Những kịch bản đón chờ ông chủ WikiLeaks
- Vì sao ông chủ WikiLeaks bị bắt?
- Ecuador bị tấn công mạng 40 triệu lần/ngày sau khi trùm WikiLeaks bị bắt
Assange đang đối mặt với nguy cơ ngồi tù tại Anh, Thụy Điển và Mỹ, trong khi cuộc tranh cãi xung quanh việc bắt giữ ông này vẫn tiếp diễn.
Những kịch bản "dẫn độ"
Trước khi hủy quy chế tị nạn và bàn giao Assange cho cảnh sát Anh, chính quyền Ecuador đã từng thử một số giải pháp để đưa Assange rời khỏi đại sứ quán, đến một nơi an toàn khác, như Moscow chẳng hạn. Tháng 9-2018, tờ The Guardian của Anh đưa tin Ecuador từng phối hợp với giới tin tặc Nga và người ủng hộ Assange thực hiện kế hoạch đưa Assange đến Moscow lánh nạn một cách an toàn.
Ngoài ra, kế hoạch cũng xem xét khả năng đưa Assange sang Ecuador bằng tàu thủy nếu không thể đến được Moscow.
Theo kế hoạch, Assange dự kiến được đưa khỏi đại sứ quán vào đêm Giáng sinh 2017. Để thực hiện kế hoạch này, Ecuador đã quyết định bổ nhiệm Assange làm "cố vấn ngoại giao tại Moscow". Tuy nhiên, do trục trặc về pháp lý với nước Anh, Assange có thể bị bắt nếu rời khỏi đại sứ quán, kế hoạch đã không thể thực hiện.
Julian Assange khi bị bắt đưa về Sở cảnh sát London. |
Sau kế hoạch bất thành trên, tháng 1-2018, Chính phủ Ecuador tiếp tục thử một giải pháp khác: cấp cho Assange quốc tịch Ecuador nhằm bảo lãnh người này sang Ecuador một cách hợp pháp. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hiệu quả, bởi ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố kiên quyết bắt giữ Assange dù là quốc tịch nào.
Chưa hết, Ecuador cũng đặt hy vọng vào Bộ trưởng Ngoại giao Maria Fernanda Espinosa khi đó đang tranh cử chức Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), nếu thắng cử có thể trao cho Assange một chức vụ tại cơ quan LHQ, từ đó có thể dùng quyền miễn trừ ngoại giao của LHQ để đưa Assange đi khỏi đại sứ quán. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không thành do bà Espinosa đã bị ông Antonio Guterres đánh bại.
Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11-4 với lý do ông đã vi phạm quy định về tại ngoại có tiền chuộc trong khi chờ phán quyết của tòa án Anh vào năm 2012. Ngay sau đó, giới quan sát đưa ra câu hỏi: Kịch bản nào cho tương lai của Assange sau khi bị cảnh sát Anh bắt giữ?
Trước mắt, Assange sẽ phải ra hầu tòa tại Anh để nghe xét xử tội bỏ trốn khi đang tại ngoại có đóng tiền chuộc. Nếu bị buộc tội, ông ta có thể sẽ phải ngồi tù đến 12 tháng. Ngay sau khi Assange bị bắt, Thủ tướng Anh Theresa May đã nói rằng việc Assange bị bắt cho thấy "không ai đứng trên luật pháp". Và một điều khó tránh khỏi là Assange sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển. Quốc gia Bắc Âu này từng mở cuộc điều tra Assange với cáo buộc xâm hại tình dục vào năm 2010.
Đến tháng 5-2017, Viện Công tố nước này đã phải dừng cuộc điều tra, tạm đình chỉ vụ án do không thể dẫn độ Assange sang Thụy Điển để xét xử. Tuy bị bất ngờ trước vụ bắt giữ Assange tại Anh nhưng công tố viên Thụy Điển Ingrid Isgren cũng tỏ ra vui mừng xem như "tin vui trong ngày".
Ngay ngày hôm đó, Viện Công tố Thụy Điển đã thông báo việc mở lại cuộc điều tra vụ án xâm hại tình dục đối với Assange, theo yêu cầu từ luật sư của nguyên đơn. Phó Công tố Eva-Marie Persson được giao phụ trách vụ án và hiện đang xem xét lại vụ án. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Persson xác nhận cuộc điều tra chưa được mở lại nhưng Viện Công tố Thụy Điển khẳng định việc đó trước sau gì cũng phải đến, do hiện nay Assange có nhiều khả năng được dẫn độ sang Thụy Điển.
Tin tặc toàn cầu đã "dội bom" hệ thống máy tính Ecuador sau khi Assange bị bắt. |
Nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ từng là lý do quan trọng nhất khiến Assange phải tìm mọi cách chống lại việc bắt giữ và dẫn độ sang Thụy Điển, bởi ông cho rằng cáo buộc của Thụy Điển chẳng qua chỉ là cái cớ để bắt giữ và dẫn độ ông, một khi Mỹ yêu cầu thì Thụy Điển sẽ cho dẫn độ ngay. Có vẻ như việc bắt giữ và dẫn độ Assange đã được tính trước. Chả thế mà vào tháng 11-2018, các công tố viên Anh đã "nhầm lẫn" khi tiết lộ rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã bí mật hoàn thiện hồ sơ cáo trạng hình sự đối với Assange.
Việc "vô tình" tiết lộ cáo trạng bí mật ngay vào thời điểm cuối cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller làm phát sinh những lời đồn đoán rằng nó có liên quan đến vai trò của WikiLeaks trong việc phát tán các thư điện tử lấy trộm từ hệ thống máy chủ thư điện tử của đảng Dân chủ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Và dư luận hiện tại cũng đang đồn đoán rằng việc bắt giữ Assange vào lúc này sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề chưa có lời đáp trong nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Xung quanh việc dẫn độ Assange, Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn dù không chống lại việc bắt giữ nhưng vẫn phản đối việc nước Anh cho dẫn độ ông ta sang Mỹ, bởi chứng lý người Mỹ đưa ra để buộc tội Assange là "thông đồng lấy cắp dữ liệu bí mật" mà thực chất chỉ là những hình ảnh, video về những vụ thảm sát dân thường Afghanistan của binh lính Mỹ do Chelsea Manning cung cấp cho WikiLeaks đăng tải năm 2010.
Tính pháp lý của điều này không cao và nó thể hiện cho việc tự do báo chí, nhân quyền bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trong khi đó, đất nước Australia của Assange dường như không có động thái gì để bênh vực ông. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho báo chí biết, Australia không phản đối việc dẫn độ Assange sang Mỹ mà "hết sức phản đối" việc Mỹ áp dụng án tử hình (dành cho Assange nếu bị xét xử).
Bà Payne cũng cho biết nước Anh đang vận động để nước Mỹ bảo đảm không áp dụng mức án tử hình với Assange (do những cáo buộc gián điệp, xâm phạm an ninh quốc gia).
Được biết, tội danh tấn công mạng máy tính ở Mỹ chỉ chịu mức án đến 5 năm. Vì vậy, nếu không bị quy kết những tội danh chính trị hoặc an ninh quốc gia, Assange có thể chỉ ngồi tù lâu nhất là 5 năm tại Mỹ, cộng với khoảng một năm tại Anh, vài năm tại Thụy Điển vì tội danh hiếp dâm. Tổng cộng khoảng trên 10 năm tù.
Tuy nhiên, David Allen Green, cây bút bình luận chính trị của tờ Financial Times cho rằng nếu Thụy Điển mở lại vụ án "xâm hại tình dục" và yêu cầu dẫn độ Assange để xét xử, thì khả năng dẫn độ Assange sang Mỹ sẽ thấp hơn.
Lý do, theo ông Green, là bởi nếu các công tố viên Mỹ muốn tiến hành các thủ tục pháp lý để dẫn độ Assange, thì đòi hỏi họ phải được sự chấp thuận của các tòa án ở cả Anh và Thụy Điển, đồng thời họ cũng sẽ vấp phải kháng nghị từ các luật sư của Assange gửi lên Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Cho dù Thụy Điển không mở lại vụ án và không đòi dẫn độ, thì khả năng dẫn độ trực tiếp Assange sang Mỹ cũng có thể bị các luật sư của Assange ngăn cản thành công do Điều 4 của Hiệp định Dẫn độ giữa Anh và Mỹ ký năm 2003 quy định rằng "việc dẫn độ sẽ không được phép nếu tội danh dẫn đến dẫn độ là một tội chính trị".
Ngoài ra, trong những lá thư trao đổi với Tổng thống Ecuador Moreno từ tháng 3 đến tháng 8-2018, Ngoại trưởng Anh khi đó là Boris Johnson đã bảo đảm rằng Assange "sẽ không được dẫn độ đến một đất nước nơi anh ta có thể bị kết án tử hình". Ngày 3-4-2019, Đại sứ quán Anh tại Quito tiếp tục bảo đảm Ecuador rằng Assange sẽ không phải chịu "sự trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm".
Tranh cãi vì Assange
Xem ra kịch bản ngồi tù như trên đối với Assange là quá mức chịu đựng. Tự cho mình là "nhân vật đặc biệt" trong cuộc chiến vì quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Assange đã quen với việc được giới tin tặc và những người ủng hộ tự do ngôn luận, báo chí tung hô như "thần thánh", từ đó khiến ông ta nghĩ rằng mình phải được đối đãi như thượng khách, chu cấp như "vua".
Nữ Nghị sĩ Ana Miranda của Tây Ban Nha giơ cao khẩu hiệu ủng hộ Julian Assange. |
Thế nên, một khi những đòi hỏi quá đáng ấy không được đáp ứng, ông ta đã trở nên khó chịu, hằn học với mọi người, và từng gây cho nước chủ nhà Ecuador nhiều phiền toái, nhất là việc tiếp khách và sinh hoạt hàng ngày của ông ta.
Trên báo chí hôm 18-4, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tiếp tục có những lời công kích Assange, rằng Assange đã chiếm đến 1/3 không gian Đại sứ quán, lại còn có những hành vi khiếm nhã với nhân viên và dùng phân bôi bẩn lên tường Đại sứ quán. Moreno kết luận rằng Assange thay vì biết ơn Ecuador đã chứa chấp và chăm sóc mấy năm qua, ngược lại dùng cách đối xử "lấy oán báo ơn". Chính cách xử sự đó là "giọt nước tràn ly" khiến Assange bị tước mất quy chế tị nạn và bị bắt.
Cho dù vì lý do gì, việc để cho cảnh sát Anh bắt Assange tại Đại sứ quán đã khiến Ecuador hứng chịu những đòn công kích mạnh mẽ từ giới tin tặc, những người ủng hộ Assange và thành phần cổ xúy tự do báo chí. Thứ trưởng Bộ Viễn thông Ecuador Patricio Real xác nhận hôm 16-4 rằng vụ bắt giữ Assange đã châm ngòi cho sự gia tăng đột biến các vụ tấn công mạng nhắm vào Ecuador.
Cụ thể, ông Real cho biết Ecuador đã phải đón nhận hơn 40 triệu lượt tấn công mạng mỗi ngày kể từ ngày 11-4, ngày Assange bị bắt. Các mục tiêu tấn công bao gồm Tổng thống Moreno, Ngân hàng Trung ương, Bộ Ngoại giao,… Chưa có báo cáo thiệt hại về dữ liệu trong các vụ tấn công này, nhưng nó đã cho thấy sự giận dữ của giới tin tặc toàn cầu dành cho Ecuador khi giao tin tặc đầu đàn Assange cho cảnh sát Anh.
Ngay sau khi Assange bị bắt, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa dù biết trước Tổng thống Moreno sẽ làm điều này, nhưng cũng phải lên tiếng chỉ trích ông Moreno, gọi ông là "kẻ phản bội lớn nhất lịch sử Mỹ Latinh".
Cựu điệp viên Edward Snowden, từng gây chấn động khi tiết lộ hồ sơ tình báo mật về NSA, cho rằng việc bắt giữ Assange là thời khắc đen tối nhất đối với tự do báo chí. Nó tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho việc các chính phủ tước mất quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của mọi người.
Một số nhóm, tổ chức cổ vũ tự do báo chí, như Ủy ban Bảo vệ nhà báo lên tiếng bày tỏ quan ngại việc bắt giữ Assange và việc chính quyền Mỹ lập hồ sơ cáo trạng để dẫn độ ông sang Mỹ xét xử tội thông đồng với Chelsea Manning lấy cắp dữ liệu mật sẽ tạo ra những tác động nguy hiểm đối với tự do báo chí bởi nó có thể được lợi dụng để xây dựng các cáo buộc "thông đồng tội phạm" giữa chủ bút các tờ báo với nguồn tin mà các tờ báo có trách nhiệm bảo vệ khi đưa tin tức nhạy cảm.
Tổ chức Nhà báo Không biên giới (RSF) cũng bày tỏ phản ứng tương tự, tuyên bố việc ngược đãi, hay bắt bớ, những người cung cấp hay xuất bản thông tin được công chúng quan tâm khiến cho báo chí điều tra lâm vào tình thế khó khăn.
Đồng quan điểm này, Liên minh các nhà báo Quốc gia (NUJ) của Anh cũng cho rằng việc bắt giữ và xét xử Assange chỉ vì tiết lộ, đăng tải những thông tin liên quan đến những bí mật đen tối cần che giấu của quân đội Mỹ khiến cho thế giới này trở nên bất an hơn.