Những nước cờ chiến lược của Stalin trước thế chiến II

Chủ Nhật, 26/06/2011, 18:55

"Ngày mai đã là Chiến tranh" - tên bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Xôviết kể về buổi sáng ngày 22/6/1941, ngày Chủ nhật hạ chí đẹp nhất trong năm, khi học sinh vừa kết thúc năm học và các sĩ quan kết thúc đợt tập huấn. Song, chính ngày hôm ấy Hitler ra lệnh mở màn cuộc tấn công Liên Xô. Đó là cuộc chiến gần 1.500 ngày đêm ác liệt mà kết cục của nó đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới với sự ra đời của phe XHCN và phong trào giải phóng dân tộc.

Mưu đồ của Hitler

Sau khi lên nắm quyền, Hitler nuôi mộng thực hiện chủ nghĩa "Đại Đức". Trước mắt Hitler là hai chướng ngại lớn, đó là Liên Xô và khối các nước châu Âu do Anh và Pháp đứng đầu. Nếu tấn công Liên Xô ngay thì các nước châu Âu nhỏ bé sẽ lo sợ, có thể sẽ quay sang liên minh với nhau để ủng hộ Liên Xô. Vì vậy Hitler đã thực thi một chiến lược khôn khéo. Đó là vừa xúc tiến các cuộc đàm phán, "ve vãn" Liên Xô, vừa lần lượt đánh chiếm toàn bộ châu Âu nhằm ra đòn quyết định cuối cùng đánh chiếm Liên bang Xôviết.

Khi đó cuộc đàm phán giữa Liên Xô với phái đoàn Anh-Pháp không thành, trong khi Mỹ vẫn giữ chiến thuật "quan sát chờ các đối thủ đánh nhau" mà không trực tiếp tham chiến. Do đó ngày 20/8/1939, Hitler quyết định gửi cho Stalin một bức thư, đề nghị Liên Xô đón Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ritbentrob đến Moskva để đàm phán và ký hiệp ước không tấn công lẫn nhau.

Được Stalin đồng ý, ngày 23/8 Ritbentrob đã đến Moskva và có cuộc gặp 3 tiếng đồng hồ với Stalin cùng Molotov. Ngày 27/9, Hitler đi thêm một nước cờ nữa khi cử Ritbentrob lại bay đến Moskva để ký bản hiệp ước mới về quan hệ hữu nghị và đường biên giới giữa Đức và Liên Xô với  ý đồ chiến lược đánh lạc hướng Stalin đồng thời tạo sự yên ổn hậu phương để tấn công Anh và Pháp.

Ngày 22/6/1940, sau khi thôn tính Pháp và hầu như toàn bộ châu Âu trong vòng 44 ngày, Hitler giao cho bộ tham mưu của mình chuẩn bị kế hoạch tấn công Liên Xô. Nhằm bảo đảm bí mật và có phương án lựa chọn, kế hoạch tấn công được Hitler giao cho hai nhóm cùng soạn thảo. Đó là nhóm của tướng Jold, Cục trưởng Cục Tác chiến và nhóm của tướng Ph.Hander, để cuối cùng chọn một phương án.

Kế hoạch tấn công Liên Xô được Hitler đặt mật danh là "Barbarosa" theo tên vị Hoàng đế Phridric Barbaros - thần tượng của Hitler. Đây là kế hoạch được Hitler dành nhiều tâm trí nhất trong cuộc đời chính trị của mình. Mục tiêu của kế hoạch này là tấn công chiếm Moskva trong thời gian… 6 đến 9 tuần! Ngày 18/12/1940, Hitler đặt bút ký phê duyệt toàn bộ kế hoạch “Barbarosa”.

Để thực hiện kế hoạch, Hitler trập trung ở biên giới tới 190 sư đoàn, với tổng quân số 5,5 triệu quân và 4.300 xe tăng cùng 4.980 máy bay quân sự các loại. Hitler tập trung binh lực quyết tâm giải quyết nhanh, thậm chí còn chở  sẵn đá đỏ vùng Bavaria để sau khi tiến vào Moskva sẽ đúc tượng Hitler ở trung tâm Quảng trường Đỏ.

Nước cờ của Stalin

Stalin đã nhìn thấu ý đồ của Hitler và đi trước một bước. Ngay tại buổi gặp Ritbentrob, ông đã yêu cầu ngay lập tức ký bản "phụ ước mật". Sự tồn tại bản phụ ước này đến tận bây giờ vẫn là tình tiết gây nhiều tranh cãi. Nội dung chính gây tranh cãi sau  này chính là thỏa thuận về vùng lãnh thổ thuộc khu vực ảnh hưởng của Nga ở Bantich và tây Belarus cùng một phần Ba Lan. Bản Phụ ước này có hai bản gốc. Bản của Đức đã bị phía Mỹ tìm thấy và đem về London vào tháng 5/1945, mặc dù ngày 23/5/1946, lần đầu tiên nội dung bản phụ ước đã được công bố trên tờ Sant Luis Post Express. Song theo quy định của luật pháp Anh, loại văn bản tối mật như vậy chỉ được công bố sau 80 năm, có nghĩa là đến tận năm 2017. Phía Mỹ thì không biết đến bao giờ mới công bố, còn phía Liên Xô thì đến tận bây giờ vẫn chưa biết bản gốc này nằm ở đâu.

Theo Pablov, phiên dịch riêng của Stalin thì chính lãnh tụ Xôviết này đã yêu cầu phải ký một phụ ước và dự định không bao giờ công bố. Đây là tính toán chiến lược của Stalin vì ông hiểu rằng Hitler đang rất cần ổn định hậu phương trước khi tấn công châu Âu nên sẽ ký bằng mọi giá. Việc ký thỏa ước mới cùng bản "phụ ước mật" sẽ giúp Stalin  đẩy lùi biên giới về phía tây và tạo cho Liên Xô thêm hơn 2 năm để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh, đồng thời tước của Đức vùng đất bàn đạp chiến lược ở vùng Bantích.

Xây dựng trận địa phòng thủ tại Leningrad năm 1941.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18/11/1940, sau khi nghe Molotov báo cáo về kết quả cuộc đàm phán với Hitler tại Berlin, Stalin đã nói: "Cần phải hiểu tính hai mặt và trò chơi chính trị của Hitler. Hitler là một kẻ tráo trở. Ông ta đã ký hiệp ước hòa bình với Ba Lan, Áo, Tiệp, Bỉ và Hà Lan nhưng đã ngay lập tức xé bỏ chúng. Chắc chắn chúng ta không thể coi hiệp ước này là cơ sở an ninh của chúng ta…".

Cuối tháng 12/1940, Stalin chủ trì một hội nghị quân sự quan trọng. Trong hội nghị  này, Stalin đã đưa ra một quyết định rất quan trọng mà sau này lịch sử chứng minh đó là một quyết định vô cùng sáng suốt. Đó là việc ông quyết định chuyển Đại tướng Merescov ra khỏi cương vị Tổng tham mưu trưởng và bổ nhiệm Giucov vào vị trí đó, đồng thời ông đã cho triển khai ký với Nhật Bản hiệp ước không tấn công lẫn nhau ngày 12/4/1941. Đến tháng 5/1941 thì Stalin hiểu rằng không thể đẩy lùi thời điểm bắt đầu chiến tranh hơn được nữa.

Tại kỳ họp Trung ương thời điểm đó, ông đã yêu cầu cả nước sẵn sàng chuẩn bị cao nhất cho chiến tranh. Tuy nhiên, bước chuyển này quá muộn. Với thời gian hơn một tháng không đủ để chuyển động  cả bộ máy quốc gia khổng lồ và tâm thức của cả một dân tộc. Hơn nữa, khi đó Đức sử dụng toàn bộ nền công nghiệp châu Âu cho mục đích của mình thì Liên Xô mới chỉ qua 2 kế hoạch 5 năm để công nghiệp hóa...

Stalin làm gì trong ngày đầu chiến tranh?

Chiều 21/6/1941, Nguyên soái Timosenko, Bộ trưởng Quốc phòng và Đại tướng Giucov đến gặp Stalin báo cáo, có một tên lính Đức đào tẩu chạy sang phía Liên Xô thông báo rằng quân Đức đã tập trung ở biên giới để tấn công Liên Xô vào rạng sáng ngày hôm sau. Do trước đó đã có quá nhiều thông tin về thời điểm bắt đầu chiến tranh nên Stalin lúc đầu có phần chần chừ, cho rằng phải chăng đó là âm mưu khiêu khích của Hitler để tạo cớ tấn công. Nhưng Giucov cố thuyết phục Stalin rằng kẻ đào tẩu đã nói thật.

Stalin lập tức yêu cầu triệu tập họp Bộ Chính trị, sau đó giao cho Giucov và Vatutin dự thảo Quân lệnh số 1 gửi Hội đồng Quân sự các quân khu và hạm đội. Tuy nhiên, bản quân lệnh đó đã không được triển khai kịp thời đến mọi quân khu vì hệ thống thông tin liên lạc đã bị các toán đặc nhiệm Đức mặc quân phục Nga đột nhập sâu vào lãnh thổ Liên Xô phá hoại. Vì vậy nhiều đơn vị đã không chuyển cấp kịp thời và tổn thất trong những ngày đầu chiến tranh là rất lớn.

Lúc 3h30' sáng ngày 22/6/1941, Hitler tập trung đến 60% lực lượng không quân và  pháo binh tổng công kích trên toàn biên giới phía tây của Liên Xô. Sau đó, 5,5 triệu quân, 190 sư đoàn bộ binh và xe tăng ào ạt tràn qua biên giới Liên Xô và chỉ trong ngày đầu tiên đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô hàng trăm kilômét. Đại sứ Đức đã chính thức thông báo công hàm bắt đầu chiến tranh và đề nghị phía Liên Xô cho phép các nhân viên ngoại giao hai nước trở về thông qua đường Iran

Mặc dù đoán trước được ý đồ của Hitler và đã chạy đua với thời gian để nâng cao khả năng phòng thủ, nhưng sai lầm trong đánh giá  thời điểm cuộc tấn công bất ngờ của Hitler và thời gian quá ngắn không đủ để hiện đại hóa quân đội đã gây ra tổn thất to lớn cho Liên Xô. Một số đánh giá cố tình hạ thấp uy tín Stalin bằng cách cho rằng Stalin đã rất bối rối, suy nhược trong ngày đầu chiến tranh, thậm chí có người còn đưa ra giả thuyết là Stalin đã đi khỏi Moskva. Tuy nhiên,  trong cuốn "Đại nguyên soái Stalin"- Nhà xuất bản QĐND - đã cho thấy rõ vai trò của Stalin như thế nào.

Để phản bác ý kiến cho rằng Stalin bạc nhược, V.Karpov đã trích dẫn nhật ký của Đội bảo vệ Điện Kremlin, trong đó thống kê 7 ngày đầu chiến  tranh, Stalin đã chủ trì gần 200 cuộc họp quan trọng, trong đó hơn một nửa là các cuộc làm việc với các tướng lĩnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Không quân, Hải quân.. về kế hoạch tác chiến và các chủ trương lớn trong phòng thủ quốc gia. Lịch làm việc của Stalin trong ngày đầu cuộc chiến tranh bắt đầu lúc 4h sáng và kết thúc vào 3h sáng hôm sau. Thực tế lịch sử chứng minh rằng, Stalin sau sai lầm ban đầu của mình đã kiên định đứng vững cùng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tử thủ hay rút chạy?

Vào đầu tháng 10/1941, Hitler yêu cầu Nguyên soái Von Bock - Tư lệnh Tập đoàn quân trung tâm thúc đẩy mạnh mẽ Chiến dịch Taiphool tấn công Moskva. Trong lịch sử đã có 4 lần Moskva bị xâm chiếm. Lần gần nhất là năm 1812, sau trận Borodino lịch sử. Nguyên soái Kutuzov đã khuyên Nga hoàng Aleksandr I tạm thời bỏ Moskva và Napoleon đã chiếm Moskva trong 3 tháng trước khi phải rút chạy vì quá lạnh và không có lương thực.

Lần này quân Đức đã áp sát Moskva. Hitler tuyên bố sẽ san bằng Moskva và biến thành phố này thành một cái hồ, ở giữa dựng bức tượng của hắn! Nhưng Hitler không ngờ được sức kháng cự của Hồng quân. Thêm nữa, mùa đông năm 1941 lại đến rất sớm và rất lạnh. Stalin đã quyết định điều Nguyên soái Giukov về làm Tư lệnh Tập đoàn quân phía Tây, trực tiếp chỉ huy chiến dịch bảo vệ Moskva.

Ngày 15/10/1941, quân Đức chỉ cách Moskva 27km, thậm chí đơn vị tiên phong quân Đức báo cáo chỉ cách Moskva 5 dặm và dùng ống nhòm đã có thể nhìn thấy tháp điện Kremlin. Tình hình đã trở nên nguy cấp, Stalin hỏi Giucov: "Anh có tin là chúng ta giữ được Moskva không? Tôi hỏi anh điều này với nỗi đau lớn. Anh hãy nói một cách chân thành với tư cách đảng viên". Giucov hiểu rất rõ, ông gánh trách nhiệm lớn thế nào trước câu trả lời có hay không. Ông đã trả lời: "Nhất định chúng ta giữ được, nhưng chúng ta cần tăng cường ít nhất 2 quân đoàn và 200 xe tăng!". Stalin đồng ý và lập tức triệu tập cuộc họp Hội đồng Quốc phòng. Ông đã yêu cầu từng người trả lời câu hỏi: "Tử thủ hay rút chạy?".

Khi tất cả đều thể hiện sẵn sàng chiến đấu, Stalin đã ra lệnh cho Malenkov và Serbakov viết Bản nghị quyết của Hội đồng Quốc phòng về kế hoạch bảo vệ Moskva. Stalin đưa ra quyết định sáng suốt là điều quân dự bị từ Siberi về giải nguy cho Moskva đồng thời chuẩn bị sơ tán các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao ra khỏi Moskva. Và thi hài Lênin đã được bí mật di chuyển đến Kubisev.

Sau bài phát biểu chúc mừng lễ kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười dưới ga tàu điện ngầm Maiakovxki, Stalin dự kiến sáng ngày 7/11 sẽ là lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Tuy là rất mạo hiểm, nhưng đây sẽ là nguồn động viên tinh thần quân đội và nhân dân cả nước, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho các binh đoàn tham gia duyệt binh tiến thẳng ra mặt trận. Quả là một ý tưởng táo bạo nhưng thể hiện sự dũng cảm chính trị của Stalin. Buổi sáng ngày 7/11, trần mây thấp, dày đã che chở bầu trời Moskva. Tình báo và Không quân Đức bị bất ngờ nhưng không dám báo cáo Hitler.

Tại tổng hành dinh của mình, Hitler rất tình cờ mở radio, nghe thấy tiếng nhạc duyệt binh và tiếng ủng lính nện trên mặt đường. Lúc đầu Hitler tưởng là buổi diễu binh của quân Đức, nhưng khi nghe thấy các khẩu lệnh bằng tiếng Nga thì Hitler hiểu điều gì đang xảy ra. Hitler lập tức nhấc điện thoại mắng Tư lệnh Không quân là "đồ ngu" và cho phép 1 giờ để sửa lỗi. Ngay lập tức Không quân Đức cất cánh nhưng chúng không thể đến được Moskva. Nhiều chiếc đã bị bắn hạ.

Khi đó, Stalin đang đứng trên lễ đài Lăng Lênin nghe tin thời tiết đã mỉm cười: "Cả ông trời cũng che chở cho Đảng Bônsêvich!"

Sĩ Hưng
.
.