Đảng Mác – Lênin trong sạch, cách mạng triệt để.

Để xứng đáng là một Đảng Mác Lênin, đội tiên phong của giai cấp vô sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Đảng phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, đó chính là thực chất của vấn đề giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đối với những Đảng ở những nước chậm phát triển, giai cấp công nhân còn nhỏ bé thì đa số đảng viên xuất thân từ  những thành phần xã hội ngoài công nhân, đó là điều dễ hiểu. Nhưng yếu tố quyết định bản chất giai cấp công nhân của Đảng là hệ tư tưởng, là chủ nghĩa Mác – Lênin.

Ngay từ những bài giảng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy”. Và Người nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Do ý thức được nguồn gốc xuất thân của đảng viên ta khác nhau nên Người luôn luôn coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, nâng cao giác ngộ giai cấp cho họ, đưa họ từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp nhuần nhuyễn dân tộc với giai cấp.

Ngoài việc nhấn mạnh phải “học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức”, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trên trang đầu cuốn “Đường Kách Mệnh”, Người đã chỉ ra một trong những “tư cách của người cách mệnh” là “cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất…”. 

Trên báo Thanh niên số 61 ra ngày 18-9-1926, Người nêu ra 12 điều mà một “người cách mạng kiểu mẫu” phải tu dưỡng, trong đó có  điều phải “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ, hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”. Người nói điều này ngay từ buổi cách mạng còn trứng nước, đến nay ta càng cảm thấy tính sâu sắc, tính nhạy bén trong tư duy cách mạng của Người. 

Cách mạng là sự nghiệp lâu dài: chống đế quốc để giành lại độc lập cho dân tộc; chống nghèo nàn lạc hậu để đem lại cơm no, áo ấm, phẩm giá cho con người. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó, Người nhắc nhở mỗi chiến sĩ cách mạng phải giữ sao cho “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”(...).

PGS. Song Thành
.
.